221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1063875
Nhiều nhận xét tiểu tiết, thiếu phản biện đúng nghĩa
1
Article
null
Đánh giá chương trình, sách giáo khoa:
Nhiều nhận xét tiểu tiết, thiếu phản biện đúng nghĩa
,

- Thật bất ngờ khi phát hiện ra điều tưởng chừng như không thể xảy ra khi đánh giá chương trình và sách giáo khoa là chúng ta không có phản biện. Chúng ta có hội đồng thẩm định, mỗi lần đều gửi đi lấy ý kiến nhận xét của rất nhiều người, nhiều lần, rất công phu. Nhưng cái đó không thay được hệ thống chuyên gia phản biện. Đó chính là gốc của vấn đề làm không chuẩn.

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Tổng thư kí Hội Toán học Việt Nam, đồng thời là  Phó Viện trưởng Viện Toán học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trưởng một nhóm đánh giá CT và SGK môn Toán nhận định.

Thiếu hẳn hệ thống phản biện CT và SGK!

Mô tả ảnh.
GS Lê Tuấn Hoa
Cách đây 2 năm, chúng tôi đã đánh giá CT và SGK bậc tiểu học và THCS. Trên tinh thần đánh giá đó, bây giờ làm thêm phần THPT. Trước kia, chúng tôi làm seminar hàng tuần kéo dài 13 - 14 buổi trong 3 - 4 tháng rồi sau đó mới ra kết luận. Nhưng đợt này thì không có điều kiện làm như vậy.

Ngoài vấn đề thời gian quá gấp rút thì quan trọng hơn là ở cách thức đánh giá. Nhiều người không hào hứng vì nghĩ rằng đánh giá của mình sau này không được sử dụng nhiều, hoặc tệ hơn là không được sử dụng tý nào.

Ở nước ta hiện nay vẫn có nhiều bất cập và quan điểm khác nhau trong việc đánh giá CT và SGK, nhưng cốt lõi nhất là chưa có hệ thống phản biện theo đúng nghĩa.

Chúng ta có hội đồng thẩm định, và mỗi lần đều gửi đi lấy ý kiến nhận xét của rất nhiều người, nhiều lần, rất công phu. Nhưng cái đó không thay được hệ thống chuyên gia phản biện. Đó chính là gốc của vấn đề làm không chuẩn.

Cách làm không có phản biện hết sức bất cập ngay đối với tác giả.

Về vấn đề viết SGK, cho dù là SGK Toán, tôi khẳng định không có 1 con đường duy nhất và không có 1 sản phẩm tối ưu. Không ai có thể viết 1 quyển sách mà không bị chê trách vì có rất nhiều cách tiếp cận.

Tiếp cận mỗi kiểu đều có hạn chế riêng. Nếu đưa lấy nhận xét đại trà thì phần lớn chỉ đi vào tiểu tiết. Nhận xét trong 1 phạm vi nhỏ thì có thể đúng trong khung cảnh đó, nhưng sang khung cảnh xa hơn chưa chắc đã hợp lý.

Do đó, có khi càng sửa theo càng sai vì càng lệch khỏi ý tưởng chính của quyển sách. Thậm chí, nhiều khi sự công kích của các ý kiến như vậy lấn át đi ưu điểm của sản phẩm. 

Đó là chưa kể, trong khoa học, chân lý chưa chắc đã thuộc về số đông. Thấy như vậy mới thông cảm và hiểu được tâm trạng của  tác giả SGK trước những ý kiến đóng góp khác nhau.

Vì thế, nếu cứ đưa ra nhận xét tràn lan rộng rãi thì tác giả không bao giờ “ăn ngon ngủ yên” dù đã làm việc cật lực. Do đó, ý kiến đại chúng tuy rất phong phú, nhưng cũng chỉ nên xem có tính chất tham khảo.

Phản biện thì khác hoàn toàn. Phải cân đong, suy tính, tìm tòi tài liệu đối chiếu. Ông ta phải phân tích cho được hạn chế, ưu điểm của cách tiếp cận này hay kia. Sau khi so sánh cân đối giữa ưu điểm và hạn chế thì rút ra kết luận và có thể chấp nhận hay không.  

Nếu chấp thuận, thì mới tính đến chuyện góp ý nhằm cải tiến và bớt đi một số lỗi (chứ chẳng thể hết được). Còn nếu thấy bất cập thì kiên quyết phủ định hoàn toàn, chứ không có chuyện sửa đi sửa lại, càng không có chuyện tác giả muốn  xem xét ý kiến phản biện hay không thì tùy.  

Đây là cách làm chuẩn, thông thường trên thế giới với các công trình khoa học. Theo sơ đồ này, thái độ đánh giá của người phản biện và sự tiếp thu ý kiến của tác giả đều phải rất nghiêm túc.

Nên nhớ rằng, người phản biện không phải làm việc với tinh thần đối kháng. Các nhà khoa học tôn trọng đồng nghiệp và phản biện là tạo điều kiện để hoàn thiện sản phẩm.

Người phản biện phải cân nhắc rất kỹ và yêu cầu tác giả sửa chữa. Tác giả có quyền sửa hoặc không. Nếu tác giả không sửa, người phản biện có quyền phủ nhận công trình đó. Khi đó Hội đồng thẩm định, với tư cách là trọng tài, sẽ xem chấp nhận ý kiến của ai. Nếu chấp nhận ý kiến của phản biện, thì công việc của tác giả bị coi là đổ xuống sông xuống biển. Vì thế, thái độ của tác giả trước ý kiến phản biện là rất nghiêm túc.

Dĩ nhiên, cũng có trường hợp phản biện sai nhưng thế giới đã thống kê là tỉ lệ đó vô cùng nhỏ. Còn như kiểu lấy ý kiến đánh giá hiện nay, tác giả thích thì sử dụng, không thích thì thôi. Điều đó cũng gây tác động ngược lại là nhiều người viết nhận xét, vốn đã chẳng thích thú gì, lại càng không muốn làm những điều biết chắc (hoặc nghi là) vô bổ. Ngay kết quả đánh giá CT và SGK tiểu học và THCS môn Toán tiến hành 2 năm trước hiện nay cũng không được sử dụng.

Cần tổng công trình sư xây dựng lại toàn bộ chương trình

Mô tả ảnh.

Môn Toán: Kiến thức không nhiều nhưng vẫn nặng!

Sách không thể viết trong 1 - 2 tháng, người học cũng không thể thiếu sách. Bộ sách hiện nay đã như thế thì cố gắng học theo thêm 1 thời gian nữa chứ không chỉnh sửa chắp vá.

Phải định hướng lại từ đầu để xây dựng CT, làm 1 bộ sách mới hoàn toàn.

Cần coi việc xây dựng lại CT cũng như xây dựng lại thành phố, phải có một (nhóm) người làm tổng công trình sư.

Tổng công trình sư này không chỉ cho riêng môn toán mà cho tất cả các môn, trên cơ sở phân tích cân đong kĩ lưỡng nhiều mặt. Chúng ta phải tính mỗi ngày HS (từng lứa tuổi) học bao nhiêu tiết, chơi bao nhiêu tiết thì mới biết nên thiết kế CT thế nào.

Không chỉ đơn thuần xuất phát từ yêu cầu của môn học mà phải xuất phát từ khả năng tiếp thu của HS và phải có tính toán cụ thể để đảm bảo kiến thức không thấp nhưng thời gian học không nhiều. Đó là việc không đơn giản.

Cũng cần phải thấy rằng có những điều rất cần thật đấy, nhưng HS có thể học ở môi trường khác, chứ không nhất thiết bê hết cả vào trường học mới giảm tải được.

Từ CT tổng thể, trong mỗi môn lại phải có một (nhóm) tổng chỉ huy để hoạch định chương trình. Sau khi đã có CT thì để các tác giả cạnh tranh nhau viết sách. Cần lưu ý rằng khi xây dựng CT phải cho tác giả có độ tự do. Còn nếu CT quy định quá cứng, quá chi li thì tác giả nào viết cũng như nhau cả.  Như kiểu CT hiện nay là ghi lại một số đề mục, thậm chí cả một số kí hiệu cụ thể(!) từ các SGK đã soạn trước đó rồi?

Về tác giả, chỉ nên có từ 1 đến 2 tác giả viết và phải viết trọn bộ cho cả 1 cấp học.

Tôi tin rằng, nếu 1-2 tác giả tập trung viết 1 bộ cả 5 quyển chỉ mất 6-12 tháng. Nhưng nếu chia cho 5, 6 tác giả một lớp như hiện nay thì mỗi lớp đã mất cả năm trời vì người này chờ người kia. Để viết cho cả cấp phải mất trọn 5 năm như thực tế đã chứng minh, vì lớp sau phải chờ lớp trước. Chưa kể sau đó còn lắp ghép, chỉnh sửa nữa.

Trong những năm qua, nếu không tất cả, thì phần lớn các nhóm tác giả đều đã làm việc cật lực, hết sức tâm huyết. Rồi các nhà quản lí và hàng vạn người góp ý trăn trở. Thế nhưng ở tất cả các môn, SGK nào cũng bị kêu. Thành ra ai cũng bực tức (kể cả tác giả), cũng thấy bị thiếu tôn trọng. Đó chẳng phải là cách thức làm việc của ta có cái sai căn bản không?

Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải làm lại, phải sớm tiến hành song song cả 2 việc: Thay đổi phương pháp đánh giá (trong đó nhấn mạnh sử dụng hệ thống phản biện thay cho chỉ lấy ý kiến đại trà) và thay đổi cách xây dựng CT và SGK thì mới có được sản phẩm tốt.

Môn Toán: Kiến thức không nhiều nhưng vẫn nặng!

Kết quả đánh giá CT và SGK cho bậc tiểu học và THCS đã gây bất ngờ cho tất cả những người tham gia.

Từ lâu nay, chúng ta cứ kêu kiến thức toán quá nặng với HS. Nhưng sau khi so sánh với CT nước ngoài và so với cách đây 40 năm ở VN thì khối lượng kiến thức của mình không hề cao hơn, thậm chí có đôi chỗ đơn giản hoá hơn. Một số chỗ đơn giản hoá đến mức “nguy hiểm”, có thể dẫn đến hạn chế khả năng tư duy của HS. Chẳng hạn: bỏ nhiều chứng minh, dù là chứng minh dễ.

Thế nhưng nghịch lí là HS bây giờ học rất nặng, nặng hơn trước nhiều. Rõ ràng nguyên nhân gốc phải là do cấu trúc CT còn có những bất cập. Bố trí chưa hợp lý khiến kiến thức vẫn thế nhưng phải học nhiều.  

Một trong những nguyên nhân là phương pháp đồng tâm (một kiến thức được dạy nhiều lần ở các trình độ khác nhau) trên thực tế quá bị lạm dụng, dẫn đến một số kiến thức được đưa vào quá sớm lứa tuổi, vượt quá tầm hiểu biết của HS.

Ví dụ như với HS phổ thông được học nội dung phân số rất sớm.  HS lớp 2 đã được học về 1/2, 1/3 nhưng mãi tới lớp 6 mới kết thúc. Cũng giống trước kia, đến hết lớp 5 (tương đương lớp 6 hiện nay) cũng học xong phân số, trong khi trước kia bắt đầu học từ lớp 4. Về cùng 1 cái đích, cùng 1 thời điểm nhưng HS bây giờ phải xuất phát sớm hơn nhiều. Hiển nhiên, chỉ riêng điểm này, HS lớp 2 và lớp 3 đã phải vất vả hơn cùng lứa tuổi của ngày xưa.

Ở bậc THPT, HS đã có nhiều kiến thức nên cái khó, cái nặng giả tạo từng bị đem xuống bậc tiểu học và THCS đã bớt đi. Thế nhưng đôi chỗ vẫn còn.

Chẳng hạn như tính giới hạn hay tích phân mà đi sâu vào kỹ thuật bắt các em rèn luyện tính toán thì ngay cả SV năm thứ nhất khoa Toán cũng vất vả.

Khuynh hướng đó trong SGK không thể hiện nhiều, nhưng rất sợ trong phần rèn luyện kỹ năng mà thầy cô giáo đào sâu thì nguy. Hay việc dạy quá kĩ về véc-tơ chưa hẳn đã nên.

Còn một chuyện nữa không chỉ đối với môn Toán mà hình như cho nhiều môn, là có nhiều tác giả viết sách quá. Mỗi lớp một nhóm đông tác giả. Thậm chí nhóm tác giả tập 1 khác nhóm tác giả tập 2 của cùng một lớp.

Khi lắp ráp lại với nhau, cho dù có sửa cho thống nhất hành văn cũng không tài nào khắc phục được sự vênh về nội dung, càng không thể có được một tư tưởng xuyên suốt cho một cấp học, hay xa hơn là một môn học. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc tiếp thu ý kiến của người nhận xét chưa tốt.

 

  • Lan Hương (ghi)

***************

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,