221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1057979
"Sách còn sửa, giáo viên còn dạy đối phó"
1
Article
null
'Sách còn sửa, giáo viên còn dạy đối phó'
,

 - "Số đông giáo viên mong muốn chương trình và sách giáo khoa (CT và SGK) được ổn định. Tránh tuyệt đối việc vừa làm vừa thay đổi dẫn đến tâm lý người giảng dạy cứ trông chờ "hình như CT và SGK chưa ổn định, còn sửa đổi nên chưa cần nhiệt huyết. Thậm chí có tâm lý giảng đối phó"..." - Phó GĐ Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Công Thành cho biết về tâm lý những người đứng lớp trong đợt "sát hạch" CT và SGK mới.

f

Phó GĐ Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Công Thành (Ảnh K.O)

Thời gian đánh giá: Gấp!

Ông Nguyễn Công Thành cho biết, toàn bộ chương trình và SGK tiểu học, THCS giao cho Phòng GD-ĐT trực tiếp tổ chức, lấy ý kiến các tổ chuyên môn, tất cả các trường học...để giáo viên có ý kiến. Khối THPT thì Sở GD-ĐT trực tiếp tổ chức chỉ đạo.

Mỗi trường có một bộ hồ sơ trong đó có tất cả các ý kiến đánh giá của các tổ bộ môn, có biên bản ghi lại các ý kiến góp ý của từng GV tham gia giảng dạy chương trình, SGK mới.

Các ý kiến góp ý được giao cho những giáo viên cốt cán từng bộ môn Văn, Toán, Lý, Hóa...tập hợp. Tùy từng môn mà đội ngũ cốt cán dao động từ 5-10 người/môn.

Quan điểm chỉ đạo đánh giá, kiên quyết không a dua, người ta nói khó thì mình cũng nói khó, người ta nói nặng thì mình cùng nói nặng. Mà việc góp ý đi vào từng chương, từng bài...khó-nặng-hợp hay không phù hợp phải đưa ra những minh chứng cụ thể.

- Có ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT "ngẫu hứng" chỉ đạo các đơn vị thực thi đánh giá CT và SGK trong thời gian ngắn đã gây khó cho cơ sở. Vì, thời gian cho việc đánh giá ngắn, không có tiêu chí chung cho việc đánh giá. Bước đi của Nam Định như thế nào để ý kiến không a dua?

Ý kiến từng giáo viên do các trường THPT tập hợp. Sau đó, đội ngũ GV cốt cán của từng bộ môn tổng hợp để thẩm định lại. Trước kia cũng đánh giá nhưng giao cho chuyên viên sở tập hợp. Cách làm này không hiệu quả và mất thời gian vì 1 chuyên viên làm không xuể. Mặt khác, bản thân chuyên viên sở không trực tiếp giảng dạy. Do vậy dựa vào đội ngũ cốt cán để tập hợp sẽ chuẩn, sát với thực tiễn hơn....

- Việc tổ chức đánh giá chương trình và SGK mới được tiến hành từ khi nào?

Bắt đầu từ giữa tháng 3, sau khi nhận được công văn của Bộ GD-ĐT.

- Với thời gian hơn một tháng cho việc đánh giá khối lượng kiến thức, nội dung CT và SGK đồ sộ như vậy thì kết quả có khách quan và sát thực tiễn?

Thời gian đánh giá khác với thời gian đứng lớp của giáo viên. Nghĩa là những giáo viên tham gia giảng dạy lớp 10 đã có 2 năm, lớp 11 có 1 năm triển khai thì quá trình đó họ sẽ tích lũy được những nội dung được và chưa được trong sách. Thường thường hết năm học thì giáo viên cũng có những phản ánh. Và thời điểm này để tập hợp nhìn nhận lại toàn diện. Tuy nhiên, thời gian thực hiện CT và SGK mới cũng chưa đủ "chín" vì sách lớp 11 mới triển khai được 1 năm...

Nhiều "sạn"...

- Với THPT thì có những bộ môn nào nổi lên vì có nhiều ý kiến góp ý?

Quá trình tập hợp có rất nhiều loại ý kiến về tính chính xác, tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của CT và SGK phổ thông mới. Nhìn chung sách mới có 2 nội dung khác biệt so với sách cũ là đổi mới phương pháp giảng dạy và phát huy được tính tự học, tự sáng tạo của HS. Cấu trúc của một bài cụ thể với trình độ của giáo viên không tốt lắm, nhưng với điều kiện HS tốt thì có thể tự học...Tuy nhiên đi vào từng môn học cụ thể cũng có ý kiến cần phải xem xét.

- Ông có thể nêu những ví dụ cụ thể?

d

Một giờ học của HS Trưởng phổ thông Dân tộc nội trú, Quỳ Châu, Nghệ An (Ảnh K.O) 

Ví dụ như môn Toán ở THPT có góp ý là nặng. Vì thời gian sắp xếp giảng dạy trong tuần bị rút xuống, lý do các môn khác được tăng cường thêm. Kiểu làm như vậy đã khiến CT từ 4 tiết xuống 3 nên nặng thêm. Và bản thân cấu tạo CT theo cách tạo nên một quy luật nhận thức so với CT cũ là mới hoàn toàn nên còn có những chỗ chưa thích hợp, chưa mang tính phổ thông.

Môn Ngữ văn có những thầy giáo nhiều năm trong ngành nêu ý kiến rât quyết liệt. Cụ thể là đòi trả lại môn tiếng Việt, dứt khoát trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 phải có bộ môn tiếng Việt. Thậm chí còn đề xuất ngay cả trong ĐH, kể cả ĐH tự nhiên cũng nên giảng dạy môn tiếng Việt. Bởi dạy tiếng mẹ đẻ sẽ góp phần chuẩn hóa tiếng Việt và giữ sự trong sáng cho tiếng Việt.

Chứ đưa vào môn Ngữ văn thì nó có tính nhập nhèm. Tính tích hợp của môn Ngữ văn thì chúng tôi không phủ nhận. Nhưng vì tích hợp nên vị trí và cách quan niệm dạy tiếng Việt nó khác. Ví như, sử dụng dẫn chứng văn học để giảng tiếng Việt thì không được. Vì ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ tự nhiên của cuộc đời và nó mang tính khoa học. Khi tích hợp thì giảng bài văn và lấy yếu tố tiếng Việt của chương trình sang thì đó là dạy tiếng Việt sáng tạo chứ không phải tiếng Việt thực tiễn. Đó cũng là lý do khiến các em học tiếng Việt không thuần chủng như nước ngoài.

Hoặc môn Lịch sử, không phải coi thường, ở trường phổ thông rất nhiều giáo viên giỏi nhưng hiệu quả không cao. Để "hút" học sinh vào môn học này nên thay đổi theo hướng, nếu ở tiểu học là nhớ những sự kiện lớn của lịch sử dưới dạng câu chuyện thì đến THCS nên dạy Lịch sử trong sự so sánh giai đoạn...giúp HS nhận diện lịch sử qua thực tiễn chứ không nên bình luận lịch sử.

- Trong tập hợp ý kiến của các trường thì có giáo viên nào đề xuất viết lại SGK?

Không có đề xuất đó. Cũng có những ý kiến nhận xét, CT và SGK mới có sự cải tổ về tư duy và phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, kích thích sự sáng tạo về phương pháp dạy...Ở hầu hết các môn, SGK mới đã khắc phục được điểm yếu trong SGK cũ là dạy theo cảm tính. Trước kia dạy chủ yếu phụ thuộc vào trình độ của thầy - thầy giỏi thì khả năng truyền đạt kiến thức sẽ tốt. Nhưng, SGK mới buộc người thầy nâng tầm lên và bản thân mỗi người thầy cũng phải tự hoàn thiện mình. Sách mới thực sự kích thích sự sáng tạo về CNTT, học nhóm...

Nam Định là một trong những tỉnh đã bỏ phiếu thuận cho CT và SGK mới ra đời nên không thể phủ nhận những đổi mới theo hướng tích cực.

Cũng có đề xuất về sự không nhất quán giữa hai bộ sách phân ban và không phân ban cần có điều chỉnh. Vì hai bộ sách là hai nhóm tác giả nên có những ký hiệu trong Toán không đồng nhất. Trong khi đó, người dạy và HS lại mong muốn sách phải đưa ra ký hiệu thống nhất để dễ hình dung.

Cần cuộc "cách mạng" về đào tạo giáo viên

- Là một trong những tỉnh bỏ phiếu thuận cho CT và SGK mới, ông có suy nghĩ gì khi SGK thực thi chưa được bao lâu đã có kiến nghị điều chỉnh do không phù hợp với thực tiễn?

Đó là vấn đề. Đối với tiểu học và THCS thì đó cũng là cách làm để nhìn nhận lại CT và SGK. Đặc biệt là THPT. Việc triển khai chưa được bao lâu đã dẫn đến tâm lý giáo viên tham gia đánh giá như là người đang thi công. Do vậy, vừa thiết kế xong mới thi công được 1 năm đối với SGK lớp 11 đã quay lại nhận xét toàn bộ thiết kế và thực tiễn là rất khó. Vì thực tế cũng chưa chín -  nhiều bộ môn giáo viên chưa hiểu hết vấn đề thiết kế. Mà đặt vấn đề nhận xét ngay và đối với THPT có 2 bộ sách phân ban và không phân ban là khó.

Mặt khác, quá trình làm sách của mình cũng là quá trình đồng thời xây dựng chuẩn. Tuy nhiên, SGK mới một mặt khuyến khích và tạo ra cơ sở pháp lý buộc người giáo viên phải thay đổi phương pháp. Giáo viên không thể dạy cái mình thích được...

- Cũng bộ sách đó nhưng từng tỉnh có nhận xét khác nhau. Vậy, có nên có nhiều bộ SGK tương ứng với từng vùng miền?

Cũng có nhiều nhà khoa học nêu quan điểm, chương trình thì nên thống nhất - tức là nên thống nhất chuẩn. Sau đó có những bộ SGK khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, trong điều kiện thực tiễn giáo dục Việt Nam, việc chọn chương trình giao cho hiệu trưởng là chưa khả thi vì chưa quen và trình độ chưa đạt....

Quá trình thẩm định SGK cũng có ý kiến nên có bộ sách tương ứng với vùng miền khác nhau. Nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng, nếu như thế khi HS tốt nghiệp THPT muốn thi vào ĐH thì trình độ nhận thức của HS sẽ không đồng đều vì CT không như nhau. Và khi đó sẽ khó đáp ứng các nhu cầu xã hội khác nhau, người ở vùng này sẽ không lên vùng khác để làm việc được. Do vậy, nếu có nhiều bộ sách thì kiến thức cung cấp cho HS cũng phải đáp ứng chuẩn tối thiểu.

- Ông có đề xuất gì để chấn hưng nền giáo dục nước nhà vốn thường hay dao động trước những ý kiến trái chiều?

Ngành GD có 2 việc phải làm: các nhà hoạch định chính sách cần có chiến lược đặt hàng các "cỗ máy cái" kể từ đây phải đào tạo giáo viên thích ứng - đây sẽ là hạt nhân thực hiện chương trình mới; đồng thời kiểm định lại số giáo viên cũ - ai dạy được, ai bất cập để có chiến lược đào tạo lại.

Nghĩa là đặt vấn đề đổi mới phải đồng bộ từ CT, SGK đến đội ngũ giáo viên. Hiện, mới chỉ đổi mới chương trình chứ chưa chuẩn bị được đội ngũ giáo viên tương thích.

Do vây, ở các trường ĐH, CĐ cần có cuộc "cách mạng" trong đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu.

Việc sàng lọc, đánh giá sẽ là trách nhiệm của sở. Hiện đội ngũ giáo viên của địa phương vẫn còn thiếu.

Đại đa số giáo viên mong muốn CT và SGK được ổn định. Tránh tuyệt đối việc vừa làm vừa thay đổi dẫn đến tâm lý người giảng dạy cứ trông chờ "hình như CT và SGK chưa ổn định, còn sửa đổi nên chưa cần nhiệt huyết lắm. Thậm chí trong giảng dạy sẽ không loại trừ việc dạy đối phó..."

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (thực hiện)

    GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ: Ở mình có cái lạ, khi đề xuất chương trình cho vùng dân tộc, vùng đồng bằng có các bộ sách tương ứng 165 tuần, sách 120 tuần thì đã "vấp" phải tâm lý tự tôn vùng dân tộc. Họ cứ muốn bình đẳng để cảm thấy mình được vươn lên ở một trình độ nào đó... Bản thân những giáo viên dạy ở vùng dân tộc cứ muốn vươn lên ngang ngửa với "thiên hạ" - được dạy cùng một chương trình.

    Ở Nghệ An có bảng thi riêng cho vùng khó khăn và vùng đồng bằng nhưng nhiều trường vùng cao cũng đăng ký xin thi cùng bảng với HS vùng đồng bằng - thế mới lạ.

    Nhưng đúng ra thì nên có chương trình riêng cho vùng dân tộc. Vì, trước khi cho các cháu vào học chương trình chung thì cũng phải có một quỹ thời gian nhất định cho các cháu làm quen với tiếng Việt. Phần đó phải được bổ sung vào quỹ thời gian cần học của HS vùng dân tộc.

    Phó Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thủy C (Nam Định) Trần văn Phúc: Độ "vênh" kiến thức giữa hai bộ sách giáo khoa (SGK) THPT cơ bản và nâng cao quá lớn. Hầu hết giáo viên giảng dạy các môn học chương trình THPT phân ban đều chung nhận xét kiến thức đặt ra trong chương trình nặng hơn nhưng thời lượng học lại giảm, dẫn đến việc dạy đúng dạy đủ chương trình rất khó...

    Giữa hai bộ sách có nhiều ký hiệu không thống nhất. Mặt khác, đề thi tốt nghiệp lấy giao thoa kiến thức của 2 ban nhưng nhiều phần sách nâng cao có nhưng sách cơ bản không có.

    Bộ GD-ĐT nên xuất bản 1 bộ sách, trong đó có chủ đề tự chọn cho từng ban khác nhau thay vì có 2 bộ sách nhưng không theo chuẩn chung. Thực tế, 1 giáo viên dạy 2 ban khác nhau không có thời gian để soạn bài, không có thời gian nghiên cứu.

    Để có thực tế, nên bổ sung một bộ phận giáo viên có kinh nghiệm ở các trường THPT tham gia viết sách...

    • Kiều Oanh (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>