- Hội Khoa học Lịch sử vừa có kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT về thay đổi chương trình, SGK và các vấn đề liên quan tới môn học Lịch sử trong nhà trường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, một trong số ít người chuyên làm SGK từ những năm 1950 tới nay.
Hi vọng không chìm nghỉm!
GS Đinh Xuân Lâm. |
Chúng tôi đi vào kiến nghị rất cụ thể. Nếu xong thì tiến hành ngay, chứ không để vào tủ sách rồi quên lãng đi.
- Ở Mỹ, người ta tiến hành điều tra một nhóm HS với câu hỏi ai là người viết tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ - 60% không trả lời được. Theo thống kê, điểm trung bình kỳ thi đại học năm 2007 của môn Sử là 2,09, tuy thấp nhất nhưng những môn khác cũng trong tình trạng bí bét (môn Toán 3,64; môn Văn 3,64...). Theo phản biện của GS Toán học Văn Như Cương thì "vấn đề không thật sự “khủng khiếp” như người ta vẫn phàn nàn?
Kết quả thi ĐH chỉ là một chỉ số báo hiệu nhưng là chỉ số quan trọng. Không thể tưởng tượng có những kiến thức của HS đã tốt nghiệp THPT mà lại lẫn lộn như vậy. Nó thể hiện thực trạng giảng dạy ở trường phổ thông quả là có bi đát. Việc dạy sử dạy kém chứng tỏ thiếu hụt trong chương trình đào tạo thanh niên. Qua đó người ta đánh giá có thể là sự sa sút rất lớn về chất lượng ngành sử.
Nén xuống, nén xuống và nén xuống!
- Thưa ông, đến bây giờ tình trạng mới trầm trọng như vậy sao?
Trước kia khi chấm thi ĐH, chúng tôi chưa thấy có hiện tượng bi đát như mấy năm gần đây. Theo tôi, có một nguyên nhân khách quan là khi bắt nhịp với nền kinh tế thị trường, người ta chạy theo những môn học để kiếm nghề dễ dàng hơn.
Riêng tôi nhận thấy, thanh niên, HS của ta rất yêu mến lịch sử, vì lịch sử của mình oai hùng, oanh liệt. Vấn đề là truyền đạt đến họ một cách thích hợp.
Chúng tôi cho rằng, về mặt phương pháp truyền đạt, có tính chất áp đặt từ trên xuống dưới, nhồi nhét, thầy không phát huy sáng tạo trong truyền đạt, lệ thuộc vào sách. Bộ quy định phải dạy theo sách, thậm chí đến những câu hỏi hỏi HS trong sách cũng phải theo mẫu, nguyên văn câu hỏi trong sách giáo viên. Vì nặng, dồn dập nên thầy khó phát huy linh hoạt. HS tiếp nhận bị động, nén xuống, nén xuống và không thích nữa.
- Thưa GS, sách là do GS làm chủ biên và những cộng sự mà chủ biên hoặc tổng chủ biên chọn lựa để viết ra. Nếu nói áp đặt mà chỉ từ phía cách dạy của thầy cô thì...
Ở các nước, người ta có chương trình hoàn chỉnh, ổn định, có tính chất pháp lệnh. Ở ta, mãi đến năm 2005 mới ban hành chương trình. Chương trình này chắp vá, chưa đảm bảo tính khoa học nhưng người viết vẫn phải căn cứ vào đó để viết SGK. Trong quá trình viết sách, khi thấy bất cập, chúng tôi có kiến nghị. Thì họ bảo "thôi bây giờ ta vừa viết sách vừa sửa chương trình". Như vậy thì hơi ngược.
Khi xây dựng chương trình, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục tập hợp người làm, lực lượng ít, anh em cũng học đây đó, nhưng mỗi người mang một kinh nghiệm của mình ghép lại với nhau, chưa tranh thủ ý kiến rộng rãi.
Chương trình bây giờ nặng về nội dung chiến tranh, chưa có hoặc ít hoặc bỏ qua bối cảnh kinh tế, văn hoá xã hội. Giở sách, HS thấy đánh nhau là chính. Thực ra lịch sử chống ngoại xâm thì nói đánh nhau là đúng thôi, nhưng phải có nền tảng văn hóa xã hội lý giải cho thắng lợi của chiến tranh.
Cho nên, chúng tôi đề nghị rà soát lại chương trình.
Làm cho xong việc!
46 nữ anh hùng, danh nhân, nữ sĩ được giới thiệu qua 611 banner treo trên 10 con đường trung tâm TP.HCM... Ý tưởng học lịch sử trên đường phố vừa đưa vào thử nghiệm dịp 20/10/2006. Ảnh: Thu Hương
Chúng tôi thấy cách làm trong thời gian qua khá cập rập, vội vàng, đối phó, nhiều khi chưa bảo đảm các khâu cần thiết về chất lượng, cán bộ tham gia ai cũng bận. Ngay như chúng tôi viết sách là làm thêm ngoài công việc ở ĐH.
- Ông đã từng làm SGK khi còn là thầy giáo kháng chiến những năm 1950. Nhiều lần cải cách giáo dục, thay chương trình, ông cũng tham gia viết sách. Ông thấy có khác biệt gì giữa các lần cải cách đó?
Thời kháng chiến không có những điều kiện thuận lợi như bây giờ, nhưng tinh thần làm là tranh thủ. Bây giờ, dễ có xu hướng kéo dài vì thiếu đôn đốc kiểm tra và kế hoạch cụ thể. Bởi vậy, trong đề xuất của Hội lần này, chúng tôi yêu cầu Bộ phân công cụ thể, giao đơn vị chịu trách nhiệm, tự lựa chọn người, giới thiệu người có khả năng.
- Thưa GS, chẳng nhẽ chưa bao giờ Bộ làm việc phân công phân nhiệm?
Bây giờ vẫn chưa bảo đảm lựa chọn chặt chẽ đâu, mà là dựa trên quan hệ làm việc. Đặc biệt nguy hiểm là tư tưởng kiểu "thành phần cho đủ mâm bát" cả 3 miền. Thực tế là khi làm, những người này khó liên hệ với nhau. Cũng có cách để tập trung các tác giả ngồi lại như tổ chức trại viết, thế nhưng cách này phần nhiều là hình thức.
Trong kháng chiến, người viết dành hẳn 3 tháng hè chỉ để ngồi trại tập trung viết, trao đổi lẫn nhau.
Bây giờ, có loại hình trại ngắn hạn, tổ chức trong 1 tuần. Chúng tôi cũng có dự, năm thì ở Bãi Cháy, năm ở Đồ Sơn. Những đợt đi trại ngắn hạn này có tính chất tổng kết công tác không phải đánh giá chuyên môn, tính hình thức nhiều, lãng phí thời gian, bản thân người tham dự cũng làm cho xong việc, chứ không phải tự giác cho tốt, tất nhiên được bồi dưỡng ít nhiều.
Nói chung tổ chức chưa quy củ chưa tốt. Cách chỉ đạo kiểm tra chưa sát. Anh phải kiểm tra chứ tin tưởng hoàn toàn sao được.
- Chương trình chưa ổn định mà vẫn nhận viết sách. Làm chủ biên nhiều sách mà vẫn thấy là bị khó, bó buộc chưa vừa ý. Xin hỏi vậy GS nhận viết có phải vì công việc làm SGK là siêu lợi nhuận?
Nói "siêu lợi nhuận" thì phải điều tra cụ thể, nhưng chúng tôi thấy là Nhà nước vay tiền nước ngoài cho việc làm SGK với số tiền lớn mà tiến hành biên soạn chưa có kế hoạch cụ thể là chưa ổn. Còn đãi ngộ cho người viết ít lắm. Viết SGK thì tiền tác quyền mỗi người được 2 triệu. Sau này, sách in hằng năm, mỗi lần in được tiền, chúng tôi nói đùa là tiền tiết kiệm, mỗi năm được 700 - 800 ngàn.
Chấm dứt kiểu bồi dưỡng "đi biển mùa hè nghe báo cáo"
- Thưa GS, nếu chiểu theo đề xuất của Hội là rà soát lại chương trình, viết lại SGK nghĩa là những "báo động đỏ" sẽ được giải quyết?
Một trong những đề xuất của chúng tôi là rà soát lại chương trình đào tạo giáo viên môn Lịch sử, đặc biệt tăng cường phần nghiên cứu khoa học.
Đối với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ phải có cách bồi dưỡng thực chất. Phải có chương trình mở rộng kiến thức ra chứ không phải bồi dưỡng kiểu giáo viên nắm chắc sách. Cần cho thầy giáo đi vào con đường nghiên cứu, có lớp bồi dưỡng ngắn hạn vài ba tháng.
Chương trình bồi dưỡng này cần được xây dựng bài bản. Chứ không phải mang tính chất đối phó, cái kiểu mùa hè đi biển nghe báo cáo. Tôi đã từng đi báo cáo về sách lớp 10, dăm ba buổi họ ngồi nghe, rồi thiết thực gì mấy đâu.
- Thưa ông, giáo viên phổ thông phải nghiên cứu khoa học nữa, thế thì gánh trên vai họ nặng quá. Trên lớp giáo viên giảng dạy thế nào về bảo tồn lịch sử khi mà ngoài thực tế, biểu tượng lịch sử như cây đa Tân Trào đang có nguy cơ chết vì không kịp có những biện pháp cứu chữa kịp thời?
Một trong những phương pháp dạy sử để HS thích là không tách khỏi thực tiễn xã hội. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng gắn bó với nhau ngay nhưng giảng dạy không tách rời ra ngoài. Có phần liên hệ nhưng không nằm trong sách mà do trình độ và ý thức.
Mỗi năm, trong nghiên cứu lịch sử cũng có tiến bộ. Biết bao kết quả khảo cổ học, vấn đề Thục An Dương Vương, Cổ Loa hay đánh giá các nhân vật lịch sử triều Nguyễn, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt... bên ngoài nghiên cứu khoa học có phát triển nhưng mình chưa đưa vào sách được.
- HS bị áp đặt bởi giáo viên. Giáo viên bị động theo chỉ đạo của Bộ, của sách hướng dẫn. Người viết sách thì bị buộc phải theo chương trình. Vậy là cái chu trình áp đặt này không thể không dẫn tới kết quả tất yếu...
Vừa rồi phóng viên đài BBC khi phỏng vấn về hiện tượng "những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát" có hỏi tôi là viết sử phía Bắc là làm chính trị hay khoa học, tôi trả lời là "chưa bị áp lực gì cả". Trong quá trình viết sách cũng như biên khảo, đều có tập thể góp ý điều chỉnh, cái nào hợp lý thì chấp nhận.
Chính trị hay khoa học thì chúng tôi cũng có trao đổi. Gần đây, trong cuộc họp cộng tác viên báo Lịch sử quân sự chúng tôi cũng có trao đổi, việc nghiên cứu phải đi tới mục đích cuối cùng là tái hiện lịch sử chân chính, đó mới là cái lâu dài. Đến lúc anh công bố phải căn cứ vào yêu cầu lúc bây giờ.
- Cảm ơn ông!
- Hạ Anh (thực hiện)
**********************
Ho ten: Nguyễn Văn Hoàng
Dia chi: Hà Nội
Email: hoangnv78@gmail.com
Noi dung: Thực sự tôi thấy báo chí và các phương tiên truyền thông khác mất nhiều giấy mực thời gian để nói về vấn đề môn học lịch sử trong nhà trường hiện nay, nhưng tôi không hiểu lắm về các vấn đề mà các phương tiện này và thậm chí cả các nhà sử học đang bàn luận.
Đây là vấn đề biên soạn sách lịch sử, hay đây là vấn đề về cách giảng dạy lịch sử, hay là vấn đề tiếp thu kiến thức lịch sử của học sinh, hay chỉ là vấn đề điểm thi, điểm học môn lịch sử của học sinh ngày nay rất kém.
Có lẽ là tất cả các vấn đề trên, nhưng trên thực tế thì tất cả các bên trong các cuộc bàn luận trên đều chỉ mong có được kết quả tốt hơn trong các kỳ thi môn lịch sử này thôi. Từ đó họ đã đưa ra rất nhiều các nguyên nhân. Nhưng theo các thống kê thì đến thời điểm hiện tại thì kết quả học tập của học sinh môn lịch sử mới ở mức báo động.
Vậy trước đó thì sao? Có ai phải biên tập lại sách lịch sử, có ai phải thay đổi cách giảng dạy học tập môn lịch sử, có ai phải chỉnh sửa lại lịch sử đâu mà trước đây học sinh học lịch sử lại có kết quả mà không nói là tốt nhưng đủ để người ta so sánh và nhận ra kết quả học lịch sử của học sinh bây giờ đang kém đi.
Còn nữa, điều kiện sách vở, tư liệu, phương tiện hỗ trợ học tập ngày trước so với bây giờ là thế nào? Trước đây có ai không mua được sách lịch sử thì lên mạng, vào Internet để tìm tài liệu lịch sử không? Có ai không có tư liệu làm giáo trình mà phải tìm cách vào mạng để tìm tài liệu lịch sử không? Những điều kiện như vậy lấy đâu ra vào thời điểm Việt nam vừa mới xoá bỏ bao cấp, thực hiện mở cửa.
Còn vấn đề điểm của học sinh học môn Lịch sử kém, theo tôi không hề liên quan đến việc thay đổi giáo trình và tài liệu bổ trợ môn lịch sử có chăng là phải xem lại những "người lái đò" ở môn này.
Người giáo viên phải ý thức được vai trò của mình trong những tiết giảng bài về môn lịch sử thay vì làm việc hời hợt trong tiết giảng chính để tập trung sức lực cho những tiết ngoại khoá, ngoài giờ, dạy thêm học thêm, để có thêm thu nhập. Còn một vấn đề nữa đó là phải nghiêm túc xem xét lại thực trạng và trình độ của giáo viên Lịch sử.
Một giáo viên lịch sử không thể chỉ là người nắm sơ sơ đề cương để lên lớp, đứng lớp giới thiệu cho đủ các đề mục của một bài giảng, một tiết học để không bị sót một đề mục nào của bài học.
Như thế chưa đủ, mà theo tôi, có lẽ đây chính là nguyên nhân chính, các giáo viên dạy sử chỉ biết sơ qua về lịch sử, khi thực hiện các tiết giảng dạy, không đủ kiến thức để truyền đạt cho học sinh, thao thao bất tuyệt bằng những thông tin một chiều, đến lúc hết bài, tổng kết bài thì bị học sinh chỉ hỏi vặn lại theo chiều ngược lại thì lúng túng vì thực tế để thực hiện bài giảng lịch sử như vậy người giáo viên đó đã từng nghiên cứu sâu về bài giảng đó chưa, độ sâu của vấn đề ở đây là việc nắm bắt thông tin về sự kiện.
Cuối cùng tôi cũng chỉ muốn các cơ quan có thẩm quyền hãy rà soát lại tất cả các cuộc tranh luận về môn lịch sử và tự mình đưa ra những kết luận chỉnh sửa, điều chỉnh, đừng để có những quyết định vội vàng để rồi có những đề án gây tổn thất nghiêm trọng cho đất nước mà không giải quyết được vấn đề.