221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1131163
Tốt nghiệp THPT 2009: Mỗi thí sinh một đề riêng?
1
Article
null
Tốt nghiệp THPT 2009: Mỗi thí sinh một đề riêng?
,

- Để tránh tiêu cực khi thi các môn trắc nghiệm trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2009, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc khả năng cho mỗi thí sinh (TS) một mã đề để trong cùng một phòng thi, không có 2 TS trùng đề. Những thông tin này đã được thảo luận tại Hội nghị - Tập huấn Công tác Khảo thí và Quản lý Chất lượng Giáo dục Phổ thông diễn ra ngày 22/11 tại Hà Nội.

Bỏ giám thị hành lang, tăng thanh tra ủy quyền

Các TS làm bài thi tốt nghiệp năm 2008. Ảnh: Lan Hương
Từ thực tế ở địa phương, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ GD-ĐT nên tăng mã đề thi gốc để đảm bảo nghiêm túc trong phòng thi. Ông Hoàng Đức Minh, Phó GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho rằng cán bộ coi thi đến những buổi cuối dần bị sao nhãng nên chỉ cần hơi lơ là là TS có thể chép bài nhau. Vì thế dẫn đến tình trạng một số TS lực học yếu nhưng thi trắc nghiệm điểm vẫn rất cao.

Trước phản ánh này, ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (KT&KĐCLGD) cho biết Cục đang cân nhắc có thể kỳ thi tốt nghiệp năm tới, mỗi TS sẽ làm một mã đề riêng, trong phòng không có 2 TS nào trùng mã đề.

Cũng theo ông Ninh, các năm trước, có tình trạng 2 TS ngồi cạnh nhau “liều” chép bài của nhau, đến phút chót sửa cả đề mà nhiều khi máy chấm không thể phát hiện được.

Ông Lê Duy Vị, GĐ Sở GD-ĐT Thái Nguyên nêu thực trạng các trường ĐH, CĐ điều động thanh tra ủy quyền không có nghiệp vụ. Có người làm ở phòng đào tạo nhưng chưa bao giờ tham gia công tác thi, có một cô giáo trước kia dạy cấp I được đưa lên làm ở phòng đào tạo của 1 trường ĐH nên làm việc không hiệu quả.

Ông Vị nhấn mạnh: “Nghiệp vụ của thanh tra đừng thấp hơn người coi thi, nếu không thì không hiệu quả” và đề xuất nên có quy chế với đoàn thanh tra.

Cũng theo ông Vị, đã đến lúc không cần thanh tra ủy quyền nữa vì quan trọng là dựa vào lực lượng ở địa phương, phải nghiêm túc từ gốc.

“Thanh tra ủy quyền vừa tốn kém, lại vừa phiền hà. Nhiều khi thanh tra nhìn thấy các em HS thương quá cũng không nỡ xử lý” – ông Vị chia sẻ.

Mặc dù ý kiến nhiều địa phương cho rằng thanh tra ủy quyền là “thuốc kháng sinh” bắt đầu có dấu hiện “nhờn” nhưng ông Nguyễn An Ninh khẳng định kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, Bộ sẽ tăng cường thanh tra ủy quyền lên 5 phòng/1 thanh tra (thay vì 7 phòng/1 thanh tra như năm trước). Đồng thời, sẽ không sử dụng giám thị hành lang nữa vì một số giám thị này thay vì giám sát phòng thi lại đi “canh” thanh tra cho HS làm bài thoải mái.

Một vấn đề mà đại diện nhiều Sở GD-ĐT bức xúc là công tác chấm thẩm định của Bộ. Phó Sở GD-ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hiệp nhấn mạnh: “Chấm tốt nghiệp là “đãi cát tìm vàng” nên phần nào HS làm được là cho điểm phần đấy còn chấm thẩm định rất chặt nên chắc chắn có chênh lệch điểm.” 

Còn ông Hoàng Đức Minh, Phó GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh bức xúc vì 43 bài thi chấm thẩm định chỉ chênh lệch dưới 1 điểm, là mức chấp nhận được, nhưng vẫn được đưa vào báo cáo khiến những nỗ lực cho một kỳ thi nghiêm túc bị “đổ xuống sông xuống biển”.

Vì thế, các sở kiến nghị sau khi chấm thẩm định, Bộ nên có trao đổi lại với sở chứ không nên gửi thẳng kết quả tới HĐND và Tỉnh ủy khiến cho các sở phải giải trình ròng rã hàng tháng trời.

Phía Cục KT&KĐCLGD cho rằng phải phân biệt chấm phúc tra và chấm thẩm định. Chấm thẩm định thì không cần phải trao đổi lại. Chấm thẩm định không kết luận tỉnh nào sai lệch hoặc phải sửa kết quả thi.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm và tính đến quan điểm của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng KT&KĐCLGD, Sở GD-ĐT Hải Phòng đề nghị nếu có chủ trương bỏ thi tốt nghiệp lần 2 và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình 12 năm thì Bộ phải sớm công bố để các địa phương và HS sớm chuẩn bị.

Ông Nguyễn An Ninh khẳng định văn bản sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được hoàn thành trong tháng 12/2008 và công bố sớm hơn năm trước.

  • Lan Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,