- Sau 4 năm biên soạn sách giáo khoa THCS, cuốn Ngữ văn 10 (cơ bản và nâng cao) ra mắt bạn đọc với nhiều tiến bộ. Lỗi viết hoa, diễn đạt, chú giải xuất xứ, nguồn gốc văn bản, ảnh minh họa… vẫn còn nhưng không nhiều. Tuy nhiên, đi sâu vào nội dung các trang viết vẫn còn nhiều chỗ phải bàn.
Hãy từ bài “Tổng quan văn học Việt Nam” và mục “thể loại văn học dân gian” của hai cuốn Ngữ văn 10, tập một (cơ bản và nâng cao) để thấy rõ hơn sự sai lệch, thiếu chính xác và mâu thuẫn của các nhà soạn sách.
Ra đời "từ xưa" hay "từ thế kỷ X"?
Sách giáo khoa. (Ảnh minh họa) Giới thiệu các bộ phận hợp thành nền văn học dân tộc, Ngữ văn 10, tập một viết “Văn học Việt Nam bao gồm… hai bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau: văn học dân gian và văn học viết” (trang 5). Ngữ văn 10 (nâng cao) phát triển ý trên thành một nhận định… sai: “nền văn học nước ta gồm hai bộ phận phát triển song song và luôn luôn có ảnh hưởng qua lại sâu sắc…” (Trang 6). Theo tác giả Ngữ văn 10 (nâng cao), “văn học dân gian ra đời từ xưa” còn “Văn học viết… chính thức ra đời từ khoảng thế kỉ X”. Với thời điểm cách nhau xa như vậy, dù “nhìn một cách tổng quát” thì văn học dân gian và văn học viết cũng không thể “phát triển song song”.
Vấn đề tác giả của văn học dân gian, văn học viết tưởng như đơn giản, thế mà qua hai cuốn Ngữ văn bỗng thấy xuất hiện nhiều điều đáng nói. Ngữ văn 10 (nâng cao) cho rằng văn học dân gian “do người bình dân sáng tác và phổ biến theo lối lưu truyền bằng miệng…” (trang 6); tầng lớp bình dân “bao gồm cả những trí thức mà tư tưởng và sinh hoạt gần gũi với nhân dân lao động” (trang 21). Trong khi đó, Ngữ văn 10 định nghĩa “văn học dân gian là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động”. Ngữ văn 10 thừa nhận “cũng có trường hợp người trí thức tham gia sáng tác văn học dân gian…”.
Theo tôi biết, một số trí thức có viết bằng các thể loại của văn học gian (chứ không “sáng tác văn học dân gian”) tác phẩm của họ được dân gian hoá đến mức có lúc có nơi - nhiều người tưởng là văn học dân gian. Bài “Cày đồng đang buổi ban trưa” (Dịch từ bài cổ phong thứ nhất (Mẫn nông - Nhớ cảnh làm ruộng) của Lí Thân), “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen” (thơ của Bảo Định Giang); Mây và bông (ca dao của Ngô Văn Phú) là những minh chứng.
Về mối quan hệ giữa văn học chữ Hán và chữ Nôm, Ngữ Văn 10 (nâng cao) chỉ rõ: “Cho đến thế kỉ XX, văn học viết chủ yếu gồm hai thành phần tồn tại song song (…): thành phần viết bằng chữ Hán và thành phần viết bằng chữ Nôm” (trang 6). Ai cũng biết, “nền văn học viết Việt Nam chính thức hình thành từ thế kỉ X” với các tác phẩm chữ Hán; còn văn học Nôm thì mãi đến thế kỉ XIII mới xuất hiện. Ra đời cách nhau 300 năm sao gọi là “tồn tại song song”? Nhận xét trên đây cũng hoàn toàn mâu thuẫn với đánh giá của chính Ngữ văn 10 (nâng cao) về văn học Việt Nam từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII: “Từ đây, văn học Việt Nam có hai thành phần rõ rệt; văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Hai thành phần này tồn tại song song, bổ sung cho nhau, tạo thành một nền văn học vừa thống nhất vừa đa dạng” (trang 145).
Qua Ngữ văn 10 (nâng cao) nguồn gốc của chữ Nôm – “một loại chữ ghi âm tiếng Việt, cấu tạo bằng chất liệu chữ Hán” trở nên khó hiểu. Thế nào là chất liệu chữ Hán? Sao không giải thích giản dị hơn: “chữ Nôm là chữ ghi âm tiếng Việt, do người Việt dựa vào chữ Hán mà sáng tạo ra”.
Ngữ văn 10, trang 5, Ngữ văn 10 (nâng cao), trang 6 đều nêu nhận xét “Văn học viết là sáng tác của trí thức”; điều này hình như chỉ đúng với văn học trung đại. Ở thời hiện đại, khi phong trào quần chúng sáng tác, phê bình văn học lên cao, nhận xét trên không thể chấp nhận được...
Thể loại: Mỗi sách mỗi loại!
Vấn đề thể loại văn học dân gian cũng được hai cuốn sách giáo khoa trình bày khác nhau. Cả hai đều chia văn học dân gian thành 12 thể loại. Nhưng có hai thể loại khác nhau về tên gọi (Thể loại thứ 9- Ca dao (Ngữ văn 10); Ca dao, dân ca (Ngữ văn 10 (nâng cao). Thể loại 12- Chèo (Ngữ văn 10); Sân khấu dân gian (Ngữ văn 10 (nâng cao). Tôi đã mừng khi thấy ngay từ những dòng đầu tiên, Ngữ văn 10 bám lấy định nghĩa “văn học Việt Nam bao gồm các văn bản ngôn từ…” để không thừa nhận dân ca là một thể loại văn học dân gian. Nhưng tôi cũng băn khoăn khi Ngữ Văn 10 vẫn xếp chèo là một thể loại văn học truyền miệng như nhiều trang sách giáo khoa trước đây. Ai cũng biết sân khấu là một trong 7 loại hình nghệ thuật. Sân khấu (dân gian và hiện đại), điện ảnh là những loại hình nghệ thuật tổng hợp sử dụng nhiều chất liệu, trong đó có kịch bản văn học. Vì vậy, chỉ có phần kịch bản ngôn từ trong chèo, tuồng, điện ảnh là thuộc lĩnh vực văn học. Chèo không thể là một loại hình văn học dân gian. Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất thể loại thứ 12 của văn học dân gian trong sách giáo khoa nên là Kịch bản sân khấu dân gian (kịch bản chèo, tuồng…) để các soạn giả xem xét.
Nội dung “diễn tả cảnh sinh hoạt và những điển hình con người trong xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam” có thể đúng với kịch bản chèo. Nội dung kịch bản tuồng có lẽ phức tạp hơn. Ngữ văn 10 (nâng cao) đã không chú ý đúng mức đến nội dung tuồng khi nêu định nghĩa về “các thể loại sân khấu dân gian”.
Tại trang 17, Ngữ văn 10 nêu vấn đề “Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng…” Tuy vậy, nhà soạn sách không chỉ rõ, ngoài việc có đủ các thể loại phổ biến trên thế giới, văn học dân gian Việt Nam còn có những thể loại riêng độc đáo nào?
Trong khi Ngữ văn 10 không công nhận dân ca là một thể loại văn học dân gian, thay các tiêu đề: Những câu hát tình yêu quê hương, đất nước, con người (Ngữ văn 7 , tập một, trang 37), Những câu hát than thân (Ngữ văn 7, tập một, trang 48) thành Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa (Ngữ văn 10, tập một, trang 82, thì Ngữ văn 10 (nâng cao) vẫn cho rằng ca dao, dân ca là thể loại thứ 9 của văn học dân gian.
Cách định nghĩa các thể loại văn học dân gian của Ngữ văn 10 (nâng cao) cũng chưa chuẩn xác. “Thần thoại, sử thi, truyền thuyết… là thể loại tự sự…”; “truyện thơ dân gian là thể loại văn vần…” thì chấp nhận được; nhưng định nghĩa “câu đố, tục ngữ là thể loại lời nói…” thì gượng ép quá vì không cân xứng với các định nghĩa trên.
Giới thiệu “hệ thống thể loại của văn học viết từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, Ngữ văn 10 chỉ nói đến “ba nhóm thể loại chủ yếu: Văn xuôi (truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi…) thơ (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc…), văn biền ngẫu (hình thức trung gian giữa thơ và văn xuôi, được dùng nhiều trong phú, cáo, văn tế…”. Không rõ tác giả bài viết này xếp các văn bản nghị luận trung đại học ở THCS và THPT thuộc nhóm thể loại nào? Có phải là thể loại chủ yếu của văn học viết thời phong kiến hay không?
Mấy chữ “chép sử”, “bình sử”, “bình luận văn chương…” trong câu “Văn học chữ Hán có thơ và văn (bao gồm các loại chiếu, biểu, hịch, cáo, chép sử, bình sử, truyện, kí, bình luận văn chương)” cũng nên thay bằng từ khác. Nên chăng khi thay ba từ trên bằng: sử kí, nghị luận văn chương?
Hàng nghìn năm hay một nghìn năm?
Trong mối tương qua với môn lịch sử càng thấy Ngữ văn 10 còn nhiều chỗ chưa chính xác. Học sinh lớp 4 đã ghi nhớ “Nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ hơn một nghìn năm” (Lịch sử và Địa lí 4, trang 18). Vậy mà trong Ngữ văn 10 (nâng cao), các em gặp những câu ngược lại “Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và ở thời kì dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, văn học dân gian đã đóng góp to lớn trong việc gìn giữ mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc” (trang 6). “Hàng nghìn năm” là mấy nghìn năm? tính từ khi nào?
“Khoảng từ cuối thế kỉ II trước Công nguyên, các tập đoàn phong kiến Trung Hoa xâm lược nước ta, áp đặt ách đô hộ trong mười thế kỉ” (Ngữ văn 10 – nâng cao, trang 7) Lịch sử 4, không một lần nói đến “các tập đoàn phong kiến Trung Hoa”. Tôi không rõ ở ngôn ngữ Hán, danh từ Trung Hoa xuất hiện khi nào, nhưng đồng tình với Lịch sử 4 khi gọi các thế lực xâm lược nước ta trước khi Ngô Quyền xưng vương là “các triều đại phong kiến phương Bắc” với những chú thích rõ ràng: “Năm 218, quân Tần (ở Trung Quốc ngày nay…)”, “Triệu Đà – vua nước Nam Việt (miền Nam Trung Quốc ngày nay…)”. Tính từ “Năm 179 TCN, quân Triệu Đà đã chiếm được nước Âu Lạc” (Lịch sử và Địa lí 4, trang 17) chúng ta sẽ thấy nhận xét “Khoảng từ cuối thế kỉ thứ II trước Công nguyên, các tập đoàn phong kiến Trung Hoa xâm lược nước ta, áp đặt ách đô hộ trong mười thế kỉ” (Ngữ văn 10 - nâng cao, trang 7) là chưa chính xác cả về ngôn từ và thời gian lịch sử. Không rõ mốc thời gian “cuối thể kỉ II” mà Ngữ văn 10 nói đến gắn với sự kiện lịch sử nào? Theo Lịch sử và Địa lí 4, “Năm 218 TCN, quân Tần… tràn xuống xâm lược các nước phương Nam” (trang 15); “Cuối thế kỉ III TCN, nước Âu Lạc tiếp nối Văn Lang… Năm 179 quân Triệu Đà đã chiếm được Âu Lạc” (trang 17)… Từ năm 179 trước Công nguyên (đầu thế kỉ II trước Công nguyên - chứ không phải “cuối thế kỉ II trước Công nguyên”) đến năm 938 là hơn 11 thế kỉ - chứ không phải là “mười thế kỉ”.
Vẫn hoàn sai
Liên quan đến kiến thức lịch sử còn phải kể đến chi tiết “bắt, giết Lưu Hoằng Thao” mà Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục vừa cho phép chỉnh sửa trong Ngữ Văn 10 - nâng cao (dòng 4 dl, “bắt sống Lưu Hoằng Thao” sửa thành bắt “bắt giết Lưu Hoằng Thao”. Trong bài viết “Sách giáo khoa của ta giống nhau nhưng chẳng giống ai…”, đã góp ý “Theo sách nâng cao, tại sông Bạch Đằng, “quân dân ta đã hai lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc… Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, bắt sống Lưu Hoằng Thao (có tài liệu ghi là Lưu Hoàng Tháo) – con trai vua Nam Hán…”.
Ngược lại, sách cơ bản lại khẳng định: “Ngô Quyền… giết Lưu Hoằng Thao”. Xin trích dẫn một tư liệu để thấy hai đoạn văn trên đều sai ở những chừng mực khác nhau: “Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoàng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. Nghe tin, Vua Nam Hải - đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui". (Đại Việt sử kí toàn thư)”.
Vậy mà khi chỉnh lí, ai đó đã đi theo theo hướng ghép chi tiết “bắt sống Lưu Hoằng Thao” với “giết Lưu Hoằng Thao” thành “bắt giết Lưu Hoằng Thao”. Vì thế, Ngữ văn 10 (nâng cao) vẫn sai khi học sinh biết đối chiếu với Lịch sử và Địa lí 4: “Chờ lúc thuỷ triều xuống, khi hàng nghìn cọc nhọn nhô lên, quân ta mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh quyết liệt. Giặc hốt hoảng quay thuyền bỏ chạy thì va vào cọc nhọn, không lùi được. Quân ta tiếp tục truy kích. Quân Nam Hán chết quá nửa. Hoằng Thao tử trận. Quân Nam Hán hoàn toàn thất bại”. Chắc chắn “Hoằng Thao tử trận” phải khác với “Ngô Quyền bắt, giết Lưu Hoằng Thao”.
Vậy là chỉnh sửa rồi mà bài Bạch Đằng giang phú trong sách Ngữ văn 10 vẫn hoàn sai.
-
Văn Hiến
Kì sau: Ngữ văn 11, tập một (nâng cao): “Nâng cao” những sai lầm!