221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1108336
SGK và khoảng cách “thực học, thực nghiệp”
1
Article
null
SGK và khoảng cách “thực học, thực nghiệp”
,

 - Nhân sự kiện Bộ GD - ĐT cho in đính chính hàng vạn bản đính chính SGK, ông Dương Trung Quốc - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến rằng, chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục phù hợp với bối cảnh chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, hội nhập với thế giới.

Thiếu “triết lý giáo dục”

Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong mấy lần hội thảo về ngành sử học, về đổi mới môn sử trong nhà trường, rồi câu chuyện học sinh không thích môn sử, vấn đề sách giáo khoa cũng đã được nêu lên.

Nguyên nhân là chúng ta không đổi mới cơ chế thực hiện làm sách giáo khoa. Rất nhiều những đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi đang nằm trong cơ chế ấy.

Chúng tôi rất tôn trọng các anh ấy như người thầy của mình. Nhưng cơ chế cũ khiến các anh vẫn chưa thoát ra cách làm cũ, vẫn là một nhóm thầy trò với nhau, có khi uy tín của thầy khiến cho phía dưới thì không đóng góp, không phản biện được nhiều, phía trên thì không tránh khỏi chủ quan. Hệ thống giáo dục của ta có cái dở ở chỗ ấy.

Để sửa đổi cơ chế này, đơn giản nhất là phải làm thật chắc, thật tốt chương trình chuẩn mực. Trong đó, phải đưa ra được triết lý nói chung của các bộ môn, trong đó có môn sử. Người ta vẫn bàn về các vấn đề giáo dục gặp khó khăn trong lúc chuyển đổi này (chuyển đổi từ cơ chế nhà nước quản lý tuyệt đối sang cơ chế thị trường, chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, từ cái xã hội mà chúng ta chỉ có một chuẩn mực duy nhất là nền văn hiến Trung Hoa sang những chuẩn mực của thế giới thời hội nhập).

Tôi cho cái quan trọng nhất là chúng ta đang thiếu một triết lý. Các cụ khởi xướng phong trào Duy Tân từ hồi đầu thế kỷ XX đã đưa ra triết lý này, đó là “thực học và thực nghiệp”. Học cái gì và làm cái gì cho phù hợp với đời sống hiện tại. Tôi cho rằng, mấy chữ “thực học và thực nghiệp” là đầy đủ và còn nguyên ý nghĩa thời sự.

Sách giáo khoa vẫn còn “xa” cuộc sống

]Đứng trên quan điểm triết lý ấy, ta thấy rằng, nền giáo dục hiện nay đang trang bị cho các em có nhiều cái thừa và nhiều cái thiếu. Trong xã hội truyền thống, cái căn bản của giáo dục là dạy “đạo lý làm người”, sau đó là năng lực sử dụng con người (để làm quan, để vào “nhà nước”, để đối xử với xã hội).

Sang thời kỳ hiện đại, học làm người vẫn là cái quan trọng, nhưng có một cái quan trọng không kém là học cái gì để ứng dụng vào đời sống, từ việc đơn giản nhất là hướng nghiệp cho mỗi con người sống bằng nghề của mình cho đến việc cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Nếu chúng ta soi vào chương trình học tập hiện nay, sẽ thấy có rất nhiều cái thừa, có cái mình học nhiều nhưng không dùng đến vì nó quá xa. Ví dụ như chương trình toán của chúng ta rất nặng, như toán lượng giác mà tôi học từ xưa, gần như không sử dụng sau này.

Vì vậy đặt ra câu hỏi học cho số đông thì học đến mức nào là vừa. Những ai định hướng nghề nghiệp tiếp tục đi theo chuyên môn ấy thì học sâu. Số còn lại nên tập trung học phương pháp. Như thế chúng ta phải cân nhắc nội dung, thời lượng đầu tư để định ra chương trình phù hợp. Thời đại này thông tin quá nhiều, chất lượng sống và chất lượng lao động ngày càng cao. Trong khi đó, cuộc đời con người vẫn chỉ chừng ấy thời gian, một ngày vẫn chỉ 24 tiếng đồng hồ. Cho nên sự lựa chọn đầu tiên đối với mỗi đứa trẻ cho đến các phụ huynh và mỗi người chúng ta cho đến các nhà quản lý phải tính đến thời gian. Tôi học cái gì, tại sao không học cái này mà học cái kia...

Nguyên lý của sự lựa chọn chính là “thực học”. Chính trị có cần không? tôi nghĩ là cực kỳ cần thiết, nhất là ý thức công dân. Trong khi đó môn chính trị của chúng ta lại thiên về những thứ bề ngoài hình thức. Trong nền học vấn thiên về “hư học” (không thực chất) người ta có thể học thuộc lòng, nói đi nói lại nhiều lần mà rốt cục không tác động nhiều đến ý thức của người ta. Học cái gì, không học cái gì, đó chính là cái chương trình. Chương trình cần phải xác định trước, sau đó mới soạn sách giáo khoa cho phù hợp với cái chương trình chuẩn đó. Có chương trình chuẩn, anh mới có thể đánh giá được sách giáo khoa đã đạt chưa, mới có thể đánh giá được học sinh giỏi kém thế nào.

Khi có chương trình chuẩn mực rồi, thì chúng ta phải phát huy tối đa năng lực sáng tạo, các sáng kiến, đặc biệt trong ngành giáo dục, các phương pháp giảng dạy (truyền thụ trực tiếp và sách giáo khoa). Không phải ngẫu nhiên mà các nước có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó có những bộ sách tồn tại rất lâu. Cái đó hoàn toàn do thị trường, do nhu cầu đời sống lựa chọn. Chương trình sách giáo khoa ấy phải mang lại hiệu quả cho người học trong thi cử và trong cuộc sống.

SGK cần chú trọng “phương pháp tư duy”

Trong sách giáo khoa, chẳng hạn như môn lịch sử chẳng hạn, người ta thường cho rằng lịch sử là trí nhớ. Tôi đã nói nhiều lần rằng, đừng biến sử học thành cái khổ sai của trí nhớ, nhất là trong thời đại có thể ứng dụng khoa học công nghệ, tri thứ có thể được lưu giữ trong sách, trong ổ nhớ máy tính, ta chỉ mất ít thời gian để lấy ra. Quan trọng nhất trong sử học là phương pháp tư duy, những bài học lịch sử, thì sách giáo khoa lại quá thiếu.

Tôi lấy ví dụ, mới đây có một bài báo phê phán chuyện thi cử của các cháu, có đưa ra bài làm của một cậu học sinh viết về sự kiện Bác Hồ sang Pháp và lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, đại ý thế này: Bác Hồ mong muốn hoà bình, nhưng bọn thực dân không chịu, Bác sang tận bên Pháp thuyết phục, thuyết phục không được, chúng vẫn quyết xâm lược nước ta. Bác tức mình về lãnh đạo nhân dân đánh cho chúng một trận, và Pháp thua ở Điện Biên Phủ.

Đoạn kể ngắn này bị chê là hành văn tuỳ tiện, không nghiêm túc, nhưng là người làm sử, tôi cho rằng, ai dạy cháu đó được như vậy là thành công. Bởi vì cậu ấy vẫn giữ được bài học lịch sử “người VN muốn hoà bình, nhưng không được, bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để có hoà bình”, không cần bắt buộc cháu ấy phải nhớ ngày này Bác đi sang Pháp, ngày nọ Bác ký Tạm ước... Cái đó cũng cần đối với các cháu say mê môn sử, nhưng với nhiều cháu khác, có thể sẽ dễ dàng lấy ra từ sách hay máy tính. Cháu nhớ được tinh thần lịch sử như thế là tốt rồi...

Cái làm nên sự hấp dẫn của sách sử là sự chân thực và công bằng. Nhưng sách sử chỉ cho các em biết trong một trận đánh, ta bắn rơi bao nhiêu máy bay địch, nhưng không nói rõ ta hi sinh bao nhiêu người để các em biết chân thực cái giá của chiến thắng. Khi các em tiếp xúc với những nguồn tài liệu chân thực khác và biết thêm, độ tin tưởng của các em về sách giáo khoa sẽ ít đi.

  • Thanh Hoàng (ghi)


     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;