- Được quan tâm hàng đầu trong số 18 chất vấn của đại biểu Quốc hội đặt lên bàn Bộ trưởng GD-ĐT là sự ra đời và “lên đời” của hàng loạt trường ĐH mới.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP.HCM), đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) và đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (đoàn Bình Định) băn khoăn về sự ra đời của hàng loạt các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập mới trong thời gian gần đây trong khi chưa có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…
Trong 10 năm, đã có thêm 208 trường ĐH, CĐ mới mở. Ảnh: Thí sinh dự thi ĐH năm 2008. Lê Anh Dũng
"Nhiều trường đi vào hoạt động với chất lượng cơ sở vật chất rất thấp, đặc biệt đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy không đúng như đề án thành lập trường. Với chất lượng như vậy, các trường này có cho ra đời hàng ngàn SV có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém và hậu quả sẽ rất lớn". Bà Hương đề nghị giải thích về việc thẩm định cho phép nâng cấp các trường CĐ lên ĐH, thành lập trường ĐH mới, việc thực hiện công tác hậu kiểm của Bộ GD-ĐT.
"Tại sao chúng ta đã bỏ nhiều công sức xây dựng hai ĐHQG chất lượng cao, nay lại xây dựng thêm 4 ĐH quốc gia chất lượng cao khác". Đồng thời, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) yêu cầu Bộ GD-ĐT xem xét lại quyết định xây dựng ĐH chất lượng cao tại Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia vì “cán bộ nghiên cứu giỏi không đồng nghĩa là thầy giáo ĐH giỏi, hơn nữa ĐH cần nhiều cán bộ dạy các môn khoa học cơ bản có nhiều kinh nghiệm”.
Việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, kiên cố hoá trường, lớp học, tình trạng bỏ học, học thêm, chương trình quá tải, tiêu cực trong việc tiếp nhận SV sư phạm ra trường... cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra.
Năm 2008, Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên khá lớn (10.000 công trình, 25.600 phòng học, 67.000m2 nhà công vụ). Nhưng đến tháng 10/2008 mới thực hiện thanh khoản 7% kế hoạch. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt vấn đề "thừa tiền nhưng không xây dựng được nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của ai?"
Liên quan tới vấn đề chương trình và sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc (TP.HCM) đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ các vấn đề lộ trình và cách thức triển khai nghiên cứu xây dựng chương trình mới, quy định kiểm tra đánh giá cho cả chương trình, viết và thẩm định sách. Trong khi đó, đại biểu Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) băn khoăn liệu đề xuất "chỉ một chương trình nhưng nhiều bộ sách giáo khoa" có được Bộ xem xét.
Trước thực tế hiện còn nhiều xã trắng về mầm non ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, không tăng biên chế cho hệ này, không còn quỹ đất để xây dựng trường, đại biểu H’luộc NTơ (đoàn Đắk Lắk) yêu cầu Bộ nêu giải pháp để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non như nâng tỉ lệ trường chuẩn lên 12% và 100% giáo viên đạt chuẩn vào 2010.
-
Lan Hương (tổng hợp)