- Một ngày trước giờ G kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội: "Kỳ thi năm nay phải nghiêm túc hơn năm ngoái".
Ông Nhân phủ nhận ý kiến cho rằng, từ năm 2009 chỉ còn một kỳ thi nên Bộ GD-ĐT "không muốn “dồn toa” số thí sinh trượt tốt nghiệp, do đó dù chỉ đạo nghiêm túc nhưng sẽ có sự “nhẹ tay” để tỷ lệ thí sinh đỗ cao trong kỳ thi năm nay.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quyết tâm nghiêm túc
- Đến giờ phút này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Là tư lệnh ngành, vấn đề mà ông lo nhất ở kỳ thi năm nay là gì?
Mong muốn cũng như tinh thần chỉ đạo của chúng tôi đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là làm sao nghiêm túc và nghiêm túc hơn năm ngoái. Phải quyết tâm làm cho được điều đó.
Hơn một tháng qua, Bộ đã liên tục có chỉ đạo các đơn vị liên quan và các sở GD-ĐT trong việc chuẩn bị cho kỳ thi, nên hi vọng sẽ đạt được mục tiêu nói trên. Tất nhiên sự nghiêm túc đến đâu thì vẫn phải chờ kỳ thi diễn ra đã.
- Năm 2009 sẽ ghép kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT, kỳ thi năm nay có phải là đợt sát hạch cuối cùng cho ý tưởng trên?
Trước hết, tinh thần là từ năm 2009 chỉ duy trì một kỳ thi phổ thông ở các nơi, căn cứ vào đó các trường vừa xét kết quả học tập phổ thông, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Hiện nay, các trường đang làm phương án và gửi lên Bộ.
Để tiến tới một kỳ thi từ năm sau, năm nay Bộ tiếp tục điều động giáo viên các trường ĐH, CĐ đi giám sát. Sở dĩ làm như vậy là do những năm trước xã hội đánh giá là thi đại học, cao đẳng thì nghiêm túc, còn thi tốt nghiệp THPT thì chưa đạt.
Cả 2 kỳ thi này đều do ngành giáo dục tổ chức cả, không lý gì mà không tổ chức được kỳ thi phổ thông như kỳ thi đại học. Chúng tôi hoàn toàn có khả năng thực hiện điều đó.
Do vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức với tinh thần nghiêm túc như tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ, đánh giá đúng chất lượng học sinh.
- Bộ đã có công văn chỉ đạo đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng từ năm 2009 chỉ còn một kỳ thi, Bộ không muốn “dồn toa” số thí sinh trượt tốt nghiệp nên dù chỉ đạo như thế nhưng sẽ có sự “nhẹ tay” để tỷ lệ thí sinh đỗ cao hơn?
Không. Nếu thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mà trượt thì vẫn còn kỳ thi lần 2 nữa. Thực ra, nếu các em thi lần 2 mà không đỗ thì các em chọn con đường học nghề khác, phù hợp hơn là theo đuổi con đường học ĐH, CĐ. Năng lực của họ thích hợp hơn với việc học nghề.
- Nhưng ông từng nhiều lần nói rằng việc tổ chức kỳ thi lần 2 là nhằm giúp các em học sinh có tấm bằng tốt nghiệp để vào đời?
Muốn đạt mục tiêu đó thì các em phải được bồi dưỡng thêm. Có những em sức học còn hạn chế, trong một năm học bình thường thì chưa đủ trình độ bằng bạn bè. Do đó muốn đạt trình độ cao hơn, bằng các bạn bình thường thì cần được bồi dưỡng.
Hiệu quả bồi dưỡng cao hơn là học chung, nên chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các em trượt đợt 1, sau khi bồi dưỡng nâng cao thêm trình độ thì thi thêm 1 lần để được đánh giá lại khả năng.
- Ông nghĩ gì khi năm 2007 có rất nhiều học sinh trượt kỳ thi tốt nghiệp đợt 1, sau khi thi lần 2 , số trượt vẫn lớn? Như vậy cơ hội để có tấm giấy thông hành vào đời của nhiều học sinh vẫn bị hạn chế?
Nếu các em thực sự xác định là khả năng học tập của mình yếu kém thì không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ mà có thể học nghề ngay được, chỉ cần chứng nhận đã học xong chương trình THPT.
Tất cả các em đã học xong chương trình THPT sẽ có giấy chứng nhận đó nếu không đỗ tốt nghiệp. Không phải tất cả các em đều có thể vào ĐH, đó là quy luật chung. Quan trọng là các em phải biết tự lượng sức mình để học và thi.
-
Vân Anh (ghi)