221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1133399
Nhà trọ sinh viên: Biết hết nhưng bất lực
1
Article
null
Nhà trọ sinh viên: Biết hết nhưng bất lực
,

 - “Chuyện đời sống sinh viên không an toàn, nhếch nhác, chật chội, rồi đời sống văn hóa tinh thần ở nhà trọ nghèo nàn, ... chúng tôi cũng biết hết. Trường cũng rất đau đầu. Nhưng phải thú thật là chúng tôi gần như bất lực với vấn đề này", Trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh Sinh viên các trường ĐH bày tỏ.  

 

SV ngoại trú: Quản ‎‎lý trên giấy! 

 

Trường ĐH Xây dựng có xấp xỉ 13 nghìn SV ngoại trú với 4 kiểu phổ biến: SV có hộ khẩu và nhà ở tại HN, SV ở với người thân quen trên HN, SV có nhà trên HN nhưng ở 1 mình và SV thuê nhà trọ sống riêng.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hoằng, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh Sinh viên, SV thuê nhà trọ là kiểu phổ biến nhất, chiếm số lượng đông nhất, quản lý khó nhất.

 

Để quản lý SV thuê nhà trọ sống riêng, trường phát về mỗi lớp 1 cuốn sổ ghi danh sách, địa chỉ SV ở đâu, nhà ai, số điện thoại là gì để liên lạc khi cần thiết. Cuốn sổ này do khoa quản lý và mỗi SV có thể khai nhiều lần mỗi khi chuyển chỗ ở mới. 

Các trường đang "bất lực" với việc quản lý nhà trọ SV ngoại trú

 Cũng áp dụng cách này, nhưng ông Vũ Đức Ánh, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh Sinh viên, Trường ĐH Thương mại cho biết: “Cách này không thể quản lý được sâu sát, bởi chỉ thông qua duy nhất giấy tờ. SV luôn di chuyển nay đây mai đó, không thể chạy theo các em để bắt khai được. Muốn đến tận thực tế thì phải có nhiều người mới mong làm được phần nào”. 

Trường ĐH Thương mại hiện có từ 8.000 đến 9.000 SV ở ngoại trú, chiếm khoảng 60% SV tất cả các khóa. Theo ông Ánh, trường còn áp dụng thêm một yêu cầu đối với SV ngoại trú: “Phát cho mỗi SV một mẫu xác nhận để SV mang lên phường, lấy nhận xét xem có vi phạm gì không, rồi đem nộp lại cho nhà trường vào cuối kì”.

 

Nếu có vi phạm gì, trường sẽ phối hợp với công an phường để xử lý.

 

Thực tế, việc phối hợp này không đơn giản: “Kể cả học sinh khối THPT chuyên và SV thì lượng ngoại trú của trường chúng tôi có khoảng 4.500 em, ở rải rác trên khắp các địa bàn trong toàn thành phố. Nếu nói là phối hợp với công an phường, thì chúng tôi phải phối hợp với bao nhiêu phường? Phối hợp như thế nào?”, ông Lê Văn Tâm, Phụ trách phòng Chính trị - Công tác Học sinh Sinh viên của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, băn khoăn.

 

“Chuyện đời sống SV không an toàn, nhếch nhác, chật chội, rồi đời sống văn hóa tinh thần ở nhà trọ nghèo nàn, ... chúng tôi cũng biết hết. Nhưng giải quyết được điều đó đâu có dễ. KTX nhà trường chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho SV mà thôi”, ông Tâm nhấn mạnh.

 

Ông cho biết thêm: “Đợt lũ vừa qua, các SV trong KTX bị ngập, lãnh đạo nhà trường có đến thăm hỏi, động viên. Trong lúc đó, chúng tôi hiểu là các em ở bên ngoài, có em còn rơi vào tình cảnh thảm hại hơn nhưng cũng không làm gì được. Ngay đến chỗ ở của SV chúng tôi chưa thể biết hết thì nói gì đến chuyện bảo vệ các em?”.

 

Do đó, ông kết luận: “Trường cũng rất đau đầu. Nhưng phải thú thật là chúng tôi gần như bất lực với vấn đề này. Không có một giải pháp nào khả thi, và trường nào cũng đang loay hoay tìm cách quản lý SV ngoại trú, chứ không riêng gì trường tôi”.

 

Soạn nội dung quy chế là việc của các UBND thành phố

 

Về việc soạn thảo quy chế quản lý nhà trọ SV của Bộ GD-ĐT, ông Lê Văn Tâm cho biết, đề xuất ý tưởng này cũng dựa trên thực tế về điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt của SV ngoại trú còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh phức tạp, môi trường sống không an toàn. 

Để giảm tải khâu quản lý thì cách tốt nhất là tiến hành xã hội hóa việc ăn, ở của SV

Tuy nhiên, theo ông Tâm, đây phải là việc của UBND các thành phố nơi có đối tượng SV thuê nhà trọ sinh sống. Nếu để Bộ GD-ĐT soạn thảo quy chế, không thể ra được nội dung quy chế quản lý nhà trọ SV. Làm sao Bộ GD-ĐT có thẩm quyền cấp phép xây dựng, kinh doanh nhà trọ? Làm sao Bộ có thể đưa ra quy hoạch về đất đai, tài chính, con người để việc quản lý được triệt để, toàn diện?

Việc quản lý nhà trọ SV phức tạp, vì đối tượng ở trọ đa dạng, rất cần sự phối hợp của địa phương, mà lực lượng nòng cốt là cán bộ cấp phường. Người dân phải đăng kí tạm vắng tạm trú, chủ nhà trọ cũng phải đăng kí kinh doanh để nộp thuế. Nếu lực lượng nòng cốt này hoạt động không hiệu quả thì không thể làm nổi”. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hoằng cho rằng, quy chế quản lý nhà trọ SV chưa thể khả thi ở thời điểm này.

 

Về mặt lý thuyết, Bộ muốn bênh vực, bảo vệ người đi ở trọ, mà đối tượng cụ thể Bộ quan tâm ở đây là các SV ngoại trú, vì muốn các em có điều kiện sinh hoạt tốt, an ninh trật tự tốt hơn.

 

Do đó, các tiêu chí đặt ra khi xây dựng nhà trọ theo quy chế này bao gồm: tiêu chuẩn diện tích, ánh sáng, khu vệ sinh cách ly với khu ăn ở như thế nào, giá điện nước sẽ ưu tiên cho đối tượng SV, với những dãy nhà trọ trên 10 phòng thì phải có cây xanh, khu vui chơi, ...

 

Đem điều này đi so với thực tế sẽ thấy “vênh” ngay: Ở thành phố đào đâu ra quỹ đất mà đảm bảo diện tích sinh sống theo tiêu chuẩn? Điện nước bán với giá ưu tiên ai sẽ bù lỗ? Mặt khác, SV cũng không đòi hỏi gì, chỉ cần một nơi ở có giá vừa phải, cách trường không xa. Vì thế, nếu có xây dựng các tiêu chí như trên thì liệu SV có đủ khả năng đáp ứng về tài chính không?

 

Cho nên, muốn có được quay chế quản lý nhà trọ, cần phải có tầm nhìn và quy hoạch dài hạn, chứ không thể nói là làm được ngay. UBND thành phố có thể lập quỹ đất để xây làng SV với các tiêu chuẩn cụ thể về chỗ ở, chỗ chơi, cây xanh cho đồng bộ”.

 

Còn ông Vũ Đức Ánh lại đưa ra quan điểm: “Nếu cứ bế tắc, loay hoay mãi thế này sẽ không ổn. Muốn nâng cao chất lượng nhà trọ trên mọi phương diện để giảm tải khâu quản lý thì cách tốt nhất là tiến hành xã hội hóa việc ăn, ở của SV”.

 

  • Cẩm Quyên 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;