- Theo Bộ GD-ĐT, có tất cả 129 điểm chỉnh sửa SGK từ lớp 1-11, thậm chí có những cuốn chỉ sửa một từ. Trong thực tế, nếu tính cả lỗi diễn đạt, chính tả..., thì số lượng sửa còn nhiều hơn.
Đề xuất một số nội dung cần chỉnh sửa trong Ngữ văn 7, tập một
2-Trang 7- Nguồn gốc văn bản “Cổng trường mở ra” được chú giải: “Theo Lí Lan, Báo Yêu trẻ, số 166, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/9/2000”. Viết hoa chữ “báo” sai so với Ngữ văn 11, tập một, trang 130 (Theo báo Sài Gòn giải phóng, ngày 13/4/2007; Theo báo Tiền phong, ngày 22/1/2007…).
Nên thêm chú thích về tác giả Lí Lan. Nếu Lí Lan là dịch giả của Hary Potter thì càng gây được sự chú ý của học sinh.
3-Trang 19; 26 - Chú giải nguồn gốc văn bản không khoa học: “Theo Nguyễn Thu Thuỷ Tiên, Những bức thư đoạt giải UPU”; “Theo Khánh Hoài, tuyển tập thơ – văn được giải thưởng trong cuộc thi viết về quyền trẻ em, năm 1992”.
4-Trang 27 - Tiêu đề “Trách nhiệm của bố mẹ” chưa khái quát đủ nội dung văn bản. Phải sửa là “Trách nhiệm của bố mẹ và Nhà nước”; phần phụ chú nguồn gốc văn bản cũng không đầy đủ. (Trích Điều 18, Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, 1989.
5-Trang 28- “được Giải Nhất Báo Hoa học trò” phải viết lại là “được Giải Nhất báo Hoa học trò”.
6-Trang 35- “Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống, nội tâm của con người” là một định nghĩa khó hiểu.
-“Hiện nay người ta phân biệt khái niệm dân ca và ca dao”; vậy thì ở thời nào trong sách giáo khoa phổ thông hai khái niệm này là một?
-Nếu định nghĩa “ca dao là lời thơ của dân ca” thì không có dân ca sẽ không có ca dao? Từ xưa tới nay, có phải tất cả ca dao đều được hát lên để thành dân ca?
-Ngữ văn 10 (cơ bản) không coi dân ca là một thể loại văn học dân gian, vì vậy phần ca dao dân ca trong Ngữ văn 7, tập một phải viết lại.
-“Những câu hát về tình cảm gia đình” sửa thành: “Ca dao về tình cảm gia đình”.
7-Trang 37 - Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước con người đổi thành ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người.
8- Trang 39- Chú thích 5 – “Núi Đức Thánh Tản: tức núi Tản Viên (Ba vì)”. Viết như trên học sinh không hiểu núi Tản Viên còn có tên là núi Ba Vì hay thuộc vùng Ba Vì?
-Chú thích 6 - Đền Sòng - ngay từ khi Ngữ văn 7 ấn hành lần đầu đã không thuộc huyện Hà Trung mà thuộc thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
9-Trang 47- Văn bản Đọc thêm được trích và chú giải một cách cẩu thả, tuỳ tiện:
“Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết đến khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói gì. Thế là vô ích […]
Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? […]
Viết để làm gì? […]
Thế thì viết cái gì?
(Hồ Chí Minh, Cách viết)”
10-Trang 48 -Những câu hát than thân đổi thành Ca dao than thân
11-Trang 51- Những câu hát châm biếm đổi thành Ca dao châm biếm
12-Trang 63 -Khái niệm “thơ trung đại”, “thời trung đại” khó hiểu với học sinh nên thay bằng khái niệm “thời phong kiến”; hoặc “từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX”.
13-Trang 67 - Bỏ tranh minh hoa rộng nửa trang sách nhưng chất lượng thấp.
14-Trang 78- Sai lỗi viết hoa: Nguyễn Trãi, Nguyên văn chữ Hán…” (không viết hoa chữ nguyên).
15-Trang 79 - Ông là người Việt Nam đầu tiên được UNESCO… công nhận là danh nhân văn hoá thế giới” (phải viết hoa chữ “Danh”).
- Bỏ chú thích về thơ lục bát vì trùng với trang 63.
16-Trang 92 - Bỏ chú thích về thể song thất lục bát vì trùng với trang 63.
17-Trang 95 - “Ở miền Bắc nước ta, hằng năm vào ngày 3/3 âm lịch có tục cúng bánh trôi” nên sửa thành “Trong Tết hàn thực (3/3 âm lịch), nhân dân ta dùng bánh trôi để cúng; “hàn thực” là đồ ăn nguội”.
- “Rắn nát: rắn là cứng, nát là nhão” sửa thành “Rắn nát: lành hay vỡ (nghĩa văn cảnh)”.
18-Trang 102 - Bỏ chú thích về thơ thất ngôn bát cú Đường luật vì đã có bài học riêng.
19-Trang 104- Nguyễn Khuyến (1835-1909): lúc nhỏ tên là Thắng, quê ở thôn Vi Hạ (làng Và), xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam; thuở nhỏ nhà nghèo, thông minh, học giỏi…” Sửa thành “Nguyễn Khuyến (1835-1909): người xã Yên Đổ, nay thuộc huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam; thuở nhỏ nhà nghèo, thông minh, học giỏi…”.
20-Trang 113- Bỏ dấu ngoặc đơn trong phần Gợi ý thưởng thức.
21- Trang 124- Thêm ý: thơ cổ thể có từ trước đời Đường.
22-Trang 140- Bổ sung xuất xứ dưới văn bản Cảnh khuya.
23-Trang 141- Viết hoa chữ “danh” trong cụm từ “Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hoá thế giới”.
- In nghiêng tiêu đề Nguyên tiêu.
24-Trang 150 - Bổ sung quê hương Xuân Quỳnh nay thuộc Hà Nội.
25- Trang 155- “Đọc kĩ câu ca dao” chữa thành “Đọc kĩ bài ca dao”.
26-Trang 165- “Trại âm” là khái niệm khó hiểu; giải thích “trại âm” là “gần âm” thì chưa rõ. Cần bổ sung: Trại âm là cố tình nói, viết sai giọng, sai âm, biến âm. – Trích dẫn “Sánh với Na-va “ranh tướng” Pháp” chữa thành “Sánh với Na-va “ranh” tướng Pháp” (chữ tướng không “trại âm”).
27-Trang 169- Bổ sung chú giải cho ảnh mình họa.
Đề xuất những chỗ cần chỉnh sửa trong Ngữ văn, 7 tập hai
1- Trang 8- Viết hoa “NXB Chính trị Quốc gia” sai so với Ngữ Văn 6, trang 25 – (không viết hoa chữ quốc).
2-Trang 36 - Thứ tự tên tập sách nên viết bằng một kiểu chữ số, không nên chỗ thì viết số La mã, chỗ thì viết số thường.
3-Trang 47- Sai lỗi viết hoa “Theo Báo Văn nghệ” sửa thành (Theo báo Văn nghệ). Các nhà soạn sách nên thống nhất nguyên tắc sử dụng chữ in nghiêng. Hiện nay sách giáo khoa sử dụng kiểu chữ này khá tuỳ tiện. Theo chúng tôi, chữ in nghiêng chỉ sử dụng trong trường hợp thay dấu ngoặc kép, hoặc để nhấn mạnh một nội dung nào đó.
4-Trang 92- Câu “Nguyễn Ái Quốc là tên gọi rất nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sử dụng từ năm 1919 đến năm 1945” nên sửa thành “Nguyễn Ái Quốc là tên gọi phổ biến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sử dụng từ năm 1919 đến năm 1942” để thống nhất với Ngữ văn 12.
- “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được viết ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc (18/6/1925)… Tác phẩm được viết với mục đích cổ động phong trào nhân dân trong nước đòi thả Phan Bội Châu”.
Đoạn văn trên vừa lặp vừa thiếu chính xác. Xin sửa lại “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được công bố vào tháng 9, tháng 10 năm 1925, trong dịp Va-ren sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền… Tác phẩm nhằm mục đích cổ động phong trào đòi trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu, vạch trần chủ trương bịp bợm, xảo trá của chủ nghĩa thực dân Pháp, làm cho người Pháp tiến bộ thấy rõ tinh thần yêu nước của dân Việt Nam” (xác định một mục đích sáng tác như sách giáo khoa là không thoả đáng).
- Năm 1925, Phan Bội Châu “bị kết án tù chung thân, nhưng trước áp lực của phong trào đấu tranh của nhân dân, kẻ thù đã phải ân xá, đem vào giam lỏng ở Bến Ngự xứ Huế” nên sửa thành: Năm 1925, Phan Bội Châu “bị kết án tù chung thân, nhưng trước phong trào đấu tranh của nhân dân, kẻ thù đã phải trả tự do cho cụ , đem vào giam lỏng ở Bến Ngự thuộc kinh thành Huế” (ân xá là từ của nhà cầm quyền Pháp nhằm kể công).
- Làng Đan Nhiệm - quê hương của cụ Phan nay thuộc thị trấn Nam Đàn tỉnh Nghệ An.
Theo nhiều người, trong tình hình hiện nay, không nên bố trí tác phẩm này vào chương trình phổ thông. Có dịp chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này trong một bài báo riêng.
5- Trang 102- Phần phụ chú: “Theo Hà Ánh Minh, Báo Người Hà Nội” nên sửa thành: Theo HÀ ÁNH MINH, báo Người Hà Nội”.
-
Văn Hiến
Bài 3: Ngữ văn 8: Nên cắt bỏ 2 bài tiếng Việt