221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1139226
Sẽ xóa bỏ biên chế hàng triệu nhà giáo
1
Article
null
Sẽ xóa bỏ biên chế hàng triệu nhà giáo
,

 -  "Ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân trong quý 1/2009; xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng trong đội ngũ giáo viên, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân".

 

Đây là 2 giải pháp được Bộ GD-ĐT xác định là mang tính quyết định, đột phá nhằm đổi mới giáo dục Việt Nam. Viện trưởng Viện Khoa học GD (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hữu Châu thông tin về những nội dung cơ bản của dự thảo lần thứ 12 của Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2009 - 2020.

 

Theo dự thảo, chậm nhất 2015 Việt Nam sẽ có chương trình GD phổ thông mới, hướng đến sự lựa chọn cho từng cá nhân người học. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

 

3 thách thức

 

Trong tầm nhìn đến năm 2020, dự thảo nhấn mạnh 3 ý: Phấn đấu đến một nền GD hiện đại, mang tính dân tộc; mang đến một cơ hội học tập tốt hơn cho mọi người; Chuẩn bị đào tạo những người lao động hiện đại có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

 

Từ đó, chiến lược đưa ra 3 mục tiêu, cũng được đánh giá là "3 thách thức cần vượt qua": quy mô, chất lượng và quản lý GD.

 

Quy mô giáo dục: Phát triển hợp lý để chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ CNH-HĐH và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

 

 
Phổ cập 1 năm đối với trẻ 5 tuổi và điểm nhấn giáo dục đại học"

Cụ thể: Thực hiện phổ cập 1 năm đối với trẻ 5 tuổi - trước khi vào tiểu học. Vấn đề này đang bắt đầu hình thành đề án chuẩn bị.

 

Ở THPT, sẽ đạt chuẩn phổ cập cơ bản 9 năm đúng độ tuổi ở hầu hết các tỉnh và TP vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 80% dân số trong độ tuổi đạt trình độ tương đương THPT; 65% người lao động trong độ tuổi được đào tạo.

 

Đặc biệt, GD đại học phải là "điểm nhấn": Phấn đấu để có ít nhất 5 ĐH Việt Nam được xếp hạng trong top 100 ĐH đầu của ASEAN và 2 ĐH nằm trong top 200 của ĐH thế giới. 

 

Chất lượng và hiệu quả: Chương trình và phương pháp giảng dạy GD mầm non phải đổi mới quyết liệt; Giáo dục phổ thông không chỉ đẩy mạnh rèn chữ mà đẩy mạnh rèn năng lực làm người - một con người toàn diện. Đặc biệt, HS phổ thông sẽ có khả năng sử dụng tin học và ngoại ngữ.

 

Ở các chương trình nghề nghiệp, có 95% HS tốt nghiệp được cơ quan tuyển dụng đánh giá đạt yêu cầu làm việc. Trong vòng 5 năm tới, sẽ cung cấp được nguồn lao động có thể xuất khẩu, có thể cạnh tranh về xuất khẩu nhập khẩu nguồn nhân lực. 5% SV tốt nghiệp ĐH đạt trình độ giỏi của các trường ĐH hàng đầu của ASEAN; SV tài năng sẽ được chú trọng và bồi dưỡng để có thể tạo vốn tinh hoa của đất nước.

 

Về nguồn lực:  Cung ứng đủ, phân bổ và sử dụng hiệu quả, đảm bảo điều kiện phát triển. Phấn đấu đến năm 2015 giữ được mức đầu tư ngân sách cho giáo dục là 21% và duy trì ở những năm tiếp theo. Huy động được từ các tổ chức kinh tế xã hội và được chia sẻ một cách hợp lý giữa nhà nước, gia đình và người học tạo nên “nguồn vốn” đủ để tạo nên nền GD có chất lượng.

 

Chen lấn nộp hồ sơ xét tuyển giáo viên tại TP.HCM tháng 9/2008. Ảnh: Q.T

 

11 giải pháp chiến lược

 

Dự thảo nêu 11 giải pháp, trong đó, có 2 giải pháp ngành GD muốn đệ trình Chính phủ và coi đây là 2 giải pháp mang tính quyết định, đột phá.

 

1. Đổi mới quản lý GD: Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân trong quý 1/2009 để xóa đi tất cả những yếu kém, bất cập trong hệ thống. Sẽ tiến hành cải cách hành chính trong toàn bộ hệ thống GD, đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa quản lý.

 

2. Xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân. Sẽ miễn giảm học phí và cung cấp học bổng để thu hút HS vào các trường sư phạm…Thu hút giảng viên nước ngoài có uy tín về dạy học; tăng cường đẩy mạnh các khóa bồi dưỡng giáo viên bằng các chương trình tiên tiến. Đặc biệt là  chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ để nâng trình độ giảng viên ĐH ở tầm tốt hơn.

 

3. Phát triển tài liệu chương trình GD, chậm nhất 2015 Việt Nam sẽ có chương trình GD phổ thông mới với những yếu tố tích cực hơn và hướng đến sự lựa chọn cho từng cá nhân người học. Viết nhiều bộ SGK dựa theo chương trình chuẩn.

 

 
2 giải pháp đột phá: ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân;  xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân

4. Định kỳ 3 năm một lần, tổ chức đánh giá chất lượng học tập toàn quốc và công bố công khai để xã hội biết chất lượng GD Việt Nam đang ở mức nào. 

 

5. Xây dựng các chương trình kiểm định độc lập các cơ sở và công bố công khai.

 

6. XHH GD với cơ chế học phí mới, có tinh thần đảm bảo sự chia sẻ giữa người học-nhà nước và người sử dụng.  Nghiên cứu có hỗ trợ cho các cơ sở NCL về đất đai, vốn, thuế và xác định rõ những tiêu chí thành lập các cơ sở này

 

7. Đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thành các chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, ưu tiên quỹ đất để xây dựng một số khu ĐH chung, tạo quỹ đất để xây dựng các trường học, phấn đấu học 2 buổi/ngày; Xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại ở một số trường ĐH trọng điểm.

 

8.Gắn đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, lập các trung tâm dự báo, phân tích, dự đoán nhu cầu nhân lực của đất nước, cung cấp nguồn thông tin cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN tham gia vào quá trình đào tạo và mở các chương trình đào tạo trong các DN lớn.

 

9. Hỗ trợ GD cho các vùng miền ưu tiên tạo công bằng xã hội thì sẽ thực hiện cơ chế học bổng, học phí, quỹ tín dụng SV;  hỗ trợ và giảm giá SGK cho những HS vùng sâu, vùng xa, đặc biệt với người khuyết tật và ưu tiên tuyển sinh với người dân tộc thiểu số.

 

10. Nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN, tập trung vào việc tổ chức 1 số ĐH phát triển theo hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2010, có 30 trường ĐH theo hướng nghiên cứu cơ bản, còn lại sẽ phát triển theo hướng nghề nghiệp. Hình thành tốt hơn tam giác liên kết giữa các ĐH, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp.

 

11. Xây dựng những cơ sở GD tiên tiến, xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Tiến tới phát triển mạng lưới các trường ĐH thân thiện.

 

Điểm mạnh và yếu của GD VN

Điểm mạnh Điểm yếu

Quy mô mạng lưới phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được  đẩy mạnh và làm tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi biết chữ của cả nước. Công tác XHH được phát triển đã thu hút sự đóng góp của người dân vào quá trình giáo dục của nhiều thành phần trong xã hội. Đến thời điểm này, GD Việt Nam đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều thành phần - họ đã tham gia hiến kế cho GD.

 

Tính công bằng trong GD được cải thiện, đặc biệt với trẻ em gái, trẻ dân tộc,  con em các gia đình nghèo và trẻ em khuyết tật.

Yếu kém lớn nhất: Hệ thống GD không đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học, các trình độ.

 

Chất lượng GD  vẫn còn rất thấp so với yêu cầu đất nước và các nước (dù quá tiến bộ so với giai đoạn trước)

 

Chương trình GD, SGK chậm đổi mới, lạc hậu.

 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD  chưa đủ tầm đáp ứng mong muốn của thời đại hội nhập, toàn cầu hóa quyết liệt (mặc dù họ đã làm nên “bức tranh GD trong nước” còn nhiều khiếm khuyết nhưng rất đáng tự hào)

 

Quản lý GD yếu kém, lúng túng.

 

Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu (mặc dù Chính phủ có nhiều chương trình đầu tư)

  •  Tùng Linh (ghi)

 

 

***************************

Ho ten: Nguyễn Trai
Dia chi: Quảng Trị

Tôi thấy đây là một quyết định táo bạo, ý tưởng cũng mong muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà.Nhưng cũng nên nhìn thực chất vấn đề của xã hội ta hiện nay, muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà không chỉ riêng một ngành giáo dục làm được mà phải là một cuộc cách mạng của toàn dân, toàn xã hội-Trong đó đội ngũ giáo dục làm nòng cốt. Thử hỏi đội ngũ quản lý của ta từ cơ sở cho đến cấp ngành đã làm tốt chưa? Bao nhiêu tiêu cực trong ngành gốc rễ của vấn đề có phải do giáo viên gây ra không? Xin thưa bản chất vấn đề không phải là từ những cá thể giáo viên mà cái chính là từ đội ngũ cán bộ. Chúng ta đang còn nhiều yếu kém về quản lý giáo dục, cán bộ giáo dục đang còn "phòng không" lắm ...Năng lực thì hạn chế, phần đông là yếu kém, làm công tác quản lý giáo dục nhưng một bộ phận không nhỏ cái "tâm" còn thiếu - Thử hỏi nhân cái quyết định bỏ biên chế này đội ngũ lãnh đạo giáo dục (cấp cơ sở)- những người có quyền "sinh sát" họ sẽ cân đo đong đếm làm sao?

Ho ten: Cần phải Bàn
Dia chi: Thái Nguyên

Tôi đọc rất kỹ về Ban hành vấn đề cải cách hệ thống GD quốc dân trong quý 1/2009; xóa bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng trong đội ngũ giáo viên, tạo nên sự cạnh tranh phấn đấu của mỗi cá nhân và các ý kiến bạn đọc. Cũng cảm ơn mọi ngườiđã quan tâm và Bộ GD&&ĐT đã trăn trở về chất lượng GD hiện nay. Riêng bản thân tôi xin thưa Bộ GD&ĐT chỉ trăn trở và với các nhà chiến lược ở trên mây thì làm được cái gì? Các nhà chiến lược giáo dục có biết không, những sinh viên tốt nghiệp đại học có kiến thức nếu không vì tư tưởng cũ của thế hệ trước ở lại làm giáo viên cho ổn định và oai thì không ai ở lại các trường đại học để làm công tác giảng dạy với đồng lương còm cõi hiện nay. Căn bệnh chủ yếu của ngành Giáo dục hiện nay mà chúng tôi vẫn thường gọi là "làm ra sản phẩm mà không cần bảo hành" thì dạy như thế nào chẳng được miễn là tiền nhiều. Đó là cái mà Bộ GD&ĐT nên đổi mới còn bỏ biên chế thì lợi ít, hại chưa biết thế nào, mà chỉ có "loạn" thêm. Vậy chưa nên bàn và đặt ra để hỏng thêm. Cũng xin các độc giả, "biết thì thưa thốt, không biết .....".

Ho ten: Đại Quang
Dia chi: Quảng Trị

Theo tôi bỏ biên chế giáo viên là điều cần thiết vì. 1/ Hàng năm biên chế giáo viên càng phình trong bộ máy nhà nước, hiện tượng chạy chọt để vào biên chế ngành giáo dục phổ biên, nên đến khi vào được rồi sẽ không phấn đấu, hoặc nảy sinh từ tiêu cực này sang tiêu cực khác. 2/ Từ xưa đến nay nghề nhà giáo là nghề được tôn vinh, là những người có tâm huyết nghề nghiệp ngay cả khi cuộc sống thiếu thốn khó khăn. Vậy đến khi không còn là biên chế nữa nhưng nếu thực sự anh có cái tâm thì đó là cơ hội cho anh, vì nghề nhà giáo cần những người tài và hơn cả là đức nữa. 3/ Là những năm qua Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách cải tiến từng bước công tác giảng dạy nhưng chất lượng vẫn chưa đạt hiệu quả chính bởi vì tại cái bộ máy biên chế này mà ra. Khi không có biên chế nữa thì sẽ Những người không có tâm sẽ không vào ngành. Có sự công bằng giữa giáo viên mới và giáo viên cũ, hơn nhau chỉ là chất lượng giảng dạy, cái này ai cũng biết nhưng do không dám nói mà thôi. Những nhân tố tích cực có cơ hội góp phần vào sự sự phát triển của ngành giáo dục cũng như sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Ho ten: Hai
Dia chi: Hai Dương

Việc xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục là việc gây ảnh hưởng khá lớn đến mọi tầng lớp cán bộ giáo viên.Bộ cần xem xét lại vấn đề sau. 1.Liệu xoá bỏ biên chế có thực sự tạo ra sự cạnh tranh trong ngành dẫn đến chất lượng được nâng lên hay không? Hay càng tạo ra thêm nhiều tiêu cực mới? 2.Bộ giáo dục đã bao nhiêu lần đổi mới mà chất lượng vẫn chưa có gì thay đổi lắm... bộ đã đánh giá rút kinh nghiệm tìm ra cái mấu chốt,cái nguyên nhân chính gây ra hậu quả chất lượng kém chưa? 3.Những ai là người tiếp xúc nhiều với giáo viên để đánh giá chuẩn GV.Ai là người quyết định xoá bỏ hợp đồng 1 GV.Xưa nay việc làm này chưa được chuẩn. 4.Những người làm quản lí có cần bầu lại hàng năm để tránh việc đặc quyền đặc lợi co kéo bè phái trù dập GV...? Vì những người làm lãnh đạo trong ngành mà không tốt cũng gây ra những ảnh hưởng rất nhiều?

Ho ten: Quý Khôi
Dia chi: Thanh Oai - Hà Nội

Tại sao Bộ Giáo Dục không lo tuyển đầu vào cho các giáo viên và đào tạo họ để họ trở thành những Thầy Cô giỏi và có trách nhiệm trong công việc? Một việc quan trọng là phải đào tạo những người quản lý, Hiệu Trưởng, Hiệu Phó. Tôi thấy hiện nay, một số hiệu trưởng làm việc rất không tốt! Họ lên chức bằng tiền của và các mối quan hệ. Khi lên chức rồi họ lại không tâm huyết với nghề mà chỉ tìm cách sao cho ăn được nhiều tiền. Với những người lãnh đạo như vậy thử hỏi sao mà nền giáo dục phát triển được. Có rất nhiều nguyên nhân khiến nền Giáo dục của nước ta chậm phát triển và "Biên chế" đâu phải là nguyên nhân nổi cộm nhất! Các nước phát triển vẫn áp dụng cách thức này đấy thôi! Nói chung tôi thấy rất bất mãn với chính sách mới này.

Ho ten: Hoàng Nam
Dia chi: Hà Nội

Có biên chế hay không thì bao nhiêu năm nay nhà giáo Việt Nam đã, đang và sẽ còn cống hiến vô cùng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Chỉ có điều sự phát triển chậm của ngành giáo dục là do ...các nhà quản lý giáo dục. Thử hỏi cơ sở vật chất nhà trường không đủ phục vụ giảng dạy thì do ai? Giảng viên đại học với đồng lương như thế thì làm sao mua được máy tính để soạn bài giảng cho sinh viên? Thế mà chúng tôi, hàng triệu người hàng ngày lên lớp vẫn phải vật lộn với cuộc sống để đứng lớp cho tử tế để rồi cuối cùng người ta cho ra biên chế vì ...làm chậm phát triển ngành giáo dục! Chúng ta hãy tiến hành ngay việc công khai chọn hiệu trưởng, trưởng khoa, tổ bộ môn ...rồi hẵng nói đến chuyện biên chế hay không.

Ho ten: hoang lan
Dia chi: Nghe An

Tôi thấy việc xoá bỏ biên chế giáo viên không những không giúp ích được cho nghành giáo dục mà còn làm cho đời sống giáo viên đã vất vả nay lại càng bấp bênh hơn. Nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ nghề giáo viên vì đồng lương ít ỏi, đời sống khó khăn. Tôi thấy rằng Bộ nên có nhiều chính sách hơn để khuyến khích và thúc đẩy nghành giáo dục phát triển chứ không chỉ đơn thuần là đánh vào nỗi lo của người giáo viên. một khi đời sống của họ bấp bênh thì làm sao thì yên tâm phấn đấu được. Giáo viên giỏi là có chuyên moon giỏi, kiến thức giỏi nhưng khi họ luôn phải lo lắng về kinh tế, khó khăn cuộc sống gia đình thì liệu học có thể có thời gian đầu tư chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi hay không? Hiện nay tôi thấy các thầy giáo, cô giáo đang phấn đấu hết mình khẳng định bản thân, đóng ghóp vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thay vì việc xoá bỏ biên chế tôi nghĩ chính phủ nên đề ra các kế hoạch nhằm tạo nên phong trào thi đua phát triển trong nghành giáo dục, khuyến khích tạo điều kiên cho người giáo viên phát triển tốt. Hiện nay các học sinh giỏi đã không muốn trở thành giáo viên vì đời sống vất vả, đồng lương ít ỏi, Nay lại thêm chính sách mới thì tôi tin rằng lại chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm thôi.

Ho ten: Huyền Minh
Dia chi: Thái Nguyên

 Theo tôi, việc cần làm ngay là tổng kết Chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2001- 2010 chứ không phải là xây dựng Chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2008- 2020 hoặc 2009- 2020 một cách ngẫu hứng như đang làm hiện nay.Tổng kết thực tiễn là cơ sở của hoạch định chính sách vĩ mô. Đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu cho Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân đánh giá, tổng kết mặt được và chưa được của Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001- 2010. Từ cơ sở thực tiến đó mới đặt vấn đề xây dựng Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011- 2020. Tên gọi phải là như vậy, để nhất quán với Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg do Thủ tướng Phan Văn Khải ký.

Ho ten: Lê Anh Tuấn
Dia chi: THPT Hồng Đức, Uông Bí, Quảng Ninh

Tôi là một giáo viên mới ra trường, công tác được gần 2 năm, dạy học tại một trường dân lập. Đối với giáo viên dân lập như chúng tôi, chỉ có hợp đồng chứ không có biên chế. Mà cách suy nghĩ của xã hội lúc này thì biên chế vẫn cứ là nhất. Đã vào biên chế thì muốn dạy như thế nào thì dạy, không ai đình chỉ được mình. Thế nên tại trường tôi, giáo viên đua nhau chạy chọt để vào công lập, thậm chí học sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để đạt được mục đích này. Tôi dám khẳng định, nếu cứ để tình trạng biên chế như hiện nay, nền giáo dục của chúng ta sẽ còn trì trệ, chậm tiến. Tôi hoan nghênh đề án đổi mới của Bộ GD - ĐT về việc xóa bỏ biên chế GV để tạo tính cạnh tranh. Nhưng tôi cũng mong rằng nói phải đi đôi với làm, quý 1/2009 là xóa bỏ thì đúng quý 1/2009 phải làm được điều đó. Đừng để nhân dân, xã hội một lần nữa mất niềm tin.

Ho ten: nguyễn sơn
Dia chi: long an

Bỏ biên chế để tăng tính cạnh tranh và giảm chuyện "Chạy". theo tôi biên chế hay hợp đồng người ta đều phải "Chạy", đôi khi hợp đồng còn phải "Chạy" nhiều hơn, một năm, hai năm phải ký lại mà! câu chuyện GD đang làm rối tung lên, sẽ là vô nghĩa khi mà ngành GD cứ liên tục cải cách nhưng XH vẫn còn tư tưởng 5C " con cháu các cụ cả". Ai sẽ là GV về vùng khó khăn? HÌnh ảnh Cô giáo như mẹ nhiền liệu có còn khi mà thương mại hóa tất cả? sẽ có hiện tượng cho điểm sai sự thật để chạy thành tích ...cải cách lần này cực kỳ nguy hại nếu không giải quyết được các vấn đề phát sinh.

Ho ten: Rien Havan
Dia chi: Ha noi

 Theo tôi xoá bỏ biên chế là một chủ trương đúng đắn và rất hợp lòng dân. Xoá bỏ biên chế không những chỉ tiến hành trong ngành giáo dục mà phải được thực hiện ở tất cả các ngành kinh tế khác nữa. Việc kí hợp đồng làm việc có hạn và dài hạn (dài hạn là bao nhiêu năm cũng phải được qui định rõ ràng cụ thể)nhất định sẽ khuyến khích cạnh tranh lao động lành mạnh mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Ho ten: Thái Bình
Dia chi: Thành phố

Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm,đại học sư phạm tại chức và tôi đi dạy hợp đồng gần 10năm rồi,mỗi tháng "lương"300000đồng. Giáo viên giỏi cấp tỉnh,thành phố,nhiêu năm dạy đội tuỷen xếp các thứ hạng cao, nhưng tôi không là"con ông cháu cha" Có ở đâu gviên "rẻ"thế không? Về Thành phố Thái Bình sẽ thấy.

Ho ten: Tuan Anh
Dia chi: Ha Nam

 Tôi rất đồng tình với quan điểm phải chấn hưng ngành GD. Nhưng với giải pháp "Xoá biên chế với GV" thì tôi thấy lo! Bởi để đánh giá đúng năng lực của một GV không phải là dễ. Sản phẩm lao động của GV là kết quả về sự phát triển về nhân cách của HS - điều này không dễ gì cân, đong, đo, đếm được như các sản phẩm hàng hoá vật chất.Lúc đó "số phận" của mỗi GV hoàn toàn phụ thuộc vào sự định đoạt của người có quyền đánh giá. Ai giám khẳng định sẽ không có tiêu cực xảy ra?! Mặt khác muốn ngành GD trong sạch, không có bệnh thành tích thì đòi hỏi các ngành, các lĩnh vực khác trong xã hội cũng phải hoàn toàn trong sạch và không có bệnh thành tích. Điều này ai dám chắc?!

Ho ten: HTQuynhTrang
Dia chi: SD_TQ

Trong nhiều năm qua. nghành giáo dục đã có nhiều đổi mới trong nghành. số tiền đầu tư cho nghành không hề nhỏ, nhưng tại sao kết quả vẫn không như mong muốn. theo như cháu thấy vì hiện tại cháu cũng đang là một SV DH. trong học tâp có nhiều khó khăn như cái cơ bản là chất lượng giáo viên. thật sư trình độ giáo viên đạt yêu cầu, vững chác về kiến thức có lẽ rất thiếu.cung chác giảng dậy thì khiến HS, SV thụ động trong tiếp thu. có lẽ cái cần cải thiện đầu tiên chính là đội ngũ giáo viên. vì người ảnh hưởng nhiều nhất đến 1 người học trò chính là giáo viên dậy mình. đem lại cho mình những bài học đầu tiên về tri thức...

Ho ten: pleitonha
Dia chi: Kon tum

Tôi đồng ý với Bạn Tuyết Mai.Bất kỳ một chính sách mới nào cũng cần phải có nền tảng khoa học chứng minh, nhưng tôi nhận thấy các vị làm quản lý giáo dục Việt nam chẳng hiểu gì về cái gọi là Giáo dục cả. Căn cứ vào đâu mà các vị cho rằng xoá bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên là tốt cho ngành Giáo dục nói chung và các cấp học nói riêng? Theo tôi đây là cái cớ để các vị lại có điều kiện để các giáo viên muốn đứng lớp lại pahỉ "Chạy chọt" tới các vị mà thôi! Theo tôi hãy từ các vị đi đã. Các vị chưa công tâm trong việc xét tuyển giáo viên thì lấy đâu ra giáo viên giỏi cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà!

Ho ten: Chao mao do
Dia chi: Ha noi

 Vấn đề biên chế hay không biên chế tôi nghĩ trả liên quan gì đến "Đổi mới GD" cả. Vì đây là lĩnh vực quản lý của Bộ nội vụ. Thêm chỉ tiêu biên chế, Thi tuyển công chức, chuyển công tác là do Sở nội vụ quyết định cơ mà. Mọi tiêu cực phát sinh từ vấn đề biên chế hay không biên chế phải để cho Bộ nội vụ đề xuất phương án giải quyết chứ.

Ho ten: Minh Tùng
Dia chi: Hà Nội

Nếu là một giáo viên, chắc hẳn ai đó cũng như tôi sẽ có một cái gì đó bâng khuâng khi nghe tin sẽ bỏ biên chế đối với người làm công tác giảng dạy. Nhưng ngồi suy ngẫm mới thấy việc làm này là cần thiết. Tôi e rằng Chu Tuyet Mai đã hiểu chưa hết về professor ở nước Mỹ. Ở Mỹ là Associate Prof. nếu bạn có ít cống hiến (không cứ có 4-5 năm công tác) và Full Prof. nếu có đóng góp nhiều cho sự nghiệp, cho khoa học. Nhưng không thể tìm được chỗ nào ở nước Mỹ mà hễ ai đó có Full Prof. là vĩnh viễn được hưởng lương ngân sách (hoặc kinh phí của cơ sở ĐT hay NCKH). Ở ta, hai chữ NGHỀ NGHIỆP được biết đến từ rất lâu. Tuy nhiên, rất nhiều người có nghề mà chẳng có nghiệp. Vậy, nghiệp từ đâu mà có? Tôi cho rằng, nếu ai đó không có cuộc sống vật chất - tinh thần tốt sẽ không thể có nghề nghiệp tốt và có thể ngược lại. Như vậy, về mặt lý thuyết thì ai cũng có nhu cầu được lao động. Nhưng nếu không phải phấn đấu, không phải cạnh tranh (động lực yếu) thì nhu cầu lao động dễ bị triệt tiêu. Và như vậy, cần phải từng bước tạo cơ hội cạnh tranh cho mọi thành viên trong xã hội. Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, giáo viên cũng như rất nhiều người khác cần phải xa dời hai chữ "viên chức" hoặc "công chức" như ta vẫn có từ trước đến nay. Vấn đề là chúng ta phải cùng nhau xây dựng một cơ chế phù hợp để được lao động và phát triển.

Ho ten: Chu Tuyet Mai
Dia chi: Hawaii

Bộ GD nên tham khảo nền giáo dục thành công trên thế giới để thấy mình nên cải cách theo hướng nào. Cải cách Bộ đang đề xuất chẳng giống ai. Biên chế bản thân hệ thống này không có tội, tội là ở chúng ta (quản lý giáo dục) không làm đúng, làm tốt chức năng của mình. Bất kỳ một chính sách mới nào cũng cần phải có nền tảng khoa học chứng minh. Việt Nam cần học tập cách làm việc này của các nước phát triển khác. Chính sách cho một quốc gia 86 triệu dân không thể “cây nhà lá vườn” được. VN không phải là quốc gia duy nhất trải qua khó khăn này. Các hệ thống GD thành công trên thế giới đế có được hôm nay đều phải trải qua thất bại trong quá khứ.

Tại sao ta phải “nghĩ ra” một chính sách chẳng giống ai như thế? Việt Nam nói rằng cần “đi tắt đón đầu” để tăng tốc phát triển. Nền giáo dục cần “đi tắt đón đầu”, học tập thành công của các nước trên thế giới. Hãy xem xét hệ thống GD Mỹ làm ví dụ.

Hệ thống GD hàng đầu của Mỹ vẫn đang sử dụng mô hình biên chế cho đến hôm nay. Giáo viên bắt đầu giảng dạy thường là associate professor, hợp đồng năm một. Sau 4-5 năm giảng dạy và đáp ứng các yêu cầu sẽ được biên chế (full professor).

Cái họ làm được và ta chưa làm được là họ đề ra các tiêu chuẩn vào biên chế rất rõ ràng, có thế đo đếm được (quantifiable and measurable) chứ không mông lung và mơ hồ như ta. Các tiêu chuẩn là 1) Thành tích nghiên cứu khoa hoc, được đo bằng số lượng các bài báo nghiên cứu chuyên môn được xuất bản, số đầu sách giáo viên soạn được trong nắm. 2) Năng lực giảng dạy: đo bằng số tiết học/khóa học giáo viên dạy trong 1 năm và đánh giá chất lượng của học sinh (students evaluation). 3) Các đóng góp khác cho khoa/trường: đo bằng số học sinh giáo viên đó supervise, và giáo viên có hoạt động tình nguyện trong các hội đồng chuyên môn hay không. Sau khi có được các tiêu chí rõ ràng và dễ đong đếm như trên, cái ta cần là một hội đồng xét tuyển công khai, minh bạch, có sự tham gia của giáo viên trong khoa/trường. Như vậy hệ thống biên chế (tenure) là rất có ích đấy chứ. Cái VN đang làm chưa đúng, chưa tốt là thiếu những qui định xét tuyển biên chế minh bạch như trên chứ không phải là chính sách biên chế sai. Một khi các tiêu chí xét tuyển biên chế được công khai như trên và một ban xét tuyển có sự tham gia của giáo viên làm việc minh bạch, sẽ không còn chuyện lùm xùm biên chế. Các độc giả có hiểu biết về các nền GD tiên tiến khác trên thế giới như Anh, Úc xin phân tích để chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề một cách khác quan.

Xin cảm ơn!

Ho ten: Nguyễn Văn Hùng
Dia chi: Hà nội

Tôi rất mừng khi biết được kế hoạch xóa bỏ biên chế trong giáo dục. Nếu làm tốt, làm đúng, nó sẽ là động lực cho mỗi người, cho cả ngành giáo dục và xã hội. Con tôi đang học ở một lớp chọn của một trường tiểu học tại Hà Nội. Tôi thấy nhiều giáo viên có bề dày công tác, nhưng chuyên môn và chữ nghĩa không thể chấp nhận được. Tôi phàn nàn về chữ viết của cháu, nhưng khi nhìn chữ cô, tôi mới hiểu cô nào trò nấy. Chữ giáo viên tiểu học mà cẩu thả đến ghê người. Còn phát ngôn của cô với các cháu là: thằng và con. Tôi đón cháu đã vô tình nhiều lần nghe thấy xưng hô của cô vậy. Tôi ủng hộ đề án này, nhưng cần phải lường trước những tiêu cực có thể xảy ra.

Ho ten: Nguyễn Minh
Dia chi: Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi cũng đồng tình là phải cải cách một cách triệt để ngành giáo dục nước nhà. Nhưng ngược lại tôi cũng băn khoan một điều là nếu như xoá bỏ công chức hiện nay thì tiêu cực lại càng lớn hơn, chỉ có những người thấp cổ bé họng, không vào ê kíp lại là những người phải ra đường sớm, còn con ông cháu cha trình độ có kém vẫn yên tâm công tác. Tôi dám chắc điều đó. Vậy muốn xoá bỏ thì ai là người kiểm tra trình độ giáo viên, ai là người dám đứng ra giải quyết những sai phạm của giáo viên một cách triệt để, Tôi chỉ nghĩ rằng Bộ giáo dục và đào tạo nên nghĩ lại, cần phải cải cách như thế nào, làm thế nào cho tốt chứ đừng tạo ra thêm tiêu cực trong ngành giáo dục.

Ho ten: Nguyễn Chí Được
Dia chi: Chu Minh Ba Vì Hà Nội

Tôi rất đồng tình với chủ trương xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục, bởi nó đã để lại quá nhiều phiền phức cho hàng trăm ngàn giáo viên trẻ hàng chục năm rồi. Ở thôn tôi với số dân khoảng 8000 ngàn mà đã có tới 6 cháu chầu chực 10 năm trời vẫn chưa vào được biên chế.Cả nước sẽ là bao nhiêu ?. Kính mong các cấp chính quyền hãy mạnh dạn ra tay cải cách .

Ho ten: Quang Uy
Dia chi: Đồng Nai

 Tôi thấy xóa hay để biên chế cũng vậy thôi. Vẽ ra chuyện rồi làm cho có hình thức và tốn kém như việc học: "Bồi dưỡng nghiệp vụ mỗi hè". Càng đơn giản và chú trọng vào chuyên môn thì mỗi ngày mỗi tiến bộ thôi. Bạn Quang Huy ( hà Nội) có ý kiến rất hay. Một nghề giáo (đa số nông thôn, miền núi, vùng xa...) đạm bạc và yêu nghề, họ cũng đã cống hiến nhiều rồi... Cuối cùng thì chỉ đập vào anh " giáo dục" là vô tư và dễ đập nhất mà thôi!

Ho ten: tue anh
Dia chi: ha noi

Theo tôi xoá bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên là nên làm. Tuy nhiên cũng nên xem lại chế độ đãi ngộ đối với giáo viên.Với mức lương của giáo viên mới ra trường hiện nay không đủ để tự nuôi bản thân.Bản thân tôitốt nghiệp đại học, ra trường dạy tiểu học.khi vào biên chế lại bị xếp vào mức lương viên chức lại B( 1.86).Phải mất mấy năm nữa thì hệ số lên đến 2,34( mức khởi điểm của cử nhân đại học).Tôi cũng như bao giáo viên trẻ khác đang nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc ở trường,rồi dạy thêm để đủ chi tiêu hằng ngày.Mong rằng với chính sách mới,người giáo viên bớt phải lo bữa cơm manh áo, để có nhiều thời gian hơn cho công việc giảng dạy,nghiên cứu, đem đến cho học sinh những tri thức thực tế, chân chính.

Ho ten: Lê Dương
Dia chi: Lào Cai

Cơ chế hay cải cách thế nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng và cũng rất đơn giản là chúng ta phải dạy thật, học thật, bằng thật. Tất cả mọi người hãy học và làm việc bằng mồ hôi và nước mắt của mình để đổi lấy tri thức và đồng lương để sống. Nếu chúng ta cứ nói xa vời, lý sự nhiều quá thì tôi e rất khó thành công. Tất cả hãy xuất phát từ những thứ đơn giản đó là hãy học thật và làm thật.

Ho ten: Lương Ngọc nhật Linh
Dia chi: Ban quản lý dự án Phù Cát

Chúng ta không nên xóa bỏ biên chế ngành giáo dục. Mà nên xóa bỏ tất cả các ngành khác nữa. Vì sao các bạn biết không? "Nột cây làm chẳng lên non" mà phải là "nhiều cây mới làm nên non". Tôi rất đồng tình với cơ chế này. Tôi rất mong muốn chính phủ làm cho đồng bộ các ngành khác nữa mối có tác dụng tốt cho đất nước. Đừng ngại khó, mặt lòng, là nông dân lắm. Không theo kịp thế gới đâu.

Ho ten: Nguyễn Văn T
Dia chi: Nghệ An

Tôi đồng ý với ý kién của đồng chí Nguyễn Thanh. Với thực tế hiện nay xoá bỏ biên chế đó là giải pháp làm giàu cho đội ngũ quản lý mà thôi. Tôi có thể đưa ra 1 điển hình: Ở huyện chúng tôi hiện nay, THCS đã đủ biên chế nên ko nhận thêm biên chế mới. Vậy đã làm gì? Thuyên chuyển giáo viên từ vùng này qua vùng khác. Vậy là cán bộ có ngay khoản hối lộ nhơ bẩn ngay. Theo tôi, muốn giáo dục đào tạo phát triển mạnh hãy đổi mới ngay đội ngũ quản lý giáo dục, sau đó hãy làm các việc khác. Chúng tôi là đội ngũ giáo viên ai chẳng muốn phát huy tài năng của mình nhưng chính những chính sách của "đội ngũ quản lý Giáo dục Đào tạo" không cho nhân viên của mình trưởng thanh và phát huy.

Ho ten: Nguyễn Hồng Khoái
Dia chi: 98/2 Trần Bích San Nam Định

Tôi thấy đó là chuyện bình thường: Thầy cô nào chưa đủ trình dộ phải trau dồi kiến thức. Sản phẩm của ngành giáo dục chất lượng chưa cao, không để con em chúng ta chịu thiệt. Đi đôi với quá trình này phải tập trung học những cái gì cần học.Tôi hỏi một số cháu học ở Anh, Úc về: "Cháu sang bên đó có học môn "Chủ nghĩa cộng sản khoa học" và môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" không, các cháu trả lời là không.

Ho ten: Nguyễn Văn Sửu
Dia chi: Phú Thọ

Tôi không hiểu chủ trương xoá bỏ biên chế giáo viên nhằm mục đích gì? Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục phụ thuộc chủ yếu vai trò của người học. Sở dĩ chất lượng giáo dục kém là do học sinh đa phần không chịu học. Muốn học sinh tích cực học tập thì phải tổ chức thi cử nghiêm túc , đánh giá đúng chất lượng. Khi học sinh đã học tập tích cực thì buộc giáo viên cũng phải tích cực để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Trong điều kiện như vậy, nếu một cá nhân giáo viên nào không cố gắng vươn lên sẽ không được người học chấp nhận và tự đào thải bản thân mình. Còn trong hoàn cảnh hiện nay, một khi thi cử chưa thực sự nghiêm túc, người học chỉ mang tính chất đối phó, người dậy thì "cả vú lấp miệng em" cốt sao đủ điểm để lên lớp mỗi năm, còn thi tốt nghiệp kiểu gì mà chẳng đỗ . Thì cho dù cải cách thế nào thì chất lượng giáo dục mãi mãi vẫn không bao giờ thay đổi.

Ho ten: Đặng Bưởng
Dia chi: Điện Biên

Giáo dục càng sớm bỏ biên chế kiểu: chỉ kiểm tra Giáo án, thanh tra hồ sơ ... chất lượng giờ dạy thì võ đoán, đánh trống, chấm công, lĩnh lương theo hệ số, theo năm công tác, càng sớm ngày nào thì chất lượng GD càng sớm lên ngày đó. Đó là tôi muốn nói đến phải kiểm soát GV trong tất cả các tiết dạy thông qua phụ huynh học sinh và người học ...

Ho ten: Tiến Xuân
Dia chi: Trường DTNT Phú Thọ

Theo tôi, nếu khâu thi cử không nghiêm túc, không đánh giá đúng thực chất kết qủa giáo dục thì cho dù cải cách thế nào thì chất lượng giáo dục mãi mãi sẽ không thay đổi. Thi cử nghiêm túc , dẫn đến người học phải học nghiêm túc. Khi đó buộc giáo viên cũng phải cố gắng để đáp ứng yêu cầu người học. Nếu cá nhân giáo viên nào không cố gắng vươn lên sẽ không được người học chấp nhận , họ sẽ tự đào thải chính bản thân mình.

Ho ten: thienthannho
Dia chi: Quang ninh

Xoá bỏ biên chế trong giáo dục là biện pháp rất hay và hiệu quả. Bởi lẽ hiện nay, khi 1 GV được vào biên chế, sẽ phải mất một số tiền rất lớn, đến hàng mấy chục triệu. Vậy thử hỏi xem, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì con cái họ đến khi nào mới được biên chế, chưa kể  con ông cháu cha với trình độ kém, nhưng vẫn hưởng biên chế. Xoá bỏ biên chế làm tăng sự cạnh tranh,GV viên giỏi sẽ nhiều hơn,chất lượng đào tạo được nâng cao. Sv sư phạm sẽ có nhiều cơ hội hơn.sẽ ko còn tình trạng SV ra trường thất nghiệp,vì không được biên chế. Bên cạnh đó, cũng tránh tình trạng làm việc qua quýt cuối tháng lĩnh lương, dạy hết ngày thì về không có trách nhiệm với học sinh.

Ho ten: duong
Dia chi: thai binh
E-mail: duyduong@yahoo.com
Tieu de: thay cai gi? doi cai gi?
Noi dung: Thay doi hinh thuc thoi chua du, bo co suy nghi gi ve tien luong va phu cap cua giao vien hien nay, voi dong luong nay lam sao giao vien co the yen tam cong tac tot cho dc, bo nghi gi khi o TP HCM hang loat giao vien bo viec ra ngoai lam, theo toi doi moi phai toan dien

Ho ten: Nguyễn Hà Thu
Dia chi: Hà Nội

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cần có: 1/ Chiến lược dài hạn và ngắn hạn, phù hợp với nhau, cái này hỗ trợ cái kia, nhằm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phù hợp. 2/ Các chiến lược đó phải khả thi, tức là thực hiện được trong điều kiện tài nguyên hiện có và tình trạng xã hội cũng như ngành giáo dục hiện nay. 3/ Phải được lập luận một cách khoa học, có luận cứ xác đáng, được các nhà khoa học giáo dục và trí thức tiêu biểu của Việt Nam tán thành, phù hợp với kinh nghiệm của chính chúng ta và các nước có nền giáo dục tương đối phát triển và tiên tiến. 4/ Phải được đông đảo đội ngũ giáo viên ủng hộ vì đây chính là một lực lượng quan trọng có thể tạo nên các đổi mới trong giáo dục. Muốn vậy phải đáp ứng tốt các quyền lợi chính đáng của họ.

Ho ten: Trương Nho Dũng
Dia chi: Tây Hồ - Hà Nội

Xoá bỏ biên chế trong ngành GD là điều tốt. Nó sẽ tạo được sự cạnh tranh và cố gắng liên tục để tránh được sự đào thải bản thân. Có được điều đó khi có một môi trường tốt, cơ chế quản lý phù hợp và đặc biệt là từ sự tự giác tu dưỡng, nhìn nhận từ chính người GV đó.Một môi trường ì ạch trong chuyển đổi thì khó có điều gì sáng sủa. Bên cạnh đó, việc này tôi nhìn nhận sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong ngành GD. Nhiều người có khả năng sẽ chọn một con đường mới có môi trường cạnh tranh, có thu nhập đủ sống và thu nhập xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Chỉ khi nào thu nhập dành cho GV đảm bảo và môi trường phuug hợp thì mới chấm dứt được tình trạng chảy máu chất xám này.Tôi là 1 GV và tôi biết rõ rằng trong số những GV trẻ tầm tuổi như tôi (1978-1986)tôi chưa thấy ai yên tâm công tác, cống hiến. Họ luôn muốn có cuốc sống mà thu nhập ít nhất phải đủ sống trên mức tối thiều và điều kiện làm việc tốt hơn,những gì họ thu được chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Ho ten: Ho Nghia
Dia chi: Nghe An

Trường tôi có một cô giáo, trình độ chỉ là tại chức toán tin. Nhưng vì là cháu của một cán bộ trên tỉnh (nay đã ra một bộ). Nên ra trường được vào thẳng biên chế khác với những người khác trình đọ có, lại học chính quy sư phạm nhưng chỉ được hơp đồng ngắn hạn từng năm một thôi. Mỗi lần có thanh tra chuyên môn từ sở giáo dục đào tạo về thì đã có người thì thầm vào tai thanh tra là cháu của ông H. Thế là xong, kết quả là tốt, xuất sắc. Vậy các quan làm giáo dục thử nghĩ xem biên chế hay hợp đồng có phát triển được giáo dục nước nhà hay không? Hay đó là cách để các quan xét năng lực của giáo viên để chạy tiền.

Ho ten: thanhnam
Dia chi: SonLa

Tại sao các giải pháp đó không có phần nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên. Cụ thể là nâng lương và các chế độ phụ cấp khác, Là giáo viên làm việc tại thành phố Sơn la với 14 năm làm việc nhưng với tổng thu nhập 1 tháng là 2,3tr đồng + 2 con nhỏ và thêm 1 suất lương của vợ nữa chật vật lắm mới đủ ăn nói gì đến tập trung vào nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học.

Ho ten: Nguyễn Tiến Định
Dia chi: Bình Phước

Tại sao chúng ta lại loay hoay với câu hỏi cải cách giáo dục như thế nào mà không giải quyết triệt để sự yếu kém ở phần gốc của sự yếu kém. Đó chính là người giáo viên và người quản lý. Tôi chỉ là một giáo viên trẻ ở một vùng sâu vùng xa, nhưng cảm nhận được tuổi trẻ bây giờ rất năng động và sáng tạo, nếu có điều kiện phát huy, tôi tin chắc thế hệ học trò bây giờ có thể hoà nhập tốt với môi trường giáo dục hiện đại. Vấn đề nằm ở chỗ giáo viên và các nhà quản lý thì hầu như vẫn làm việc theo một cơ chế quá lạc hậu. Sâu xa nằm hơnnữa là các nhà quản lý ở địa phương chưa phát huy hết năng lực của giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ. Có khi nhiệt huyết thì có thừa nhưng do cơ chế quản lý làm cho họ nản lòng, thậm chí có nhiều giáo viên sinh ra nhiều ý nghĩ tiêu cực. Nói gì chứ môi trường giáo viên mà đen tối thì làm sao mà giáo dục lại phát triển được. Vào sư phạm là phải chấp nhận cuộc sống thanh đạm, thế nhưng muốn sống thanh cao thì môi trường phải tốt, chứ như cách quản lý hiện nay thì giáo dục Việt Nam khó mà tiến bộ được.

Ho ten: Ngoc Hoi
Dia chi: DHVinh

ĐH Vinh vua qua điểm chuẩn vào khoa Vật lý hệ Sư phạm chính quy là 14. Vậy có thể một thí sinh chỉ 3 môn 11 điểm cộng 3 điểm hưởng nữa là đủ làm một Giáo viên. Vậy HS kém vẫn có thể làm Giáo viên.Tuy nhiên với cơ chế xin việc cũng như đồng lương bọt bèo như hiện nay của nghề Giáo viên thì ít năm nữa không tìm ra học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Đáng ra tuyển vào ngành sư phạm phải là những người giỏi nhất thế mà mọi người thử xem, hầu hết hỏi các em học sinh có muốn thi vào sư phạm không ? chúng đều lắc đầu thà là đi học nghề.

Ho ten: Mây lang thang
Dia chi: Vũng Tàu

Xoá bỏ biên chế cũng được, nhưng nếu không đưa ra cách tính lương và tuyển dụng cho hợp lý thì tôi nghĩ sẽ còn tồi tệ hơn thời biên chế. Lương ít sao thu hút được nhân tài? Với cách tuyển dụng như trong các cơ quan giáo dục thì đúng là thật "tội nghiệp" cho người không có thân thế, hợp đồng sẽ không biết bị cắt lúc nào và tuyển dụng cũng thật mờ ám...

Ho ten: Phương Nam
Dia chi: TP.HCM

Tôi thấy chỉ trong thời gian ngắn, Bộ GD-DT đã đưa ra rất nhiều đổi mới. Đổi mới GD là tất yếu, nhưng cũng phải làm từng bước, chứ không phải cứ muốn làm nhanh theo ý chủ quan của mình đươc. Đặc biệt việc xoá bỏ biên chế là vấn đề không đơn giản, chắc chắn sẽ nảy sinh tiêu cực nhận đút lót hối lộ, điều mà đang gây nhức nhối trong xã hội ta hiện nay. Nên thay vào đó là qui định các tiêu chuẩn dể giáo viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì hay hơn. Hãy hình dung GD Việt nam như một đứa trẻ mới tập đi (Tuy mang thân hình người lớn), phải đi từ từ cho vững đã. Chứ đi chưa vững mà cứ muốn chạy nhanh thì chắc chắn sẽ bị té nhào.

Ho ten: nguyen vinh nam
Dia chi: ha noi

Thật là khó khăn cho các giáo viên. Với khó khăn như hiện nay, hầu hết các giáo viên đều không thấy hạnh phúc với nghề nhà giáo. Còn sau này mà không còn biên chế nữa mà bộ không tính đến nâng cao đời sống cho cán bộ giáo viên thi theo tôi nghĩ chất lượng giáo dục sẽ lại đi xuống vì những người có năng lực hơn họ se thi vào các nghành khác có thu nhập cao. Có rất nhiều SV nông thôn học giỏi thi vào các trường sư phạm là vì không đóng học phí, nhưng bộ lại bỏ chế độ miễn học phí ở các trường sư phạm thì theo tôi nghĩ ở nghành sư phạm còn có ít người giỏi.

Ho ten: Cao Nguyên
Dia chi: HN

Tôi vẫn hoài nghi một lần nữa Bộ giáo dục lại tiếp tục khẩu hiệu cải cách. Lại một cú sốc nữa với các giáo viên, biên chế, không biên chế, hợp đồng... sẽ tốn nhiều giấy mực nữa cho chuyện này. Tại sao chiến lược giáo dục cứ tủn mủn và manh mún như vậy hoài ? một nhiệm kỳ của ông Thiện Nhân đã quá đủ chuyện om sòm về giáo dục rồi. Chúng ta đang đưa giáo dục nước nhà đi đâu, về đâu ? bao giờ thì hết cải cách ? bao giờ thì giáo dục nước nhà đuổi kịp indonesia hoặc Singapore ? Thật khổ cho nhân viên ngành giáo dục và các con cháu chúng ta.

Ho ten: tuhue
Dia chi: thườngtín

Xóa bỏ biên chế thay bằng hợp đồng dành cho Gv, đó là một sáng kiến rất hay. Nó thúc đẩy sự phấn đấu, trau dồi kiến thức của mỗi Gv, thay đổi quan điểm vào biên chế rồi là ’Đến hẹn lại nên’ đến tháng lĩnh lương.nhưng điều mà tôi lo lắng cũng giống như mọi người là liệu có lại có những "Ngư ông hưởng lợi" từ chính sách này ko? Mong Bộ quan tâm và có chế độ thực hiện cho công bằng và cũng cần làm sao để tiền lương được trả theo năng lực làm việc.

Ho ten: Nguyễn Văn Thủy
Dia chi: Từ Liêm Hà Nội

 Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xóa bỏ biên chế không chỉ trong ngành giáo dục và nên toàn bộ các đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Đồng thời cũng nên tôn vinh các danh hiệu của ngành, và tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người lao động để tương xứng với tầm vóc của ngành nghề đó. Dù bất cứ ai mà có ý kiến băn khoăn về viêc xóa bỏ biên chế thì đều không thể chấp nhận được. Vì nền bao cấp bao nhiêu năm đã làm tụt hậu cho đất nước ta quá lớn, đó là nỗi đau và cũng đã đến lúc chấp nhận đau thương để cắt nó đi..? Nếu làm quyết liệt như vậy thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, có thể ai cũng biết mà không ai dám nói.. Nhưng cũng chú ý không để những kẻ lợi dụng mua bán, chạy chọt,cơ hội lợi dụng.

Ho ten: Hoàng Minh Tâm
Dia chi: Bắc Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Xóa bỏ "Biên chế" trong ngành giáo dục trong giai đoạn này hoàn toàn không giúp gì cho việc "Chấn hưng nền Giáo dục Việt Nam" mà chỉ gây tranh cãi trong xã hội. Việc cần làm nhất đầu tiên là Nghiêm cấm giáo viên dạy thêm dưới mọi hình thức đối với bậc học từ THCS (cấp 2) trở xuống.

Ho ten: Nguyễn Kien
Dia chi: Kiên Giang

Cần phải có cải cách như thế mới xóa được tình trạng bè cánh kéo nhau, có những người không đủ tư cách đứng trong ngành giáo dục (phẩm chất, đạo đức không tốt) mà vẫn có trong biên chế, ỷ quyền lấn lướt những đội ngũ trẻ có tài năng đi sau. Tôi nói ra thêm vấn đề này nữa, không nằm trong chủ đề này. Đó là vấn đề xếp loại học sinh còn dựa theo trên tình cảm, con em có cha mẹ là giáo viên hoặc là những gia đình nào đó có đóng góp cho trường thì con cái được xếp loại...Mặc dù các trường đã có tiếp thu công văn nhưng không thực hiện. Tôi hy vọng là xem lại vấn đề này.

Ho ten: Mai Lan
Dia chi: Thanh Hoá

Chính sách cho giáo dục thì nhiều, nhưng đã bao giờ những người làm chính sách đứng trong hàng ngũ những nhà giáo để nhìn nhận về vấn đề này?

Thứ nhất: hầu như những người chọn nghề giáo viên vì tính ổn định của nó, chứ nếu nói sống được bằng nghề chắc không ai dám công nhận nếu không có dạy thêm, dạy ngoài. Tất cả các ngành khác cầm tấm bằng đại học ra trường lương trung bình một tháng họ có thể tới 4-5 triệu, nhưng với một giáo viên mới ra trường đó là một con số mơ ước, không kể tới giáo viên hợp đồng chỉ tính số tiền lương theo tiết dạy thì khoản thu đó quả là xa vời.

Thứ 2: ngành giáo dục đang còn có quá nhiều vấn nạn, nhất là bệnh thành tích, thành tích của giáo viên,thành tích của nhà trường... tất cả nhìn vào thành tích của học sinh. Nhưng...nếu như để có một chiến lược đúng đắn việc xoá biên chế giáo viên cũng là một giải pháp khá hay, nó sẽ không những nâng cao chất lượng dạy mà chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng học, để những giáo viên đã biên chế không chây lười việc nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Nhưng trước khi để đưa ra nghị quyết, xin bộ giáo dục hãy đưa ra trước tiên những giải pháp và vấn đề nâng lương giáo viên chắc chắn phải là công tác hàng đầu. Lập ban kiểm định chất lượng giáo dục thường xuyên từ cơ sở đến lãnh đạo...

Ho ten: Cuong
Địa chi: ĐH Thương mại

Thay đổi biên chế là rất đúng. biên chế cung là 1 yếu tố gây tiêu cực.Hầu hết giáo viên muốn vào biên chế phải chạy tiền rất nhiều. các giáo viên nhờ đó mà ung dung với viêc giảng dạy gây tiêu cực trong họ .cac chiến lược đưa ra là rất đúng với hiên taị nhưng viêc thưc hiện mới là điều cốt yếu.mong rằng chúng ta sẽ vượt qua và thành công.

Ho ten: Quang Huy
Địa chi: Hanoi

Cháu xin nói thật quan điểm của mình là không chỉ nền giáo dục của Việt Nam lạc hậu, mục rữa mà ngay cả các yếu tố văn hóa, các yếu tố khác cũng đã trở nên tồi tệ từ lâu rồi. Các yếu tố này ảnh hưởng quá nhiều đến giáo dục. Liệu việc cải cách sách giáo khoa có cần thiết phải trình lên Thủ tướng hay Chủ tịch nước thông qua không?  Thứ nữa, là việc nền kinh tế Việt Nam phát triển quá nhanh trong khi cách nhìn nhận về văn hóa lại không hề thay đổi. Điều đó là không thể và nền giáo dục vì thế cũng trở nên kém chất lượng, không phù hợp với quá trình phát triển của giáo dục.

Nói sâu hơn về vấn đề giáo dục, cháu thực sự nghĩ là chúng ta nên thay đổi toàn bộ hệ thống các môn học. Hiện nay, học sinh phải học quá nhiều các môn học không cần thiết. Giả thiết như 1 học sinh mơ ước làm 1 cử nhân luật, nhưng lại phải học các môn học như Kĩ thuật nông nghiệp, lí, hóa... Cháu thấy thật là vô lí. Học sinh nên được quyền chọn lựa môn học, để việc học tập thực sự có chất lượng. Chứ bảo 1 người muốn tương lai mình là 1 nông dân mà cứ phải học lí hóa thì thật là vô lí quá đi. Học sinh cấp 2 chỉ nên học tối đa là 7 môn học, trong đó những môn bắt buộc như Lịch Sử, Ngoại Ngữ hay có thể là Văn học hoặc là Toán sơ cấp. Những môn khác nên cho học sinh có quyền tự chọn, những học sinh đam mê toán học có thể học thêm Toán cao cấp, hay học những môn mà trường đại học tương lai của mình yêu cầu. Như thế, học sinh sẽ học chậm, học chắc, và học thực.

Trên đây không phải những gì cháu nghĩ ra, mà hoàn toàn là những ý tưởng của những nền giáo dục cao hơn. Mong ngài bộ trưởng bộ giáo dục có những suy xét.

Ho ten: Nguyễn Ngọc Thuận
Đia chi: 17. Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội

Về việc xóa biên chế thay đó là hợp đồng tôi hoàn toàn đồng ý và sẽ tạo sự cạnh tranh trong giáo dục. Nhưng có một việc là vẫn còn tình trạng chạy chức chạy quyền và chạy việc như hiện nay sẽ gây ra một việc là các giáo viên sẽ chuyển đi những chỗ làm lương cao. Và khi đó thì tại những nơi vùng sâu xa thì sẽ ra sao. Và việc yên tâm công tác thì thế nào. Nếu ta không làm tốt việc đó sẽ dẫn đến người dạy kém lai được ký hợp đồng và người dạy tốt lại không được ký tiếp.

Tôi cũng đi làm nhiều về giáo dục tôi thấy lý do cơ sở vật chất cũng là một phần trong chương trình đào tạo. vậy tôi đặt một câu hỏi là tại sao như Nghệ an, Thanh hóa về điều kiện vật chất tốt bằng Hà Nội không vậy mà các thủ khoa thi vào các trường đại học lại rơi vào các tỉnh đó là nhiều. vậy tôi thấy mấu chốt có 4  vấn đề cần giải quyết đó là:

1.Tạo được những phong trào yêu học. hăng say học tập. định hướng nghề và biết được bao nhiêu học sinh thích học ngành gì. Và có một thực trạng là sinh viên đại học gia trường không biết sẽ làm gì. Và làm được gì.

2. Cách đào tạo đại học và cao đẳng , trung cấp nghề giờ vẫn chưa ổn. có khi học đại học 4 năm, 5 năm nhưng học chuyên ngành chỉ 1 năm. Vậy ta phải đào tạo ngay vào đúng ngành nghề mà họ học, tránh láng phí thời gian. Cũng như cao đẳng và trung cấp nghề cũng vậy. vào để học nghề. Vậy cho học thẳng vào nghề. Thực hành luôn. Kết hợp với các công ty để các sinh viên, học sinh được thực hành ngay. Vì như tình trạng hiện nay rất nhiều sinh viên học như đi chơi, vì chưa đúng chuyên ngành.

3. cách thức giáo dục như hiện nay cứ sách vở quá. Tôi đã đi dự nhiều buổi thi giáo viên giỏi. vẫn chạy theo thành tích. Bài hôm đó là đã dậy đi dậy lại cho học sinh rồi vậy là hôm thi cứ như là các em hiểu bài quá rồi. và tôi đã có chứng kiến một học sinh lớp 7 khi cô giáo hỏi trường hợp này là theo trường hợp gì. Em nói là cạnh góc cạnh. Trong khi đó là cạnh, cạnh, cạnh.cả lớp cười và bảo đấy là phần sau. Cô giáo ngại đỏ cả mặt. và đó là thi giáo viên dạy giỏi nhứng đã dạy trước. Vậy điều chỉnh là giáo viên phải tạo cho học sinh thích học môn học đó thì giáo viên phải tạo lôi cuốn. kiểu như rật tít báo vậy. phải hấp dẫn ngay từ đầu.

4. Hiện nay chuyện đi học thạc sĩ, tiến sĩ là chỉ lấy bằng là rất nhiều. vì để mục đích tiến thân chứ không phải là để phục vụ. tôi lấy một ví dụ để lên được chức của một giám đốc sở chẳng hạn. thường ít nhất là phải là thạc sĩ, chính trị cao cấp, tiếng anh c, rồi còn rất nhiều. vậy chỉ cần đó bằng thôi thì thời gian cần học là bao lâu rồi. và khi đưa ra xét thị cứ bằng cấp, chưa nói việc con ông cháu cha. Vậy thiết nghĩ trong vấn đề học tập hiện nay là cứ học và học để làm gì thì ….để kết cho những góp ý nhỏ bé của tôi trong một cuốn sách đọc tôi thấy tâm đắc: “để có một dòng sông sạch cần có nguồn nước suối trong”.

Ho ten: them nho dai
Đia chi:TP.HCM

Xoá bỏ biên chế là vấn đề cấn làm ngay. Tôi nghĩ, đây không phải là sáng kiến mà là một cuộc cách mạng trong vấn đề công chức. Bạn thomnguyen lo xa quá bởi vì không có cơ chế này người ta vẫn phải lo "chạy chọt" để được làm công chức ở những nơi nhạy cảm.. theo tôi biết khu vực của tôi ở" tỉnh bình phước" hiện nay một giáo viên mới ra trường muốn vào dạy lo mất 50 triệu. Thử hỏi, trong ngành giáo dục đã như thế thì làm sao giáo dục đây

Ho ten: Hanh Giang
ĐỊa chi: Đà Nẵng

Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Thanh ’’Xoá bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên, đó là quyền lợi của người sử dụng lao động. Còn đối với người lao động, sẽ cân nhắc khi cho con em mình đi vào ngành giáo dục. Một khi đó không còn là một nghề đặc biệt nữa mà chỉ là một nghề lương không cao, chế độ đãi ngộ khó khăn và sẵn sàng chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào như một nghề kinh doanh sản xuất khác.’’ Cần cân nhắc trước QĐ này các bác nhé!

Ho ten: Ba Vinh
Đia chi: Nghệ An

Cải cách giáo dục là điều quan trọng. Nhưng tôi nghĩ nên đổi mới cách sử và đánh giá nhân lực như hiện nay. "Coi trọng tấm bằng hơn là coi trọng khả năng làm việc"

Ho ten: Hoàng Vân
Địa chi: Thanh Hoá

Việc ưu tiên về tuyển sinh trong giáo dục đào tạo nên bỏ ưu tiên dân tộc thiểu số. Mà nên ưu tiên theo vùng miền thì công bằng hơn.Một số đối tượng là người dân tộc nhưng lại đang sinh sống ở thành phố, trong khi đó một số đối tượng là người kinh thì lại đang sinh sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh mà không được ưu tiên hay được ưu tiên ít thì rất mất công bằng.Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam.

Ho ten: Vũ Hiển
Đia chi: Hải Phòng

Ý tướng " xóa bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng lao động " là một sáng kiến hay. "Biên chế" từ quá lâu đã trở thành những con bu lông gắn chặt người lao động, bất kể họ là người giỏi giang, chăm chỉ hay kẻ lười biếng, dốt nát, gian giảo...đều được ba từ "Trong biên chế" bảo lãnh suốt đời !? . Vậy nên sáng kiến Hợp đồng Lao động là rất công bằng, hợp lý nên được áp dụng không chỉ với ngành Giáo dục mà nên áp dụng chung cho tất cả công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước như trong các doanh nghiệp hiện nay . Có như vậy mới " đổi mới " về vấn đề sử dụng, quản lý lao động một cách hiệu quả phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Ho ten: ThomNguyen
Dia chi: HaiPhong

Bỏ biên chế trong giáo dục, nhìn bề ngoài là tốt, nhưng bên trong là cơ hội kiếm tiền có một không hai cho những kẻ chỉ ngồi để xét tuyển giáo viên có đủ điều kiện được ký hợp đồng tiếp hay không. Đương nhiên, người giáo viên đã hương lương bèo bọt lại phải còng lưng chạy chọt để được ký tiếp hợp đồng. Chỉ là cơ hội tăng thêm tham nhũng, tiêu cực, người hưởng lợi thấp nhất cũng là ban giám hiệu trường.

Ho ten: Minh Dien
Dia chi: ĐăkNong

Tôi thấy việc xóa bỏ biên chế giáo viên của bộ giáo dục là việc nên làm hiện nay, tuy nhiên bộ giáo dục cần ra những quy chế gắt gao hơn để tránh tạo ra tình trạnh bè cánh trong một số ngôi trường. bởi vì việc làm này rất dễ tạo ra tính chât phe phái trong trường học, và điều đó là hoàn toàn không tốt. Mong sao nền giáo dục của nước nhà ngày càng tốt đẹp hơn, để đào tạo ra những con người có ích cho xã hội.

Ho ten: Bùi Phú
Dia chi: Hà Tĩnh

Noi dung: Đề nghị Bộ Giáo dục đào tạo nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm ở các bậc học phổ thông từ THCS trở lại, để xóa bỏ kiểu dạy học "chân trong, chân ngoài". Lấy chất lượng học sinh học tại lớp chính khóa làm thước do chất lượng của giáo viên.

Ho ten: Hùng
Dia chi: ĐH Hà Nội

Nên xóa bỏ biên chế không chỉ trong ngành giáo dục, mà phải xóa biên chế trong tất cả các ngành, như y tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp khác, cũng như tất cả các tổ chức chính trị xã hội đang nhận ngân sách nhà nước. Tất cả chuyển sang hợp đồng có thời hạn hoặc vô thời hạn. Xã hội không chịu cải tổ, các ngành không chịu cải tổ, thì giáo dục thất bại là chuyện bình thường.

Ho ten: Bùi Đình Quang
Dia chi: Kon Tum

Chiến lược nêu lên nhiều vấn đề rất hay nhưng vẫn cơ bản là các mục tiêu để phấn đấu.Giải pháp cơ bản để thực hiện theo tôi phải là tạo mọi cơ hội cho con người tự học, tự nghiên cứu và có mọi cơ chế đánh giá học thức của họ, cấp văn bằng cho họ. Ai muốn học đại học chỉ cần ghi danh, đến kỳ thi chỉ cần thi đạt điểm đậu là được, không phải mài mòn đít quần trên ghế nhà trường, vắng vài buổi là không được thi. Ở phổ thông, các cháu nào đủ kiến thức thi tốt nghiệp phổ thông sớm thì cứ cho thi, không hạn chế độ tuổi cứng nhắc. Học tự do, thi tự do, nhưng kiến thức thật. Học xong, làm được.

Ho ten: Hai Ha Vu
Dia chi: Ha Noi

Đời sống nhà giáo còn khó khăn, lương thấp, thời gian chuẩn bị bài lên lớp không đủ so với số giờ giảng dạy, bây giờ lại xóa bỏ biên chế, cuộc sống của họ đã khó khăn sẽ lại càng khó khăn, những người làm nhiệm vụ tuyển giáo viên đã giàu lại càng giàu hơn. Ở Nam Định, muốn chuyển trường về gần nơi cư trú, ít nhất giáo vien phải mất 1 năm lương thì... đèn giời mới soi xét.

Ho ten: vũ dương
Dia chi: Thái Bình

Cần xã hội hoá giáo dục theo hướng đãi ngộ nhân tài ngành giáo dục, cụ thể, lương giáo viên các bậc học không nên tính theo thâm niên mà theo hiệu quả đào tạo (xây dựng tiêu chí nghiêm túc); giáo viên giỏi dù mới ra trường có quyền được hưởng thu nhập cao mà không phụ thuộc vào tuổi tác và số năm dạy học; còn số năm dạy và cống hiến chỉ có tác dụng cho việc hưởng thụ sau này, đơn giản là việc dạy học phải có sản phẩm như 1 ngành sản xuất, bất kỳ ai tạo ra sản phẩm nhiều, tốt đề có quyền được trả công xứng đáng.

Ho ten: Khuong Nguyen
Dia chi: 18 Hoang Quoc Viet

Nếu chuyển sang hợp đồng thì hợp đồng sẽ như thế nào? Lương giáo viên sẽ là bao nhiêu? Bộ có tính đến là cả nước sẽ chẳng còn một giáo viên nào không? 

Ho ten: Thái Quốc Thắng
Dia chi: Thanh Hoá 

Tôi rất phấn khởi khi thấy các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi có thấy một điều thắc mắc tại sao các giải pháp đó không có phần nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên. Cụ thể là nâng lương và các chế độ phụ cấp khác, Là giáo viên làm việc tại thành phố Thanh Hoá với 10 năm làm việc, tổng thu nhập 1 tháng cả lương và thưởng là 3tr đồng + 2 con nhỏ và thêm 1 suất lương của vợ nữa chật vật lắm mới đủ ăn.

Ho ten: Nguyễn Linh
Dia chi: Hà Nội

Trước hết cần phải cải cách vấn đề lương bổng trong đội ngũ giáo viên, đó là điểm quan trọng nhất nếu muốn xoá bỏ biên chế. Tôi xũng có một thắc mắc là với những giáo viên không đạt yêu cầu và bị thôi hợp đồng thì vấn đề lương hưu sẽ tính toán như thế nào? Nhất là với những giáo viên lâu năm ở trường. Mong được giải đáp.

Ho ten: Khánh
Dia chi: Hà Nội

Tôi nghĩ là những tiêu chí của tiêu chí cải cách giáo dục lần này là " quá sức" của ngành giáo dục. Nguyên lý cơ bản không thể có một đôi giày vừa với mọi cỡ chân. Bất cập của giáo dục còn nhiều. Liên tục cải cách, trong khi những giải pháp trước đều không làm được thì chỉ làm tìm hình rối ren thêm.

Ho ten: Huyen map
Dia chi: Vinh Phuc
i vọng những chiến lược và chính sách giáo dục này sẽ trở thành hiện thực chứ không chỉ nằm trên bàn giấy.Vạch ra được các chiến lược là điều khó nhưng để thực hiện các chiến lược và kế hoạch đó đặc biệt là các chiến lược dài hạn là điều cực khó. Có lẽ bây giờ là lúc Giáo dục VN lấy lại được lòng tin của dân và vực lên một nền giáo dục hiếu học từ xa xưa.Đây là công việc không phải của riêng ai mà là việc của toàn xã hội. Mỗi người hãy ý thức để xây dựng một nền giáo dục vững bền để xây dựng đất nước và làm cho đất nước này giàu mạnh hơn.

Ho ten: Trần Hiếu
Dia chi: Đà Nẵng

Theo tôi cần xem xét lại việc "Phát triển tài liệu chương trình GD".Tôi thấy trong mấy năm qua nươc ta đã từng thay SGK 1 lần,việc này gây không ít tốn kém cho ngân sách nhà nước và cũng gây khó khăn cho rất nhiều em học sinh còn khó khăn.Các bộ SGK vừa mới cải cách nay lại thành phế thải rất lãng phí. Cũng cần để ý hơn đến cuộc sống người giáo viên, hiện nay chúng ta có thể thấy lương GV rất thấp so với đa số các ngành khác trong xã hội.Vì vậy cần phải tăng mức lương và thưởng của Gv lên.Có như vậy người Gv mới có thể chú tâm đến công việc giảng dạy của mình, mới có thể cống hiến toàn bộ tâm huyết của mình cho nền GD nước nhà.

Ho ten: Nguyễn Hoàng
Dia chi: Thanh Hóa

Noi dung: Đọc giải pháp mà Bộ dự thảo, có phần tôi thấy lo sợ. Lo sợ vì những lẽ sau: Nếu chạy đua theo chất lượng lại dễ mắc bệnh thành tích. Là một giáo viên trong ngành, tôi dám chắc bệnh thành tích đang còn "hoành hành" ở nhiều nơi; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, làm sao có thể đảm bảo mục tiêu này? Nhiều giáo viên trẻ, có trình độ, năng lực nhưng học xong không biết xin việc ở đâu vì chỗ nào cũng trả lời "thừa giáo viên", cũng có người sẵn sàng đi làm trái nghề vì đồng lương hơn hẳn lương giáo viên, vậy có thực sự thu hút được nhân tài? Nhiều nơi việc bổ nhiệm cán bộ quản lí rất thiếu minh bạch, người được bổ nhiệm chưa hẳn đã là người có năng lực nhưng vẫn được bổ nhiệm vì có nhiều mối quan hệ phức tạp, việc chuyển GV sang hợp đồng liệu có làm nảy sinh thêm nhiều tiêu cực?... Tuy nhiên tôi cũng thấy rất tự tin vì tôi nghĩ rằng Bộ đã nhìn ra "bệnh" của mình và nhất định sẽ khắc phục dược. Tôi sẵn sàng cống hiến để cải thiện chất lượng GD.

Ho ten: Nguyen Thanh
Dia chi: 87/4, to2, khu vuc 1, Ngo May, Qui Nhon

Xoá bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên, đó là quyền lợi của người sử dụng lao động. Còn đối với người lao động, sẽ cân nhắc khi cho con em mình đi vào ngành giáo dục. Một khi đó không còn là một nghề đặc biệt nữa mà chỉ là một nghề lương không cao, chế độ đãi ngộ khó khăn và sẵn sàng chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào như một nghề kinh doanh sản xuất khác.

Ho ten: Hữu Hùng
Dia chi: Quảng Ngãi

Những ý tưởng, đề án vừa qua đã thu hút nhiều tầng lớp tham gia, đây là sự quan tâm được trân trọng và càng được đánh giá cao mà tất cả những ý kiến từ thấp đến cao, từ góp ý, phản biện theo hướng ủng hộ hay phê bình, phản đối thì mục tiêu cuối cùng không gì khác hơn đó là làm cho đất nước Việt nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước, nhắn nhủ đến chúng ta mà trước tiên là những người làm công tác giáo dục. Tôi rất đồng tình chủ trương chuyển biên chế sang hợp đồng đối với lực lượng các thầy cô giáo, một nhân tố quyết định nhưng tính chất lao động chưa hẳn làm thay đổi chất lượng và năng suất mà theo tôi cần nhiều hơn ở người thầy về cái tâm với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Một vấn đề nhiều ý nghĩa và lớn lao. Mong sao chúng ta hãy chung tay vì sự nghiệp trồng người cho một tương lai tươi sáng.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>