- Dù đã biết trước học phí các trường ngoài công lập cao nhưng với mức tăng chóng mặt như năm nay, không ít phụ huynh và tân sinh viên vẫn “choáng” khi đọc thông báo mức học phí của các trường.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học. Ảnh Đ.T
Hầu hết các trường ngoài công lập đều ấn định mức học phí từ 2,5 triệu đồng/học kỳ. Với những tân sinh viên, các khoản như đồng phục, bảo hiểm... tốn thêm vài trăm ngàn đồng nữa. Và không khó để bắt gặp những khuôn mặt tái nhợt của sinh viên khi đến đóng học phí.
Nhập học kèm theo đơn gia hạn đóng học phí
Xen lẫn với hàng trăm tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM, chúng tôi bắt gặp những tân sinh viên, những người cha người mẹ cầm theo Đơn xin gia hạn đóng học phí. Khá nhiều vị phụ huynh khác đang chờ "sao chép" đơn gia hạn đóng học phí của người khác đã làm xong. Anh Nguyễn Duy Chiến (Tây Ninh) nói: "Hết hạn làm thủ tục nhập học rồi nhưng nhà tôi vẫn chưa chạy xong tiền đóng học phí. Hai cha con lên trường để hỏi xem có thể làm thủ tục nhập học trễ vài hôm không. May quá, nhà trường cho gia hạn đóng học phí, nên tôi làm luôn".
Theo quy định của trường, tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể làm đơn gia hạn đóng học phí và chỉ cần có chữ ký phê duyệt của Ban giám hiệu trường là xong thủ tục. Tuy nhiên, để được gia hạn tân sinh viên phải đóng ít nhất 500.000 đồng trong tổng số học phí của học kỳ. Dĩ nhiên, tân sinh vẫn phải đóng đủ các khoản như bảo hiểm, tiền đồng phục, lệ phí nhập học...
Có mặt tại phòng một phó hiệu trưởng của trường, chúng tôi bắt gặp vị phụ huynh đến từ Bình Thuận cầm xấp tiền lẻ trên tay đếm đi đếm lại. Gương mặt của chị buồn bã khi không đủ 500.000 đồng để nộp học phí tạm thời cho con. Thầy hiệu phó đã tặng 20.000 đồng để chị bù số tiền còn thiếu. Nhưng rồi, khuôn mặt chị lại ủ dột khi được biết, ngoài tiền học phí, tân sinh viên phải đóng thêm mấy trăm ngàn đồng bao gồm: lệ phí nhập học, đồng phục, bảo hiểm...
Thầy phó hiệu trưởng đứng cạnh chị lại mở lòng tặng thêm mấy trăm ngàn đồng và chị thẳng thắn: "20.000 đồng này thầy cho cháu thì tôi xin nhận, còn số tiền này coi như thầy cho cháu vay, chúng tôi sẽ tìm cách trả lại sớm. Xin cảm ơn thầy nhiều!". Trước đó, vị hiệu phó này cũng đã tặng một tân sinh viên 120.000 đồng để đủ tiền đóng các khoản bắt buộc khi làm thủ tục nhập học.
Tân sinh viên Minh Hoàng (Sinh viên hệ CĐ thuộc ĐH Văn Hiến) nhăn mặt khi đóng xong các khoản phí đầu năm. Hoàng nói như muốn khóc: "Năm ngoái bạn em đóng có 2,1 triệu đồng cho một học kỳ. Năm nay học phí của em tăng thêm 500.000 đồng/học kỳ. Tổng số tiền em phải đóng là 3,1 triệu đồng. Hết cả tiền ăn luôn rồi".
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều có học phí tăng hơn 1 triệu đồng/năm so với năm ngoái. Điều này đã làm không ít phụ huynh, tân sinh viên phải lao đao.
Bác Nguyễn Kim Ngại (Lâm Đồng) cùng con đi làm thủ tục nhập học ở ĐH Văn Hiến tính toán: "Đầu năm học, gia đình tôi tốn gần 10 triệu đồng. Cháu học ở đây phải tốn 6 triệu đồng cho các khoản: học phí, bảo hiểm, đồng phục và tiền ăn, tiền nhà cho 1 tháng. Một cháu nữa học năm thứ 3 ở ĐH Mở, học phí cũng gần 2,5 triệu đồng. Con nhập học xong rồi, tôi lại lo tháng sau lấy tiền đâu để chu cấp tiền ăn, tiền nhà...".
Học phí ngoài công lập mỗi năm một tăng
Nhìn vào bảng thông báo học phí của Trường ĐHDL Hồng Bàng, chắc chắn không ít tân sinh viên phải choáng váng. Nhóm ngành Công nghệ, Điện - Điện tử có mức học phí thấp nhất là 6,98 triệu đồng/năm. Các ngành khác đều có mức học phí từ 8,98 - 9,98 triệu đồng/năm. So với năm ngoái, mức học phí này tăng hơn 1 triệu đồng.
Riêng hai ngành mới của trường, mức học phí đội trần: ngành Điều dưỡng, học phí 11,98 triệu đồng/năm; ngành Kỹ thuật y học 13,98 triệu đồng/năm. Năm nay, hệ CĐ của trường cũng có mức học phí khá cao: 6,98 triệu đồng/năm.
ĐH Văn Hiến thu học phí theo từng học kỳ. Năm nay, ĐH Văn Hiến có chung một mức học phí cho cả đại học và cao đẳng, theo đó Trường ĐHDL Hùng Vương ấn định mức học phí chung cho các ngành là 2,9 triệu đồng/học kỳ. Cũng như các trường khác, tân sinh viên nhập học phải tốn thêm khoảng 400.000 đồng bao gồm lệ phí nhập học, bảo hiểm, đồng phục…
Thông báo học phí năm 2008 – 2009 của ĐH Văn Lang: ngành Công nghệ thông tin của trường dẫn đầu với mức học phí là 16 triệu đồng/năm. Còn các ngành khác của trường có mức học phí từ 8 – 9 triệu đồng/năm, chẳng hạn như Kỹ thuật nhiệt lạnh: 8,2 triệu đồng, Kiến trúc: 9 triệu đồng, Kế toán: 8,8 triệu đồng. Và theo thông báo của trường: “Mức học phí - không thay đổi trong toàn khoá học. Ngoài học phí, không có khoản thu nào khác”.
Theo “thông báo học phí học kỳ I năm học 2008-2009” của Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, những ngành học có học phí thấp nhất cũng từ 4 triệu đồng/học kỳ trở lên. Các ngành như thiết kế nội thất, thiết kế thời trang... hai năm trước có học phí 3,25 triệu đồng/học kỳ, nay tăng lên 4,25 triệu đồng/học kỳ.
Các ngành khác của trường so với năm trước cũng “tăng đều” 1 triệu đồng/năm. Một SV năm cuối ngành Công nghệ thông tin, ngành có học phí “thường thường bậc trung”, cho biết khi nhập học bạn đóng học phí 1,9 triệu đồng/kỳ, học phí cứ “leo thang” như vậy đến năm học này bạn sẽ phải đóng 4,1 triệu đồng/kỳ, hơn gấp đôi so với mức học phí ban đầu.
Dù đã biết trước học phí các trường ngoài công lập cao nhưng với mức tăng chóng mặt như năm nay, không ít phụ huynh và tân sinh viên phải “choáng” khi đọc thông báo mức học phí của các trường.
-
Đoan Trúc