- Yêu thầy được 3 tháng thì thầy đòi chia tay. Mình hơi choáng khi mới chia tay được một hai tháng, lại nghe đồn thầy có em SV khác, hệt như mình ngày xưa!
Thầy muốn yêu trò và khi thầy đã chán yêu...
Người mình yêu cũng chính là thầy giáo của mình. Mình sợ nhất là mọi người biết chuyện yêu đương của mình- Trần Lan Phương, SV năm 2 của một Học viện ở Cầu Giấy chia sẻ.
Một tiết học. Ảnh: Minh họa.
Không chỉ thế, Lan Phương còn cảm thấy tự hào một cách thầm kín vì: Có nhiều bạn cũng “mê thầy” lắm, thầy cũng không thiếu lựa chọn, nhưng thầy chỉ đáp trả lại tình cảm của một mình mình thôi!”.
Thầy giáo kiêm người yêu của Lan Phương khá phong lưu: tuổi trạc 30, nhà cửa đề huề, lại đẹp trai, ăn nói đâu ra đấy. Phương cho biết, tình cảm hai thày trò đến cũng tình cờ. Sau vài lần tiếp xúc, vì cả chuyện học hành lẫn chuyện riêng tư, Phương và thầy đã tìm thấy nhau bởi sự... đồng cảm!
Một khi thầy đã chủ động yêu thì nữ sinh cũng khó từ chối. Càng ngày, biên độ tuổi tác của "thầy kiêm người yêu" càng được nới rộng. Không chỉ có các thầy ở tuổi dưới 30, còn độc thân mới tìm đến tình yêu với các nữ sinh mà các thầy trung niên, đã “yên bề gia thất” cũng vướng vào chuyện nhạy cảm này!
Có thể kể đến câu chuyện của Trịnh Nguyễn Kim C., SV năm cuối một trường ĐH ở HN. C. biết rõ thầy đã có gia đình. Nhưng vẫn hơi “sốc” khi thấy thầy chủ động tỏ ra quý mến mình một cách đặc biệt, từ ánh mắt tới cử chỉ, hành động và sự ưu ái của thầy trong lúc học, lúc thi. C. biết thầy đã từng “dính dáng” tới một số cô sinh viên xinh đẹp khoá trước cũng theo kiểu này, nhưng C. không nỡ từ chối: “Yêu thanh niên bình thường thì quá đơn giản, chứ mấy khi được yêu thầy trung niên thế này? Ra trường là hết cơ hội! Gừng càng già càng cay, mà mình cũng được lợi nhiều thứ!” Lợi mà C. kể đến là chuyện điểm chác, rồi những mối quan hệ để ra trường còn xin việc …
Chuyện thầy chủ động cưa trò “tự nhiên” như Lan Phương, C... đương nhiên là có nhiều nhưng chuyện "không được tự nhiên" lắm theo kiểu các nữ sinh chủ động “cưa” thầy cũng không hiếm. Trái với kiểu của C. là kiểu chủ động đi “cưa thầy” của Trương Thị Mây, một cô SV người Thái Nguyên. Mây đang học năm thứ 3, thầy giáo kiêm người yêu chỉ hơn Mây 4 tuổi. “Với mình, ngoài tư cách là một giảng viên thì thầy giáo của mình cũng là một người đàn ông bình thường! Yêu ai cũng thế cả thôi! Đó là chuyện không có gì khó hiểu”, Mây chia sẻ. Mây cũng không ngại ngần giấu giếm là nếu yêu được thầy, Mây sẽ có chỗ “dựa dẫm”.
Mất hơn 2 tháng, Mây mới làm cho thầy hiểu là Mây rất thích thầy. Tốn thêm một tháng nữa để Mây và thầy nói lời yêu nhau. “Cưa thầy giáo có cái “sướng” là thầy luôn hiểu ý nhanh, và bị cái danh “thầy giáo” nó “đè nặng” nên một khi đã công khai, thì thầy khó mà bỏ mình!”, Mây tỏ ra thích thú.
Nhưng khi thầy chán yêu rồi và đòi chia tay "cô học trò bé nhỏ" thì sao? Một cựu SV Học viện báo chí Tuyên truyền chia sẻ: “Yêu thầy được 3 tháng thì thầy đòi chia tay. Mình hơi choáng khi mới chia tay được một hai tháng, lại nghe đồn thầy có em SV khác, hệt như mình ngày xưa!”. Và cô cựu nữ sinh báo chí này cho rằng: lỗi là do các nữ sinh quá ngây thơ, mơ mộng.
Khi được hỏi về mục đích của các thầy khi yêu liệu có hoàn toàn “trong sáng”, đơn thuần là tình yêu đôi lứa thông thường hay không, Lan Phương cho rằng thầy đến với mình không vì cái gì cả, vì là một SV, cũng không có gì để thầy trông đợi? Kim C. lại có cái nhìn thực tế hơn: “thầy giáo kiêm người yêu của mình tuy cứng tuổi rồi nhưng cũng không chỉ muốn yêu tinh thần! Mình không có tiền nhiều bằng thầy, thì mình còn thân xác!”. C. tiết lộ, ngoài giờ trên lớp, thầy rất “mạnh miệng”, bày tỏ tình cảm với C. rất nồng nàn, gọi C. là “nàng” và xưng “ta”, có đôi khi đề nghị xưng “Anh, em” cho thân mật...
Bố mẹ mình biết thì thế nào cũng cấm!
Yêu thầy, nữ sinh cũng phải đối mặt với nhiều lời đồn thổi, sự khó xử và nhiều ánh mắt xăm soi. Được một thời gian ngắn thì cả lớp biết chuyện, rồi các thầy cô giáo dạy các môn khác cũng biết, Lan Phương ngại ngùng: “Mọi người cứ bàn ra tán vào làm mình thấy rất khó xử. Trên lớp, mình vẫn tỏ ra hết sức bình thường. Mình biết là trong mắt bạn bè, có điều gì đó không thiện cảm”.
Dù yêu thầy nhưng Phương thấy mình có lỗi: “Mình luôn tự hỏi là yêu thầy giáo của mình có phải là mắc lỗi không? Là không lễ phép không?” Khi được hỏi, nếu yêu nhau mà hoàn toàn “trong sáng” như vậy thì liệu có phải là tình yêu thật không, hay chỉ là tình cảm quý mến hơn mức bình thường một chút giữa thày và trò, Phương khẳng định: “Không gặp thầy, mình rất nhớ thầy. Đi học mình cũng chỉ mong đến buổi giảng của thầy. Thầy đi công tác đâu cũng gọi điện, nhắn tin và mua quà cho mình, rất mong gặp mình. Liệu đó không phải là tình yêu?”.
Cũng vì yêu thầy nên những cố gắng của Phương trong chuyện học hành không còn đươc ghi nhận đúng như thực tế. Á khoa đầu vào, 2 kì đầu tiên được học bổng. Từ ngày yêu thầy, có được điểm cao hoặc có cơ hội làm thêm nào đến với mình, Phương đều bị bạn bè cho rằng do Phương được nâng đỡ!
Còn Kim C. bị đồn là được thầy “bao” từ chuyện ăn ở đến chuyện học hành. C. không nói gì, chỉ im lặng, vì C. biết những lời đồn đó đều từ những người bạn trong trường mà ra. Nếu có nói gì mọi người cũng chỉ nghĩ là biện hộ! Mây sợ nhất chuyện tình cảm này đến tai bố mẹ ở quê nếu bạn bè đi kể lể với nhau. “Từ trước đến nay, chuyện thầy trò yêu nhau dường như vẫn là chuyện lạ, người ta thường nhìn nó theo hướng tiêu cực, nên mình ngại nhất là bố mẹ biết chuyện. Nếu biết, thế nào cũng bị cấm”, Mây cho biết.
Những cái “khổ” khi cơm không lành, canh không ngọt cũng không phải là ít. Phương kể: “Hôm nào mà giận dỗi nhau, y như rằng đến lớp, mọi người cũng biết, rồi lại bị xăm soi. Cả buổi học không một chữ nào vào đầu”. Nhất là chuyện nghiêm trọng đến mức chia tay nhau, thì những giờ học của “người thương” sẽ thành ác mộng. Cô cựu SV Học viện báo chí kể: “Khổ nhất là đã không muốn nhìn mặt nhau nhưng không thể không nhìn thấy nhau, mình cũng không thể đổi lớp, còn thầy cũng không thể đổi lịch dạy, môn dạy. Thế là thôi, chỉ mong sao cho ngày học chóng qua, kì học chóng hết để không bị đày đoạ!”. Cô nữ sinh này cũng cho biết, những khoá trước, có SV yêu thầy rồi không dám chia tay vì sợ bị thầy … trù dập!
Yêu thầy hay yêu ai cũng thế mà thôi...
Phương kể: “Trên lớp, rất ít khi thày trò nhìn nhau. Nếu vì bài vở, thì cả 2 người cũng cố gắng bình thường để không làm phiền những người xung quanh”. Dù còn băn khoăn nhiều về tình cảm của mình, nhưng Phương yên tâm hơn khi nghĩ được rằng: “Tình cảm là điều không phân biệt tuổi tác, trình độ. Mình đã chọn cách là để trái tim chỉ lối”. Phương cho biết, vì luôn cố gắng giữ gìn nên bạn bè dù có xì xào nhưng cũng không gây nên những cảnh chướng mắt, khó chịu…
Nhưng làm được như Phương không phải là dễ. Nhất là những lúc giận nhau, không cẩn thận cả thày lẫn trò đều thành trò cười cho thiên hạ. Mây kể: “Có hôm anh ấy (thầy giáo) đang dạy, vì tối hôm trước có cãi vã, mình ức chế quá nên cứ nhìn thấy mặt là tức! Vậy mà vẫn phải chịu đựng cả buổi học. Cả hai đã thoả thuận là dù thế nào, trước mặt mọi người vẫn phải kín đáo, tế nhị”.
Từ phía người thầy, điều quan trọng nhất là làm sao không ảnh hưởng đến chuyện học tập của nữ sinh. Cựu SV Học viện Báo chí Tuyên truyền lí giải: “Yêu thầy hay yêu ai cũng thế thôi, tư tưởng bị phân tâm nhiều. Thầy trò yêu nhau cũng là chuyện không có gì sai trái. Nhưng việc học là quan trọng nhất, nên các thầy cũng phải cố gắng sao cho nữ sinh không bị ảnh hưởng. Môi trường giáo dục cũng không chấp nhận kiểu tình cảm thầy trò thô lỗ, lố bịch nên muốn gìn giữ được sự trân trọng trong mắt học trò thì người thầy cũng phải cố gắng giữ chừng mực!”.
-
Cẩm Quyên