221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1127439
Bế tắc đào tạo, vẫn mở ngành ào ạt
1
Article
null
Bế tắc đào tạo, vẫn mở ngành ào ạt
,

 - Trong 2 năm, số trường đào tạo ngành công tác xã hội (CTXH) đã tăng từ 20 tới 34. "Dẫu biết là rất khó khăn, nhưng các trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, và năm nào cũng xin tăng thêm chỉ tiêu vì càng đông SV, càng thu được nhiều tiền!” - lãnh đạo một khoa đào tạo này ở trường ĐH Mở TP.HCM cho biết tại hội thảo “Đào tạo và phát triển CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 11/11.

  Không thấy "đặt hàng theo yêu cầu"

Thí sinh dự thi ĐH năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lượng SV được đào tạo chuyên ngành CTXH trong các trường ĐH ngày một nhiều. Số lượng SV theo học ngành này cụ thể ở các trường tiêu biểu như sau: Trường ĐH Mở TPHCM: 150 SV;  Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) có gần 200 SV. Với trường ĐH Đà Lạt, con số này là 800. Còn trường ĐH Lao động Xã hội – trường đầu ngành đào tạo CTXH có đến hơn 2.000 SV. 

Số lượng SV ngành CTXH ngày một đông lên, những khó khăn thì không hề giảm xuống.  

Trường ĐH Mở TP.HCM có 5 giảng viên (GV) chuyên trách. Theo ông Lê Chí An – phó khoa CTXH thì lượng này đã đảm bảo cơ bản. Nhưng không phải trường nào cũng có may mắn ấy. Trường ĐH Hồng Đức cũng chỉ có 5 GV, so với con số 200 SV thì các thầy cô bị “quá tải”. Còn trường ĐH Lao động Xã hội, hơn 2.000 SV học ngành CTXH nhưng chỉ có 15 GV, thiếu một nửa so với nhu cầu dạy và học. Giải pháp hiện nay là thuê GV thỉnh giảng. Thậm chí, có trường còn lấy các thầy cô ở những bộ môn gần với CTXH như Xã hội học để dạy thay cho những GV chuyên ngành CTXH. 

Một bất cập khác là khung chương trình học. Bộ GD-ĐT quy định 70% là chương trình “cứng”, còn 30% chương trình mềm do địa phương quyết định tùy tình hình thực tế ở cơ sở. Ông Hoàng Thanh Hải, Trưởng khoa Khoa học Xã hội (ĐH Hồng Đức) cho rằng điều này gây hệ quả là lý thuyết quá nặng, trong khi CTXH thực chất là đào tạo nghề, cần rất nhiều thời gian thực hành. 

Thêm vào đó, tài liệu học của các SV ngành này không có nhiều, đa phần là tự SV phải tìm đọc bên ngoài, rồi vừa học vừa bổ sung, hoàn thiện, chỉnh lý chương trình. Các trường có tài liệu thì sự liên kết không tốt khiến quá trình trao đổi thông tin không thông suốt. Mặt khác, đối với các cơ sở thực tập cho SV ngành này không nhiều. Hiện nay, chỉ có ĐH Mở TPHCM là liên kết với 40 cơ sở, cơ quan để nhận SV thực tập. Còn các trường khác để SV tự liên hệ thực tập thì theo SV, đây là cách để “đánh đố” họ! 

Nan giải hơn cả là “đầu ra” cho SV tốt nghiệp. Đây là điểm khiến những người đứng đầu ngành này trong các trường đau đầu nhất. Ông Lê Chí An cho biết: “Đầu ra của SV ngành này đang cực kì căng thẳng! Đây cũng là thực trạng chung của các ngành khác trong giáo dục bậc ĐH ở Việt Nam hiện nay”. Đối với ngành này ở trường ĐH Mở TP.HCM, không có nơi nào đưa “đơn đặt hàng” để nhà trường đào tạo theo nhu cầu. Các trường ĐH Đà Lạt, Hồng Đức, Huế, Đồng Tháp đào tạo CTXH cũng lâm vào tình trạng tương tự. 

Điều đặc biệt khiến SV ngành này ra trường xin việc rất khó khăn là Bộ GD-ĐT cấp mã ngành đào tạo nhưng Bộ Nội Vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại không cấp mã nghề tuyển dụng. “Vậy thì, SV ra trường sẽ thi tuyển dưới danh nghĩa nào, khi các chức danh như cán bộ CTXH, nhân viên CTXH chưa được đưa vào danh mục tuyển chọn của các cơ quan hoạt động chuyên về CTXH?”, ông An bức xúc. Liên quan đến sự “lệch pha” này, ông Hải (ĐH Hồng Đức) nói: “Bộ GD-ĐT nói là từ chuyện cấp mã ngành đào tạo đến mã nghề tuyển dụng phải có lộ trình! Nhưng đợi cái lộ trình này hoàn thiện thì không biết đến bao giờ SV ngành CTXH mới mong tìm được việc đúng chuyên ngành đã được học?” 

Sau khi bài báo xuất bản, bà Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa Công tác Xã hội (ĐH Lao động Xã hội) đã có phản hồi về con số 15 giảng viên và lượng còn thiếu trong bài viết. Sau khi trao đổi lại, con số chính xác được bà Mai cung cấp lại là: Trên 50 Giảng viên cơ hữu, lượng thiếu là 3-4 người.

Từ những bất cập trên, ngành CTXH ra đời rõ ràng đã phản ánh một thực tế phổ biến: Không chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người để tiến hành đào tạo, nhưng các trường vẫn cứ đào tạo ồ ạt, mặc kệ SV tự lo “hậu quả”. Đối với các ngành mới mở khác, tình hình cũng không khả quan hơn. Nguyên nhân do đâu?

 

Ông An thẳng thắn: “Bộ thúc thì các trường không thể không đào tạo. Còn từ phía các trường thì đương nhiên là muốn đào tạo thật nhiều vì vấn đề kinh tế. Do đó, dẫu biết là rất khó khăn nhưng các trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, và năm nào cũng xin tăng thêm chỉ tiêu vì càng đông SV, càng thu được nhiều tiền!”. 

Khi được hỏi là trước khi mở ra chuyên ngành này, nhà trường có lường trước được những điều này không, ông An nói: “Tất nhiên là có lường trước được, nhưng đã là thực trạng chung thì không có cách nào để giải quyết cả nên việc mình, mình cứ làm thôi!?’ 

Nên dừng việc mở thêm trường mới, ngành mới 

Có một nghịch lý là trong khi bị “tắc” mọi đường như thế, việc đào tạo ngành CTXH trong các trường ĐH đang có xu hướng ngày càng bành trướng hơn. Cụ thể: Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, năm đầu mở chuyên ngành này tuyển 30 SV, năm 2 tuyển 42 SV, năm 3 tuyển 58 SV và năm nay, tuyển đến 78 SV. Các trường như Hồng Đức, Mở, Huế, Đà Lạt, con số đào tạo SV ngành này cũng không ngừng tăng lên theo các năm. 

Năm 2006, số lượng các trường đào tạo ngành CTXH mới chỉ ở con số 20. Sau 2 năm, con số này là 34 trường. Tại hội thảo, có thông tin cho biết trong năm nay, sẽ có thêm 2 trường nữa xin mở thêm chuyên ngành này. Và còn một danh sách không ngắn các trường khác đang làm thủ tục cũng để xin mở thêm chuyên ngành CTXH để đào tạo. 

Sự “bùng nổ” này rõ ràng là mẫu thuẫn với thực tế đầy khó khăn nêu trên. Xen vào giữa những điều này chính là vấn đề kinh tế như ông An đã giải thích. 

Bà Dangers Xuyến, một chuyên gia làm việc tại Lào chuyên về CTXH nhìn nhận vấn đề này như sau: “Nếu đặt lợi ích kinh tế lên đầu thì rõ ràng chuyện giáo dục đang trở nên rất tệ hại. Tôi nghe các báo cáo, tôi thấy SV ngành CTXH ở VN đang “ngắc ngoải” ở đầu ra. Nhưng một vài năm tới, nếu con số các trường đào tạo ngành CTXH không ngừng tăng lên, thì từ ví dụ điển hình này, chúng ta có cơ sở để lo lắng về vấn đề mở thêm ngành mới, trường mới”. 

Bà Xuyến cho biết: “Kinh tế VN đang phát triển, kéo theo nó là một loạt những vấn đề xã hội nóng bỏng nảy sinh. Theo lô-gic, thì các SV học ngành CTXH phải cực kì “đắt hàng”! Nhưng rõ ràng là họ đang thiếu một cầu nối, và khi đào tạo thì thiếu đủ thứ nên chất lượng là điều đáng phải băn khoăn. Đó là lí do vì sao mà SV ngành này nói riêng, và các ngành khác nói chung, ra trường đều không có đủ năng lực để làm việc và các cơ quan tuyển dụng không mặn mà”. 

"Tại sao không tạm dừng lại ở những gì đang có để nhìn nhận lại, cải tạo, sửa chữa cho nó đi lên? Sau đó, nghỉ ngơi lấy sức và “nghe ngóng” một thời gian để có đà đi tiếp. Nếu tham lam mở rộng ra, khó khăn sẽ thêm chồng chất, và câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều".

  • Cẩm Quyên

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>