221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1101892
Học chế tín chỉ: Bộ bảo làm, các trường kêu khó!
1
Article
null
Học chế tín chỉ: Bộ bảo làm, các trường kêu khó!
,

 – Đào tạo tín chỉ trong 3 năm gần đây khiến nhiều trường gặp khó. Có phải ngành giáo dục chạy theo thành tích trong khi phần lớn các trường đều chưa đáp ứng được?

 

Việc áp dụng học chế tín chỉ trên toàn quốc trong năm học 2008 – 2009 tại Hội nghị tổng kết năm học vừa qua và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong năm học mới do Bộ GDĐT tổ chức ngày 27/8, đã làm nóng không khí tranh luận giữa các trường và Bộ.

 

Đào tạo tín chỉ: Các trường kêu khó!

 

Các đại biểu tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh Đ.T
Năm học 2008 - 2009, Bộ GD&ĐT chủ trương triển khai học chế tín chỉ đại trà. Nhưng các trường, nhất là những trường ĐH, CĐ ngoài công lập và địa phương lại cho rằng rất khó thực hiện được.

 

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho rằng: “Các trường ngoài công lập không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để nâng cao kỹ năng và nghề nghiệp cho sinh viên. Nếu cứ theo quy định của Bộ về diện tích tối thiểu của một trường (tối thiểu là 5ha) thì phải mất khoảng 10 năm nữa mới triển khai được học chế tín chỉ.

 

Ông Hoàng Văn Cẩn- Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM cũng khẳng định: “Cơ sở vật chất hết sức quan trọng trong đào tạo tín chỉ. Nếu thực hiện đào tạo tín chỉ trong năm 2009 thì trường sư phạm cũng trả lời ngay là không thể thực hiện được vì cơ sở xuống cấp trầm trọng. Trường cũng muốn cải tạo cơ sở vật chất nhưng không được vì chưa có sổ đỏ dù đã tọa lạc 32 năm”.

 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng CĐ Sư Phạm Bình Dương, thắc mắc: “Đào tạo tín chỉ trong 3 năm gần đây khiến nhiều trường đang gặp nhiều khó khăn. Có phải ngành giáo dục chạy theo thành tích trong khi phần lớn các trường đều chưa đáp ứng được”.

 

Hiệu trưởng ĐH Tiền Giang, chia sẻ kinh nghiệm: “Phải chuẩn bị thật kỹ trong việc chuẩn bị sang hệ thống tín chỉ, năm vừa rồi trường đã triển khai nhưng hiện rất bộn bề và mờ nhạt. Tại sao cái gì cũng chung, nhưng không có một phần mềm tín chỉ chung?”.

 

Sau khi lắng nghe ý kiến của các trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Cục Công nghệ thông tin cần rà soát lại xem các trường đang dùng phần mềm quản lý nào. Đến tháng 10/2008, Cục Công nghệ thông tin phải có báo cáo và từ đó tìm ra một phần mềm chung cho quản lý đào tạo theo tín chỉ”.

 

Cần tận dụng giảng viên Việt kiều...

 

TS Bùi Trân Phượng. Ảnh Đ.T
Nhiều trường ngoài công lập chưa đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu cho việc mở ngành theo quy định. Cụ thể, trường ĐHDL Phú Xuân đã tuyển sinh và đào tạo 12 ngành đại học, nhưng chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Đông Du (Đà Nẵng) đào tạo ngành Kế toán với 850 sinh viên, nhưng chỉ có 6 giảng viên cơ hữu có trình độ đại học đúng chuyên ngành; trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đã có quyết định mở 7 ngành đào tạo trình độ đại học, nhưng hiện nay ngành Quản trị kinh doanh chỉ có 1 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ.

 

Theo nhận xét của Bộ GD&ĐT, công tác quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên ngoài công lập còn nhiều bất cập. Do vậy, đội ngũ giảng viên thường xuyên biến động, thiếu về số lượng và thiếu giảng viên cơ hữu có trình độ cao.

 

Theo phản ánh từ các trường, số lượng giảng viên có tăng nhưng chất lượng chưa được nâng cao là do Bộ chưa đưa ra được một “chuẩn” nào ràng buộc giảng viên tự “nâng cấp” bản thân trong quá trình giảng dạy, trong đó có yêu cầu tối thiểu là phải nghiên cứu khoa học. Vì thế, hiện có nhiều giảng viên yếu kém nhưng các trường không biết dựa vào đâu để buộc giảng viên nâng cao năng lực của mình.

 

Về vấn đề này, TS Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen – cho rằng cần phải quốc tế hóa đội ngũ giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Nếu cứ tuân theo quy định là sử dụng giảng viên trong nước thì không thể đủ về số lượng và chất lượng. Vì vậy, bà Phương đề nghị: “Bộ cần có quy chế mở rộng để các trường tận dụng nguồn nhân lực ở nước ngoài, như Việt kiều, để có nguồn giảng viên phong phú và có chất lượng cao hơn”.

 

  • Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,