- “Mỗi tháng tiền học khác nhau, nếu hỏi thì các cô có vẻ rất khó chịu khi phải kê khai tỉ mỉ và nói không thống nhất. Im lặng cho xong chuyện nhưng đúng là tôi không hài lòng về việc công khai tài chính ở trường”, chị Giáng Hương (cán bộ Bộ Khoa học – Công nghệ), có con học tại trường mầm non bán công Mỹ Đình (Hà Nội) nói.
Bé nhà chị Hương 4 tuổi. Theo quy định của nhà trường, tiền ăn và một số loại tiền khác sẽ được tính toán dựa trên số buổi mà cháu đi học. Tuy nhiên, “có nhiều tháng, con tôi nghỉ học nhiều ngày để đi chơi, nhưng vẫn thấy tiền ăn và các tiền khác như mọi tháng. Cô bảo để tháng sau trừ, rồi cũng chẳng thấy đâu. Chả đáng bao nhiêu, nhưng rất bực”, chị Hương nói.
HS Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2008-2009. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hiện nay, việc thông tin những khoản đóng góp đến phụ huynh được nhiều trường thực hiện qua các thông báo và trực tiếp qua các buổi họp phụ huynh. Nhiều trường làm đúng quy định, nhưng phụ huynh vẫn bức xúc. Nguyên nhân một phần là do cách thông tin của giáo viên chưa ổn.
“Đầu năm, có phụ huynh bức xúc là thu 160.000 đồng tiền gì? Đó là tiền bảo hiểm y tế (120.000 đồng), bảo hiểm xã hội (40.000 đồng), và hoàn toàn tự nguyện, nhưng có lẽ giáo viên diễn đạt không tốt, nên phụ huynh hiểu nhầm”, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh cho biết.
"Năm ngoái, nhà trường huy động đóng góp thêm để cải tạo lại sân trường cho đỡ lầy lội. Mình rất đồng tình, vì cũng là cho con em mình thôi. Nhưng quan trọng nhất là phải công khai và hợp lí" - Anh Lương Văn Sơn (khu tập thể E3, Thái Thịnh). "Học phí khá cao, khoảng 200 USD mỗi tháng, cộng với 20.000 đồng tiền ăn một ngày, nhưng tôi hài lòng vì hàng tháng trường đều có thông báo về nhà, kẹp vào quyển sổ nhật kí hàng ngày của các bé" - Chị Hà An (chung cư Mỹ Đình I). |
Ở một số trường tiểu học, việc học tin học, học ngoại ngữ, tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, tiền đóng góp cải tạo cơ sở vật chất... đều là tự nguyện. Nhiều trường có những thông báo rất cụ thể.
Tuy nhiên, bằng cách diễn đạt theo kiểu “bắt ép” của các giáo viên, cộng thêm tâm lí lo lắng con mình bị “trù dập”, phụ huynh HS đều miễn cưỡng “tự nguyện”. Rõ ràng, công khai, minh bạch thông tin nhưng cũng cần công khai đúng cách, và đúng với tinh thần “tự nguyện”.
Nhiều phụ huynh cho biết, ngoài các khoản thu theo quy định của Nhà nước, họ cần được công khai các khoản như: tiền sách vở, đồ chơi, điện nước, tiền ăn…
Anh Hoàng (Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội) cũng có con đang học tại trường mầm non bán công Mỹ Đình thì cho rằng: “Các cô bận, mình cũng bận, họp hành thì toàn vào ngày làm việc, nên cũng không đi được. Chỉ cần có một tờ thông báo dán trước lớp để mình nắm được mà cũng không có”.
Ông Vương Dương Minh, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng: Sở dĩ nhiều trường làm đúng mà phụ huynh vẫn kêu là vì: “Các trường đã không thông tin đầy đủ, thiếu những thông tin giải thích để phụ huynh hiểu cơ chế thu tiền của nhà trường”.
Website: có, thông tin: không!
Hiện nay, nhiều trường học đã có website cập nhật thông tin về tình hình của nhà trường cho các bậc phụ huynh. Ở Hà Nội có trường phổ thông dân lập Nguyễn Siêu, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Trường tiểu học Cát Linh,…. Ngoài tin tức chung về giáo dục, các website này còn đăng tải các thông báo của nhà trường, lịch học của HS, bài giảng điện tử, sổ liên lạc điện tử… Thế nhưng, không website nào công bố những khoản thu – chi của nhà trường.
"Nhiều khoản thu, nếu nhà trường và giáo viên có thông báo, giải thích cụ thể với phụ huynh thì sẽ tránh được những bức xúc không đáng có từ phía họ, và nhà trường cũng đỡ mang tiếng" - Hiệu trưởng trường tiểu học Cát Linh Đỗ Quang Hợp |
Ông Vương Dương Minh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành cho biết: website của trường đang trong giai đoạn sửa chữa và 2 tuần nữa sẽ công khai các khoản thu đầu năm lên mạng. Còn ông Nguyễn Thanh Bình, hiệu trưởng trường tiểu học Thái Thịnh cũng khẳng định, sau khi thỏa thuận xong với phụ huynh học sinh, sẽ công khai các khoản thu lên mạng…
Chưa rõ, những dự kiến này có được thực hiện hay không. Tuy nhiên, từ phụ huynh học sinh cho đến hiệu trưởng một số trường học đều thừa nhận: Lí do khiến các trường không công khai thu – chi qua website là vì “nhạy cảm”.
“Đấy là vấn đề tế nhị, hay nhầm lần, nên có thể họ ngại không công khai trên mạng”, chị Giáng Hương nói.
Ở trường tiểu học Cát Linh, một trong những trường tiểu học công lập đầu tiên của Hà Nội có website riêng cũng đã từng đưa những thông tin về các khoản thu lên mạng. Nhưng sau đó, trường đã rút xuống. “Tôi cảm thấy nếu đưa hết lên mạng, phụ huynh sẽ rất khó rành mạch các khoản, và sẽ cảm thấy có nhiều khoản tiền phải đóng quá. Thực ra, tiền đóng theo quy định của Nhà nước thì rất ít thôi, còn các khoản như tin học, ngoại ngữ, tiền ăn bán trú…ai có nhu cầu mới phải đóng. Phụ huynh phải thật hiểu biết mới có thể không nhầm lẫn”, hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Ông còn cho biết thêm: “Tôi rất muốn công khai. Nhưng đưa 1 lần, rồi không biết là do câu chữ hay cái gì đó thì cũng bị lãnh đạo chất vấn. Nên tôi cảm thấy có khi là thôi, không nên đưa nữa”.
Ông Vương Dương Minh thì cho rằng: Công khai thu – chi qua website là chủ trương tốt, người dân cần biết để có sự lựa chọn. Còn các trường ngại vì: “khi có việc nào đó xảy ra với nhà trường, mà gây sự chú ý của dư luận thì người ta có thể lấy những thông tin về tài chính đó làm cứ liệu để phê phán”. Song, ông Minh cũng khẳng định: “không phải vì sự nhạy cảm ấy mà mình không làm”.
-
Lan Anh
******************
Ý kiến của bạn: