- SGK là tấm gương phản ánh chương trình, khi chương trình còn có vấn đề thì việc đính chính theo cách nào cũng gặp phải những bất cập và mang tính chất tình thế.
Ông Tô Bá Trọng, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội đồng TW, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam . Ảnh: Trần Hải |
PGS.TS Tô Bá Trọng (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), người tham gia tập hợp các ý kiến đóng góp của các hội thành viên về đánh giá chương trình, SGK vừa qua đã có quan điểm riêng về vấn đề này.
Trước hết, tôi thấy đây là một việc làm có tính chất tình thế, cũng có thể được đánh giá là tốt, kịp thời, thể hiện rằng Bộ GD-ĐT đã lắng nghe xã hội, sự đóng góp của nhiều nhà khoa học, trong đó có Liên hiệp các Hội KHKT VN.
Trong ý kiến của chúng tôi phát biểu, có đề xuất một kiến nghị, đó là tiếp tục sử dụng SGK một thời gian với những chỉnh sửa cần thiết, song song với việc chuẩn bị một bộ SGK mới. Tất nhiên, khái niệm một thời gian đó là một khái niệm tương đối, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong lúc chúng ta đang có nhiều khó khăn.
Việc Bộ đặt ra vấn đề chỉnh sửa, chúng tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, bên cạnh đó có mấy vấn đề sau:
SGK phải được nhìn lại từ gốc
Một là, những khó khăn, bất cập trong nhà trường phổ thông thì liên quan không phải trước hết đến SGK mà là đến hệ thống giáo dục, đến chương trình giảng dạy, thiết bị dạy học, phương pháp giảng dạy và dĩ nhiên có SGK. Cho nên, việc chỉnh sửa có lẽ nên được xem xét trong tổng thể mà SGK chỉ là một bộ phận
Thứ hai, SGK được chỉnh sửa theo như cách được giới thiệu cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt và chỉ một phần của những điều được chỉnh sửa. Như đã nói, SGK là tấm gương phản ánh chương trình, khi chương trình còn có vấn đề thì việc chỉnh sửa SGK cũng chỉ là một bước. Còn cách chỉnh sửa hiện nay tất nhiên cũng phát huy tác dụng giúp cho các thầy cô giáo và HS có được thông tin đầy đủ, chính xác hơn nhưng chưa phải là những chỉnh sửa cơ bản.
Thứ ba là, để hoàn chỉnh hơn, mang tính chất lâu dài là phải xem xét lại hệ thống giáo dục. Từ đó, SGK được biên soạn tương xứng với hệ thống đó và dễ có được sự đồng thuận.
Ví dụ, ở trường hiện nay có rất nhiều môn học nếu so sánh với các nước. Hơn nữa, ở các nước họ nghiên cứu xây dựng môn học tích hợp, chúng ta đã làm được ở tiểu học. Chúng tôi cũng có đề nghị ở THCS, có nên tích hợp các môn khoa học tự nhiên thành một môn không. Nếu làm như vậy SGK sẽ khác, các môn học cũng sẽ khác.
Đặc biệt với THPT sự phân ban như thế nào? Nếu như phân ban, đối với mỗi ban số môn học ít đi thì có điều kiện đưa nhiều nội dung vào giảng dạy và SGK sẽ được xây dựng tương ứng. Còn như số môn học hiện này mà SGK đòi đưa nhiều nội dung vào thì sẽ làm HS khổ sở, quá tải.
Hơn nữa, cấp THPT có 2 chức năng, một là hoàn thiện học vấn phổ thông, nhưng đồng thời lại có chức năng thứ hai quan trọng là chuẩn bị kiến thức cho ngành nghề. Vấn đề đặt ra là, kiến thức phổ thông đến đâu là vừa? Trong số những kiến thức cần cho cuộc đời thì cái nào cần cho kiến thức chuẩn bị ngành nghề thì phải trang bị cho HS, còn cái nào là việc học suốt đời...
Đề nghị sớm nghiên cứu, chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục mới trong đó có chương trình và SGK nhưng vấn đề đầu tiên phải là xây dựng lại hệ thống phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
Cả 2 cách đính chính SGK đều có điểm yếu
Tôi chưa nghiên cứu cụ thể các tài liệu đính chính nên không dám nói cụ thể, chi tiết. Tôi chỉ nói rằng đóng thành quyển hay tờ rời đều có điểm yếu.
Có thể hình dung, đến lớp, thầy cô giáo bảo các em HS mở sách để chỉnh sửa lại. Lúc đó, các em sẽ mất thời gian cùng cô giáo sửa. Nhưng cũng lại phải thông cảm, là đến lúc thầy cô giáo nói câu đó chưa chắc HS nó đã nghe. Hoặc, nếu có chữa vào SGK thì chắc gì tất cả các cháu đã qua câu lạc bộ chữ đẹp?
Còn in ra thành tờ rời thì tôi cũng chưa rõ là có phát cho mỗi HS một tờ rời không. Nhưng ngay cả lúc, mỗi HS được phát một tờ rời thì nó sẽ giữ được bao lâu? Vậy là phải đặt vấn đề với các thầy cô giáo để ý làm sao cho các cháu giữ được.
Rồi nói đến chuyện sách dùng chung. Năm nay mua sách, năm sau không dùng nữa, sách đó anh nhường cho em, hoặc gửi vào thư viện trường cũ thì cái tờ đấy có đi theo cái quyển sách đó không? Mà cái tờ đấy, tôi không biết in một mặt hay 2 mặt, nhưng nếu in một mặt thì mặt sau có thể trở thành tờ giấy nháp...
Vậy thì làm thế nào cho tốt nhất?
Tôi thì nghĩ rằng, tốt nhất là viết lại SGK. Nhưng như tôi đã nói, hiện nay đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do đó, ở đây nên giao trách nhiệm quan trọng nhất cho các thầy cô giáo. Là những người đã được đào tạo về cả năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm và phải có kiểm tra.
SGK là phương tiện để thầy cô giáo dạy học, nhưng kiến thức phải là do các thầy cô giáo truyền thụ cho HS. Ngày trước chúng tôi đi học nhiều khi cũng đâu có SGK? Nhưng tiến tới một nền giáo dục hiện đại là phải có SGK, thậm chí là SGK tốt. Trong hoàn cảnh này thì trách nhiệm của thầy cô là làm sao để truyền đạt được cho HS những kiến thức. Hoặc, nếu chúng ta áp dụng theo in tập đính chính, tờ đính chính thì cái đó càng phải đặt trách nhiệm lên thầy cô giáo. Đã như vậy mà HS của thầy cô giáo còn sai những lỗi đấy thì giáo viên phải chịu trách nhiệm.
SGK là một phương tiện, không phải là duy nhất, người thầy có uy tín thì nhất nhất thầy nói gì HS sẽ nghe theo. Như vậy, những cái đính chính này, khâu của NXB chỉ là kỹ thuật còn kiến thức chủ yếu là từ thầy cô giáo. Tất nhiên, thầy cô giáo sẽ phải vất vả hơn. Nhưng lúc này là lúc thầy cô giáo thể hiện tấm lòng với HS. Cái đó nếu sai không thể đổ cho khách quan được.
Có thể là việc đính chính đưa xuống thế nào cũng bất cập? Nhưng bất cập còn hơn không, dù được bao nhiêu phần trăm, cũng là dịp để tác giả SGK nhìn lại, không dễ dãi với mình được như trước đây.
Cũng có thể nói HS sẽ chê người lớn làm sai, nhưng phải lường trước và chấp nhận vì tình hình nó là như vậy. Bây giờ để sửa thì nên như thế này. Ví dụ, cái quy luật đáng nhẽ là "thế này", nhưng vì người ta đã làm "thế này" thì bây giờ sửa lại nó là "thế này" thì HS sẽ chấp nhận thôi. Và từ ngày này trở đi, khái niệm đó chúng ta hiểu nó như "thế này"...
-
Bảo Anh (ghi)