221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1134041
Giảng đường "gà công nghiệp"?
1
Article
null
Giảng đường 'gà công nghiệp'?
,

 - Nằm mênh mông giữa hàng chục ha đất trống và nuôi SV kiểu "doanh trại quân đội"; hoặc chưa chuẩn bị kịp về đất đai, trường sở nên phải áp dụng chiêu nuôi "gà công nghiệp" ở các tòa nhà cao tầng, không có khuôn viên của một trường ĐH, không ký túc xá, sân thể thao... Đó là tình trạng chung của khá nhiều trường ĐH ngoài công lập.

Trường đã ra trường?

2 dãy nhà của Trường ĐH Hà Hoa Tiên nằm trên khu đất mênh mông cỏ lau và cỏ dại. Ảnh: Bảo Anh

Khuôn viên Trường ĐH Hà Hoa Tiên nằm bên quốc lộ 1A, đoạn cửa ngõ Hà Nam (cách Hà Nội 50km). Rộng mênh mông nhưng lại khá hoang sơ và ngổn ngang công trường xây dựng. Nằm trên khu đất rộng 100ha, trong đó 45ha đất xây trường (hiện đã có 2 khu nhà 5 tầng làm giảng đường và ký túc xá).

Thành lập vào tháng 9/2007, đã qua 2 mùa tuyển sinh, số SV theo học trong trường này khá "veo vót".

Theo ông Văn Bá Thanh, Phó Hiệu trưởng, trường hiện có khoảng gần 500 SV theo học. Năm học 2008-2009, chỉ tiêu cả 2 hệ ĐH, CĐ là 1.000  nhưng trường chỉ tuyển được gần 300 SV. Trong khi đó, giảng đường có thể cùng lúc dạy được 4.000 SV và khu ký túc xá đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 2.400 SV.

Ông Thanh cho rằng, SV thường chọn các trường quen tên ở Hà Nội. Ở đây, ngoài thuận lợi là 100% SV được ở nội trú thì việc "quảng bá" các ngành đào tạo chưa được rộng rãi nên ít thí sinh tìm đến. Hơn nữa, trường vẫn đang trong quá trình xây dựng. 

ĐH Nguyễn Trãi
Không có "điểm mạnh" về đất đai như Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Trường ĐH Nguyễn Trãi lại "tự hào" với cơ sở vật chất "chính chủ" nằm trên tòa nhà cao ốc gần 20 tầng ở gần trung tâm Hà Nội. Các lớp học và bộ máy nhà trường hoạt động từ tầng 7 lên tầng 9.

Cũng khá "chật vật" trong mùa tuyển sinh đầu tiên (thành lập tháng 2/2008), Trường ĐH Nguyễn Trãi có chỉ tiêu là 800 nhưng mới tuyển được 40 SV. 40 SV này đăng ký học 2 chuyên ngành là Tài chính - ngân hàng và Quản trị kinh doanh. 

Ngoài ra, trường còn có các chuyên ngành kinh tế, kế toán, kiểm toán nhưng chưa có SV theo học.

Bà Dương Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường giải thích sự ít ỏi này với 2 lý do: thời gian tuyển sinh quá ngắn và trường không tuyển sinh ồ ạt mà nhắm vào đối tượng SV có điều kiện (trường chủ trương đào tạo chất lượng cao nên mức học phí là 200 USD/tháng).

Chính thức hoạt động vào tháng 11/2007, qua 2 mùa tuyển sinh, Trường ĐH Đại Nam "may mắn" hơn so với khá nhiều trường ngoài công lập khác.

Tuyển đủ chỉ tiêu năm học 2008-2009 là 1.000 SV, cộng với hơn 200 SV khóa trước, toàn trường hiện có 1.230 SV theo học các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Xây dựng, Tiếng Anh và Tiếng Trung.

Phó Hiệu trưởng Lê Đình Đạo cho biết, giảng đường hiện nay đáp ứng được chỗ dạy cho khoảng 1.500 SV. Tuy nhiên, dù cũng cố gắng trang bị phòng học, phòng chức năng, thư viện nhưng trường lại thiếu hẳn khuôn viên, cảnh quan của một môi trường sư phạm.

Chán học và buồn tẻ...

Theo Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, đội ngũ giảng viên, CSVC của một số trường ngoài công lập mới thành lập chưa chuẩn theo quy định hiện hành, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thanh tra Bộ GD-ĐT, trong đợt thanh tra gần 60 trường ĐH, CĐ thành lập trong 10 năm gần đây hồi tháng 8 cũng đã nhận xét về CSVC ở trường tư thục mới thành lập đều nghèo nàn, không đúng với đề án lúc xin mở trường.

Cảm giác ban đầu chán và buồn tẻ, nhà trường bắt buộc SV phải ở trong ký túc xá, đến cuối tuần mới được ra ngoài, Đoàn Thị Thu Hằng ở Kim Bảng, Hà Nam, SV năm thứ nhất Trường ĐH Hà Hoa Tiên cho biết.

Trong khi ông Văn Bá Thanh nói trường có gần 500 SV theo học cả ĐH, CĐ thì nhiều SV cho biết, cả trường hiện chỉ có 2 lớp năm thứ nhất (ĐH: 89 SV, CĐ: 91 SV) và 1 lớp năm thứ 2.

Thậm chí, năm thứ 2 này, do ít SV nên nhà trường đã "gộp" cả lớp CĐ vào học chung với lớp ĐH, tổng số khoảng 60 SV. Cả 3 lớp này đều học chuyên ngành Kế toán, các ngành khác không tuyển được SV. Mức học phí 500.000 đồng/tháng so với các trường ngoài công lập khác được nhận xét là bình thường.

Ông Thanh luôn khẳng định môi trường nội trú nơi đây là thế mạnh. Gần đây, trường mới nhận thêm 20 giảng viên trẻ, cũng ở nội trú trong trường cùng SV. Do đó, ngoài giờ lên lớp, trường có quy định chặt chẽ giờ tự học có sự giúp đỡ của giáo viên.

"Chúng tôi nghĩ, ngoài việc lên lớp, không giáo dục SV thói quen tự học thì khó mà nâng cao chất lượng giáo dục", ông Thanh nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều trăn trở, SV Phạm Thị Bích Ngọc ở Nam Định nhận xét tiếp, phòng ký túc xá khoảng hơn 20m2 với 12 giường (100.000 đồng/SV/tháng) và một khu phụ là quá đông.

"Phòng em đã đề nghị được ở 8 người và phải đóng 150.000 đồng/SV/tháng", Thu Hằng cho biết. Mặt khác, nước ở khu này khá mặn nên gây khó khăn trong sinh hoạt của SV. Một số SV muốn ra ngoài học thêm tiếng Anh cũng không được trong khi trường không có lớp.

Việc áp dụng "nuôi quân" kiểu các trường quân đội nhưng lại chưa kịp trang bị cho một môi trường đầy đủ các điều kiện vô tình đã làm "khó" cho SV. Những SV năm thứ nhất này mong muốn một không khí sôi động, các hoạt động sinh hoạt tập thể được thiết lập rõ ràng.

Trường ĐH Đại Nam cũng "loay hoay" khẳng định chất lượng khi chưa có đầu ra. Với mức học phí khoảng 8 triệu đồng/năm học, ông Lê Đình Đạo cho rằng, phụ huynh nên đến các trường khảo sát trước khi quyết định cho con vào học.

Theo ông Đạo, để đưa ra mức học phí này, trường phải so sánh với những trường thành lập trước đó như ĐH Thăng Long, Phương Đông... và khẳng định "chất lượng không thể bằng họ ngay được".

Dù còn hạn chế với kiểu giảng đường "gà công nghiệp", không có khuôn viên sân trường rộng rãi, nhưng SV Nguyễn Thị Quy, Khoa Kế toán năm thứ 2 cũng tạm bằng lòng với những "khiếm khuyết" của nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người học khi chưa xác định được sự lựa chọn trường ĐH thì Bộ GD-ĐT nên có cơ chế mở rộng, cho phép SV ngoài công lập được chuyển trường sau khi "chẳng may" chọn nhầm trường hoặc trong quá trình học, SV nhận thấy chất lượng đào tạo không đảm bảo yêu cầu hay chưa tương xứng với mức học phí.

Nếu như năm 1997, cả nước có 110 trường ĐH, CĐ thì tới năm 2008 đã có thêm khoảng 200 trường được thành lập hoặc nâng cấp từ các trường có bậc thấp hơn. Con số trên phần nào thể hiện nhu cầu học tập của xã hội đang gia tăng. Theo ông Lê Đình Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, mở ra nhiều trường ĐH có ưu điểm là để phổ cập giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam thấp mà không thể giải quyết được trong một vài năm tới mà ngoài CSVC thì trình độ giáo viên là bất cập lớn nhất hiện nay.

3 giai đoạn lập trường

1. Xin chủ trương: Khi 1 trường ra đời, địa phương phải đồng ý có văn bản gửi lên Bộ GD-ĐT. Bộ xét thấy đáp ứng yêu cầu chung thì xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chỉ cho chủ trương lập trường (trường chưa ra đời).

2. Sau khi có chủ trương, những người sáng lập phối hợp với nhau, chăm lo đất đai, huy động vốn, chuẩn bị CSVC đến khi nào xây trường, xây xong CSVC, hình thành cơ bản.

3. Bộ GD-ĐT mới quyết định cho hình thành, lúc đó, mới có hiệu trưởng, ban giám hiệu. Bộ GD-ĐT phải kiểm tra đội ngũ giáo viên, giáo trình, nếu trường đạt yêu cầu mới  được dạy.

Thông thường, năm đầu tiên, trường có ít sinh viên, quy mô nhỏ. Khi Bộ đi thẩm định cũng với quy mô nhỏ. Có một cam kết danh sách các việc làm sau đó. Trong thực tế, rất nhiều trường không triển khai đúng quy trình. Phần thiếu sót của Bộ vừa qua là chưa kiểm tra và xử lý những việc không chấp hành đó, nên kéo dài.

(Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2008)

 

  • Bảo Anh
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;