– Sinh viên chưa quen với cách học chủ động, cũng chưa quen với việc đăng ký các học phần. Còn nhà trường thì lúng túng trong việc quản lý sinh viên… Đó là những điểm yếu đang lộ rõ tại nhiều trường trong quá trình thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ.
Sinh viên lúng túng
Không ai quản lý, SV ngủ thoải mái tại giảng đường
Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Nam Định, ông Trần Ngọc Lợi, cho biết: “Hầu hết sinh viên (SV) đều gặp khó khăn khi lựa chọn và đăng ký học phần, do SV không biết nên đăng ký học phần nào trước, học phần nào sau”.
Theo ông, tính chủ động của SV rất thấp. SV không quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp để nắm những thông tin của nhà trường. Vì vậy, nhiều SV không biết trường tổ chức những môn học nào, kế hoạch học tập ra sao…
Cũng chính vì không quen với phương pháp học mới nên nhiều SV gặp khó khăn khi nhà trường chuyển sang đào tạo tín chỉ. Bằng chứng là có hơn 1.000 SV khóa 2006 - 2007 đang học theo hệ thống tín chỉ tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học do kết quả học tập kém.
Tương tự, ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khi mới đào tạo theo hệ tín chỉ cũng có gần 500 SV ở mỗi trường bị buộc thôi học.
Giải thích về tình trạng này, Ths Trần Đình Mai – Ban công tác HSSV, ĐH Đà Nẵng – nói: “Do học chế tín chỉ không qui định điều kiện dự thi hết môn, có nghĩa là SV không cần đến lớp hoặc có thể học vượt. Vì thế có nhiều SV đăng ký nhiều môn học, vượt quá sức của mình dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp, kiến thức bị hỏng”.
Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trong những năm đầu thực hiện học chế tín chỉ, SV không chịu đăng ký các môn thực hành trong những năm đầu mà dồn hết vào năm cuối. Điều đó đã gây khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp chỗ thực hành cho SV. Còn SV thì rơi vào tình trạng học không đi đôi với hành.
Kết quả là, cho đến nay, mặc dù vẫn thực hiện học chế tín chỉ, nhưng các môn thực hành thì SV ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM phải theo quy định của trường.
Trường khó quản lý
Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Nam Định thừa nhận: “Việc quản lý SV rất khó khăn. Muốn biết SV có tự học, tự nghiên cứu hay không…nhà trường không thể theo dõi hay kiểm tra được. Cách duy nhất để đánh giá SV là thông qua kết quả thi, muốn vậy việc coi thi và chấm thi phải thật chặt chẽ, khách quan và công bằng”.
Cũng lo lắng về vấn đề này, Ths Nguyễn Quang Giao, ĐH Đà Nẵng, cho rằng công tác quản lý SV sẽ gặp nhiều khó khăn do sử dụng đồng thời hai hệ thống tổ chức và quản lý lớp. Cụ thể là việc đánh giá kết quả rèn luyện của SV phải thông qua ít nhất 2 cố vấn học tập của 2 loại lớp (lớp khoá học và lớp học phần).
Ths Trần Đình Mai nêu thêm một khó khăn: “Điểm chuyên cần chiếm 10% trên tổng số điểm của một môn học, nhưng không phải lớp nào cũng có thể điểm danh được, nên sẽ có rất nhiều sinh viên có điểm chuyên cần tối đa dù không đến lớp”.
Cả thầy lẫn trò cần phải thay đổi
Tại buổi hội thảo “Quản lý sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ” của Ban liên lạc các trường đại học, cao đẳng, ông Trần Ngọc Lợi khẳng định: “Nhìn lại thực tế đội ngũ giáo dục trong nước vừa qua, điều đầu tiên dễ nhận thấy là cả thầy và trò đều chưa thực sự sẵn sàng để áp dụng đào tạo theo tín chỉ”.
SV đăng ký học. Ảnh Đ.T
TS Lê Đình Phương, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng: “Một số giảng viên đang cố gắng giảng dạy theo phương pháp mới nhằm phát huy tính chủ động của sinh viên. Nhưng thực tế cho thấy việc hướng dẫn SV tự học là điều không dễ dàng. Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thụ động trong việc học của SV thì cách dạy, cách tổ chức dạy và cách thi cử là nguyên nhân cơ bản”.
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác chính trị quản lý SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết nhà trường đã mất gần 10 năm mới tìm được phương thức đào tạo và quản lý SV một cách phù hợp. Và ông khẳng định: “Cả thầy và trò đều phải thay đổi thì việc chuyển đổi sang hệ thống đào tạo tín chỉ mới có thể thành công”.
Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng vấn đề cốt lõi của học chế tín chỉ là: “Thầy phải thay đổi cách dạy, SV phải thay đổi cách học và trường phải thay đổi cách quản lý”.
-
Đoan Trúc