- Học sinh không giống như các bộ máy được sản xuất hàng loạt theo các tiêu chuẩn giống nhau. Nên để giáo viên dạy theo tình thế thực tế. Đồng thời, nên cải tiến việc in, phát hành sách giáo khoa...
Những khó khăn hiện tại trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan: cơ sở hạ tầng vật chất chưa đầy đủ, mặt bằng đời sống của một số không ít dân ta còn quá thấp không thể đầu tư nhiều cho việc giáo dục của con cháu họ. Các khó khăn khách quan này cần có thời gian mới khắc phục được. Tuy nhiên, cũng có các nguyên nhân chủ quan mà chúng ta có thể khắc phục.Tôi xin nêu vài nguyên nhân chủ quan đó nhằm góp vào việc khắc phục chúng.
Chủ quan, cứng nhắc và chạy theo thành tích
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khi chúng ta ra các chỉ tiêu phổ cập giáo dục tại các vùng miền chưa được phổ cập cơ sở vật chất đào tạo tốt, chưa phổ cập được mặt bằng thu nhập vừa phải cho nhân dân vùng miền đó, chắc chắc là guồng máy giáo dục tại các địa phương đó có sự cố: ngồi nhầm lớp, học sinh bỏ lớp...
Để khắc phục nguyên nhân chủ quan này, nên để phong trào thi đua phổ cập nâng cao cơ sở vật chất giáo dục, chất lượng đời sống nhân dân đi trước một bước phong trào thi đua phổ cập giáo dục.
Việc đánh giá và xếp loại các cơ sở đào tạo với các tiêu chí chung toàn quốc là một việc làm không công bằng đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo thiếu thốn về cơ sở vật chất và đời sống chưa cao.
Để đối phó với các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, các trường chuyên của các tỉnh thành ra đời, các địa phương mong rằng với sự tập trung đầu tư luyện thi một số ít học sinh, trong hoàn cảnh nghèo và khó khăn của mình cũng tìm ra vài chục học sinh giỏi đi thi không thua kém các địa phương khác lắm.
Điều đó khiến cho việc tập trung nguồn tài lực giáo dục hướng vào việc dự các kỳ thi học sinh giỏi hơn là đào tạo nguồn nhân lực. Nó còn "ru ngủ" nhiều cấp quản lý về chất lượng đào tạo giáo dục tại địa phương. Bộ GD-ĐT đang làm giảm nhiệt các kỳ thi học sinh giỏi, nhưng hậu quả phụ của nó còn rất lớn: hầu hết các địa phương đều có các trường học được đầu tư đặc biệt, cơ sở tốt hơn hẳn các trường khác, và nạn tranh vào học các trường tốt đang diễn ra gay gắt cùng với những tiêu cực.
Nhưng có thể giải quyết việc này như sau...
Cần đi sát với thực tế
Các học sinh được sinh ra và lớn lên trong các điều kiện sinh sống không giống như các bộ máy được sản xuất hàng loạt theo các tiêu chuẩn giống nhau. Nên để giáo viên dạy theo tình thế thực tế của lớp của họ, chỉ nên đặt yêu cầu dạy đầy đủ chương trình học.
Để giải một bài toán (khó hay dễ), các học sinh giỏi luôn luôn cần ít thời gian hơn các học sinh yếu, dựa vào yếu tố này nhiều nước tiên tiến đã tìm ra các tuyển chọn không cần các bài toán quá khó: đề thi có rất nhiều câu hỏi với các độ khó vừa phải, ngay cả các thí sinh thật giỏi cũng khó làm hết đề thi.
Thí sinh được coi là đạt (thí dụ “tốt nghiệp cấp học”) đạt một mức điểm nào đó, các điểm vượt trội dùng để tuyển vào các trường cấp trên. Cách tuyển chọn này thường rất chính xác, nó loại luôn những trường hợp có điểm cao nhờ trúng tủ các câu hỏi khó theo cách ra đề hiện nay. Nếu áp dụng phương pháp này, chúng ta có thể giảm tải đáng kể cho học sinh trong khi chờ đợi nâng cấp đều các cơ sở đào tạo.
Việc yêu cầu giáo viên phải dạy các môn học sát với một qui trình dạy đến từng tiết học thống nhất toàn quốc khó mà thành công. Việc cung cấp và mua đầy đủ cả bộ sách giáo khoa không dễ cho Nhà nước và các dân nghèo. Bản quyền các sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn nên có tính sở hữu toàn dân, mọi địa phương được quyền in và phát hành sách giáo khoa theo số lượng và chất lượng phù hợp với địa phương. Việc in sách bằng nhiều loại giấy khác nhau cho phù hợp khả năng người mua là thông lệ của nhiều nhà xuất bản quốc tế.
Để việc học trở nên sinh động và hữu ích cho đời sống, các môn thể dục, âm nhạc, vẽ và công nghệ nên có chương trình riêng cho từng địa phương. Các môn này không thể hấp dẫn nếu chỉ có một chương trình cho cả vùng núi , vùng hải đảo và vùng núi cao.
Các môn học như toán, lý và hoá học không mang tính chính trị nhiều lắm, nên có nhiều sách khác nhau để các sách soạn dở tự động bị đào thải. Nên có một ban tu thư của Bộ GD-ĐT để kiểm định chất lượng các sách này trước khi cho in và phát hành.
Ngày nay chúng ta đang thử nghiệm các chương trình tiên tiến trên đại học, thường ta dùng các chương trình và giáo trình của Mỹ trong các thử nghiệm này. Việc này rất đúng hướng, vì các đại học Mỹ không những đào tạo ra nhiều người nhận giải Nobel mà còn tạo nguồn nhân lực thiết thực nền kinh tế Mỹ. Vậy chúng ta cũng nên xét việc đổi mới chương trình phổ thông dựa vào chương trình của Mỹ có phối hợp với tình hình thực tế nước ta.
Có lần, tôi yêu cầu nhiều lớp sinh viên cho biết một công cụ có thật ngoài đời có dạng hình thoi. Hàng mấy trăm sinh viên không trả lời được, mặc dù họ đã học và giải được nhiều bài toán hình học rất phức tạp liên quan đến hình thoi. Trong khi đó, sách giáo khoa của Mỹ dạy hình học đơn giản hơn ta nhiều, nhưng họ giải thích rất rõ tại sao dạng hình thoi được dùng cho kim nam châm trong la bàn.
Sách là nguồn bổ sung kiến thức cho các vùng sâu vùng xa, nhưng các nhà sách trong hệ thống phát hành sách nhà nước lấy mức chiết khấu (số phần trăm nhà bán sách được hưởng theo giá in trên bìa sách) quá cao, có khi lên hơn 50%. Cần có một qui định về mức trần chiết khấu này, với mức chiết khấu khoảng 20%, giá sách sẽ hạ xuống hơn 50% và ánh sáng văn hoá giáo dục và khoa học kỹ thuật dễ đi vào các gia đình nông ngư dân vùng sâu vùng xa, giúp họ và con họ bớt nghèo và khổ cực.
-
GSTS Dương Minh Đức (Khoa Toán-Tin - Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM)