- Số hồ sơ đăng ký tuyển sinh chỉ bằng nửa chỉ tiêu được giao. Nhiều HS rớt khỏi chặng đường theo "Chương trình giảng dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp".
Việc Trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm học này "đột ngột" không tuyển sinh lớp 1 tăng cường tiếng Pháp khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Theo đúng lịch trình, trường nhận đơn cho HS thi vào hệ song ngữ từ 2-16/6 nhưng đến 19/6, các phụ huynh đến trường nhận số báo danh cho ngày thi 21/6 thì trường thông báo không thi nữa.
Trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Anh |
Hiệu trưởng Lê Minh Sơn giải thích, do hồ sơ đăng ký học lớp tiếng Pháp chỉ bằng một nửa chỉ tiêu được giao nên từ 13/6, trường đã báo cáo lên Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, Sở vẫn chỉ đạo nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ đến 18/6. Do hồ sơ cũng không đủ nên Sở quyết định cho trường không thi tuyển và mở lớp tiếng Pháp. Thời gian quyết định kéo dài nên trường cũng rơi vào thế "bị động" và phụ huynh cũng "bị động", bà Sơn phân trần.
Ngày 19/6, sau khi có chỉ đạo của Sở về việc này, trường đã thông báo đến phụ huynh để trả lại hồ sơ, lệ phí dự thi 40.000 đồng, đồng thời giới thiệu sang 6 trường tiểu học năm nay vẫn tuyển sinh như Nam Thành Công, Đoàn Thị Điểm, Trưng Trắc, Phương Nam, Nguyễn Tri Phương, Nghĩa Tân. Những trường này đều hết hạn thu hồ sơ vào 15h ngày 20/6.
Lý do số hồ sơ năm nay giảm nhiều, bà Sơn giải thích, ngoài việc phải tham gia kỳ thi đầu vào trắc nghiệm như thông lệ, nhà trường đã thông báo cho các phụ huynh khi nộp đơn nên xem xét đến năng lực học ngoại ngữ và sức khỏe, thể lực của con em. Đồng thời, cũng chỉ rõ, nếu HS không theo được chương trình học sẽ trở về học theo đúng tuyến quy định, nhà trường không chuyển HS đó sang lớp thường của trường. Bà Sơn cho biết, đây là chỉ đạo của Sở để không "phá vỡ mô hình" lớp Pháp và gây hoang mang cho những HS vẫn đang theo học.
Hầu hết HS nộp đơn vào học lớp tiếng Pháp đều "trái tuyến". HS nếu không theo được lớp Pháp phải quay về trường đúng tuyến, cộng thêm yếu tố sức khỏe để theo được chương trình nên nhiều phụ huynh đã có sự cân nhắc kỹ hơn. Năm trước, chỉ tiêu được giao của lớp Pháp là 30 HS, thì có hơn 50 hồ sơ xin dự tuyển.
Trường tiểu học Bình Minh từ năm ngoái đến năm nay cũng không tuyển sinh được lớp tiếng Pháp.
Chương trình tăng cường tiếng Pháp tồn tại ra sao?
Trong 2 năm (2005 đến 2007), số HS theo học chương trình song ngữ tiếng Pháp đã giảm từ hơn 17.000 HS xuống còn 15.400 HS trên cả nước. |
Từ năm 2006, dự án này hết thời hạn và chương trình được chuyển sang phía Việt Nam quản lý. Không còn "tài trợ", các trường khá lúng túng.
Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kinh phí để duy trì được lấy một phần từ ngân sách nhà nước và học phí (khoảng 80.000 đồng/HS) của HS.
Thực tế, số lượng trường và lớp tiếng Pháp phát triển không nhiều, nguồn giáo viên không có nên số lượng đăng ký ít đi. Thêm vào đó, xu hướng học tiếng Anh ngày càng phổ biến cũng góp phần làm số HS đăng ký học lớp Pháp giảm.
Chương trình tiếng Pháp không có gì đáng ngại về chất lượng khi đầu mối quản lý trực tiếp là Sở (các trường chỉ quan tâm đến phần dạy tiếng Việt) vì quy trình khá chặt chẽ thông qua các kỳ thi.
Cơ chế cho giáo viên mới chính là khó khăn của ngành. Số lượng giáo viên tiếng Pháp không nhiều, nhưng nhiều người trong số họ là giáo viên hợp đồng, được trả lương theo tiết dạy. Bên cạnh đó, giáo viên của một bộ môn quá ít nên việc tổ chức chuyên môn, chuyên đề rất hạn chế. Có khi trên cả địa bàn quận chỉ có 1-2 trường học tiếng Pháp, kể cả các cấp khác nhau.
Hiện nay các trường tiếng Pháp phân bố ở nhiều khu vực khác nhau, nếu trường này không vào được mà phải chuyển sang trường khác thì HS phải đi rất xa. Ví dụ từ Trường THPT Chu Văn An sang Trường THPT Lômônôxôp gây khó khăn lớn, nên vẫn phải có phương án là cố duy trì.
Ông Vi Văn Đính, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định, chương trình tăng cường giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp sẽ tiếp tục phát triển, Bộ sẽ lấy mô hình này để xây dựng đề án mở rộng song ngữ các thứ tiếng khác như Nhật, Đức... Đối với chương trình, tới đây, Bộ cũng sẽ có điều chỉnh lại thời gian, thời lượng cho phù hợp hơn với lứa tuổi HS.
-
Bảo Anh