221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1135263
Trường ngoài công lập: Chấp nhận phạt để được... làm sai?
1
Article
null
Trường ngoài công lập: Chấp nhận phạt để được... làm sai?
,

 -  Trong quá trình hậu kiểm vừa rồi, gần 60 trường mới thành lập không đúng như lúc báo cáo thẩm định, đặc biệt là về số lượng giảng viên có trình độ cao. Trường phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý để từng bước chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng đào tạo và không để cho người học bị lừa dối.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết:

Quản lý ở các trường NCL có vấn đề

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thu Thủy 

Việc vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh, quy chế đào tạo cũng như không xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng của những trường NCL trong thời gian qua biểu hiện rõ nhất là việc không thực hiện theo đề án xin thành lập trường.

Các trường ĐH, CĐ NCL để xảy ra tình trạng này là do không chú ý triển khai xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng. Ở đây là 3 điều kiện: tài chính-CSVC, cán bộ giảng viên và quản lý nhà trường. 

Điều kiện về quản lý nhà trường có 2 lực lượng đáng quan tâm nhất là Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Giám hiệu nhà trường, trưởng các phòng ban, khoa. Một số trường xảy ra tình trạng từ hội đồng sáng lập nhà trường đã không tập hợp được những người có am hiểu, tâm huyết với giáo dục mà lại là những người quan niệm giáo dục là lĩnh vực đầu tư có lợi nhuận. Mâu thuẫn đã nảy sinh từ khi vận động thành lập trường và âm ỉ cho đến khi có quyết định mở trường thì mâu thuẫn này "bùng nổ". Bộ phận đứng đầu lãnh đạo trường xảy ra mâu thuẫn nên dẫn đến nội bộ mất đoàn kết.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí thành lập Đại học mới, hiện nay đã ban hành dự thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị công bố, tiêu chí này chặt chẽ hơn. Quy định giảng viên cơ hữu phải đảm bảo 60% khối lượng môn học chứ không phải 30%, quy định tỷ lệ các Thạc sỹ, Tiến sỹ...
Vừa qua, Bộ đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển các ĐH, CĐ mới, thì thấy rằng nhiều đơn vị không thực hiện đúng cam kết. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị văn bản gửi các trường đề nghị trường phải đăng ký thực hiện cái còn thiếu sót đó và có lộ trình. Trong 3 năm liên tục chúng tôi sẽ đi kiểm tra, nếu kiểm tra không hoàn thành thì dần dần có biện pháp xử lý đối với đơn vị này.

(Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn tại Quốc hội tháng 11/2008)

Cái khó trong quản lý các trường này là hiện vẫn chưa có quyết định chính thức giao cho địa phương phải chịu trách nhiệm. Các trường này khi thành lập đều phải có ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi trường được mở và bao giờ cũng có sự hiệp ý về lãnh đạo, HĐQT.

Bộ GD-ĐT chỉ quản lý nhà nước về chương trình giảng dạy, quy trình đào tạo của các trường NCL. Về tài chính, trường phải báo cáo và trình với cơ quan tài chính ở địa phương. Còn về con người, Bộ chỉ kiểm tra năng lực về trình độ, bằng cấp để công nhận họ có thể giảng dạy. Mỗi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mặt quản lý nhân sự.

Mặc dù vậy những năm gần đây, khi có mâu thuẫn nội bộ xảy ra, Bộ đã phải xuống giải quyết cả những vấn đề về tài chính, con người. Nếu tính từ năm 1998 đến giờ là khá nhiều trường, chưa thống kê cụ thể nhưng có thể nói đó là một con số đáng quan tâm. Do đó, quản lý các trường ĐH NCL phải có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành.

Chủ tịch HĐQT đối với các trường tư thục phải được qua lớp đào tạo về quản lý giáo dục để những người đầu tư có chung chí hướng với người điều hành nhà trường, tránh đưa ra những quan điểm, chủ trương không đúng với giáo dục. Mặt khác, khi chọn hiệu trưởng, ngoài yêu cầu về bằng cấp là đương nhiên thì phải lưu ý đến kinh nghiệm quản lý về giáo dục-đào tạo. Hiệu trưởng phải thích ứng được việc điều hành của một trường tư thục.

Không được lừa dối người học!

Các trường đảm bảo cho các nhà đầu tư không thua thiệt thường phải chạy theo số lượng, thậm chí tuyển vượt chỉ tiêu để thu kinh phí thông qua học phí của SV. Do chạy theo lợi nhuận nên đã vi phạm quy chế tuyển sinh, tuyển vượt chi tiêu cho phép và "chấp nhận" để bị phạt.

Việc này các trường phải chịu trách nhiệm. Xu hướng tính là sẽ giao chỉ tiêu 3 năm để các trường đảm bảo chất lượng, để nhà trường thấy, nếu năm nay đã tuyển nhiều rồi thì năm sau phải rút bớt đi và Bộ phải chấn chỉnh.

Phải đảm bảo điều kiện tuyển sinh đến đâu thì tuyển đến đó. Bộ đã cho phép các trường tự xây dựng chỉ tiêu trên cơ sở thực tế của mình. Tránh tình trạng tuyển vượt rồi lại xin chỉ tiêu bổ sung, "tiền trảm hậu tấu". Khi cho phép thành lập, Bộ GD-ĐT đã thẩm định, nhưng khi tuyển sinh năm đầu tiên sẽ kiểm tra xem trường có làm đúng thế hay không.

Đã có hiện tượng trong quá trình hậu kiểm vừa rồi, gần 60 trường mới thành lập không đúng như lúc báo cáo thẩm định, đặc biệt là về số lượng giảng viên có trình độ cao. Trường phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý để từng bước chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng đào tạo và không để cho người học bị lừa dối.

Từ năm học 2008-2009, Bộ cũng yêu các trường thực hiện 3 công khai về chất lượng đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai về tài chính, là biện pháp để các trường thể hiện việc tự chịu trách nhiệm.

Phải nói rõ, các trường trong xây dựng đề án bao giờ cũng có chiến lược về xây dựng CSVC, đồng thời cũng được tỉnh phê duyệt sẽ dành đất để mở trường, trong vòng bao nhiêu năm phải xây dựng xong. Ban đầu, Bộ chấp nhận đề xuất và trường có thể thuê. Nhưng lâu dài, trong đề cương chiến lược của các trường đều phải đảm bảo có khuôn viên, thậm chí theo tiêu chí mới thì diện tích tối thiểu phải đảm bảo hoạt động của một trường ĐH (ít nhất là 20 ha một trường ĐH - PV).

Địa phương có trách nhiệm hỗ trợ về diện tích đất đai cho trường, thậm chí đã có tỉnh cho không như Quảng Nam. Các nhà đầu tư có trách nhiệm về CSVC, Bộ có trách nhiệm hỗ trợ về đội ngũ giáo viên, giảng viên ở một mức độ nhất định, tiến tới có thể giúp trường có điều kiện cử người đi học nước ngoài.

Mặc dù vậy nhưng trường NCL phải hoàn toàn chủ động xây dựng đội ngũ cốt cán, có quy hoạch. Trường hợp tiếp nhận giảng viên trẻ thì phải có kế hoạch bồi dưỡng xứng đáng. Có những nơi có mối quan hệ tốt giữa trường công lập chất lượng và trường NCL để mời giảng viên sang dạy. Tới đây có sự công khai về giảng viên của các trường, vào mạng của trường có thể biết được giảng viên "chạy sô" ra sao. Nghĩa là, một giảng viên không thể dạy nhiều trường, có thể 2-3 trường, ngoài ra phải dành thời gian đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy. Trách nhiệm này các trường công lập cũng phải chịu trách nhiệm.

  • Bảo Anh (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,