221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1056171
Đánh giá CT, SGK: Thời gian ngắn, kết quả "nông"
1
Article
null
Đánh giá CT, SGK: Thời gian ngắn, kết quả 'nông'
,

 - "Để đánh giá CT, SGK phải có thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm và tổ chức một cách thật nghiêm túc. Không có thời gian mà đưa ra một kết luận nào đó thì thật qua loa và theo tôi là không ổn", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận xét.

Thời gian đánh giá chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) hơn 1 tháng qua của Bộ GD-ĐT đã gần đến hồi kết. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó, theo nhìn nhận của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chỉ mang tính chất như hồi chuông cảnh tỉnh Bộ. Những ý kiến về CT, SGK nặng, không thích hợp, cứng nhắc... thì Bộ sau này vẫn phải tiếp tục làm cho rõ chuyện này.

PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

- Ông nhận xét ra sao sau thời gian vào cuộc cùng ngành giáo dục để đánh giá CT, SGK phổ thông mới?

Mô tả ảnh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Bảo Anh
Hệ thống CT, SGK vừa qua được dư luận phản ánh là rất bất cập. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương rút kinh nghiệm, trao đổi đóng góp ý kiến về vấn đề này. Tôi thấy chủ trương của Bộ như vậy là rất đúng và đáng hoan nghênh. Nhưng cách làm thì tôi không đồng tình. Vì thời gian để làm một việc lớn như vậy mà chỉ diễn ra trong một vài tháng thì rất khó khăn để hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT, ngoài việc đánh giá trong hệ thống giáo dục thì có huy động các tổ chức hội đóng góp như: Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng và trong đó có Hội Khuyến học VN của chúng tôi.

Riêng tôi, ngay từ đầu đã phát biểu đây là sự bất cập. Nhưng Bộ đã yêu cầu thì chúng tôi vẫn cố gắng làm. Chúng tôi cũng đã huy động các hội ở địa phương đóng góp ý kiến, mời một số trường có kinh nghiệm, một số giáo sư về các lĩnh vực tập hợp lại thành một tập thể để đóng góp cho bộ môn.

Mới đây, chúng tôi đã tổ chức hội thảo và thấy ý kiến đóng góp của họ rất xác đáng. Cụ thể, người ta cho rằng, hệ thống CT, SGK của chúng ta hiện nay trước hết là quá tải. Ví dụ, thống kê toàn bộ SGK cho một HS lớp 1 là 1.500 trang. Thử hỏi, 6 tuổi trong 1 năm đọc 1.500 trang, lấy trung bình là 300 ngày, mỗi ngày các em phải đọc 5 trang từ chỗ chưa biết chữ gì cả. Làm sao mà nói không quá tải được(?)

Thứ hai là không thích hợp với vùng miền, khi cả nước cùng một bộ sách, một chương trình. Đấy là chưa nói đến việc cụ thể về sai sót chi tiết trong đó. Cho nên, Hội Khuyến học VN kiến nghị là, chúng tôi sẽ mời lãnh đạo Bộ GD-ĐT, NXB Giáo dục, mời các chủ tịch hội đồng bộ môn họp với các chuyên gia để họ phát biểu với tính chất đối thoại, xem có thể chấp nhận đến mức độ nào. Nếu không chấp nhận thì sẽ trao đổi qua lại.

- Việc đánh giá CT, SGK của Bộ GD-ĐT diễn ra trong thời gian ngắn, theo nhìn nhận của ông thì hiệu quả của nó sẽ đến đâu?

Tôi không tin tưởng. Với khoảng thời gian ngắn như vậy thì việc đánh giá chắc chắn không đạt yêu cầu. Muốn làm được cần phải có thời gian và có cách tổ chức hợp lý thì mới lấy được ý kiến một cách khách quan.

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước vừa qua đã tổ chức một số hội thảo để kiến nghị không chỉ là có sự sửa đổi, đổi mới mà ngành giáo dục của ta muốn đạt được yêu cầu với sự phát triển và hội nhập thì phải tính đến việc cải cách lại.

- Lần đánh giá CT, SGK này, các giáo sư, chuyên gia chỉ tham gia góp ý kiến còn các tổ chức hội không thành lập một hội đồng khoa học phản biện thực sự?

Với thời gian ngắn như vậy, chúng tôi cho rằng, trách nhiệm của một hội để phát biểu ý kiến một cách chính thống thì không thể làm nổi. Muốn tổ chức một cách hệ thống thì cần phải có một thời gian tương đối dài, để bàn về nhiều vấn đề và phải tranh luận với nhau. Vì nhiều giáo sư cũng nhận xét chung chung, CT nặng thì phải làm rõ nặng ở chỗ nào, thậm chí còn tranh luận có đúng là nặng hay không. 

Ví dụ, nếu bảo 1.500 trang sách là nặng thì bao nhiêu trang là vừa, nếu 500 trang chẳng hạn thì sẽ bỏ những trang nào.

Phải dạy cái HS cần

- Vậy theo ông, cách đánh giá nên như thế nào để đem lại hiệu quả?

Vẫn là vấn đề thời gian, phải có thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm và tổ chức một cách thật nghiêm túc. Không có thời gian mà đưa ra một cái kết luận nào đó thì thật qua loa và theo tôi là không ổn.

Mô tả ảnh.
"Dạy cái HS cần chứ không phải dạy cái mình có mà HS không cần". HS Trường THPT Nhân Chính, HN. Ảnh: Bảo Anh

Có thời gian để chúng tôi có thể tổ chức từ cơ sở tổ chức lên, để người ta có thể đóng góp và thậm chí chỉ rõ nên làm như thế nào.

Cũng có nhiều ý kiến so sánh CT, SGK hiện nay đã tốt hơn trước nhiều, tuy nhiên có những cái không thích hợp. Sau khi thu lượm thông tin đó, cần phải có một hội đồng để hài hòa tất cả các ý kiến đó và đưa ra một hướng đi, cách làm cho đúng, phù hợp.

Phải tìm hiểu xem HS cần cái gì và mình có cái gì, nếu cái mình có không thích hợp thì phải đi tìm cái thích hợp với HS để dạy. Đó là một quá trình.

Các giáo viên, các nhà chuyên môn họ đã đọc và chỉ ra tuy không đầy đủ, nhưng nhiều ví dụ. Trong chương trình sách tiếng Việt lớp 2, có hơn 30 bài thơ ngụ ngôn của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới mà các em 7 tuổi không thể nào hiểu được.

Cụ thể bài về cây sồi. Cây sồi ở Việt Nam không có, mà chỉ có ở các nước châu Âu. Chính giáo viên cũng không hiểu cây sồi như thế nào thì HS làm sao hiểu nổi mà lại đưa chuyện ngụ ngôn đó vào dạy ở lớp 2. Chúng ta đã lạm dụng nhiều thứ làm cho SGK quá tải.

- Có ý kiến cho rằng, quá trình làm SGK của ta bị ngược: Xây dựng SGK trước sau đó mới xây dựng chuẩn. Chúng ta đang đánh giá để điều chỉnh lại CT, SGK mới trong khi vẫn chưa làm chương trình chuẩn. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Tôi thấy người ta nói có lý. Vì trước hết, chúng ta phải đặt mục tiêu, yêu cầu của HS từng cấp học, rồi trên cơ sở đó mới bắt đầu làm SGK để cho người học đạt được yêu cầu đó.

Như bây giờ, khi đã có SGK mới đặt ra cái chuẩn thì rõ ràng là ngược.

Xin cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>