– Trường THPT Nguyễn Trãi quận 4 được Sở GD-ĐT phân bổ 15 giáo viên cho năm học mới. Nhưng cho đến nay, chỉ có 5 giáo viên đến nhận nhiệm sở, trong đó có một người đến trình diện nhưng sau đó không dạy.
Tình trạng giáo viên không nhận nhiệm sở sau khi đã trúng tuyển đang trở nên phổ biến tại TP.HCM.
Chen lấn nộp hồ sơ dự xét tuyển giáo viên tại TP.HCM. Ảnh Q.T
Vùng ven thiếu giáo viên trầm trọng
Ngày 28/8, Phòng giáo dục quận Thủ Đức cho biết quận thiếu 15 giáo viên tiểu học và 17 giáo viên trung học cơ sở, nhất là giáo viên môn thể dục. Đầu năm học, Sở GD&ĐT đã phân bổ cho quận 18 giáo viên trung học cơ sở, nhưng cho đến nay chỉ có 1 giáo viên đến nhận nhiệm sở.
Huyện Bình Chánh cũng đau đầu với tình trạng thiếu giáo viên. Phòng Giáo dục Bình Chánh xin 97 giáo viên tiểu học và 42 giáo viên trung học cơ sở để bổ sung cho năm học mới. Nhưng cho đến hôm nay (30/8), Phòng chỉ nhận được 24 giáo viên tiểu học và 29 giáo viên trung học cơ sở đến nhận nhiệm sở.
Quận Tân Phú cần 260 giáo viên để bổ sung cho năm học mới. Nhưng đến ngày 28/8, chỉ hơn 50% số giáo viên đó đến trường. Hiện nay, Tân Phú còn thiếu 77 giáo viên tiểu học và 59 giáo viên trung học cơ sở. Một cán bộ Phòng giáo dục Tân Phú cho biết: “Hiện nay, một số trường tiểu học phải vận dụng cả bảo mẫu ra đứng lớp. Hy vọng trong đợt tuyển lần sau, quận sẽ có đủ giáo viên”.
Quận Bình Tân là quận mới thành lập, nên tình trạng thiếu giáo viên càng nặng nề hơn. Cho đến nay, chỉ hơn 100 giáo viên về nhận nhiệm sở trong khi quận cần đến 235 giáo viên cho năm học mới.
Theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, hầu hết các trường THPT trong và ngoài công lập tại Cụm 2, bao gồm Quận 4, 7, 8, Huyện Nhà Bè, Cần Giờ, đều thiếu giáo viên.
Tình trạng này cũng đang diễn ra ở các trường dân lập. Cụ thể, trường DL Hồng Đức (quận Bình Thạnh) có 10 giáo viên đã trúng tuyển trong cuộc thi tuyển giáo viên đợt 1 vừa qua của Sở nhưng không đến dạy.
Hiệu trưởng một trường mầm non ngoài công lập tại quận Bình Thạnh lo lắng: “Đợt thi tuyển vừa rồi chúng tôi mất 4 giáo viên. Đợt tiếp theo không biết thế nào. Năm nay trường có thêm 2 giáo viên xin nghỉ vì lý do gia đình. Tìm giáo viên bổ sung không phải dễ. Giờ vào năm học rồi, kiếm cô giáo khó lắm”.
Các trường tự xoay
Hiệu trưởng một trường cấp 3 than thở: “Sở hứa cho đủ giáo viên, nhưng chờ hoài chỉ có vài giáo viên đến nhận nhiệm sở. Để có giáo viên đứng lớp, chắc chúng tôi sẽ phải tính đến phương án mời giáo viên hợp đồng theo từng buổi hoặc tiết học”. Hiện nay, nhiều phòng giáo dục các quận huyện cũng đang lên phương án sử dụng giáo viên thỉnh giảng. Cũng không ít quận huyện đang tính đến việc mời giáo viên đã nghỉ hưu hoặc giáo viên ngoại tỉnh để bù đắp.
Hiệu trưởng trường mầm non B.N (Bình Thạnh) cho biết: “Do thiếu giáo viên nên năm nay trường tổ chức ít lớp học hơn năm ngoái. Vừa rồi, chúng tôi đã điều 3 giáo viên từ một cơ sở của trường ở Biên Hòa để bổ sung cho cơ sở ở Bình Thạnh. Tất nhiên, đó chỉ là một giải pháp tình thế”.
Chị Nguyễn Thu Cúc, chủ nhóm trẻ gia đình ở khu công nghiệp Tân Bình buồn rầu nói: “Sau gần cả tháng mời mọc, thuyết phục mãi mới có được 2 cô giáo mới ra trường đồng ý về làm. Nhưng chỉ sau 1 tuần, cả 2 đều chuyển qua một trường mầm non khác ở Bình Thạnh. Hiện tại tôi phải đứng lớp và vừa ký hợp đồng với 1 cô giáo ở Vinh vào kiếm việc”.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm giáo viên, đầu tháng tới, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tuyển thêm 1.500 giáo viên (GV). Trong đó, bậc tiểu học cần 470 GV; bậc THCS cần 469 GV ở các bộ môn địa (49 GV), giáo dục công dân (14 GV), toán (23 GV), sinh (92 GV), kỹ thuật công nghiệp (5 GV), kỹ thuật nông nghiệp (20 GV), thể dục (133 GV), tin học (93 GV), âm nhạc (6 GV), mỹ thuật (37 GV); bậc THPT còn thiếu 354 GV ở các bộ môn địa (21 GV), giáo dục công dân (21 GV), toán (26 GV), tiếng Anh (50 GV), kỹ thuật công nghiệp (46 GV), kỹ thuật nông nghiệp (22 GV), tin học (67 GV), thể dục (34 GV), tâm lý giáo dục (62 GV), sinh (4 GV)...
-
Đoan Trúc