- Trong bản chỉnh sửa sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ban hành gần đây, Ngữ văn 8, 9 được coi là hoàn hảo - không có lỗi nào. Để rộng đường dư luận, tôi xin nêu tiếp một số chỗ cần chỉnh sửa để các thầy, cô tham khảo.
Những điều nên bổ sung vào Ngữ văn 8
Ảnh: Lê Anh Dũng |
-Trang 106; 120, tập một - Bổ sung tên tác giả của văn bản Thông tin về ngày trái đất năm 2000.;bổ sung về Nguyễn Khắc Viện.
-Trang 146, tập 1- giới thiệu rõ: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là bài thơ Nôm (trong tác phẩm Ngục trung thư viết bằng chữ Hán).
-Trang 155, tập một -Thêm nội dung quê hương Tản Đà - nay thuộc Hà Nội.
-Trang 29; 49; 56; 66, tập hai -Bổ sung tên tác giả có ảnh, minh hoạ được đưa vào sách giáo khoa; tên hang núi nơi Bác Hồ làm việc).
-Trang 87 Bổ sung nguồn gốc tranh của Nguyễn Ái Quốc minh họa cho bài Thuế máu.
Những điều cần đưa ra khỏi Ngữ văn 8
-Trang 17, tập một -Bỏ ảnh minh họa “trong lòng mẹ” vì chất lượng kém.
-Trang 45, tập một -Bỏ ngữ Lão Hạc “đăng báo lần đầu năm 1943” vì vừa nói đến trước đó ba dòng.
-Trang 6, tập hai -Bỏ ý “và là tác phẩm mở đường cho sự thắng lợi của thơ mới” vì lặp với ý “và đem lại thắng lợi cho thơ mới” ở đoạn trước, cách đó 7 dòng.
-Trang16; 99, tập hai - Bỏ minh hoạ bài Quê hương (Tế Hanh); Đi bộ ngao du (Ru-xô) vì chất lượng kém.
-Trang 19, tập hai -Nên bỏ ba chữ “và kháng chiến” trong câu “Ông được coi là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến” để tôn vinh đúng mức đời thơ Tố Hữu. Văn học cách mạng là văn học đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng (bao hàm cả văn học kháng chiến và các giai đoạn sau đó…).
Những nội dung cần sửa và chú ý theo dõi trong Ngữ văn 8
-Trang 99, tập một - Theo dõi, cập nhật thông tin về Ai-ma-tốp (1928).
-Trang 45, tập một - Sửa “bút kí Chuyện biên giới (1951)” thành “kí sự Chuyện biên giới (1950)” cho đúng thực tế và hợp với Ngữ văn 11.
-Trang 55, tập một- Sai lỗi viết hoa trong phần phụ chú: (Theo Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III). Phải viết hoa chữ “Văn” như trong Ngữ văn 10, tập 1- nâng cao, trang 9 (Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tạI Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 26-11-1962).
-Trang 9, tập hai - Câu “Ông đồ : người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học …” sửa thành “Ông đồ: người dạy chữ nho trong thời phong kiến. Nhà nho xưa, nếu không làm quan thì thường mở trường dạy học…”.
-Trang 19, tập hai - Tố Hữu “giác ngộ cách mạng khi đang học ở trường Quốc học”. (sai chính tả - phải viết hoa chữ Trường).
Tháng 4/1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ (Huế), sau đó chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù ở Tây Nguyên” nên chỉnh theo hướng “Tháng 4/1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù ở Tây Nguyên”.
-Trang 25; 27, tập hai - Phụ chú không khoa học: “Theo Hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ”; (Theo Hai trăm món ăn dân tộc); (Theo Lịch văn hoá tổng hợp 1987- 1990).
-Trang 38, tập hai - “Người đã viết Nhật kí trong tù bằng thơ chữ Hán, gồm 133 bài” sai lệch với Ngữ văn 11, tập 2, trang 41(“Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán …”Địa điểm Hồ Chí Minh bị bắt cũng sai lệch. “Khi đến gần thị trấn Túc Vinh thì Người bị … bắt giữ” (Ngữ văn 8, tập hai, trang 38). “Vừa đến Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Người bị… bắt giam vô cớ” (Ngữ Văn 11, tập hai, trang 41).
Những nội dung cần chỉnh sửa trong Ngữ văn 9, tập 1
-Trang 6 -Chú thích ảnh “Nhà sản của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội” nên sửa là “Nhà sàn - nơi ở và làm việc của Bác Hồ, trong Phủ Chủ tịch, Hà Nội”; bổ sung tên tác giả bức ảnh trên. (Viết “nhà sàn của Bác Hồ”, dễ lầm tưởng là nhà riêng).
-Trang 47; 77; 93; 110; 112; 143; 208; 232: Bổ sung tên tác giả của các bức ảnh và minh họa: Đền thờ Vũ Nương; Tượng đài Nguyễn Du; Kiều ở lầu Ngưng Bích; Lục Vân Tiên đánh cướp; chân dung Nguyễn Đình Chiểu; minh họa bài Bếp lửa (Bằng Việt); chân dung LỗTấn; chân dung Go-rơ-ki.
-Trang 19- Mác-két sinh năm 1928, làm sao các tổ chuyên môn kịp thời biết được nhà văn còn hay mất ? (như ý kiến chỉ đạo của Nhà xuất bản Giáo dục).
-Trang 34 -Nên viết hoa chế độ A-pác-thai như nhiều tài liệu quốc tế.
-Trang 49; 61; 70 - Giải thích từng từ trong các tiêu đề Truyền kì mạn lục (truyền: lưu truyền; kì : li kì; truyền kì: tên một thể truyện; mạn: tản mạn; lục: ghi chép); Hoàng Lê nhất thống chí; Vũ trung tuỳ bút…
-Trang 52- Trong câu “Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương” chữ “ghềnh” được chú thích (“chỗ nước chảy xiết, đá lởm chởm chắn ngang và nhô cao bên sông hay biển”) sai lệch so với Văn Tân, Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, 1994, trang 341 (Ghềnh: vũng sâu có nước xoáy trên một dòng sông (lên thác xuống ghềnh). Quê Vũ Nương (Nam Xương) làm gì có sông chảy xiết, đá lởm chởm nhô cao”?
-Trang 64- Tiêu đề văn bản trích “Hoàng Lê nhất thống chí” nên đổi là “Quang Trung đánh tan quân Thanh”.
-Trang 64; 65; 66; 67; 68- Các mốc thời gian trong văn bản sai lệch nhiều so với sách lịch sử. Thời gian Quang Trung đến Tam Điệp được nói tới trong hai cuốn sách giáo khoa phổ thông chênh nhau đến 10 ngày. Sáng 30 tháng chạp, tại Tam Điệp, vua Quang Trung bí mật nói với tướng lĩnh: “Hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường” (Ngữ văn 9, tập một); Trong khi đó, Lịch sử và Địa lí 4 viết “Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (tháng 1 năm 1789), Quang trung chỉ huy quân ra đến Tam Điệp (Ninh Bình). Quân sĩ được lệnh ăn Tết trước, rồi chia thành 5 đạo quân tiến ra Thăng Long (trang 61).
-Trang 79- Bỏ ba chữ “như Tú Bà” trong câu “Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà - kẻ buôn người như Tú Bà”.
-Trang 81, 85; 94; 98; 107; 120 - Bỏ mục Vị trí đoạn trích của các bài học về Truyện Kiều và Truyện Lục Vân Tiên vì nội dung này đã thể hiện trong phần tóm tắt văn bản - nên nêu câu hỏi để học sinh tự giải quyết.
-Trang 94 -“Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn” là một nhận xét sai so với văn bản Truyện Kiều:
“Thôi thì thôi có tiếc gì !
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
Sợ gan nát ngọc liều hoa,
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
Thương ôi tài sắc bực này,
Một dao oan nghiệt, đứt dây phong trần”
(Nguyễn Du)
Vì thế, câu văn trên phải sửa thành “biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, uất ức quá, Kiều tự tử nhưng không chết”.
-Trang 97-Văn bản “Mã Giám Sinh mua Kiều” nên bố trí tự học và in trước đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
-Trang 98- Câu “Sau khi gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình” để tránh lặp và sai phải sửa thành “Gia đình bị mắc oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và em”.
-Trang 110- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu…” nên chỉnh là “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhân dân Nam Bộ quen gọi là cụ Đồ Chiều”.
-Bỏ câu diễn đạt yếu, tối nghĩa “Ông thi đỗ Tú tài năm 21 tuổI (1843), nhưng 6 năm sau (1849), ông bị mù”. Hai vế của câu trên không ngược nhau. Bổ sung chi tiết: Bỏ thi Hội, trên đường về nhà chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm, bị mù cả hai mắt.
-Trang 120-Từ “vời” chú thích là “khoảng nước rộng” thì chưa đủ. Cần bổ sung: “khoảng nước rộng trên sông, trên biển ở xa bờ”.
-Trang 120- Bỏ tranh minh họa cho bài Đồng chí vì không thể hiện được tư thế “chờ giặc tới” và “Đầu súng trăng treo”.
-Trang 129; 132- Bổ sung ngày mất của Chính Hữu (27/11/2007); Phạm Tiến Duật (4/12/2007).
-Câu “Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất về người lính cách mạng của văn học thời kì chống Pháp (1946 -1954)” có thể sửa gọn hơn : “Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người lính thời kháng chiến chống Pháp (1946 -1954)”.
-Trang 132; 156- Giữa cụm từ “chống Mĩ cứu nước” nên có dấu phẩy (,).
-Trang 134 -Hai lần nhắc đến đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh” nhưng Ngữ văn 9 làm gì có văn bản này. Tác giả đã lầm với tiêu đề trong sách giáo khoa cũ?!
-Trang 141, tập một - Không cần phụ chú (trước đây thuộc huyện Hương Sơn, sau là Đức Thọ) khi giới thiệu quê hương Huy Cận.
-Trang 154 -Bổ sung ý : Từ 2006, Nguyễn Khoa Điềm nghỉ hưu tại thành phố Huế và vẫn tiếp tục sáng tác.
-Trang 160- Cần ghi rõ tác giả của cuốn “Hạt giống tâm hồn, tập 4”.
-Trang 171- sách Ngữ văn 9, tập 1 in năm 2008 đã ghi rõ năm mất của Kim Lân (2007), với các tác giả khác, sao không bổ sung kịp thời ? Hay người biên tập tái bản cũng không cập nhật thông tin.
Những nội dung cần chỉnh sửa trong Ngữ Văn 9, tập hai
-Trang 25; 100 - Viết hoa: “Mở bài, Thân bài, Kết bài…” là ngược với quy định lâu nay “Thông thường, mỗi phần mở bài và kết bài là một đoạn. Riêng phần thân bài gồm một số đoạn…” (Làm văn 10, sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000).
-Trang 29 Bổ sung ảnh, năm sinh của Vũ Khoan (7/10/1937), Phó Thủ tướng nhiệm kì 2002-2006.
-Trang 38; 48; 59; 87; 128; 142; 133; Bổ sung các tác giả có ảnh và minh họa.
-Trang 47- Bỏ ý “Con cò được sáng tác năm 1962” vì đã nói tới ở phần trước đó.
-Trang 49- Thêm dấu ba chấm (…) để văn bản đọc thêm (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa) chỉ là đoạn trích.
-Trang 59- Bổ sung ngày mất của Viễn Phương (21/12/2005).
-Trang 71- Bổ sung ảnh Hữu Thỉnh và thời gian sáng tác bài Sang thu (cuối năm 1977).
-Trang 73- Bổ sung ảnh Y Phương và thời gian sáng tác bài Nói với con (1980)
-Trang 164- Bổ sung ảnh Nguyễn Huy Tưởng.
-Trang 179- Bổ sung ảnh Lưu Quang Vũ.
-Trang 187- Câu “Sáng tác dân gian của nhiều nước và dân tộc trên thế giới vì thế mà thường có nhiều nét tương đồng về thể loại” nên sửa thành “Sáng tác dân gian của các nước thường có nhiều nét tương đồng về thể loại”.
-Trang 192, sau khi nói nhiều về giá trị nhân đạo của văn học lãng mạn, hiện thực nửa đầu thế kỉ XX, Ngữ văn 9, tập hai quên nói đến văn học cách mạng?!
-Trang 193- Bỏ chữ phi thường trong câu “Các công trình nghệ thuật của ta ít hướng tới sự bề thế, đồ sộ, phi thường mà thường kết tinh ở những tác phẩm có quy mô vừa và nhỏ…”.
Tôi tin rằng, nếu chú ý - người dùng sách giáo khoa Ngữ văn THCS vẫn còn phát hiện ra nhiều lỗi khác. Rất mong bạn đọc xa gần hưởng ứng nhiệt tình và Nhà xuất bản Giáo dục biết lắng nghe để nước nhà có nhiều sách giáo khoa thật mẫu mực.
-
Văn Hiến