- Thời gian xét tuyển NV3 không còn nhiều, theo thông tin từ các trường, khối ngành Kinh tế vẫn được thí sinh ưa chuộng còn các ngành ngoại ngữ và khối ngành xã hội thì "ế ẩm".
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ xét tuyển NV3 cho tất cả các ngành. Hầu hết hồ sơ đăng ký xét tuyển lấy từ kết quả thi đại học. Ông Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: "So với 850 chỉ tiêu xét tuyển NV3, lượng hồ sơ nộp về như thế là yên tâm. Khá nhiều hồ sơ có tổng điểm là 16, 17, 18 ở các trường Ngân hàng, Ngoại thương xét tuyển NV3. Còn đối với thí sinh thi Kinh tế thì có mức điểm 14,5 - 15 chiếm số đông". Một chuyên viên tuyển sinh của trường nhận định: "Là trường đào tạo các ngành thuộc khối Kinh tế nên nhiều thí sinh chọn gởi hồ sơ NV3".
TS làm hồ sơ xét tuyển NV. Ảnh Đ.T
Cho đến nay, ĐH Văn Hiến đã nhận hơn 1.500 hồ sơ xét tuyển NV3, Hầu hết hồ sơ tập trung ở các ngành Kinh tế, Du lịch. Theo dự kiến, điểm chuẩn NV3 của các ngành này sẽ cao hơn điểm sàn xét tuyển từ 0,5 - 1 điểm. Hiện nay, ĐH Văn Hiến đang có những ngành học khá "ế ẩm": Việt Nam học, Văn hoá học, tiếng Trung, tiếng Nhật...
Trong đợt xét tuyển NV3, Trường ĐH Văn Hiến đã "chào mời" thí sinh đến với ngành Văn hoá học bằng cách, những thí sinh có kết quả thi ĐH bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT (khối C: 14, khối D: 13) khi đăng ký xét tuyển ngành này sẽ được xét trúng tuyển và làm thủ tục nhập học ngay. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tặng 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2,6 triệu đồng, cho các thí sinh trúng tuyển ngành Văn hóa học có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Trường ĐHDL Hồng Bàng cũng áp dụng hình thức thông báo trúng tuyển ngay đối với những thí sinh đến xét tuyển NV3. Những thí sinh có tổng điểm từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT trở lên, nếu đến nộp hồ sơ xét tuyển NV3 thì sẽ được cấp giấy báo trúng tuyển và giấy hẹn ngày nộp học phí luôn. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, trường mới chỉ tuyển được khoảng 600 sinh viên so với chỉ tiêu NV3 là 1.000. Hiện nay, Trường ĐHDL Hồng Bàng cũng đã lên danh sách những ngành học còn thiếu nhiều chỉ tiêu: Đông Nam Á, Thời trang - Dệt may. Đối với khối ngành Kinh tế, ĐHDL Hồng Bàng cũng tạm yên tâm vì đã đủ chỉ tiêu đào tạo.
Cũng như vài năm trở lại đây, khối ngành Ngoại ngữ lại gặp khó khăn trong việc tuyển sinh viên. Tại Trường ĐH Hùng Vương, thống kê sơ bộ cho thấy thí sinh nộp đơn vào ngành ngoại ngữ rất ít, mặc dù trường chỉ tuyển 2 ngành là tiếng Anh và tiếng Nhật. Ths Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: "Điểm xét tuyển NV3 của khối ngành ngoại ngữ khó có khả năng cao hơn điểm sàn. Năm nay, trường hy vọng tuyển được 60 sinh viên khối ngoại ngữ để mở 2 lớp tiếng Anh và tiếng Nhật".
Khối ngành ngoại ngữ cùa Trường ĐH Văn Hiến cũng rơi vào tình trạng trên. Cho đến hôm nay, hồ sơ xét tuyển vào khối ngành ngoại ngữ cũng chỉ ở mức vài hồ sơ.
-
Đoan Trúc