221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1063085
"Giáo dục chỉ tính đến lợi ích Nhà nước"
1
Article
null
'Giáo dục chỉ tính đến lợi ích Nhà nước'
,

 - Hệ thống giáo dục hiện nay mới chỉ tính đến lợi ích của nhân tố Nhà nước, còn 3 nhân tố HS, phụ huynh và thị trường lao động bị "bỏ quên". Trong cuộc trao đổi với PV VietNamNet, TS. Dương Kỳ Đức, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN đã có đề xuất sau gần 1 tháng tham gia đánh giá CT, SGK môn Ngữ văn và 4 môn ngoại ngữ.

Bộ GD-ĐT đẩy chúng tôi vào thế sự đã rồi

Sau 1 tháng tham gia đánh giá CT, SGK môn Ngữ văn và 4 môn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung) ông có nhận xét gì về cách làm của Bộ GD-ĐT cũng như kết quả mà ông nhận thấy trong quá trình đánh giá?

Mô tả ảnh.

TS. Dương Kỳ Đức - TTK Hội ngôn ngữ học VN.

- Đợt đánh giá CT, SGK này, Bộ yêu cầu Hội chúng tôi một tháng phải trả lời và đẩy chúng tôi vào thế sự đã rồi. Cách làm gấp gáp này mang tính chất hình thức chủ nghĩa để chứng tỏ Bộ đã xin ý kiến của hội nọ, hội kia chứ thực chất không phải là sự cầu thị.

Còn đánh giá về CT, SGK thì nhiều lắm, nào là quá tải, bất hợp lý, thừa những cái không cần thiết, thiếu những cái người ta cần. Tôi cũng làm, tập hợp các kết quả đánh giá nhưng thực ra tôi không quan tâm lắm, vì những cái đó không giải quyết được vấn đề gì. Môn Ngữ văn cũng nói quá tải, nhưng giảm tải chỉ giảm tiết học, nội dung môn học lại nhiều lên.

Còn với 4 môn ngoại ngữ thì CT mỗi môn một kiểu, một phách. Không có một tổng công trình sư thiết kế về khung chung cho tất cả các môn. Cách đây 1 tháng, Hội mới biết được chuyện này. Còn sai sót thì nhiều vô kể. Cụ thể, tiếng Nga, PGS. TS Bùi Hiền đánh giá và kết luận, đấy không phải tiếng Nga tự nhiên như người Nga nói mà tiếng Nga do Việt Nam đặt ra. Ngữ pháp thì đúng, nhưng người Nga không nói như vậy.

Tiếng Anh cũng thế, người ta đặt là "Vietlish" chứ không phải English.

Theo ông, bản chất vấn đề giáo dục của chúng ta hiện nay là gì?

- Thực tế này ít ai dám nói. Thực chất thầy cô cũng là viên chức Nhà nước, cũng có kiểu "cửa quyền" như các viên chức ở trong các ngành khác. Anh muốn vào học trường tôi, muốn vào trường chuyên, lớp chọn thì đóng thêm tiền nọ tiền kia, mua sắm tết nhất, thầy cô giáo. Tôi "nắm" con anh trong tay, nếu anh không đáp ứng những yêu cầu tế nhị tôi xử lý qua điểm hạnh kiểm, môn học.

Có thể thấy, vì độc quyền nên nhiều giáo viên có uy quyền tuyệt đối với HS, phụ huynh. HS trở thành "con tin" trong tay các thầy cô giáo dù là những thầy cô có lương tâm nhất, vì cơ chế tạo ra như vậy.

Toàn bộ nền học vấn của chúng ta là áp đặt, mà thực chất ở đây là áp đặt lợi ích của một nhóm muốn tuổi trẻ trong xã hội chỉ được học, được biết như vậy.

Chính vì giáo dục chỉ tính đến lợi ích Nhà nước, không thiết thực cho học trò, cho bố mẹ HS, cho công ty cho nên nền giáo dục "thảm bại". Nó không tạo nên được một nguồn lực mạnh mẽ để đưa xã hội bốc lên.

Muốn có "ngôi nhà" đẹp phải xây lại

Vậy theo ông, giáo dục của chúng ta nên đi theo hướng nào?

- Tôi không đi theo hướng sa đà vào các chi tiết trong môn Ngữ văn và các môn ngoại ngữ vì không giải quyết được vấn đề gì. Ví dụ thế này, một tòa nhà họ đã xây xong và mời mọi người đến tham gia ý kiến. Người thì bảo sao toa let rộng thế, cửa hẹp thế, người lại bảo sao sơn cửa màu xanh, tôi thích sơn màu đỏ... tất cả những cái đó đều là tiểu tiết.

TIN LIÊN QUAN

Chưa thấy ai nói được rằng, tòa nhà này sai từ gốc của nó. Gốc là tòa nhà đã được đặt sai vị trí. Bất hợp lý ở chính nơi đặt tòa nhà như ngõ vào chật hẹp, môi trường xung quanh ô nhiễm...

Chúng ta cứ chăm chăm nói chương trình quá tải, nói đến "nghìn lẻ một đêm" cũng không hết như kiểu chỗ này sao lại học về văn học trung đại nhiều thế, hay thơ Đường cho học mà không giải thích luật của thơ như thế nào, hoặc tại sao truyện ngắn Chí phèo cắt nhiều thế làm cho người ta không hiểu hết được bản chất của nhân vật Chí Phèo... Những cái đó là đúng, nhưng là tiểu tiết, dù có sửa thì cũng chẳng xoay chuyển được tình hình.

Như tòa nhà kia anh có sửa cửa sổ rộng thêm, sơn lại màu sơn khác, lát lại gạch hoa cũng không ăn thua một khi vị trí xây nhà đã sai rồi. Toàn bộ nền giáo dục của ta đã sai rồi. Sai ở chỗ, khi lập lên hệ thống giáo dục này chỉ tính đến lợi ích của Nhà nước mà quên mất 3 nhân tố nữa cũng cùng có tác động không nhỏ.

Trước hết là HS. Chúng ta nên có những điều tra xã hội học để nắm bắt tâm lý HS, HS muốn học cái gì, học theo cách nào. Nhân tố thứ hai là phụ huynh. Cũng nên tham khảo ý kiến của họ để biết rằng, thiên hướng của con trẻ như thế nào và nhà trường nên tác động ra sao để chúng phát triển tốt. Có những cái tôi không muốn cho con tôi học, tại sao anh cứ bắt con tôi phải học. Nhưng phụ huynh vẫn phải buộc đưa con mình vào guồng máy và đứng nhìn nó quay, đứng nhìn con em mình phí phạm thời giờ mà không cứu được.

Nhân tố thứ ba là thị trường, là những người sẽ sử dụng nguồn lao động đó. Họ muốn cái gì, cần những người như thế nào.

Chốt lại, nền giáo dục của ta đáp ứng không đúng nhu cầu, lợi ích thực tiễn đa dạng xã hội. Do đó, đã dẫn đến tất cả hậu quả như hiện nay. Bây giờ ta cứ bàn chuyện nọ, chuyện kia, nhưng theo tôi là vô nghĩa, không giải quyết được khi không tính đến lợi ích của ba nhân tố trên.

Có tranh luận mới phát triển

Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi tận gốc nền giáo dục của ta, không thể động đến đâu thấy "bục" thì vá chỗ đó, nhưng quan trọng là chúng ta sẽ bắt đầu thế nào, thưa ông?

Mô tả ảnh.

HS phải được học theo sở thích của mình. Một giờ thi Olympic Vật lý trên máy tính của HS Trường THPT Nhân Chính, HN. Ảnh: Bảo Anh

Luật quy định, SGK, CT do Bộ GD-ĐT quản lý, tức là độc quyền. Lẽ ra Bộ phải hỏi ý kiến tất cả các đối tượng tác động đến giáo dục như trên tôi đã nói rằng, có nên học môn này không, học ít hay nhiều, có cần thiết không, học theo cách nào... Tất nhiên cũng phải có cách hỏi, chứ không phải hỏi 80 triệu người, mỗi người một ý thì làm thế nào.

Thứ nữa là, ngoài một cái khung lõi chung, anh phải cho phép có nhiều bộ SGK khác nhau để người ta có thể lựa chọn học. Rồi cho phép ở các địa phương có sự khác biệt. Tôi ở miền Nam, tôi dạy những cái gần gũi với địa phương tôi, anh ở miền Bắc anh học các cảnh quan, con vật ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tại sao cứ phải thống nhất học đúng một bộ SGK trong khi lợi ích khác nhau.

Nhưng người ta sẽ đặt ngay câu hỏi, nhiều bộ SGK thì loạn à. Theo tôi, không có gì là loạn khi chúng ta có sự khống chế. Ví dụ môn Ngữ văn, có những vấn đề cơ bản, những điểm chính phải đảm bảo đưa vào. Trong tất cả các môn học thì anh đừng chống Nhà nước, chống nhân dân, Tổ quốc, đừng gây mất đoàn kết giữa các cộng đồng tộc người, đừng gây sự kỳ thị về tôn giáo, những điều cấm kỵ... còn để cho muốn dạy gì thì dạy. Từ đó, không cần phải văn bằng chung cho toàn quốc, vì như thế lại phải thi.

Tôi đề nghị thế này, tại sao anh học thạc sĩ, nghiên cứu sinh viết luận án anh được tha hồ mang tài liệu tra cứu, lên mạng lấy tài liệu. Anh là giáo sư viết các bài báo nghiên cứu, anh tha hồ tham khảo viết, tại sao tôi là HS anh lại bắt tôi làm bài luận mà không được mang tài liệu tham khảo vào.

Tức là, chỉ cần nhắc lại cho đúng, là đố trí nhớ, HS có nhớ được không. Ai nhớ tốt thì cho điểm tốt, nhớ không tốt, nhớ sai thì bị điểm kém. Giờ chỉ cần quy định thế này. Có một đề văn yêu cầu em miêu tả về cái làng của em, HS muốn viết gì thì viết theo cảm xúc thật của mình, sách vở tham khảo được mang vào. Chỉ việc đọc đề thi, thầy cô giáo sau đó ra ngoài uống nước, không phải giám thị. Vì không đánh đố mà tạo cho HS sự sáng tạo, sức tưởng tượng. Thế nên, không cần phải cảnh sát bảo vệ để khỏi lộ đề thi, bố mẹ phải trèo thang ném đáp án... Thi là để thử sức sáng tạo, nhẹ nhàng vui vẻ.

Có nghĩa là giáo dục sẽ phải xới tung lên và thay đổi lại tất cả, thưa ông?

- Thay đổi một cách cơ bản nền giáo dục, là thêm các lợi ích của mỗi nhân tố HS, phụ huynh và thị trường lao động, hội tụ điểm vàng, tất nhiên Nhà nước vẫn có quyền trong phạm vi nhất định.

Coi giáo dục là một dịch vụ xã hội. Tư nhân nếu thích có thể mở trường, như một doanh nghiệp, sản phẩm là giáo dục.

Còn một điều phải thay đổi là vị trí người thầy. Nhiều đời nay quan niệm, người thầy là đỉnh cao "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Thầy dạy cho chữ nào biết chữ đó. Nhưng trong xã hội hiện đại người thầy không phải là nguồn duy nhất cung cấp tri thức mà tôi có thể đọc báo, đi du lịch, lên internet... Nhiều cái học trò biết mà thầy chưa chắc đã biết. 

Chúng ta đã tuyệt đối hóa vị thế của người thầy, đó là sai lầm, Vì tuyệt đối cái này là hạ thấp cái kia. Do vậy, chúng ta phải bình đẳng với nhau, thầy giáo chỉ là một nguồn. Thầy chỉ là người tổ chức quá trình dạy học, tham gia giúp cho HS, gợi ý cho các em học. Chứ không phải thầy giáo nói A, cả 60 HS đều nói A thì xã hội không bao giờ phát triển được. Mở rộng ra, phải có người cãi lại, phải có tranh luận mới đi lên được.

Lần đánh giá này tôi không hy vọng gì khi vấn đề gốc gác không giải quyết được.Chỉ có thể là, cái bàn chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thùng nước chuyển từ góc kia sang góc này cùng trong ngôi nhà đã đặt saithôi.

Xin cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)
     
    Ý kiến của bạn:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,