221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1069826
Thanh tra uỷ quyền: “Thuốc đặc trị” đã nhờn?
1
Article
null
Thanh tra uỷ quyền: “Thuốc đặc trị” đã nhờn?
,

 - Việc bố trí thanh tra uỷ quyền là giảng viên các trường ĐH, CĐ về giám sát thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương được coi là "phương thuốc" đặc trị để đảm bảo cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, mùa thi năm nay, đã bắt đầu có dấu hiệu "nhờn thuốc".

a

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thanh tra Hội đồng thi THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình). Ảnh: Lan Hương

Trường thi vắng bóng thanh tra

Trong buổi thi sáng 29/5, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bành Tiến Long phụ trách bất ngờ “đột kích” 3 hội đồng thi ở Ninh Bình đều phải tìm “mỏi mắt” mới thấy bóng dáng các thanh tra uỷ quyền.

Đặc biệt, ở Hội đồng thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, vừa thấy đoàn thanh tra, Chủ tịch hội đồng Lê Nguyên Hồng đã “nhấm nháy” 1 giám thị hành lang. Biểu hiện bất thường này không thể lọt khỏi “tầm ngắm” của các thành viên trong đoàn nhưng ông Hồng lại giải thích rằng ông vừa chỉ đạo giám thị đi mời trưởng đoàn thanh tra uỷ quyền xuống gặp đoàn.

Phải đợi tới hơn 10 phút, sau khi Thứ trưởng đã đi thị sát hết cả 3 tầng thì mới gặp được 1 thanh tra uỷ quyền là bà Nguyễn Thị Bích Hiền. Bà Hiền cho biết, mỗi thanh tra được giao phụ trách 1 tầng.

Nhưng khi Thứ trưởng hỏi bà thanh tra đã ở đâu trước đó và tại sao đi dọc mấy tầng không gặp thanh tra nào thì bà Hiền rất lúng túng và “xin phép Thứ trưởng cho em đi làm nhiệm vụ”(!).

Trong khi đó, để giải thích cho sự “vắng mặt” của mình, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng đoàn thanh tra uỷ quyền ở hội đồng này lại báo cáo với Thứ trưởng rằng, ông phải chạy lên chạy xuống 3 tầng liên tục chứ không phải chỉ phụ trách 1 tầng như bà Hiền cho biết trước đó.

Thứ trưởng Long đã góp ý với Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình: “Có thể thay đổi nhân sự ở 1 số nơi nếu thấy không yên tâm”.

Trong khi đó, trưởng đoàn thanh tra uỷ quyền của Bộ tại Ninh Bình Nguyễn Văn Tuyến lý giải “hồn nhiên” rằng: “Có thể thanh tra thấy thí sinh ngoan quá nên chủ quan!”.

Đến chiều cùng ngày, đoàn thanh tra tiếp tục bất ngờ khi đi thị sát ở 6 hội đồng thi thuộc tỉnh Thanh Hoá. Tuy quy định của Bộ GD-ĐT là cứ 7 phòng thi phải có ít nhất 1 thanh tra uỷ quyền nhưng ở các hồi đồng này, chỉ có 2 thanh tra phụ trách 17 đến 20 phòng thi, 3 thanh tra phụ trách 24 đến 26 phòng.

Cá biệt ở hội đồng thi Trường THPT Đông Sơn I, Thứ trưởng đi thị sát 1 vòng trường thi mà không gặp 1 thanh tra uỷ quyền nào. Cùng lúc đó, cạnh cửa sổ các phòng thi diễn ra cảnh tượng nhân viên phục vụ và giám thị hối hả thu dọn phao thi đang bị vứt vương vãi.

a
Phao thi vứt đầy cuối hành lang Trường THPT DL Đông Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Lan Hương
Có bị vô hiệu hoá?

Trước kỳ thi, trong đợt tập huấn cho thanh tra uỷ quyền khu vực phía Bắc, có tới 18 trường ĐH, CĐ vắng mặt. Điều chứng tỏ nhiều trường rất thờ ơ với nhiệm vụ này.

Trao đổi với phóng viên, 1 thí sinh tại hội đồng thi THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) “mếu máo” sau buổi thi môn Vật lý: “Trước khi đoàn kiểm tra của Bộ đến, bọn em được “thoải mái” hơn nhưng từ lúc có đoàn, giám thị coi chặt nên em chẳng làm được bài”. Thí sinh này cũng cho biết em được giám thị thông báo đoàn kiểm tra đến trước khoảng 10 phút.

Trước dấu hiệu rò rỉ thông tin như vậy, Thứ trưởng Long khẳng định: “Các đoàn thanh tra của Bộ đều đi đột xuất không báo cho các địa phương. Còn khi các nơi thông tin cho nhau thì đây là vấn đề cần phải chấn chỉnh sau này về công tác tổ chức thi".

Như vậy dựa trên tình hình khảo sát thực tế của các đoàn kiểm tra của Bộ, dường như thanh tra uỷ quyền vẫn chưa thực sự sâu sát trong kiểm soát kỳ thi.

Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận định: “Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy thanh tra uỷ quyền bị vô hiệu hoá. Phần lớn thanh tra uỷ quyền đều xác định được chức trách của mình nhưng 1 số có lẽ chưa được tập huấn kỹ hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc tham gia giám sát, kiểm tra các kỳ thi”.

Đơn cử như ở hội đồng thi Trung tâm GDTX Chương Mỹ (Hà Tây), thanh tra thuộc thế hệ gần 8X trong khi có thí sinh 6X nên dễ “bị bắt nạt” hoặc cả nể. Thứ trưởng Long cũng thừa nhận: “Một số cán bộ giảng viên còn quá trẻ để làm nhiệm vụ này. Vấn đề này sẽ được Bộ điều chỉnh”.

Bên cạnh đó, phản ánh của một số giám thị ở hội đồng thi Trường THPT Vân Tảo là đôi khi thanh tra mới chỉ xử lý theo “lý” mà không xét đến “tình” khiến cho giám thị rất căng thẳng và nhiều người không muốn làm nhiệm vụ coi thi.

Cụ thể, trong tình huống thí sinh vừa rút tài liệu ra, giám thị chưa kịp phát hiện thì thanh tra bắt gặp và lập biên bản cả thí sinh lẫn giám thị.

Một giám thị bày tỏ: “Chúng tôi chỉ có 2 người, 4 con mắt phải quan sát cả phòng 24 thí sinh nên khó có thể phát hiện ngay khi thí sinh vừa rút tài liệu. Mà giám thị cũng không được quyền khám người thí sinh nên không thể biết em nào có mang tài liệu vào phòng. Vì thế, lập biên bản giám thị là không hợp lý. Thanh tra cần xác định rõ đây là lỗi vô tình hay cố ý làm ngơ của giám thị rồi mới kết luận.”

Trước phản ánh này, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: “Thanh tra uỷ quyền làm đúng chức năng của mình nhưng có thể hơi cứng nhắc. Trong các tình huống này, thanh tra uỷ quyền có thể trao đổi với trưởng đoàn thanh tra để đưa ra quyết định.”

  • Lan Hương
     
    Ý kiến của bạn:

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,