- Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn THCS và THPT đều có biểu hiện quá tải và thiếu chính xác... Có thể thấy rõ điều này qua hai bài Tiếng Việt kế tiếp nhau trong Ngữ văn 8, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2006 : “Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ” (trang 10) và “Trường từ vựng” (trang 21).
> Ngữ văn 7: Có thể sửa ít nhất 30 chi tiết
> “Chỉnh sửa sách giáo khoa”: Thất vọng lớn!
Có những vấn đề khá trừu tượng, phức tạp, nhiều giáo viên không hiểu vì sao phải vội vàng đưa xuống học ở lớp 8. Ảnh: Lê Anh Dũng
Các tiêu đề trên đều mang tính hàn lâm, đại ngôn. Bốn từ Hán Việt “cấp độ”, “khái quát”, “trường”, “từ vựng”… không chỉ khó hiểu với học sinh lớp 8 mà còn vất vả cả với các bậc học cao hơn.
Nội dung bài “Trường từ vựng” vốn thuộc chương trình lớp 10 (Tiếng Việt 10, sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, từ trang 32 đến trang 36); so sánh hai cuốn sách, chúng tôi thấy: Tiếng Việt 10 chỉ nhấn mạnh khái niệm trường nghĩa rồi nêu một số trường nghĩa cụ thể làm ví dụ; sau đó đi sâu vào quan hệ ngữ nghĩa giữa một số từ cùng trường nghĩa.
Ngữ văn 8 đề cập khá nhiều và sâu về phương diện lí thuyết qua 4 lưu ý (một trường từ vựng có thể bao gồm nhiều trường từ vựng nhỏ; một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác nhau về từ loại; một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau; trong thơ văn... , người ta thường dùng cách chuyển trường từ vựng…) Đó là những vấn đề khá trừu tượng, phức tạp; Nhiều giáo viên không hiểu vì sao phải vội vàng đưa xuống học ở lớp 8. Đặt nó trong hệ thống bài tiếp theo (“Từ tượng hình, từ tượng thanh” – trang 49; “Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội – trang 56 …”), càng thấy bất cập. Hơn nữa nếu buộc phải lựa chọn một trong hai thuật ngữ “trường nghĩa” và “trường từ vựng”, nhiều người đề nghị nên dùng khái niệm “trường nghĩa”.
Lâu nay, ai cũng phân biệt sự khác nhau giữa từ và ngữ (“Từ vựng tiếng Việt do các từ và các ngữ hợp thành” ; “trong từ vựng, các từ và ngữ có quan hệ ngữ nghĩa với nhau…” – sách Tiếng Việt 10 trang 26 và 32); ở cả hai bài viết trong Ngữ văn 8, soạn giả chưa có ý thức sâu sắc về vấn đề này. “Cấp độ khái quát của nghĩa từ” phải khác với “Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ”. Với tiêu mục “Từ ngữ nghĩa rộng, từ ngữ nghĩa hẹp”, sách chỉ nêu vấn đề “nghĩa của từ động vật rộng hay hẹp hơn nghĩa các từ thú, chim, cá?… “; “Nghĩa của từ thú rộng hơn hay hẹp hơn nghĩa của các từ voi, hươu?”; “Nghĩa của từ thú, chim, cá rộng hơn nghĩa của những từ nào, đồng thời hẹp hơn nghĩa của từ nào?”.
Không hề có ví dụ về cấp độ khác nhau của ngữ cố định… Vậy mà qua thảo luận các vấn đề trên, sách Ngữ văn 8 lại dẫn dắt học sinh đến với 4 ghi nhớ về “nghĩa của một từ ngữ” (Một từ ngữ có thể có nghĩa rộng đối với những từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác”…). Giáo viên băn khoăn, không rõ chủ đề bài tiếng Việt này bàn về “cấp độ khái quát của nghĩa từ” hay cả “cấp độ khái quát của nghĩa ngữ”- mà ngữ thì có ngữ cố định và ngữ không cố định (ngữ chỉ tồn tại trong văn cảnh).
Phần “Luyện tập” cũng chỉ đưa ra hàng loạt hệ thống từ: “y phục, quần, áo, quần đùi, quần dài, áo dài, sơ mi”…, nhưng người soạn sách vẫn yêu cầu “lập sơ đồ thể hiện cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ trong nhóm từ ngữ…” hoặc “Tìm các từ ngữ có nghĩa được bao hàm trong phạm vi nghĩa của mỗi từ ngữ sau đây” : xe cộ; kim loại; hoa quả; mang…
Với học sinh lớp 8, khái niệm “nghĩa bao hàm” là điều khó khăn. Nếu hỏi “Nghĩa của mỗi từ sau đây bao quát được nghĩa của những từ nào?” Hoặc “Mỗi từ sau đây có nghĩa khái quát hơn nghĩa của những từ nào?” thì phù hợp hơn. Từ những suy nghĩ trên, tiêu đề bài học nên được đổi thành “Cấp độ khái quát của nghĩa từ”.
Sự quá tải còn thể hiện rất rõ qua phần Luyện tập. Hai bài viết trên nêu ra 12 bài tập. Dù chủ động, tích cực đến mấy, học sinh cũng không thể đáp ứng được việc giải các bài tập này. Các bài tập 4 và 5 (trang 11 - “Tìm từ ngữ không thuộc phạm vi nghĩa” hoặc “cùng thuộc phạm vi nghĩa”…) nên chuyển sang phần luyện tập của bài “Trường từ vựng”. Nhiều học sinh thành phố, miền núi và hiện nay, cả ở một số vùng nông thôn, cũng chưa bao giờ nhìn thấy cái nơm, cái vó… làm sao biết được các từ: “Lưới, nơm, câu, vó...,” đều thuộc trường từ vựng “dụng cụ đánh bắt thuỷ sản”; hơn nữa từ “câu” có thể là động từ, chỉ một cách thức đánh bắt cá (đi câu; câu mực, câu ếch…) Sách phải nêu từ “cần câu” - từ này mới nằm trong trường từ vựng “dụng cụ đánh bắt thuỷ sản”.
Bài tập số 6 (trang 23; 24) quá khó đối với học sinh. Qua bốn câu thơ “Ruộng rẫy là chiến trường, Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sĩ, Hậu phương thi đua với tiền phương” không học sinh nào phát hiện ra các từ “chiến trường”, “vũ khí”, “chiến sĩ” chuyển từ trường “quân sự” sang trường “nông nghiệp”. Ra đề như vậy chỉ có thể dạy theo kiểu áp đặt. Thầy giải bài cũng chưa hẳn đã đúng đáp án. Nếu trả lời chuyển từ trường “bộ đội” sang trường “nông dân” có được không?
Viết bài báo này, tôi và nhiều bạn đồng nghiệp mong mỏi: Trong những năm học tới, hai bài học nói trên không còn trong Ngữ văn 8.
-
Văn Hiến
Bài 4: Sách Ngữ văn 8, 9: Việc chỉnh sửa còn bỏ ngỏ