221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1135913
Tiếng Anh sinh viên: Đạt chuẩn nhà trường, dưới chuẩn doanh nghiệp
1
Article
null
Tiếng Anh sinh viên: Đạt chuẩn nhà trường, dưới chuẩn doanh nghiệp
,

- Khảo sát tại 18 trường ĐH cho thấy điểm bình quân tiếng Anh của SV năm thứ nhất chỉ đạt khoảng 230/990 điểm TOEIC. Phải cần tới 480 tiết, gấp đôi số lượng tiết trong chương trình, để nâng trình độ SV lên đạt tới mức tối thiểu các doanh nghiệp yêu cầu. Kết quả, SV ra trường dù đạt “chuẩn” của trường cũng vẫn dưới “chuẩn” của doanh nghiệp.

Đó là những ý kiến trao đổi tại Hội thảo Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ diễn ra tại Hà Nội ngày 5/12.

Chuẩn… dưới chuẩn

Ảnh minh họa: một giờ học tiếng Anh
Kết quả khảo sát của một số trường ĐH báo cáo với Bộ GD-ĐT cho biết, khoảng gần 50% SV sau khi tốt nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu về tiếng Anh của người sử dụng, chỉ có 19% không đáp ứng được và 32% cần được đào tạo thêm.

Tuy nhiên, khảo sát của IIG Việt Nam, đại diện của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, tại 18 trường ĐH cho thấy điểm bình quân của SV năm thứ nhất mới chỉ dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC.

Với mức độ điểm này, SV cần khoảng 480 tiết để đạt được 450-500 điểm, mức điểm mà nhiều doanh nghiệp coi là tối thiểu để nhận hồ sơ. Nhưng hiện nay, thông thường, các trường mới dành khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho SV, chưa tới một nửa thời lượng cần thiết.

Trên thực tế, hiện nay một số trường đã chủ động đặt ra chuẩn đầu ra về tiếng Anh cho SV nhưng những chuẩn này đôi khi lại chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Phó GĐ Khu vực miền Bắc (Vietnam Airlines) chia sẻ: “Trường ĐH Thương mại yêu cầu SV ra trường phải đạt 450 điểm TOEIC nhưng mức điểm đó chỉ đủ để dự tuyển vào công ty chúng tôi ở vị trí điều hành bay còn chuyên viên thương mại yêu cầu tối thiểu phải đạt 500.”

Trước thực trạng “thiếu chuẩn” này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết các trường cùng khối ngành phải phối hợp xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh theo chuẩn năng lực sử dụng tiếng Anh và thông báo công khai cho người học.

Bà Hà cũng lưu ý là chuẩn phải có tính thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt. Đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tuyển dụng lao động và có tính quốc tế để bằng cấp của SV được công nhận rộng rãi.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết trong năm 2009, các trường phải nghiên cứu chuẩn đánh giá quốc tế. Nếu SV chưa đạt chuẩn thì phải học thêm và trường có quyền xây dựng khung học phí.

Cao, thấp vào chung một “rọ”

Có một thực tế là hiện nay ở nhiều trường ĐH là SV ở mọi trình độ đều được cho vào một “rọ”, học cùng một chương trình.

Trong số 59 trường báo cáo với Bộ GD-ĐT về thực trạng dạy-học tiếng Anh, có tới 54% số trường không thực hiện kiểm tra trình độ đầu vào và không xếp lớp theo trình độ tiếng Anh của SV.

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhấn mạnh: “SV học 7 năm tiếng Anh ở phổ thông, vào ĐH phải học lại từ đầu là không công bằng và thiếu khoa học. Nhưng để thi xếp lớp đầu vào và đầu ra thì vấn đề chính là thiếu tiền vì học phí các trường công lập hiện rất thấp.”

Hiện nay, có khoảng 70% trường đã có trang bị phòng lab học tiếng Anh nhưng SV chỉ được dành gần 10% tổng thời lượng học để luyện tập tại các phòng này.

Ông Trần Văn Duynh, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Hải Phòng cho biết hiện trường có 1 phòng lab nhưng có tới 1.000 SV chuyên ngữ nên SV các ngành khác không có cơ hội sử dụng các thiết bị học tiếng Anh chuyên dụng.

Tỉ lệ giảng viên tiếng Anh cơ hữu trên SV là 1/200, trong số đó mới có 50% giảng viên có trình độ sau ĐH.

Bà Trần Thị Hà cho biết sắp tới Bộ GD-ĐT yêu cầu thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH theo từng khối ngành. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm xác định và công bố công khai về chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm đối với giảng viên tiếng Anh và giảng viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh.

Bà Hà cũng đề nghị các trường tạo điều kiện cho giảng viên dạy tiếng Anh trong 2 năm tối thiểu đi bồi dưỡng, học tập trong môi trường sử dụng tiếng Anh hoặc các nước dùng tiếng Anh ít nhất 1 lần. Tuy nhiên, một đại biểu đến từ ĐH Quảng Nam cho rằng yêu cầu này rất khó vì các trường không có kinh phí.

Theo số liệu khảo sát gần 1.000 SV năm thứ nhất tại 13 trường ĐH của IIG Việt Nam, phổ điểm tiếng Anh chạy từ 50 đến 850 điểm TOEIC. Như vậy, có những SV hầu như không biết gì nhưng cũng có SV đạt trình độ rất giỏi, ngang với chuẩn của giáo viên tiếng Anh.

  • Lan Hương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,