221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1136817
Hoa khôi, mỹ nhân học đường có bị lạm dụng?
1
Article
null
Hoa khôi, mỹ nhân học đường có bị lạm dụng?
,

 - Trường nào cũng tổ chức thi nữ sinh thanh lịch, từ cấp khoa đến cấp trường. Format chương trình năm nào cũng như nhau, tiêu chí chọn Miss thì có vắt óc suy tư cũng không nghĩ ra một cái gì khả dĩ...

 

 Loạn hoa khôi cùng format

 

Trên diễn đàn các trường, SV rất hào hứng chờ đón các cuộc thi Miss. Các cuộc thi này trường tổ chức ở bất kì thời điểm nào trong năm, chứ không có “mùa Miss” nào dành cho SV.

 

Cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2008 nhằm chọn ra một gương mặt tiêu biểu cho nữ sinh 21 khoa và 2 trường THPT trực thuộc. Trước khi tìm được gương mặt này, các khoa cũng đã rậm rịch tổ chức thi để chọn ra hoa khôi của mình.

 

Theo anh Hoàng Dương, Phó Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thì có đến 70% các khoa có tổ chức cuộc thi hoa khôi riêng nhưng đều theo cách: “Đoàn trường gửi format chương trình về khoa để các thí sinh làm quen dần với cách thi, khi thi thật không bị bỡ ngỡ!”.

  

Các cuộc thi hoa khôi học đường đang bùng nổ. Ảnh từ trên xuống: Cuộc thi Nữ sinh thanh lịch ĐHQG Hà Nội, tài sắc Phương Đông 2008, Miss Việt Đức 2008

Việc chọn ra hoa khôi của các hoa khôi là điều phổ biến trong các cuộc thi Miss học đường hiện nay. Trước khi tổ chức chung kết cuộc thi Nữ sinh Thanh lịch năm 2008, các khoa trong trường ĐHQGHN cũng đã tổ chức thi hoa khôi riêng. Các trường cho rằng đây là cách chọn được các gương mặt ưu tú đại diện cho các khoa, vì mỗi khoa đều cần có 1 đại diện .

 

Thực tế thì cuộc thi ở cấp khoa là sự “tập dượt” cho thi cấp trường. Vì Format chương trình thi giống hệt nhau. Thay vì thử thách độ linh hoạt và khả năng ứng biến của thí sinh, các trường đều cho thí sinh thi cấp khoa đúng với phần chương trình thi cấp trường.

 

Anh Hoàng Dương cho biết: “Đoàn trường gửi format chương trình về khoa để các thí sinh làm quen dần với cách thi, khi thi thật không bị bỡ ngỡ!”. Qua 5 lần tổ chức, format này cũng không có gì khác, các phần thi cũng không có gì thay đổi và giống hệt các cuộc thi Hoa hậu cỡ quốc gia chứ không có “đặc thù” SV, bao gồm: Năng khiếu, Ứng xử, Trình diễn trang phục. Riêng năm 2008 có thêm phần phỏng vấn trực tiếp.

 

BGK đều là người nổi tiếng trong giới teen
Tiêu chí chọn Miss hàng năm của một trường đều nhất loạt giống nhau và … giống các trường khác.

 

Hoa khôi Phùng Hồng Mây khi được hỏi sẽ là đại diện của những điều gì cho nữ sinh ĐHQGHN đã trả lời như tiêu chí chọn hoa khôi của cuộc thi: “Để có thể đại diện cho vẻ đẹp của nữ sinh ĐHQGHN thì có lẽ là vẻ đẹp của trí tuệ và nhân văn”.

 

Cuộc thi “Tài sắc Phương Đông” của ĐH Phương Đông có cái tên khác lạ so với các cuộc thi Miss trường bấy lâu, nhưng tiêu chí chọn Miss thì vẫn là “Chọn ra gương mặt tiêu biểu cả về tài lẫn sắc”.

 

Anh Hoàng Dương cho biết tiêu chí chọn Miss của Nữ sinh thanh lịch ĐHSP Hà Nội năm 2008: “Chọn 1 guơng mặt tiêu biểu cho nữ sinh ĐHSP Hà Nội”. Chữ “tiêu biểu” được anh giải thích là bạn nữ sinh đó phải “thuần chất sư phạm”.  

 

Cuộc thi Miss học đường còn lan đến các trường THPT. Các trường khá nổi trong giới HS Hà Nội như Amsterdam, Việt Đức, Phan Đình Phùng hàng năm đều tổ chức cuộc thi Miss rầm rộ và không kém phần hoành tráng. Giám khảo cũng thuộc “cỡ khủng” như hoa hậu Mai Phương Thuý, ca sĩ Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn…

 

Lợi dụng nữ sinh để kiếm tiền?

 

Không thể phủ nhận rằng các cuộc thi hoa khôi trong trường học hiện nay thu hút được khá nhiều tài trợ từ các doanh nghiệp lẫn các kênh truyền thông. Các cuộc thi càng hoành tráng bao nhiêu, thì tài trợ càng nhiều, và tính thương mại đôi khi tỏ ra lấn lướt. 

 

Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu là một trong những nhà tài trợ lớn của cuộc thi Nữ sinh thanh lịch ĐHQGHN tháng 3/2008. Đây có lẽ là cuộc thi Miss kỉ lục trong giới SV về thời gian diễn ra: Từ7h30 tối hôm trước đến gần 2h sáng hôm sau!

 

Sở dĩ chương trình dài lê thê vì chưa kể thời gian chết trên sân khấu quá nhiều thì màn trình diễn trang sức vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cũng chiếm tới hơn nửa giờ đồng hồ, dù màn trình diễn này chẳng liên quan gì tới tôn chỉ, mục đích cuộc thi và các SV ngồi xem thì “chưng hửng” vì chả hiểu sao lại nảy ra mấy cô chân dài ăn mặc bốc lửa, người đeo toàn đồ trang sức đắt tiền “xen” vào giữa.

 

Có thể kể thêm một ví dụ về tính thương mại hoá trong cuộc thi Miss SV tại ĐH Hà Nội.

 

Cuộc thi 2008 do mạng Cyberworld tài trợ độc quyền, được tổ chức tại sân vận động rộng thênh thang của trường nhưng SV muốn vào phải mua vé.

 

Sau khi SV kéo đến quá đông thì buộc phải mở cửa miễn phí. Nhưng vào bên trong rồi, các bạn phải ngồi rất xa sân khấu vì phía gần khán đài được dành cho các khách VIP – là những nhà tài trợ, BGK, BGH của cuộc thi. Do đó, SV đến xem "tại trận" lại phải ngắm các thí sinh qua 2 màn hình Tivi ngoài trời.

 

Các cổ động viên SV luôn nhiệt tình, nhưng họ bị cản trở vào chụp ảnh và xem hoạt động tinh thần dành cho mình vì nhà tài trợ độc quyền.
 

Đó là chưa kể đến chuyện mỗi khi có ai đó giơ máy ảnh hay điện thoại lên chụp là y như rằng có người đi đến tận nơi và nhắc nhở: “Cấm tuyệt đối không được chụp ảnh quay phim dưới mọi hình thức!”. Ngay cả cánh phóng viên nếu không có thẻ nhà báo cũng nhận được một lời từ chối rất lịch sự: “Anh/chị không được chụp ảnh đâu ạ!”. 

 

Cả biển SV ĐH Hà Nội phải đứng rất xa để xem Miss Hanu. Ảnh: BlogHaKin
 

 Một số người chưa chịu bó tay, đi vòng qua khu khác, lại gặp các SV làm nhiệm vụ ngăn cản chụp hình. “Chị là người nhà của thí sinh, chị muốn chụp vài cái ảnh em chị đi thi làm kỉ niệm” – “Tuyệt đối không được, người nhà cũng không ngoại lệ”, cậu SV dứt khoát. Có lẽ, tinh thần “độc quyền” được quán triệt rất triệt để nên cậu thực hịên rất nghiêm túc điều này.

 

Trong khi các cán bộ Đoàn luôn khẳng định đây là một sân chơi văn hoá tinh thần cho tất cả SV thì chính SV bị loại ra ngoài. Cuộc thi như chả có gì liên quan đến SV, trừ các thí sinh là người trong trường. Các tiết mục ca nhạc cũng do ca sĩ nổi tiếng (Mỹ Dung) trình bày, còn SV trong đội văn nghệ trường thì không có “đất diễn”.

 

Trong khi các khán giả SV vì có ít sân chơi giải trí cố nán lại để xem thì MC liên tục nhắc nhở các bạn hãy nhắn tin bình chọn cho các thí sinh qua mạng của Cyberworld. 

 

Cũng chính tính thương mại hoá ngày một nhiều nên có thí sinh trường ĐH Hà Nội mặc đồ của nhà tài trợ không vừa, khi trình diễn đã để lộ những phần “nhạy cảm”, gây phản cảm trong môi trường học đường.

 

Ứng xử gì mà buồn cười thế?

 

Mỗi cuộc thi thường niên đều cố gắng tìm cho mình một cách thể hiện mới, những sáng tạo mới.

 

Nhưng có lẽ việc này hơi “quá sức” với các trường khi màn trình diễn cái được cho là “sáng tạo”, “mới lạ” gây nhiều điều buồn cười, khó chịu cho SV.

 

Điển hình là cuộc thi Nữ sinh thanh lịch ĐHQG Hà Nội, phần thi Đồng đội (làm việc theo nhóm) được kì vọng khá nhiều, vì đây là kĩ năng SV đang yếu và là điểm khác so với các cuộc thi Miss khác. Tuy nhiên, khi phần thi này diễn ra thì khán giả chả hiểu các thí sinh đang làm gì.

 

Phần thi "truyền kì" hàng năm là trình diễn thời trang, tài năng, ứng xử. Nếu có sự sáng tạo nào, thì khán giả cũng "khó nuốt" trôi, vì làm không đúng kiểu
 

Các ô số là chỗ đứng của các thí sinh quá áp sát nền, phần bục sân khấu lại cao khiến những người ngồi dưới chỉ thấy các thí sinh cứ một lúc lại nhảy lên tưng tưng lên. Luật chơi lằng nhằng, khó hiểu khiến các khán giả ngồi xem ngây ra như vịt nghe sấm, không hiểu thắng thua có xứng đáng hay không. Đến khi cuộc thi kết thúc học cũng chỉ hay ai là người đoạt giải Miss Đồng Đội, chứ nếu đi xem về rồi kể lại cho người không đi thì không biết kể thế nào!

 

Phần thi ứng xử luôn được chờ đợi, vì thế mà các trường cũng cố đổi mới, sáng tạo trong các câu hỏi. Nhưng có nhiều câu “chơi khó” thí sinh chứ không phải là phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của các người đẹp.

 

Đơn cử như ở cuộc thi của ĐHQGHN, câu hỏi ứng xử dành cho 1 trong 5 thí sinh vào vòng cuối có nội dung như sau: “Bạn nghĩ gì về tình hình giao thông hiện nay?”. Muốn đưa tình hình thực tế vào cuộc thi, nhưng câu hỏi chung chung, cũ kĩ, lại không hợp với một cuộc thi sắc đẹp khiến người trả lời khó mà ứng xử cho hay được.

 

Ở cuộc thi “Tài sắc Phương Đông” của ĐH Phương Đông, phần sáng tạo mới lạ là các thí sinh đưa ra câu hỏi ứng xử cho nhau. Có câu hỏi với nội dung: “Nếu bạn là người duy nhất còn sót lại trên trái đất này, bạn sẽ nghĩ gì và làm gì?”. Câu hỏi khiến người xem cười rộ: “Hỏi gì mà buồn cười thế?”. Câu trả lời là: “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu điều đó có xảy ra, tôi sẽ không nghĩ về bản thân mình, mà sẽ nghĩ về ô nhiễm môi trường, đói nghèo và bệnh tật”.

 

Thí sinh ứng xử xong, mọi người ở dưới lại cười ồ: “Trả lời gì mà buồn cười thế?”

 

  • Cẩm Quyên 
    Ảnh trong bài: Cẩm Quyên - Pha Lê - Bùi Tuấn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,