– Khác với trường công lập (CL), các trường dân lập (DL) không bị khống chế mức thu học phí. Do đó, mỗi trường tự ấn định phí và các khoản thu khác. Nhìn chung, chi phí 1 năm học ở trường DL cao gấp nhiều lần so với trường công. Tuy vậy, không phải phụ huynh nào cũng dễ tìm được một chỗ cho con ở trường DL.
Học phí dân lập cao hơn công lập từ 3 đến 4 lần
Bảng thông báo học phí của một trường DL. Ảnh: Đ.T |
Vài năm gần đây, hệ thống trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT, nói chung đã phát triển khá mạnh cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng đào tạo. Các trường dân lập cũng có tiếng là nghiêm túc trong công tác quản lý học sinh. Chính vì thế, nhiều phụ huynh đã cho con học ở trường dân lập, dù chi phí cho một năm học ở những trường đó cao hơn từ 3-4 lần so với trường công.
Với lý do giá cả thị trường biến động, năm học 2008-2009 này, gần như tất cả các trường phổ thông khối dân lập đều tăng học phí. Trường tăng ít thì một vài trăm nghìn, có trường tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với năm học trước.
Năm học 2008-2009, Trường DL Thanh Bình ấn định mức học phí nội trú cho lớp 12 là 4,4 triệu đồng/tháng, nếu học sinh ở lại trường ngày thứ 7 và CN thì phải đóng thêm 100.000 đồng/tuần. Theo nhiều phụ huynh, mức học phí này cao hơn năm ngoái khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tại trường này, học phí nội trú được thu theo khối lớp. Theo đó, lớp 1 có học phí là 2,1 triệu đồng/tháng; lớp 5: 2,6 triệu đồng và lớp 11 là 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, khi đăng ký học, học sinh phải đóng tiền cơ sở vật chất là 1 triệu đồng/năm. Nếu tính riêng học phí, mức thu của các trường dân lập khá cao so với các trường công lập. Học phí đối với học sinh học 2 buổi ở DL Thanh Bình là từ 450.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Đối với trường CL, học sinh học 2 buổi/ngày sẽ có mức học phí từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/tháng.
Trường DL Nguyễn Khuyến có 5 cơ sở với gần 10.000 học sinh từ THCS đến THPT. Học phí nội trú của học sinh cấp 2 là 1,9 triệu đồng và của học sinh cấp 3 từ 2,6 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng. Ngoài ra, HS còn phải đóng thêm các khoản khác, như học thêm: 120.000 đồng; ăn sáng: 200.000 đồng, giấy thi: 200.000 đồng...
Mức học phí của Trường DL Phương Nam dành cho HS phổ thông như sau: 2 buổi: 800.000 đồng/tháng; bán trú: 1,9 triệu đồng; nội trú: 2,5 triệu đồng.
Học phí của Trường DL Trương Vĩnh Ký cũng ở mức từ 2,5 triệu đồng/tháng. Với học sinh tiểu học, tiền học phí bao gồm cả tiền ăn sáng, trưa và xế. Đối với cấp 3, học sinh chỉ ăn 1 bữa trưa và một bữa xế.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các trường dân lập đều có mức học phí 2 buổi từ 800.000 đồng/tháng. Học phí nội trú với mức trên 2 triệu đồng/tháng. Ngoài mức học phí được quy định theo từng năm hoặc từng khối lớp, nhiều trường dân lập còn thu thêm các khoản phí “lạ” như: tiền truy bài, tiền ăn sáng, tiền học năng khiếu... mỗi tháng thêm vài trăm ngàn. Và tiền cơ sở vật chất của các trường này thường gấp đôi các trường công.
Kỷ luật thép
HS Trường DL Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Q.T |
Hầu hết các trường phổ thông dân lập đều có tiếng về nội quy nghiêm khắc. Học sinh nội trú không được ra ngoài khi chưa có sự đồng ý của giáo viên chủ nhiệm hoặc quản nhiệm. Học sinh không được sử dụng điện thoại để liên lạc ra ngoài. Nếu muốn liên lạc với gia đình, học sinh phải xin phép giáo viên. Phụ huynh muốn liên lạc với con em mình thì cũng phải qua quản nhiệm hoặc giáo viên chủ nhiệm...
Cụ thể là Trường DL Thanh Bình cho dán trên máy điện thoại đặt ngay văn phòng của trường, một qui định là: HS muốn gọi điện thoại ra ngoài phải xin phép giáo viên chủ nhiệm. Cũng ở trường này, nhiều học sinh tiết lộ: "Có quản nhiệm đã dùng roi mây để bắt học sinh phải vào khuôn khổ. Nếu học sinh nói tục thì sẽ bị phạt bằng roi".
Trường DL Trương Vĩnh Ký đã làm nhiều học sinh và phụ huynh bức xúc khi cấm học sinh không được mang điện thoại đến trường, không đeo nữ trang và không mang theo nhiều tiền. Một nam sinh cho biết: "Nội quy của trường là không cho nam sinh để tóc dài, em đã cắt tóc ngắn theo yêu cầu, nhưng hai mái hơi dài cũng bị cô chủ nhiệm nhắc nhở. Vì thế, từ ngày vào học ở trường, em thường xuyên đi cắt tóc, nếu không là không được vào lớp”.
Theo hiệu trưởng của một trường dân lập, phần lớn học sinh của trường tư thục, dân lập có trình độ văn hóa không cao, học lực không khá. Đa số học sinh là con em các gia đình có thu nhập cao, quen với nếp sống tiêu xài, ít chịu gò bó trong cuộc sống tập thể kỷ cương, kỷ luật. Vì thế, các trường cần phải có những quy định chặt chẽ để rèn luyện học sinh.
Cầu vượt xa cung
Nhiều phụ huynh chấp nhận mức học phí cao của các trường dân lập, nhưng không phải ai muốn cho con vào học cũng... “có cửa”.
Để nâng cao chất lượng đầu vào, một số trường DL chỉ nhận HS khá, giỏi. Thậm chí, có trường còn buộc phụ huynh và HS phải ký cam kết sẽ bị đuổi học nếu học lực không đạt trung bình.
Chị Minh Hương (tạm trú ở quận 3) kể về “hành trình” tìm trường cho cậu con trai đang học lớp 11: “Cuối tháng 8 gia đình mới quyết định chuyển cháu từ quê lên TP học. Nhưng tới trường DL nào tôi cũng nhận được cái lắc đầu từ chối vì hết chỗ. Tôi không dám mơ đến những trường có tiếng như Nguyễn Khuyến hay Trương Vĩnh Ký, thế mà cũng không có trường nào nhận.
Cuối tuần rồi, anh Đ. Quân cũng vất vả đi tìm trường để chuyển cho cậu con trai. Anh cho biết con anh hiện đang học tại một trường DL ở Thủ Đức nhưng muốn chuyển vào nội thành để thuận lợi hơn. Nhưng anh đã đến hơn 10 trường mà vẫn bị từ chối.
Anh nói: “Chỉ có trường Thanh Bình hẹn sau học kỳ I quay lại, nếu còn chỗ thì nhà trường sẽ nhận”. Theo anh Quân, khi hết học kỳ I, nếu có HS nào đó xin chuyển trường thì con anh mới được nhận vào.
-
Đoan Trúc