- Phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy qua kỳ thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT hoàn tất. Nếu đề án "2 trong 1" được Chính phủ thông qua, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 6/2009. Kết quả kỳ thi này được dùng để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.
Theo đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, những năm đầu Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 8 môn thi môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Thí sinh xem lại bài làm khi ra khỏi phòng (Ảnh chụp tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Phùng Khắc Khoan, Hà Tây 29/5 - K.O)
Điều kiện xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 6 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 môn tự chọn.
Còn phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT đưa ra như sau, cơ bản vẫn giữ quy trình như hiện nay, nhưng chuyển việc tuyển sinh theo khối (A,B,C,D) sang việc xét tuyển theo ngành học. Số môn xét tuyển tùy theo khối, cụ thể là:
- Đối với các ngành đào tạo thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao: Số môn xét tuyển là 3 môn. Trong đó 2 môn văn hóa trên tổng số 8 môn thi theo đề thi chung của Bộ tại kỳ thi THPT quốc gia (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý) và 1 môn năng khiếu do trường tổ chức thi.
Trong số 2 môn văn hóa xét tuyển có ít nhất 1 trong 3 môn (Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ).
- Đối với các ngành đào tạo thuộc các khối còn lại Bộ GD-ĐT quy định: Số môn xét tuyển là 3 môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ tại kỳ thi THPT quốc gia. Và trong số 3 môn văn hóa xét tuyển có ít nhất 1 trong 3 môn (Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ).
Ngoài kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia là một căn cứ cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, các trường có thể căn cứ vào các tiêu chí khác như: Môn nhân hệ số và mức hệ số; Kết quả thi các môn khác của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ngoài các môn quy định xét tuyển của trường; Kết quả thi/kết quả kiểm tra bổ sung; Mức điểm tối thiểu quy định của trường để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; Thí sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia...
Vẫn theo Bộ GD-ĐT, cùng với kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo quy định của trường để xét tuyển, các trường căn cứ mục tiêu đào tạo của ngành, chất lượng đầu vào... để xem xét chọn bổ sung một trong những căn cứ nêu trên đảm bảo nguyên tắc: Không nhất thiết tổ chức kỳ thi/kiểm tra tại trường, trừ các trường/ngành đặc thù, năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao....
Kết thúc thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, qua kết quả của kỳ thi năm nay sẽ củng cố thêm kinh nghiệm của những người làm công tác thi, đặc biệt là chỉ đạo thi cũng như triển khai tổ chức thi để có thể hoàn chỉnh đề án hơn nữa rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
-
Kiều Oanh
Ý kiến của bạn?