- Cũng giống như các trường phổ thông, nhiều trường ĐH đang cố tăng thu bằng cách "đẻ" ra những khoản phí lạ lùng khiến không ít sinh viên (SV) phải bức xúc vì bị thu tiền một cách vô lý.
Tuỳ tiện thu phí
Tân SV đang xem thông báo học phí. Ảnh M.T
Nhiều SV Trường ĐH Luật TP.HCM đã không khỏi bức xúc khi bị nhà trường buộc đóng tiền mua tài liệu do chính nhà trường biên soạn. Không SV nào dám từ chối vì trường đã quy định rằng "không mua sẽ bị cấm thi tốt nghiệp".
Ngoài ra, SV còn phải đóng 162.000 đồng, trong đó 100.000 đồng là lệ phí đề thi, giấy thi, tổ chức thi, còn lại 62.000 đồng là tiền mua giáo trình Luật hình sự và Luật quốc tế.
Theo SV Nguyễn Hồng Phúc thì: nếu SV không tự nộp đóng tiền để nhận tài liệu thì nhà trường sẽ thu gộp vào học phí, tức là SV phải đóng vừa học phí vừa số tiền trên tổng cộng là 1.062.000 đồng. Phúc cho biết trong những năm trước SV không phải đóng khoản tiền đề thi, giấy thi... này.
Năm học này, SV ĐH Công nghiệp TP.HCM khóa 1 học theo niên chế phải đóng thêm 200.000 đồng/học kỳ tiền cơ sở vật chất và 100.000 đồng lệ phí thư viện. Đối với sinh viên học theo hệ liên thông, hai khoản này cao hơn gần gấp đôi. Sinh viên bậc CĐ cũng phải đóng tiền cơ sở vật chất ở mức cao: 350.000 đồng. Mức cao hơn nữa, lên đến 500.000 - 600.000 đồng, được áp dụng cho học viên hệ trung cấp 4 năm.
Trong khi đó, SV học theo hệ tín chỉ phải đóng tiền cơ sở vật chất theo từng tín chỉ với giá 28.000 đồng. Đối với học viên trung cấp, ngoài học phí theo qui định, học viên còn phải đóng tiền sử dụng máy vi tính, sử dụng phòng thực hành...
Tương tự, Trường ĐH bán công Marketing buộc SV ngành Hệ thống thông tin kinh tế phải đóng 150.000 đồng/sinh viên/năm để thuê máy vi tính khi học môn Kế toán trên máy tính. Bạn N. M. Minh nói: "Tụi mình đã đóng học phí, lẽ ra phải được hưởng những phương tiện học tập ở trường chứ. Không hiểu vì sao trường lại bắt SV đóng thêm tiền".
Cũng tại trường này, nhiều SV chỉ biết ngậm ngùi đóng tiền khi nhà trường buộc phải học ngoại ngữ trong trường và học phí cho khoản này từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Chưa hết, sinh viên bậc ĐH hệ không chính quy phải đóng đến 2.200.000 đồng/sinh viên cho mỗi lần trả nợ thực tập tốt nghiệp, trong khi trường đã thu lệ phí thực tập tốt nghiệp lần đầu tiên là 500.000 đồng/sinh viên.
Bạn T. N. Linh, SV ĐH Văn Hiến đang lo lắng: "Nếu học lớp Anh văn căn bản, tụi em phải đóng thêm 300.000 đồng. Học phí dân lập đã cao, giờ thêm khoản tiền học Anh văn nữa". Trước đó, khi đăng ký nhập học, Linh đã than thở vì nhà trường bắt mua thêm giày thể thao để học thể dục, trong khi nhiều SV đã có giày!
SV bị ép nhưng cam chịu
Nhiều SV ĐH Luật cho rằng họ chấp nhận đóng tiền mua tài liệu chỉ vì không muốn gặp rắc rối khi nhận bằng tốt nghiệp. Vì thế, không ít SV đóng tiền mà không cần quan tâm đến tài liệu môn gì hoặc không thèm nhận tài liệu.
Một SV khoá 31 nhận xét: "Tài liệu nhà trường bắt buộc mua không cần thiết cho chương trình học vì rất sơ sài. Tài liệu chỉ mang tính tóm lược các ý chính mà thôi". Và SV này khẳng định: "Bị ép mua tài liệu, nhưng SV không biết kêu ai. Tụi em đành chấp nhận mua với suy nghĩ thà bỏ ra 100.000 đồng còn hơn bị treo bằng".
Bạn N. Linh đóng tiền học Anh văn với bức xúc: “Không đóng tiền thì không được học. Biết làm thế nào được, phải tìm cách xoay thôi. Mục đích của SV là có được tấm bằng và kiếm được việc làm, nhà trường có lạm thu thì tụi em cũng phải chấp nhận”.
“Không đóng tiền thì bị buộc thôi học hoặc cấm thi. Thử hỏi có SV nào mà không sợ. Dù biết là nhà trường thu những khoản tiền vô lý nhưng không ai dám không đóng”, bạn Nguyễn Tiến H., SV ĐH Marketing nói.
Không đồng ý với việc bị buộc phải mua tài liệu, nhưng một nam SV của ĐH Luật chỉ biết than thở: “Xét ở một khía cạnh nào đó, SV tụi em cũng là những người tiêu dùng. Nhưng tụi em không được bảo vệ, khi chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu cũng chẳng biết kêu ai”.
Trong năm học 2008-2009, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng học phí ào ào, còn các trường công thì cố tăng thu bằng cách “chế” ra nhiều khoản lệ phí bất hợp lý. Trong khi đó, điều 105 của Luật Giáo dục, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006, qui định: “Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.
Để thực hiện đúng qui định nói trên và để giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng chi phí trong việc học, các trường đang lạm thu nên chấm dứt ngay việc thu phí tuỳ tiện đối với SV.
-
Minh Tâm