- Quá chuyên sâu với nhiều nội dung ở từng lớp, từng môn ở cấp học phổ thông khiến không khí buổi sáng, không đủ để nói hết những bất cập chung của chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) mới. Các ý kiến góp ý đều "mổ xẻ" vào những bất cập trong CT và SGK cần có điều chỉnh...
Hội thảo có sự hội tụ của đại diện Hội Cựu giáo chức, Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam, Hội Khuyến học, các Sở GD-ĐT cùng các tác giả sách do Bộ GD-ĐT sáng 18/5.
Bất cập không sửa ngay được
Sau giờ giải lao, nhiều chỗ đã không có đại biểu ngồi? (Ảnh K.O)
Số đông đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, về cơ bản CT và SGK phổ thông mới có nhiều cải tiến, đã thể hiện tính sư phạm, phát huy được tính tự học và sáng tạo của thầy và trò. CT giáo dục các cấp học, môn học đã đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại. Nội dung và yêu cầu của CT ở nhiều môn học phù hợp với trình độ phát triển tâm sinh lý của HS Việt Nam... Tuy nhiên, đi vào cụ thể từng vùng miền, từng cơ sở khác nhau đã có những nhận định khác nhau.
Qua tập hợp ý kiến đánh giá CT và SGK, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, CT còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, ở một số môn học còn tương đối nặng, hàn lâm với phần đông HS như Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sinh học, Vật lý, Nghề phổ thông cấp trung học. Một số thuật ngữ, ngôn từ trong văn bản chuẩn kiến thức, kỹ năng CT môn học không mang tính chuẩn mực, trừu tượng khó hiểu...
Sau 6 năm triển khai SGK đại trà mới, có một số bài yêu cầu kiến thức còn nặng, dài dòng, yêu cầu ghi nhớ máy móc, chưa phù hợp với phần đông HS. Khi viết SGK, các tác giả chưa thực sự chú ý đến điều kiện vùng miền, trình độ nhận thức của HS vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số. Các SGK khó với đối tượng này là Toán, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ...
TIN LIÊN QUAN
Đánh giá của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đang trực tiếp triển khai CT, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đưa dẫn chứng, có hiện tượng trùng lặp nội dung ở CT một số môn học như Đạo đức và Tiếng Việt, Sinh học và Công nghệ; hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và Giáo dục công dân; hoạt động Giáo dục hướng nghiệp và Nghề phổ thông.
Đội ngũ trực tiếp thực thi CT nhận định, CT còn quy định cứng, không có độ mở cần thiết để giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với việc giảng dạy đối với các vùng miền...
Phó GĐ Sở GD-ĐT Lào Cai Trần Thị Thắm nêu thực tế, HS ở địa phương có đến 77% không có điều kiện học CT tiếng Anh 7 năm mà chủ yếu học CT 3 năm. Với giáo dục Lào Cai còn có những bất cập nhất định: một số môn như Hướng nghiệp, Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Giáo dục nghề phổ thông, Công nghệ, Giáo dục Quốc phòng... giáo viên chưa được đào tạo nên rất khó khăn trong quá trình giảng dạy.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, nếu chúng ta lập một nhóm chuyên gia vài chục người để nghiên cứu, phản biện lại thì phải mất nhiều năm tranh luận. Mà hỏi các thầy biên soạn thì chắc các thầy phải nói tốt nên tôi chọn cách hỏi các thầy cô giáo.
"Để đánh giá CT có quá tải hay không, cần phải có ví dụ cụ thể, ở vùng nào, điều kiện nào thì quá tải… Nếu không có thảo luận quy mô toàn quốc, không có đánh giá định lượng thì không kết luận được" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, về chủ chương Bộ sẽ tiến hành đánh giá sách hàng năm, từ nay đến năm 2010. Vì có những vấn đề bất hợp lý, lần này chúng ta thấy và đưa ra giải pháp để sửa. Nhưng mà sửa rồi chưa chắc đã tốt hơn nên phải cập nhật.
Có những nội dung chúng ta mới dạy một vòng, thầy trò chưa quen, chưa có những cảm nhận chính xác, có định lượng mà phải sau một vài năm. Bên cạnh đó, có những nội dung bây giờ chúng ta thấy phải sửa mà chưa sửa được thì phải chờ. Những cái cần sửa thì phải sửa không phải một lúc mà làm được hết.
"Chúng ta sẵn sàng ở trạng thái, nếu cần thiết phải điều chỉnh vẫn có thể điều chỉnh cả CT chứ không phải không điều chỉnh được. Nhưng phải chứng minh điều đó là cần thiết"- Bộ trưởng nói,
Không viết lại CT và SGK
GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho rằng, bộ SGK phổ thông hiện hành là bộ sách tốt nhất từ trước đến nay. Bởi, đã tập hợp đội ngũ những người viết có tâm huyết, dành nhiều thời gian đầu tư cho viết sách theo một quy trình công phu.
Phó TT kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải). Ảnh: Bảo Anh
Tất nhiên, đây là lần đầu xuất bản nên không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Do vậy, cần thiết có đánh giá hàng năm để có chỉnh sửa phù hợp. Đây cũng là cách để cập nhật những kiến thức hiện đại.
Còn viết lại SGK là vấn đề khác, tương lai phải tính đến để hội nhập. Khi đó, quy trình làm sách phải đáp ứng yêu cầu, ông Minh nói. Để nâng cao năng lực giáo dục của thầy cô giáo, thì cơ chế ban hành SGK mới phải tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo ra những bài giảng gắn với thực tế. Có nghĩa, dựa vào CT do Bộ ban hành sẽ có nhiều bộ SGK cho những người có điều kiện đầu tư biên soạn, in ấn phát hành.
Khi đó, Bộ GD-ĐT là người củng cố hệ thống công cụ quản lý nhà nước về lĩnh vực phát hành sách. Cụ thể: Ban hành chuẩn kiến thức; Ban hành quy chế, điều kiện làm SGK; Phê duyệt và cấp phép làm SGK; Thanh kiểm tra đánh giá...
Theo GS Nguyễn Mậu Bành phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đánh giá CT và SGK là quá trình lâu dài và thường xuyên. Trước mắt Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, thẩm định những ý kiến đánh giá chủ yếu, có trọng tâm. Kết quả xây dựng CT và SGK mới triển khai trong những năm qua là thành công lớn cần khẳng định và hoàn chỉnh thêm. Không phải làm lại CT và viết lại SGK.
Ông đề nghị, có thể xem xét cho in đậm các nội dung cơ bản, trọng tâm, in chữ bình thường các nội dung còn lại. Làm như vậy sẽ thể hiện được nội dung tối thiểu và sự mở rộng cần thiết.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT nên đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật tiếng Việt và chỉ đạo thực hiện từ phổ thông đến ĐH để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời, có cơ chế huy động các cơ quan chuyên sâu tham gia đánh giá, tu chỉnh, sửa lỗi CT và SGK hiện hành. Phát động rộng rãi trong giáo viên và cục giáo chức đợt "dọn vườn, nhặt cỏ dại" trong các SGK để khi tái bản không còn những sai sót không đáng có của một bộ sách chuẩn mực về khoa học và ngôn ngữ.
"Cần đánh giá CT và SGK theo quan điểm phân tích hệ thống mà đầu ra là SGK. Khi SGK có vấn đề thì cần xem xét lại thiết kế hệ thống, đầu vào" - GS Nguyễn Mậu Bành đề xuất.
Nên tạo diễn đàn trên báo chí?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất, để lắng nghe những ý kiến trái chiều từ phụ huynh HS, các chuyên gia..., Bộ GD-ĐT nên có phối hợp với báo chí để tạo diễn đàn về nội dung đánh giá CT và SGK. Qua đó, có kênh giải đáp để dư luận nắm được những vấn đề, chủ trương của Bộ để tạo đồng thuận.
Bà Trần Thị Thắm đề xuất, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo Hội đồng biên soạn, các tác giả viết sách nghiên cứu các ý kiến, đánh giá của các địa phương để có chỉnh lý kịp thời cả về CT và SGK từng môn học cho phù hợp. Nên xây dựng các bộ SGK khác nhau phù hợp với từng vùng miền trên cơ sở khung CT chuẩn của Bộ GD-ĐT để giáo viên lựa chọn.
Đồng quan điểm, đại diện Sở GD-ĐT Đồng Tháp lo lắng, nếu không đủ thời gian lắng nghe các ý kiến, Bộ GD-ĐT cần chuyển những đánh giá của cơ sở cho Hội đồng biên soạn để có những chỉnh sửa phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu để làm sao có chuẩn kiến thức chung áp dụng cho tất cả các vùng miền. Không thể tồn tại chuẩn cho vùng sâu vùng xa và vùng đồng bằng riêng, mà phải thiết kế chuẩn ngang bằng đảm bảo yêu cầu tối thiểu.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh tình trạng nhiều nhà xuất bản biên soạn sách thiết kế bài giảng mẫu. Điều này không đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo...
Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, cho đến bây giờ có 2 nhóm nội dung có thể điều chỉnh được. Ví dụ ở bậc Tiểu học, liên quan đến các môn Thủ công, Mỹ thuật, Kỹ thuật, thay vì học cả thì có thể lựa chọn một số môn thay vì cả 3 môn bắt buộc. Trong nhóm này có thể chọn 1-2 môn như vậy vừa sức, đủ điều kiện, còn ở thành phố có thể học cả 3 môn, khó khăn hơn thì học 2-3 môn.
"Trong 3 môn chọn 2 sẽ vừa giảm được căng thẳng cho giáo viên và giảm được tiết các môn học"- Bộ trưởng nói. Chuyển từ bắt buộc sang từ chọn là một vấn đề của CT nhưng cũng không phải là quá lớn, nếu cần thiết có thể can thiệp được.
Vấn đề thứ hai có thể điều chỉnh CT được là khối các môn Công nghê, Hướng nghiệp và Nghề phổ thông. Nhóm này có liên quan đến vấn đề thực tiễn, vì thực chất nếu học phổ thông xong ra không thể làm nghề được, không đủ khả năng nghề, chỉ có một số khái niệm rất cơ bản.
Mà 3 môn này lại mất khá nhiều thời gian, nên chăng là trong nhóm này cũng có lựa chọn. 3 cái này có thể chọn lấy 2 hoặc tích hợp lại.
Vấn đề SGK, Bộ trưởng cho biết rất nhiều điểm có thể điều chỉnh được. Tuy nhiên, đối với nhận định không phù hợp với tâm sinh lý, chỉ rõ và định hướng môn đó, sau đó bàn với tác giả và sửa. Với những nội dung SGK sai thì chắc phải sửa, nhưng cũng cần những dẫn chứng. Hoặc có những nội dung, trình tự giảng dạy chưa phù hợp, hoặc trùng lắp thì sắp xếp lại. Một số môn khối lượng lớn quá cũng phải xem sửa như thế nào.
Trong góp ý, các thầy cũng thảo luận CT đã có rồi có nên khởi động để viết những bộ SGK mới. Ban đầu là chúng tôi dự kiến khoảng 2010, sau khi có sơ kết đánh giá rồi làm, nhưng bây giờ có thể làm luôn. Hướng là có thể chọn một số môn dạy từ năm 2002, sau 5 năm, có thể rà lại chương trình, chọn lựa những điểm tốt, cho phép các tập thể, cá nhân đăng ký viết sách và Bộ tiến hành đánh giá.
Nếu tốt thì có thể 2010 chúng ta có bộ sách tốt chứ phải phải đợi đến sau 2010. Nếu thực hiện, Bộ sẽ phải có quy định hướng dẫn, công bố công khai thì họ viết sách rất nhanh, có thể 1 hoặc lâu là 2 năm.
Còn vấn đề nữa cũng khá quan trọng mà chúng ta chưa đề cập được, đó là phương pháp ra câu hỏi thi. làm thế nào để hỏi thi đánh giá được nhận thức, tiếp thu của các em chứ không bắt học thuộc lòng nhiều. Cải tiến là không khuyến khích bắt học thuộc lòng nhiều mà dữ kiền cần là giữ lại nhân cách là chính.
Từ nay đến đầu năm học, nên có hướng dẫn riêng về cách ra đề thi. Về phương pháp thi, từ nay đến 2010 chỉ thi trắc nghiệm 4 môn: Ngoại ngữ, Sinh, Hóa, Lý. Các môn Toán, Văn, Địa...không thi trắc nghiệm.
-
Kiều Oanh - Thu Thủy
Đánh giá nghiêm túc, không có tiểu tiết Các thầy cô giáo làm việc nghiêm túc. Lần đánh giá này có 20.000 trường phổ thông tham gia (chiếm 2/3 trong tổng số 35.000 trường trên toàn quốc) nhưng cái khó trong đánh giá là vấn đề định lượng. Đến bây giờ Bộ chưa bao giờ phát ngôn chính thức là chương trình quá tải hay không quá tải mà chỉ ở một số môn, một số nội dung. Bộ có phát phiếu hỏi các Sở về vấn này, tức nội dung có phù hợp với thời lượng hay không thì chỉ có 23 Sở trả lời, trong đó 20 Sở nói không phù hợp (hay nôm na là quá tải), còn 3 Sở nói có, mấy chục Sở khác không có ý kiến gì. Sau hội thảo này, Bộ GD-ĐT sẽ lên danh sách những việc cần làm ngay, cụ thể như hướng dẫn lại một số vấn đề đã có, cái nào sai phải sửa, thậm chí cũng có thể viết lại 1 vài cuốn trong số vài chục đầu sách. Đối với vùng dân tộc, Bộ cũng đang biên soạn lại chương trình tiểu học, có thể kéo dài đến 6 năm, trong đó có 1 năm học tiếng Việt. Có 3 phương án để thực hiện: thứ nhất là các thầy cô trực tiếp giảng dạy tham gia vào việc sửa; thứ hai là tác giả viết sách tham gia vào việc sửa lại và thứ ba là Bộ sẽ làm việc này. (Trích phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân) |