- Nhà trường bị luẩn quẩn giữa thu và chi nên chủ yếu mời thỉnh giảng để tiết kiệm tài chính, giáo trình cũng do GV thỉnh giảng tự xây dựng nên chất lượng thấp...
Giành giật giáo viên "thỉnh giảng"
Một giờ học vi tính của SV Trường ĐH Đại Nam. |
Mặc dù, trong vòng 10 năm gần đây, số giảng viên đã tăng gấp đôi nhưng các trường đều phải đối mặt với đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu và điều này ảnh hướng lớn đến chất lượng đào tạo.
Bà Dương Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng, trong 2 năm cho ra đời 200 trường ĐH trong khi chưa chuẩn bị một đội ngũ giảng viên. Bộ GD-ĐT lại yêu cầu gay gắt tỷ lệ GV cơ hữu, thỉnh giảng khi xin mở trường dẫn đến giành giật giảng viên giữa các trường. Hơn nữa, bà Loan nhấn mạnh, "chạy sô" nhiều, GV không có thời gian nghiên cứu nên cách giảng bài cũng như giáo trình, tài liệu không khác nhiều so với gần 20 năm trước đây.
Bộ GD-ĐT "bắt" đúng tỷ lệ cán bộ GV cơ hữu thì trường cần khoảng 60-70 người. Tuy nhiên, năm học 2008-2009 trường chỉ tuyển được 40 SV. Với số cơ hữu kia, hàng tháng trường phải trả lương hàng trăm triệu đồng (trung bình khoảng 4-5 triệu/người). Điều này hết sức vô lý, bà Loan nói thêm.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng: đảm bảo tỉ lệ SV/GV cơ hữu theo đúng quy định là rất khó ngay cả với các trường công. Trường sẵn sàng tuyển thạc sỹ chất lượng, nhưng không thể giảng dạy ngay được mà phải mất 1-2 năm.
Ông Lê Đình Đạo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Đại Nam lại nhìn tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở hướng khác, thực tế hơn nhiều: các trường bị luẩn quẩn giữa lương và học phí. Cụ thể, trường có 38 GV cơ hữu, mỗi người dạy tối đa là 300 giờ chuẩn/năm, vậy lương tối đa phải trả khoảng 4 triệu đồng/tháng, cộng cả thưởng thì 1 năm phải trả 60 triệu đồng/GV. Tương tự như vậy, nhưng nếu thỉnh giảng thì mỗi GV là 80 nghìn đồng/tiết, với 300 giờ/năm thì trường chỉ phải trả 24 triệu đồng, chưa bằng một nửa trả cho GV cơ hữu!
Ngoài cái lợi nhãn tiền như trên, ông Đạo cũng nhận thấy mặt yếu kém khi sử dụng giáo viên thỉnh giảng: một số GV thỉnh giảng dạy các môn cơ bản khá "hời hợt", do không ràng buộc với HS nên sự quan tâm, chú ý đến kỷ cương lớp học chưa được đầu tư đúng mức.
Phân trần về tình trạng thiếu giảng viên cơ hữu có hàng ngàn lý do, ông Văn Bá Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Hoa Tiên cho rằng, đội ngũ giáo viên cơ hữu không thể có trong ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian nên các trường chủ yếu dựa vào giáo viên thỉnh giảng. Trường ở xa trung tâm nên thường mời thầy đến thỉnh giảng cả ngày. Thông thường SV chỉ học sáng, nhưng nếu có thầy về thỉnh giảng thì phải bố trí cả lớp học sáng và chiều để "bõ công" thầy đi dạy!
Hiện nay, Trường ĐH Hà Hoa Tiên có danh sách đội ngũ cơ hữu là 14 PGS, tiến sĩ và mới tuyển thêm 20 GV trẻ vừa ra trường về giảng dạy khối Kinh tế, CNTT, thể chất... Như vậy, tỷ lệ cơ hữu vẫn là thiếu và phải lấp vào bằng đội ngũ thỉnh giảng.
Luẩn quẩn với chương trình, giáo trình
Ông Lê Đình Đạo cho rằng, giáo trình ở Việt Nam không hẳn là tồi khi được lấy từ nước ngoài về bằng cách này hay cách khác mà do chưa có một tổng công trình sư sắp xếp một cách khoa học. Bất cập của ta là số tiết học nhiều, trường lớp, CSVC kém. Một buổi sáng nhưng SV phải học liền 5 tiết của một môn, mỗi tiết chỉ được nghỉ 5 phút mà thực chất phải được nghỉ 15 phút để SV có thời gian trao đổi, tranh luận. Hơn nữa, số giờ của SV kinh tế VN gấp 3 lần so với SV Mỹ.
Việc chưa chuẩn bị được giáo trình, chương trình cho trường mình hiện nay diễn ra khá phổ biến mà chủ yếu do giáo viên thỉnh giảng đưa đến. Ông Văn Bá Thanh cho biết: "GV thỉnh giảng đưa bài giảng đến chúng tôi cũng có ý kiến. Chúng tôi biết thầy và bài giảng đó. Buộc thầy từ giáo trình của trường thầy, biên soạn thành bài giảng chứ không chép y nguyên giáo trình". Nghĩa là, thầy phải cụ thể hóa phần nào thầy giảng, phần nào bắt SV phải học. Ông Thanh cho rằng, đây là cách để thầy có trách nhiệm hơn, đầu tư hơn vào bài giảng.
Phần đông các trường thành lập trong thời gian gần đây đều mở các ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, tiếng Anh,... là những ngành "ăn khách", thu hút đông SV nhất trong thời buổi kinh tế thị trường. Do đó, đội ngũ giáo viên chủ yếu được mời từ các Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính.
Tuy nhiên, được biết những trường này hàng năm vẫn phải liên tục tuyển giáo viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo của trường. "Đi thỉnh giảng ở các trường ngoài công lập là nhu cầu, liên quan đến thu nhập", cô Lê Thị Xuân, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng nhận xét. Cùng một kiến thức đó mà tăng thêm thu nhập cho giáo viên thì cũng phải thông cảm. Nhưng không phải giáo viên nào cũng đi được vì đòi hỏi khác nhau của mỗi trường.
Mặt khác, muốn đi dạy thêm như vậy giáo viên ngoài việc đảm bảo giảng dạy tốt cũng phải tham gia NCKH và hoàn thành các công việc của khoa, của trường. Giảng viên dạy vượt giờ ở trường còn thu nhập nhiều hơn bên ngoài mà lại là nhiệm vụ bắt buộc. Do đó, khoảng 2 năm trở lại đây, giảng viên không muốn đi giảng bên ngoài mà chủ yếu tham gia thỉnh giảng thêm ở các trung tâm, các ngân hàng có nhu cầu đào tạo nghiệp vụ và giảng theo liên kết giữa các trường, cô Xuân cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo số giờ dạy, trường và khoa còn phải mời thêm thỉnh giảng chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, Thị trường chứng khoán (là những môn mới) của Học viện Tài chính hoặc giáo viên đi học dài ngày cũng phải mời thỉnh giảng. Mặt khác, đổi chéo GV của trường cũng sang dạy ở Học viện Tài chính những chuyên ngành về Ngân hàng...
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, có nhiều trường ĐH, CĐ ở từng môn không có giáo trình khi đoàn kiểm tra đến, không trình được giáo trình mà giảng viên tự chuẩn bị lấy. Đây là điều thực ra trong quản lý học không đúng nhưng Bộ chưa có quy chế giáo trình, ai được quyền viết giáo trình.
Sắp tới có quy chế là giáo trình phải đạt yêu cầu gì và phải có hội đồng thực hiện giáo trình của từng ngành. Những ai không đủ trình độ viết giáo trình thì phải dùng giáo trình của người khác, trình độ cao hơn chứ không được tự biên soạn, nếu mình chỉ là cử nhân, thạc sỹ hay tiến sỹ mới ra trường.
Trong quy chế mới cũng xác định 3 năm đầu tiên sau khi 1 trường ra đời bộ sẽ đi kiểm tra để xem có làm đúng điều kiện đã cam kết hay không. Đồng thời, đến tháng 8/2009, trước khi tuyển sinh các trường phải công bố mục tiêu đào tạo, chương trình học, giáo trình. Nếu không có các yếu tố đó thì không cho tuyển sinh.
-
Bảo Anh