221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1064537
Đánh giá CT, SGK: Phải có người phán xét cuối cùng
1
Article
null
Đánh giá CT, SGK: Phải có người phán xét cuối cùng
,

 - "Chúng tôi chưa hài lòng với chương trình hiện nay. Trước mắt, vì chưa thay đổi được nên phải tiếp tục sử dụng các tài liệu hiện có với những điều chỉnh cần thiết", GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết.

Thời gian ngắn, chủ yếu đánh giá chương trình

a

Ông Nguyễn Hữu Tăng, Tổng chỉ huy đánh giá CT, SGK của Liên hiệp hội.

Xin ông cho biết quy trình tổ chức đánh giá CT, SGK của Liên hiệp hội từ khi nhận được "đơn đặt hàng" của Bộ GD-ĐT?

- Đây là lần thứ 3 Liên hiệp hội làm về CT và SGK theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Lần  thứ nhất cách đây 2 năm, đánh giá về tính khoa học, sư phạm của tiểu học và THCS; lần 2 đánh giá trang thiết bị phục vụ giảng dạy ở 2 bậc học này và lần này là đánh giá CT, SGK của hệ thống giáo dục phổ thông.

Những lần trước chỉ tập trung vào một số môn nhưng lần này làm 10 môn. Do đó, đợt đánh giá này có 9 hội tham gia. Chúng tôi đưa ra 6 tiêu chí về chương trình và 7 tiêu chí về SGK để đánh giá, có thống nhất với Bộ GD-ĐT.

Do gấp gáp, chỉ trong 1 tháng, không đủ thời gian đề nghiên cứu kỹ và đi sâu nên chúng tôi tập trung chủ yếu vào đánh giá chương trình. Thực tế, có những hội đã tham gia đánh giá về tiểu học, THCS trước đây và có quan tâm đến THPT thì lần này đánh giá cả SGK.

Lần đánh giá CT và sách THCS trước đây có thời gian hơn 1 năm, nhưng lần này chỉ có 1 tháng, vậy Liên hiệp hội phải sử dụng phương pháp nào để phản biện, thưa ông?

- Vì thời gian ngắn như vậy nên phương pháp lần này chủ yếu lấy ý kiến của các chuyên gia. Nhưng nếu có thời gian sẽ làm kỹ hơn, yêu cầu các hội đưa ra thảo luận, tranh cãi và sẽ nhận được nhiều ý kiến hơn. Như lần đánh giá trước đây, các hội còn yêu cầu tranh luận với cả người tham gia viết sách, trao qua đổi lại để có những ý kiến chuẩn xác. Vì có thể những người phản biện chưa nắm hết được ý đồ của người viết sách.

Vậy, kết quả của các hội cũng như Liên hiệp hội thống nhất sau khi đánh giá CT, SGK, thưa ông?

TIN LIÊN QUAN
- Sau gần 1 tháng làm việc, Liêp hiệp hội đã nhận được 36 văn bản đánh giá CT giảng dạy và SGK các môn học ở trường phổ thông.

Chương trình thể hiện có một số kiến thức không thực sự cơ bản đưa vào trong giảng dạy nên làm cho môn học trở nên nặng nề, quá tải. Hay nhiều kiến thức hiện đại tuy đã được đưa vào chương trình nhưng vẫn chưa đủ để chuẩn bị tốt cho HS tiếp cận với kiến thức hiện đại. Thậm chí có những môn còn nặng về kiến thức cổ điển như trong Vật lý, Hóa học, mà so với bây giờ đã lạc hậu rồi.

Một điểm nữa, các nội dung thực hành có chú trọng hơn trước nhưng mới chỉ là bước đầu. Thực hành nhìn chung ở trường phổ thông đang còn rất nhiều chuyện phải bàn.

Các môn học tích hợp ở THCS hay phối hợp liên môn ở THPT mới là bước đầu nên cần nghiên cứu thêm. Ví dụ, trong vật lý, môn Vật lý và Công nghệ tách ra thành 2 môn, nhưng sắp xếp chưa phù hợp...

Về SGK, không có nhiều thì giờ để làm tập trung nhưng cũng có một số ý kiến: chuẩn kiến thức và kỹ năng chưa được thể hiện đầy đủ. Một số SGK còn sai cơ bản về thuật ngữ. Lần trước, chúng tôi đã góp ý cho các môn THCS nhưng có cái được sửa có cái không. Thậm chí, sau khi Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Hóa học lớp 9 (thay mặt Chủ tịch) đã ghi rõ vào bản thảo là "đồng ý cho in sau khi sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng" nhưng SGK vẫn được in ra với những sai sót còn y nguyên như cũ.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa kênh chữ, kênh hình nhiều chỗ còn chưa được hài hòa.

Một chương trình, nhiều bộ sách?

Rõ ràng là chúng ta không thể bắt HS nghỉ học để làm lại CT, SGK với nhiều sai sót được phản ánh. Vậy theo ông, thời gian tới đây, ngành giáo dục cần làm gì?

- Cần có cuộc cải cách giáo dục triệt để càng sớm càng tốt sau năm 2010. Hiện nay, có người thì ủng hộ, còn có người bảo sẽ cải cách nhưng làm từ từ từng bước, hay như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói phải có cuộc cách mạng trong giáo dục. Chúng tôi thiên về hướng phải có cuộc cách mạng. Thời gian thì tùy Bộ, nhưng ngay bây giờ phải tổ chức sớm. Tránh lặp lại tình trạng thụ động, vội vã, cập rập như đã xảy ra trong thời gian qua.

Mô tả ảnh.

HS Trường THCS Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Tây) trong lễ phát động xây dựng mô hình "trường học thân thiện". Ảnh: Bảo Anh

Lần đánh giá này Bộ chỉ yêu cầu Liên hiệp chỉnh sửa những cái có sẵn, sắp tới phải làm gì, thì chưa có yêu cầu. Vì quan điểm chưa giống nhau. 

Trong góp ý cũng có cái thời sự. Đó là Bộ muốn hợp nhất 2 kỳ thi. Các chuyên gia cũng lưu ý, Bộ cần hết sức cẩn trọng nhất là trong điều kiện còn rất nhiều bất cập của hệ thống giáo dục, rồi sẽ nảy sinh tiêu cực.  

Cần tổ chuyên gia quyết định đúng sai

Ông có nói, trong những lần đánh giá trước, các hội cũng đưa ra những sai sót về chương trình, về sách THCS nhưng sau đó những ý kiến lại không được chỉnh sửa?

- Không phải tất cả, nhưng cũng có một số môn, chưa thấy sửa chữa. Cũng có thể thế này, những người viết sách không tán thành ý kiến của các chuyên gia nên họ không sửa, chứ cũng không hẳn là họ không động đến. Chính vì vậy, Bộ phải có chỉ đạo, mời các chuyên gia đến trao đổi với tác giả viết sách để đi đến thống nhất.

Lần đánh giá này ai cũng cho là quá gấp gáp. Bộ thì bảo rằng, đây chỉ là đánh giá bước đầu, có thể năm sau sẽ đánh giá tiếp. Đánh giá lần này Liên hiệp hội đã yêu cầu sửa sai, nhưng nếu Bộ không sửa, vậy lần sau mời đánh giá tiếp Liên hiệp hội có tham gia nữa không?

- Đây là vấn đề lớn trong xã hội, Liên hiệp hội không thể đứng ngoài cuộc. Ngay cả việc đánh giá trong 1 tháng chúng tôi có quyền từ chối, nhưng sau nghĩ lại, phải có trách nhiệm với xã hội, và chúng tôi đã cố gắng đến mức tối đa.

Nếu lần sau Bộ yêu cầu, Liên hiệp hội vẫn sẽ tiếp tục, nhưng cách làm sẽ có điều chỉnh cần thiết như tổ chức các hội đồng để trao đổi về chuyên môn và có người phán xét cuối cùng.

Nhưng, trong trường hợp Bộ vẫn không sửa thì Liên hiệp hội phản ứng ra sao?

- Đó là chuyện của Bộ. Liên hiệp hội không phải cơ quan quyền lực. Nếu Bộ không sửa, Chính phủ, Thủ tướng phải có ý kiến vì chúng tôi đã có văn bản gửi sang Bộ đầy đủ. Sau đó, Thủ tướng yêu cầu phải có một hội đồng, phán xét của hội đồng đó Bộ trưởng phải thực hiện. Phải có quy định như vậy.

Xin cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)

Tiêu chí đánh giá chương trình và SGK:

Về chương trình: 6 tiêu chí

1. Mức độ phù hợp với đường lối giáo dục của Đảng, Luật Giáo dục và Nghị quyết 40 của Quốc hội, các quyết định của Chính phủ; 2. Mức độ cơ bản, hiện đại, cập nhật, tinh giản của nội dung; 3. Mức độ phù hợp với thực tế Việt Nam; 4. Mức độ hợp lý của chuẩn kiến thức và kỹ năng, sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành; 5. Mức độ hợp lý trong sắp xếp nội dung (đường thẳng, đồng tâm); 6. Tính liên môn, tính tích hợp.

Về SGK: 7 tiêu chí

1. Mức độ phù hợp với CT, với chuẩn kiến thức và kỹ năng; 2. Mức độ chính xác trong việc sử dụng các khái niệm, danh pháp, thuật ngữ; 3. Mức độ chính xác trong cách diễn đạt các quy tắc, quy luật, định luật, định lý; 4. Tính hợp lý trong việc sử dụng ngôn ngữ: phù hợp với đặc trưng môn học, với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng tiếp thu của HS; 5. Tính hợp lý và tính thống nhất trong cấu trúc sách; 6. Tính hợp lý trong quan hệ giữa kênh chữ và kênh hình; 7. Tính hợp lý về quy cách, kích thước sách.

 Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,