221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1117054
Các khoản tiền tự nguyện: không đóng không được!
1
Article
null
Các khoản tiền tự nguyện: không đóng không được!
,

- Tiền trái tuyến đã bị bãi bỏ từ lâu nhưng nhiều trường đã “hợp lí hóa” khoản này bằng cách “phát phiếu” để phụ huynh đóng tiền dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Nếu có con học trái tuyến thì họ “ngầm” hiểu là số tiền “dán mác” tự nguyện này sẽ phải nặng tay. 

Không tự nguyện" thì được gợi ý

Học sinh trường Tiểu học Kim Liên. (Ảnh minh họa)
Các trường điểm như Kim Liên, Nguyễn Trường Tộ, Giảng Võ, Lê Văn tám, Kim Đồng, ... luôn có áp lực cao về học sinh trái tuyến đầu năm học. Cụ thể: Trường THCS Nguyễn Trường Tộ có 2.000 học sinh cả 4 khối, trong đó, lượng học sinh trái tuyến chiếm trên 30%, tương đương 700 em. Năm học 2008-2009, nhà trường có chỉ tiêu 535 em lớp 6 nhưng chỉ lấy 480 em để giảm áp lực vì trường đang hướng tới mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia! 

Trường THCS Giảng Võ, lượng học sinh trái tuyến chiếm 40%, tương đương 1.300 em. Trường Tiểu học Kim Liên có khoảng 1.200-1.300 học sinh trái tuyến (4 khối), trong đó, riêng khối lớp 1 tuyển gần 600 em thì có đến 250 em thuộc diện trái tuyến, chiếm gần 1 nửa. 

Thông báo tuyển học sinh trái tuyến được dán ở bảng thông báo, và tiêu chí chọn học sinh trái tuyến rất rõ ràng: Căn cứ chỉ tiêu cho phép của Quận; học lực và hạnh kiểm; thời gian nộp hồ sơ (vì trường lấy tuyển chọn theo thời gian nộp hồ sơ, càng nộp sớm cơ hội càng nhiều). 

Dù công khai như thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc: Tại sao chỉ tiêu nhiều mà con mình nộp hồ sơ sớm cũng không được? Trên thực tế, lượng học sinh trái tuyến tuyển theo dạng “ưu tiên, ngoại giao” đa số đã chiếm hết chỉ tiêu của các trường. Bà Phan Lan Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho biết: “Con các quan chức, cán bộ các sở ngành, ... xin vào hàng năm gần như là vừa “kín” chỉ tiêu trái tuyến. Số còn lại tuyển cho các đối tượng bên ngoài thường không còn nhiều”. 

Những đối tượng này, nếu còn có cơ hội cũng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để xin cho con. Một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Kim Liên cho biết: “Để cháu được vào học tại đây, tôi đã phải mất vài “vé”, mà đấy là có người quen trong trường. Nếu không có thì có khi có tiền cũng không chạy vào được”. 

Vị phụ huynh này còn khẳng định: “Con tôi học trái tuyến, các khoản thu tự nguyện chắc chắn phải hơn rồi. Không kể các khoản chính theo quy định chung thì tôi nộp cho con gần 1 triệu tiền nhà trường bảo là “tự nguyện”. Chúng tôi khi đến làm việc với ban tuyển sinh của nhà trường sẽ được cấp 1 phiếu ghi tên để đóng tiền tự nguyện. “Mức sàn” chung của năm ngoái là 500.000 đồng/cháu. Còn năm nay, tôi không biết phải đóng thế nào cho vừa thì đã được một cô “gợi ý” là đóng theo “mức chung của mọi người” là 1 triệu đồng”. Số tiền này được nộp trực tiếp cho phòng tài vụ của nhà trường”. 

Khi được hỏi về việc này, bà Phan Lan Phương nói là chưa biết. Nhưng một lúc sau, trong quá trình trao đổi, bà Phương lại khẳng định: “Cách đây vài ngày, tôi đã nghe được thông tin này. Ngay khi biết, tôi đã kiểm tra ban tuyển sinh của trường và không có hiện tượng “gợi ý” thu tiền theo “mức sàn”như trên?!” 

Tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ, ông Nguyễn Hải Khoát, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh khi học đúng tuyến thì phụ huynh không đóng tiền tự nguyện. Còn thu tự nguyện với các em trái tuyến, nhà trường không đưa ra định mức, chỉ liệt kê các khoản đóng tự nguyện để cha mẹ học sinh tự nguyện đóng”. Để khoản tiền này không bị hiểu là bắt buộc, nhà trường đã thống nhất để ban phụ huynh của các lớp tự đứng ra thu rồi nộp lại cho phòng tài vụ. 

Tại trường THCS Giảng Võ, dù Hiệu trưởng Phạm Văn Khánh khẳng định là học sinh trái tuyến đóng góp như học sinh đúng tuyến, tiền tự nguyện là do khả năng của từng phụ huynh. Nhưng khi hỏi một học sinh lớp 8A của trường, thuộc diện trái tuyến, em này khẳng định: “Trước khi được nhận vào trường này, bố mẹ cháu bảo đã nộp gần 2 triệu đồng thì cháu mới được vào học” (!?). Em này cũng cho biết thêm là các khoản cố định trên lớp đóng như các bạn đúng tuyến, nhưng vì học trái tuyến, bố mẹ em nghĩ là để việc học tập được thuận lợi hơn nên đã đóng tiền tự nguyện nhiều hơn”. 

Hầm bà lằng các khoản tiền "tự nguyện"

Chỉ cần một xấp đơn tự nguyện làm sẵn theo mẫu, theo một khung chung, nhà trường đã chứng minh sự trong sạch của mình nếu có bất cứ thắc mắc nào của người dân hoặc sự kiểm tra của cấp trên.

Nhưng với những phụ huynh có con học trái tuyến, cái “mác” tự nguyện bị “áp lực” cao hơn: “Học trái tuyến như thể đi học nhờ, nên khi đóng tiền tự nguyện, tôi cũng biết để con mình không thua kém các bạn trái tuyến khác”, chị H., có con học trái tuyến tại trường Nguyễn Trường Tộ chia sẻ.

Giải thích cho sự việc nhiều phụ huynh có con học trái tuyến đóng tiền tự nguyện nhiều, bà Phan Lan Phương cho biết: “Thực ra, đã là tiền tự nguyện thì phải được đồng thuận. Nếu có đóng nhiều hơn thì đó là do tâm lí của phụ huynh, tự họ muốn đóng bao nhiêu chứ nhà trường cũng không o ép gì”! Nhưng liệu có thể không đóng nhiều khi mà chính phụ huynh nhận được “tư vấn gợi í” là nên đóng bao nhiêu tiền tự nguyện cho con khi học trái tuyến? Và có thật là đồng thuận, khi mà phụ huynh dù vẫn bấm bụng đóng nhưng miệng vẫn than.

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ thu tự nguyện các khoản: quỹ cha mẹ học sinh, tiền bảo vệ an ninh, tiền lao công, trang trí khung cảnh sư phạm. Trường THCS Giảng Võ thu tiền tự nguyện cho các khoản: Thi giáo viên dạy giỏi (!?), thưởng HS giỏi, hoạt động thể thao, xây dựng cải tạo trường (trong khi HS đã đóng tiền xây dựng). Để các khoản này đúng là “tự nguyện”, nhà trường “yêu cầu” phụ huynh “kí nhận” là “tự nguyện đóng”.

Chị H. nói: “Nhà trường phải có trách nhiệm bảo vệ các em rồi, sao còn phải đóng tiền bảo vệ an ninh? Giáo viên thi dạy giỏi thì liên quan gì đến các khoản tự nguyện? Trang trí trường lớp không phải năm nào cũng làm nhưng tiền thì năm nào cũng đóng! Không đóng cũng không được, vì khi nhà trường đưa ra rồi “vận động”, chẳng nhẽ mình không “tự nguyện”?! Chị H, cho biết thêm là chị cũng chỉ biết đóng, chứ cũng không biết thực sự tiền được dùng vào việc gì. Và nếu có thông báo là dùng vào việc gì thì mình cũng không thể biết được. 

Tiền trái tuyến đã bị bỏ từ lâu. Nhưng xem ra, các trường không hết cách để “hợp lí hóa” khoản tiền này dưới danh nghĩa tiền “tự nguyện”! 

  • Cẩm Quyên 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,