- Không ti vi, không sách báo, không hoạt động tập thể - đời sống văn hoá, tinh thần của sinh viên ở các xóm trọ hiện rất nghèo nàn.
Sau giờ lên lớp...
Hà Văn Chung (SV ĐH Xây dựng Hà Nội) thú thật là dành nhiều thời gian để ngủ và chơi game.
Khu Hoàng Văn Thái (nơi Chung ở - giáp khu đô thị mới Định Công) là nơi trú ngụ của nhiều SV đến từ các trường Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế, Y, … nhưng chỗ vui chơi thì đỏ mắt tìm cũng không ra! “Nơi duy nhất SV khu này có thể ra chơi là bãi bóng của doanh trại Quân đội phía bên trong Học viện Phòng không – Không quân”, Chung nói.
SV giải trí ... ngoài đường, cùng các phương tiện giao thông cho xôm! |
Chỗ chơi tập thể miễn phí xung quanh nhà trọ gần như không tồn tại, nếu có cũng dành cho trẻ em. Ngay cả sở thích đi đá bóng, muốn được thỏa mãn, Chung cũng phải mất tiền thuê sân thì mới được đá. Mà giá thuê sân cũng không hề rẻ.
Cho nên, khi được ai rủ đi đá bóng lúc bị thiếu người là Chung mừng lắm: “Khỏi phải lo trả tiền mà lại được xả hơi”, Chung cho biết. Một cách giải bí khi thiếu chỗ chơi là Chung cùng các bạn... ra đường đá bóng!
Chuyện giải trí cá nhân thiếu thốn là vậy. Chuyện giải trí tập thể ở xóm trọ cũng không khá hơn. Chung lắc đầu: “SV bọn mình có nhu cầu sinh hoạt tập thể ở xóm trọ khá cao, vì đây là nơi mình sống nhiều nhất sau giờ học, nhưng thực tế các hoạt động tập thể ở đây gần như tê liệt”.
Xóm trọ của Chung, có người ở cạnh phòng nhau, ra - vào gặp mặt nhưng không ai biết ai. Hoạ hoằn có dịp sinh nhật thì cả xóm mới có dịp chạm mặt.
Ngay cả bản thân Chung, có hôm gặp “hàng xóm” ngoài đường mà không biết, đi chơi game ngồi cạnh nhau cũng không hay, chỉ “ngờ ngợ, quen quen”. “Kiểu này, có khi đánh nhau ngoài đường rồi về nhà trọ gặp lại mới biết nhau cũng là chuyện dễ xảy ra lắm!”, Chung đùa.
Nguyên nhân khiến các xóm trọ rời rạc thế này, theo Chung, là vì ở các xóm trọ, mỗi người một xuất xứ, ở chung với nhau khá phức tạp, khó có lòng tin như ở với người thân quen hoặc cùng quê quán. Đó là chưa kể đến các xóm trọ không “thuần” SV, có cả người đi làm, sinh hoạt, cách sống khác khiến mọi người khó gắn bó, không quan tâm đến nhau là điều dễ hiểu.
- 50,9% sinh viên thờ ơ với các môn Triết học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh - 57,2% sinh viên quay cóp trong thi cử - 51,4% sinh viên có hiện tượng sống thử
Thực trạng đời sống văn hóa trong các trường học (Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương công bố tại hội thảo về thực trạng đời sống văn hóa trong các trường học tổ chức ở TP.HCM đầu tháng 11): |
“Vì thế, nên thường là họ chọn cách sống cho riêng mình, dễ làm quen bắt chuyện nhưng giao lưu có chừng mực, quan hệ lỏng lẻo, xã giao là chính”, Chung khẳng định
Cuộc sống tinh thần của SV nghèo nàn, ở xóm trọ nào, khu vực nào cũng có, không riêng gì nơi Chung ở. Hầu hết SV khi được hỏi đều than là về nhà trọ rất chán, vì không có một trò gì để chơi, đời sống văn hoá khô khan.
Nguyễn Thị Phương, SV ĐH Lao động Xã hội, trọ trong khu Dịch Vọng Hậu cho biết: “Nơi em ở không có một phương tiện gì để tiếp cận thông tin: Ti vi không, radio không, sách báo tạp chí không, mạng Internet cũng không nốt. Nếu nói về mặt này thì có thể khẳng định là bọn em gần như bị cô lập”.
Bùng nổ dịch vụ giải trí quanh xóm trọ
Nhu cầu giải trí cao, nhưng đời sống sinh hoạt trong các khu trọ không thể đáp ứng. Từ sự mất cân bằng này, dịch vụ giải trí quanh xóm trọ SV bùng nổ và có cơ hội phát triển nhanh chóng.
Mọc lên nhiều nhất chính là các quán Internet, mà trò chơi được SV “mê” nhất chính là Game Online. Các con hẻm trong phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị khu Bách khoa (quận Hai Bà Trưng), quán Internet tốc độ cao mọc lên nhan nhản. Xuôi xuống khu Nguyễn Trãi, Triều Khúc hay vòng lên phố Tô Hiệu (gần chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy) mới thấy nhu cầu sử dụng các trò chơi giải trí trên mạng của tầng lớp SV cao đến đâu.
Thiếu chỗ chơi, SV cắm đầu vào Game Online |
Cửa hàng Internet trên phố Tô Hiệu chật ních, người ngồi kín các máy. Màn hình nhấp nháy chuyển động với các trò chơi, mắt các cậu SV căng lên, tập trung cao độ, thỉnh thoảng lại vang lên tràng chửi thề tục tĩu vì thua cuộc. Khói thuốc lá nghi ngút, đầu lọc vứt đầy dưới sàn nhà, nước chè và đầu mẩu bánh ngọt bắn khắp mặt đất.
Chị Ngà - chủ quán net cho biết: “Có đứa mê game, ngồi cày cả ngày cả đêm ở đây, quên ăn quên học”.
Còn anh Sơn - quản lý một quán Internet nằm sâu trong phố Tạ Quang Bửu không thiếu những câu chuyện về SV nam “nghiền” Game Online, còn nữ SV thì “nghiện” Audition. “Tôi bán cả đồ ăn nước uống, kèm cả ghế ngả lưng miễn phí cho khách hàng chơi lâu”, anh nói.
Một dịch vụ đắt hàng không kém là các quán nhậu dân dã trên vỉa hè. Các bãi cỏ trải chiếu từ chiều đợi “thượng đế” tan học. Theo quan sát, cứ bắt đầu từ 5h chiều cho đến tận 11h đêm, các quán trà đá, rượu ốc nườm nượp khách “ét-vê”. Có nhóm SV, ngồi nhậu chỉ độc có chai rượu vàng khè với vài quả dưa chuột cũng lai rai đến đêm khuya.
“Đó là cách giải trí phù hợp nhất với SV đấy, vì vừa hết ít tiền, lại không phải đi xa, gặp bạn bè nói chuyện thoải mái, còn hơn ngồi bó gối ở nhà, chả có trò gì chơi”, Chung nói. Đây cũng là cách mà Chung hay “xả hơi” sau khi ngủ chán chê và chơi game mệt nghỉ.
“Thời gian rảnh rỗi ở nhà trọ quá nhiều khiến SV dễ buồn chán, không ít người từ đây mà nảy ra thói quen như đánh lô đề như một trò giải trí. “Nhàn cư vi bất thiện” mà!”, Chung cười.
Nguyễn Đức Chính – Sinh viên (SV) lớp Báo in K26A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Phòng nào biết phòng đó” Tuy chỉ cách nhau vài mét nhưng mọi người trong xóm trọ em thường không chơi với nhau nhiều, tên tuổi, quê quán, trường lớp các bạn em cũng không biết hết. Mỗi người có một việc, một hoàn cảnh, mục đích và cách sống riêng. Ngay cả bác chủ nhà em cũng không biết tên. Chỉ biết hàng tháng đóng tiền nhà đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các quy định. Nếu làm tốt những điều này thì chủ nhà cũng không hỏi đến mình làm gì. Trong xóm trọ cũng tồn tại các nhóm nhỏ chơi riêng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức biết nhau, chứ thường ít có mối quan hệ sâu sắc, gắn bó.
Nguyễn Thị Phương – SV lớp K43KT3, ĐH Lao động Xã hội: “Không có điều kiện xem ti vi, mua sách báo”
Một tuần, em sử dụng Internet khoảng 2 lần, nhiều là 3 lần. Các kênh giao tiếp hạn chế nên việc cập nhật thông tin, kiến thức mới đối với việc học tập của em cũng như các bạn cùng đi ở trọ đương nhiên là chậm. Nói ra có thể khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng cách “bồi” thông tin xã hội nhanh nhất và hiệu quả nhất của em bây giờ là lên lớp và ngồi buôn dưa lê với các bạn! Để bỏ tiền ra mua báo, đối với SV là chuyện khá hiếm hoi! Vì khả năng kinh tế bị hạn chế, trong khi có nhiều thứ khác trong sinh hoạt hàng ngày là điều thiết thực hơn, cấp bách hơn là việc bỏ tiền ra mua sách, báo, tạp chí. Nếu có thì hầu như cũng là đi mượn hoặc đọc báo cũ! Hoàng Thị Bích Hợp – SV lớp KT31D, ĐH Luật Hà Nội: “Càng ngày em càng sống khép kín”
Em cũng như các bạn SV khác, đều có nhu cầu giao lưu và vui chơi khi trở về xóm trọ. Bởi đây là nơi bọn em có mặt thường xuyên nhất sau giờ lên lớp. Nhưng thực tế là các hoạt động giải trí ở xóm trọ gần như không tồn tại.
Nhu cầu giải trí cá nhân, em có thể tự thoả mãn phần nào. Nhưng với giải trí chung ở xóm trọ thì quả là nghèo nàn.
Em cũng không bao giờ biết đến hoạt động tập thể nào do phường nơi em trọ tổ chức. Sau giờ lên lớp, hoạt động chủ yếu của em ở xóm trọ chỉ gói gọn ở việc nấu nướng, ngủ nghỉ và tự học, ngoài ra, không có gì! Từ sự nghèo nàn trong sinh hoạt tinh thần tập thể như thế này, càng ngày em càng sống khép kín. |
- Cẩm Quyên