- GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất như vậy khi trao đổi với VietNamNet về những cải tiến trong đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng năm 2009. Cụ thể là sẽ không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng....
Bỏ thi ĐH là tước quyền tự chủ của các trường
GS Nguyễn Minh Thuyết "Nên trả lại cho các trường tự chủ trong tuyển sinh...."
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Về những chi tiết của dự án tôi không bình luận. Nhưng, tôi nghĩ về mặt nguyên tắc phát triển giáo dục ĐH, CĐ thì đề án đã đi ngược với nguyên tắc. Cụ thể, ở tất cả các nước có quyền tự chủ trong chuyên môn, tài chính...Trong chuyên môn, trường được tự chủ trong việc quyết định chọn những đối tượng nào vào đào tạo; đào tạo họ như thế nào.
Còn mình thì nhập 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) làm một. Lấy kết quả thi phổ thông để xét tuyển vào ĐH - thì vô hình chung mình đã tước quyền tự chủ của các trường.
Trong hội nghị thảo luận về đề án - tôi biết có một số hiệu trưởng các trường ĐH có truyền thống như ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm ủng hộ đề án, với điều kiện "trường họ phải được tổ chức thi riêng hoặc cho thi một kỳ thi bổ sung".
Điều đó chứng tỏ, trường đào tạo những ngành nghề riêng thì phải được tuyển những ngành nghề phù hợp. Học sinh có thể đạt điểm thi tốt nghiệp THPT dàn đều khoảng 15 điểm, nhưng chưa chắc đã bằng học sinh có điểm phù hợp với ngành đào tạo. Đó là chưa kể một loạt các trường năng khiếu như Mỹ thuật, Thể dục thể thao, Âm nhạc...phải chọn theo năng khiếu.
TIN LIÊN QUAN
- Minh chứng Bộ GD-ĐT đưa ra để dẫn cho việc bỏ thi ĐH là tiến đến hội nhập vì các nước hầu như không còn thi tuyển ĐH?
Tôi cho nhìn nhận đó chỉ là hình thức thôi. Vì đối với một số nước phát triển hiện vẫn thi tuyển và đầu vào "bóp" rất chặt như Nhật Bản. Còn một số nước như Canada thì không còn thi vào ĐH. Nhưng cũng tùy loại trường, có những trường chỉ cần đưa kết quả thi tốt nghiệp. Kết quả đó không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước tổ chức mà do tổ chức tư nhân hợp tác. Nhưng những trường lớn, trường khó thì thi tuyển không đơn giản.
Ví như Pháp chia thành 2 loại. Một gọi là ĐH tổng hợp thì chỉ cần tốt nghiệp phổ thông thì ghi danh vào - đây được coi là những trường nghề. Còn những trường Bách khoa, Y học, Y khoa, Nha khoa...thì tuyển rất khó.
Mặt khác, mình phải xem xét ở góc độ việc vào ĐH ở các nước và vào ĐH ở nước ta khác nhau như thế nào. Ở các nước thì con đường vào ĐH không phải là con đường duy nhất. Số vào ĐH cũng không nhiều và họ vào rồi ra chuyện đó rất bình thường.
- Như vậy thì khâu phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân của mình vẫn bế tắc. Nguyên nhân do đâu khi mà ngành giáo dục cũng đã nhiều lần đưa ra bàn bạc rồi bỏ đó?
Về vấn đề hệ thống thì cũng phải nói rằng hiện nay, song song với việc chúng ta nhập 2 kỳ thi làm một rồi lại cho mở rất nhiều trường ĐH, CĐ ở địa phương. Mà ai có thể đảm bảo chất lượng thi tốt nghiệp phổ thông ở địa phương được đảm bảo chặt chẽ. Và học bạ của học sinh ai đảm bảo là nghiêm chỉnh?... Nếu không khéo thì những trường ĐH ở địa phương lại thành ra là trường của các quan chức và những người có thế lực của địa phương.
Còn về việc phân luồng thì vấn đề phải giải quyết là ở bậc phổ thông. Theo tôi cần phải thay đổi cách học phân ban hiện nay. Cụ thể là nên học tập một số nước châu Âu như Pháp, Đức để chia bậc học phổ thông ít nhất là phổ thông trung học thành 3 khối: Một khối học để vào ĐH, CĐ và khối này phải học một chương trình nặng; Khối thứ 2 là học để vào các trường CĐ kỹ thuật;
Và khối học để đi làm công nhân kỹ thuật - thì chương trình có thể ngắn hơn những chương trình kia. Chỉ học những vấn đề cốt lõi và vẫn có bằng tốt nghiệp phổ thông. Những người này muốn quay lại học ĐH thì phải qua một khóa học bổ túc...
Cá nhân tôi cho rằng, nên phân luồng gắn với thị trường lao động hơn là phân ban theo kiểu phục vụ cho các kỳ thi ĐH khối A,B,C,D.
Nên trả lại khâu tuyển sinh cho các trường?
- Ông nhận định, đề án cải tiến tuyển sinh Bộ GD-ĐT đi ngược với các nước phát triển như Mỹ, Canada vì đã kìm hãm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH ở Việt Nam. Vậy, các trường ĐH ở Việt Nam có đủ tự tin đê tự chủ trong tất cả các khâu tài chính, tuyển sinh...?
Vì chưa giao cho các trường tự chủ thì họ cảm thấy chưa tự tin. Về nguyên tắc thì các trường ĐH phải được tự chủ. Và trường nào mà Ban Giám hiệu không lãnh đạo để thực hiện tự chủ thì thay Ban Giám hiệu đó. Vấn đề là Bộ GD-ĐT phải tăng cường kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh hoạt động của các trường để làm sao các trường thực hiện được tự chủ nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
- Như vậy, ông không ủng hộ duy trì "3 chung", cũng không đồng tình với việc bỏ thi ĐH thì hướng cải tiến tuyển sinh sẽ như thế nào để vừa đảm bảo vừa nâng tính trách nhiệm của Ban Giám hiệu?
Vâng, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không nên biến thành Ban Giám hiệu của cả nước. Thi "3 chung" là biến thành Ban Giám hiệu của cả nước. Còn khi các trường tự tuyển sinh thì cũng có dư luận kêu ca là tốn kém. Tôi đã nói trước nhiều hội nghị là không thấy tốn kém. Vì mỗi HS đi thi chỉ nộp 50.000 cho Hội đồng thi. Khi đi thi phải trả tiền tầu, xe...- tiền đó vào "túi" nhà nước để phát triển xã hội, nâng cao phúc lợi nhân dân....
Nhưng nếu nói có thực sự tốn không thì chỉ đúng với từng gia đình. Lúc đó người chủ gia đình và học sinh phải quyết: nếu sức đủ để thi vào các trường ở xa, gia đình đảm bảo chu cấp thì thi, còn ngược lại thì không nên.
Tôi cho rằng, bây giờ nên trả lại việc tuyển sinh cho các trường ĐH. Nếu còn áp dụng "3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi)" thì cũng chỉ nên áp dụng một thời gian nữa thôi để làm sao chấn chỉnh lại cách học, cách ôn ở các trường phổ thông. Cũng phải thừa nhận "3 chung" có tác dụng là xóa bỏ các lò luyện thi. Còn nếu đưa về các trường thì có thể hồi phục lại các lò luyện thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra.
- Trước đây thì các trường cũng đã tự chủ trong tuyển đầu vào nhưng có những trường ấn định mức điểm đầu vào thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vậy, đề xuất trả lại quyền tuyển sinh cho các trường liệu có đảm bảo mục tiêu nâng chất lượng?
Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh khi giao cho các trường thì có rất nhiều việc phải làm. Đứng về toàn xã hội mà nói thì mình phải làm sao xây dựng được thị trường lao động, phát triển được thị trường lao động thật lành mạnh. Có thể dùng thị trường lao động để gây sức ép cho các trường.
Thị trường lao động chưa lành mạnh vì một phần do kinh tế phát triển chưa tốt nên số thu hút những sinh viên tốt nghiệp ĐH ra chưa nhiều. Thứ hai là trong các cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước của mình thực hiện cải cách hành chính chưa tốt.
Nhưng có thể nói hiện nay thị trường lao động của mình vẫn chưa lành mạnh. Học sinh học kém, bình thường, giỏi ra trường là như nhau. Thậm chí những người học kém nhưng có tiền, ra trường vẫn có thể vào làm những chỗ ngon lành.
Các trường không "lớn lên" được vì Bộ đang làm thay...
- Giao cho các trường tuyển sinh thì nhiều nhà quản lý băn khoăn về chất lượng đầu vào không đảm bảo?
Nếu lăn tăn như thế thì đừng cho mở thêm nhiều trường mới. Vì mở nhiều rồi lại lo tuyển đầu vào không có chất lượng thì lỗi đó thuộc về các nhà hoạch định chính sách trước.
Khi giao tự chủ cho các trường thì Bộ GD-ĐT phải tăng cường thanh kiểm tra. Đồng thời, về lâu dài thì phải xây dựng được một thị trường lao động lành mạnh. Hoặc, có thể đưa giải pháp là không phải tất cả các trường đều được tuyển sinh. Có những trường có thể chỉ dựa vào kết quả thi của trường khác để tuyển. Vì thực tế có những trường không đủ kinh phí để trang trải.
Khi đó Bộ GD-ĐT chỉ ban hành khung để các trường thực thi.
- Về đề thi...
Khi đó không cần đề thi chung vì trường tự chủ, trường tự ra đề phù hợp. Nếu đề thi sai thì phải kỷ luật...
- Như vậy khâu quản lý của Bộ GD - ĐT có rất nhiều vấn đề?
Vâng tôi nghĩ là lâu nay Bộ đang làm cái việc làm thay Ban Giám hiệu của các trường. Chính vì thế nên các trường cũng không "lớn lên" được. Và Bộ thì cũng không có thì giờ để quan tâm đến những chuyện rộng hơn. Việt chỉ đạo kỳ thi là việc nhỏ không thuộc tầm của Bộ GD-ĐT. không có nước nào mà Bộ GD-ĐT cứ phải đứng ra tổ chức thi như ở mình.
Về cá nhân chưa đồng thuận về đề án. Trong tháng này, Ủy ban sẽ tổ chức hội nghị để bàn về vấn đề này. Sau đó sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT...trên cơ sở đó sẽ có ý kiến. Vì ủy ban rất băn khoăn về tính khả thi của đề án.
- Cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
Ý kiến của quý độc giả: