221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1139764
"Đột nhập" một giờ thảo luận
1
Article
null
'Đột nhập' một giờ thảo luận
,

- Với mong muốn mang lại “làn gió mới” cho giảng đường, nhiều trường ĐH bắt đầu chuyển động tích cực, bố trí đan xen các buổi thảo luận, thuyết trình của SV với những giờ học lý thuyết. Nhưng thực tế, phòng học thiếu thốn cộng với tính ỳ cố hữu của một bộ phận SV đã khiến cho nhiều giờ thảo luận không hiệu quả. Đột nhập” một giờ thảo luận ở Trường ĐH Thương mại để thấy thực trạng này.

Lớp đông, không khí “ỉu”

SV "chồm" hẳn lên bàn trên nói chuyện. Gần đó, một SV khác không rời tay khỏi bàn phím điện thoại di động. Ảnh chụp tại giờ thảo luận của khoa Thương mại Điện tử sáng 4/12.

9h20’ sáng 4/12, khi cửa phòng học V601 vừa hé, hơn 100 SV năm thứ ba khoa Thương mại Điện tử (Trường ĐH Thương mại) ùa vào lớp, lục tục tìm chỗ ngồi chuẩn bị cho buổi thảo luận đầu tiên của môn Quản trị Nhân lực.

Tuy đã được chia nhóm và tự lựa chọn đề tài từ trước để chuẩn bị, nhưng đến khi vào giờ học, vẫn chỉ có lác đác vài ba nhóm nộp bài, các nhóm còn lại vẫn “vắt chân lên cổ” chạy đi in, đóng quyển.

Phải mất tới 15 phút sau, giảng viên mới hoàn thành điểm danh, cho bốc thăm và bắt đầu “tập trung vào chuyên môn”.

Lớp được chia thành 12 nhóm. Nhóm 4 và nhóm 6 được lựa chọn để đóng vai nhà tuyển dụng trong buổi thảo luận.

Trước đó, mỗi nhóm đã thành lập một công ty giả tưởng, thông báo tuyển dụng, thu nhận và xử lý hồ sơ từ các ứng viên là thành viên thuộc các nhóm khác trong lớp. Qua vòng xét hồ sơ, 3 ứng viên xuất sắc nhất được mời lên phỏng vấn trực tiếp.

Hào hứng bước vào buổi phỏng vấn giả định nhưng rồi đa phần SV sớm ỉu xìu trước màn hỏi - đáp buồn tẻ với những câu hỏi sáo mòn như “tại sao bạn bỏ công ty cũ? Tại sao bạn chọn công ty tôi?"... Không khí lớp học vốn dễ loãng do bị “nhồi” tới hơn 100 SV càng trở nên buồn tẻ.

Trừ một số chăm chú lắng nghe, phần còn lại “ai làm việc nấy”.

Chỗ này, có nhóm thì thầm bàn bạc chuẩn bị cho bài thảo luận. Chỗ kia có những SV gục hẳn đầu xuống bàn. Cậu SV ngồi ngay bàn 4 lôi điện thoại di động ra nghe nhạc. Bàn bên cạnh, một SV khác “chiu chíu” nhắn tin.

Giảng viên phải chăm chú theo dõi các nhóm thảo luận và phản biện để nhận xét và đánh giá nên rất khó bao quát toàn bộ lớp với hơn 100 SV.

Một SV ngồi gần cuối lớp chia sẻ: “Mặc dù ngồi phía cuối lớp vẫn có thể theo dõi được thảo luận nhưng thực chất chỉ có khoảng hơn 1/3 SV trong lớp tập trung thôi, còn lại là ngủ, làm việc riêng, nói chuyện.”

Sinh viên “siêu ỳ”

Phải đến màn phỏng vấn giả định của nhóm 6, không khí lớp mới được khuấy động với những tràng cười và vỗ tay tán thưởng dành cho các câu hỏi và trả lời “có vấn đề” hơn.

Một số SV chăm chú lắng nghe thì kết thúc phỏng vấn cũng có những góp ý rất xác đáng cho các nhóm nhập vai.

Theo phản ánh của một số SV, giờ học này còn “xôm” hơn so với nhiều buổi thảo luận khác. Có những buổi thảo luận còn buồn hơn nhiều do giảng viên không nhiệt tình hướng dẫn hoặc đề tài thảo luận quá khó, quá khô không hấp dẫn được SV.

Ở nhiều trường ĐH khác, tình trạng thảo luận kém hiệu quả cũng khá phổ biến.

Sau đó, giảng viên nhận xét và góp ý chi tiết từ thiết kế thông báo tuyển dụng phải bắt mắt hơn, chuẩn bị bộ câu hỏi cần tập trung vào chuyên môn và đưa ra tình huống nhiều hơn, quy trình đưa ra quyết định phải thận trọng hơn.

SV Minh Hiển ngao ngán: “Là SV, em cũng không thể hiểu nổi tại sao dù chủ đề thảo luận rất hay, giảng viên hướng dẫn nhiệt tình và đưa ra nhiều góp ý, dẫn chứng minh họa cụ thể, thiết thực nhưng vẫn không “hút” được SV.”

Đến hơn 12h, hầu hết SV đã “oải”. Bụng đói, mắt díp, tiếng xì xầm trò chuyện cũng lắng dần. Chỉ có tiếng độc thoại đều đều của các thành viên nhóm thuyết trình về tuyển dụng nhân sự.

Một vài SV nam cố tình nói to: “Cứ thảo luận tiếp đi, 12 rưỡi rồi mà!”

Minh Thương chia sẻ: “Giờ này ai cũng mệt rồi mà nhóm này lại thuyết trình “chay”, không có trình chiếu slides nên rất khó theo dõi.”

Chấm điểm “bình quân chủ nghĩa”

SV Minh Hiển cho rằng vấn đề thực sự của thảo luận nảy sinh chính trong quá trình chuẩn bị nhóm chứ không phải trên lớp.

Hiện nay, theo quy định của Trường ĐH Thương mại, Phòng Đào tạo trực tiếp phân chia nhóm theo danh sách lớp và phân công nhóm trưởng, thư ký.

Theo lý giải từ phía nhà trường, việc phân chia và chỉ định ngẫu nhiên như vậy là tạo cơ hội cho tất cả SV đều được luân phiên thực hành kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhóm.

Tuy nhiên, SV Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “Trình độ cũng như thái độ tham gia thảo luận của các thành viên trong nhóm thường không đồng đều. Nhóm trưởng là người đóng vai trò rất quan trọng thì nhiều khi không phải là người có khả năng.”

Sau khi phân việc xong, có người làm, người không hoặc làm đối phó. Chưa bao giờ buổi họp nhóm của Minh Hiền đủ sĩ số. Không có tiêu chuẩn nào để đánh giá được thành viên. SV thì hay cả nể, cuối kỳ thường xếp loại thành viên theo kiểu bình quân chủ nghĩa nên các SV lười càng ỷ lại, không chịu làm mà vẫn đòi quyền lợi.

Một nhóm trưởng chia sẻ rằng nhiều thành viên trong nhóm không thèm đoái hoài tới đề tài chung, có “ý thức” hơn thì “vứt” tư liệu cho nhóm trưởng mà chẳng quan tâm tới việc tư liệu đó có sử dụng được không, sử dụng như thế nào. Nhiều khi nhóm trưởng thức trắng vài đêm để một mình làm lại từ đầu nhưng cuối cùng nhóm vẫn chia nhau vài điểm A, còn lại đạt B tất.

Hầu hết SV trải qua 12 năm học phổ thông thụ động, vào ĐH cũng chưa được hướng dẫn cách làm việc nhóm, toàn tự mày mò và tự ra quy chế cho nhau. Vì thế, các SV trong lớp cho biết sắp tới sẽ kiến nghị với nhà trường thành lập một quy chế làm việc nhóm để SV có cơ sở thực hiện theo.

 Bà Mai Thanh Lan (Giảng viên môn Quản trị Nhân lực, Khoa Quản trị Doanh nghiệp, Trường ĐH Thương mại):

Sĩ số lớp lớn là một trong những hạn chế đối với các buổi thảo luận. Tuy nhà trường đã có chủ trương chia nhỏ lớp thảo luận nhưng khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ chưa cho phép.

Giải pháp của tôi là phải theo sát SV ngay từ đầu. Yêu cầu SV ngồi theo nhóm, đảo chỗ ngồi để theo sát SV hơn và điểm danh theo nhóm. Dù dạy cùng lúc nhiều lớp nhưng tôi cố gắng nhớ ưu khuyết điểm của từng SV và đánh giá các em qua từng buổi học.

Về thảo luận ở nhà, giảng viên chỉ đóng vai trò quản lý và phân quyền cho nhóm trưởng. Kết thúc môn học, tôi yêu cầu các em nộp bản đánh giá thành tích các thành viên trong nhóm theo tiêu chuẩn: có nhiều đóng góp; có đóng góp nhưng không nhiệt tình; ít đóng góp và không đóng góp. Nhưng đôi khi SV vẫn có hiện tượng cào bằng khi đánh giá.

  • Lan Hương

*************************

Ho ten: Ngô Hưởng
Dia chi: 43-C4


Em thấy việc áp dụng học tín chỉ của trường còn "máy móc". Ngay việc đang ký học trên mạng cũng thế. Mạng trường mình thì rất yếu, thời gian để đăng ký thì chỉ được 5 ngày lượng sinh viên ồ ạt vàođăng ký nên rất khó đăng nhập được, phải chờ vài tiếng đồng hồ. Có những lần còn sậpcả server nữa. Thế sao nhà trường không giảm tải bằng việc cho lần lượt các khoa đăng ký một? Hoặc việc thảo luân trên lớp cho là không hiệu quả không có sự phân công các thành viên trong nhóm làm chỉ để chống đối và lượng sinh viên trong một lớp rất đông như thế thì thảo luận không hiệu quả vì không có thời gian sao không cho các sinh viên trình bày bằng clip được chuẩn bị ở nhà trước(khuyến khích nếu nhóm nào có điều kiện). Việc này giúp các thành viên trong nhóm gắn bó với nhau hơn và tiết kiệm thời gian thảo luận, lại không nhàm chán cho các nhóm khác vì đã được chuẩn bị công phu ở nhà rồi. Nhóm thảo luận chỉ phải trả lời mà không thuyết trình trên lớp.

Ho ten: Phạm Tú Trinh
Dia chi: vcu_k44_i5 (ĐH Thương mại khoa I)

Là một sinh viên, em thấy những điều tồn tại mà bài báo nói tới là có thật ở hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Bộ phận người như vậy là không nhỏ và họ là những gì còn lại của chế độ đọc chép. Tuy nhiên, không thể đánh đồng họ với toàn thể sinh viên học sinh. Xét tại trường Thương mại, chúng em cũng vậy. Đó chỉ là một bộ phận có tu duy cũ, không chịu hay không muốn đổi mới suy nghĩ của mình theo yêu cầu của xã hội. Không thể lấy họ mà nói sinh viên Thương mại mắc "bệnh ỳ". Em mời các anh chị tới thăm trường trong một ngày khác, đặc biệt là sinh viên khóa I niên khóa 44 chúng em trong một giờ học kinh tế của thầy Danh Thắng. Trong giờ học về WTO của thầy Thịnh, giờ học thương mại điện tử trong giờ thảo luận về pháp luật đại cương (bắt đầu từ thứ hai ngày 22/12) hay trong giờ học của những môn khác. Chúng em đã tự trình bày slide và tự thuyết trình môn kinh tế vi mô trong các tiết học. Thầy cô sẽ theo dõi và trả lời các câu hỏi khó và đóng góp ý kiến. Hi vọng các môn học tiếp theo chúng em cũng sẽ được làm như vậy. Nhờ anh chị góp ý với nhà trường giúp.


Ho ten: ntbt
Dia chi: hanoi

Cái gì mới cũng không tránh khỏi gặp khó khăn trong tiến hành. Việc sinh viên không chú ý trong giờ thảo luận là chuyện không có gì phải lạ. Nhiều trường ngay cả không thảo luận thì tình trạng còn tồi tệ hơn. Điều đó còn do ý thức của sinh viên mà nhà quản lý khó mà kiểm soát được. Tính cộng đồng người Việt mình không cao nên đương nhiên làm việc nhóm có nhiều hạn chế. Đề tài thú vị hay không còn do quan điểm của người làm đề tài, không thể đổ lỗi cho đề tài mà làm không hiệu quả, trừ trường hợp quá khả năng.
 

Ho ten: Bích Hảo
Dia chi: Hà Nội

Tôi công nhận những gì bài báo này viết là khá đúng. Chúng tôi, khi lần đầu được học thảo luận rất hào hứng, vì nó làm thay đổi không khí thụ động khi học. Nhưng khi thực sự thảo luận, chúng tôi rất thất vọng. Đa phần làm thảo luận, chỉ một số người có ý thức làm, còn lại là chơi, trông chờ vào người khác. Đề tài nhiều khi cũng không hấp dẫn lắm và còn thiếu thực tế nhiều. Nói chung, thảo luận cũng chỉ một số thành viên tham gia, còn lại, các buổi thảo luận vẫn chưa hấp dẫn lắm. Đa phần sinh viên cũng chưa nhận thấy việc thảo luận đem lại cho mình cái gì, nên mọi người cũng không chú tâm.

Ho ten: Nguyễn Sang
Dia chi: CĐ11C2

Cảm ơn nhà báo đã có sự nhìn nhận theo em là rất thật. Đây cũng lànhững suy nghĩ của em cũng như của nhiều ban sinh viên khác trong trường. Thực tế từ những cuộc thảo luận cho thấy có những buổi thảo luận cực kì thành công. Thành công từ kiến thức sâu rộng, thực tế mà những bài thảo luận mang lại với nhận xét của giảng viên. Bên cạnh đó, nó còn mang lại cho sinh viên học dần với cách làm việc tập thể theo nhóm, khả năng tự tin đứng trước đám đông thuyết trình. Đây chính là những thứ mà sinh viên Việt Nam còn rất kém.

Nhưng đằng sau thành công đó là gì? Hãy theo dõi tiếp. Ngay từ việc phân nhóm cũng đã nhiều điều để nói. Thầy thì cho phân theo danh sách, thầy thì các em thích phân thế nào thì phân. Để rồi sinh viên thi nhau tìm nhóm,cũng như em có khi đến gần hôm thảo luận mới biết mình nhóm nào.Thế thì thảo luận cái gì? Rồi trong quá trình học, chương trình học thì nặng mà giảng viên cho lớp trưởng điểm danh đến 2 lần, mỗi lần 1 tiết. Thế thì học hành cái gì nữa. Rồi đề tài cô cho về chuẩn bị, sinh viên về nhà tìm 1 tháng bằng đủ mọi cách, trên sách ,trên goole...
 

Ho ten: Nguyễn Ngọc Huyền
Dia chi: K43I6

 "Mặc dù ngồi phía cuối lớp vẫn có thể theo dõi được thảo luận nhưng thực chất chỉ có khoảng hơn 1/3 SV trong lớp tập trung thôi, còn lại là ngủ, làm việc riêng, nói chuyện." Nhìn vào thực tế, những môn dày cộp lý thuyết như CNXH, KTCT, Triết học,... muốn thu hút sự chú ý của SV là quá khó. 1/3 có khi là nhiều. Nhưng những môn đậm tính chất thực tiễn như Marketing, TMĐT căn bản,... (các môn thuyết trình bằng slide) thì lại rất được quan tâm. Mình có thể lấy VD với giờ thảo luận Mar của thầy Ninh lớp mình, do một số lỗi copy bài để trình chiếu slide làm buổi học kéo dài so với giờ tan khá lâu nhưng chẳng ai có ý định muốn về.

"Một nhóm trưởng chia sẻ rằng nhiều thành viên trong nhóm không thèm đoái hoài tới đề tài chung, có “ý thức” hơn thì “vứt” tư liệu cho nhóm trưởng
mà chẳng quan tâm tới việc tư liệu đó có sử dụng được không, sử dụng như thế nào. Nhiều khi nhóm trưởng thức trắng vài đêm để một mình
làm lại từ đầu nhưng cuối cùng nhóm vẫn chia nhau vài điểm A, còn lại đạt B tất." Mình đã gặp phải trường hợp này nhiều hơn 1 lần ở năm thứ
nhất.

 Rồi "SV thì hay cả nể, cuối kỳ thường xếp loại thành viên theo kiểu bình quân chủ nghĩa nên các SV lười càng ỷ lại, không chịu làm mà vẫn
đòi quyền lợi." Nhưng sang năm thứ 2 thì khác, như nhóm tớ đánh giá loại C, D không thiếu. Và ai không làm cũng biết thân biết phận mà trật tự.
Đơn giản đến năm thứ 2 thì ai cũng có cái tính cạnh tranh, mà học tín chỉ có khi chẳng học theo lớp nên cũng ít có cái gọi là nể nang.

"Nhóm trưởng là người đóng vai trò rất quan trọng thì nhiều khi không phải là người có khả năng.” Khả năng thì không ai biết trước, nhưng còn hơn là
không có môi trường để thử sức mình. Tớ cũng nhớ hồi năm ngoái, nhóm trưởng là do được chỉ định, nhưng từ năm nay đều là do nhóm tự chọn nhóm trưởng cho mình. Đã có sự tiến bộ rõ rệt rồi nhé. 

Ho ten: Lê Thiện Trí
Dia chi: Thụy Điển

Để tạo động lực cho sinh viên chủ động tham gia thảo luận không phải là vấn đề chỉ cần có sinh viên, phòng học và giảng viên là đủ. Thực tế, ở các trường đại học ở nước ngoài cũng sẽ gặp vấn đề tương tự nếu họ chỉ đơn giản "nhồi" gần 100 sinh viên vào phòng mà không tiến hành các bước khác.

Về bố trí phòng học: để thảo luận có hiệu quả, cần loại phòng có thể linh động bố trí chỗ ngồi, có thể xếp thành vòng tròn lớn, có thể chia thành từng nhóm nhỏ, sinh viên và giảng viên không nhất thiết phải ngồi, họ có thể đứng để tham gia thảo luận. Việc bố trí phòng sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn cho người tham gia, thay vì chỉ đơn thuần ngồi theo kiểu lớp học hiện nay, thường sinh viên ngồi gần GV hoặc gần nhóm thảo luận sẽ tham gia nói nhiều hơn. Sinh viên sẽ không cảm thấy thoải mái, tự tin nêu ý kiến nếu không được nhìn thấy người nói, hoặc không nằm trong tầm nhìn của người nói. Tiếp nữa là công cụ thảo luận, để một buổi thảo luận có hiệu quả, cần có những công cụ hỗ trợ. Với nhóm nhỏ, có thể dùng giấy khổ lớn để ghi lại các nội dung thảo luận, sau đó treo lên tường để các sinh viên nhóm khác còn tham khảo. Với nhóm lớn, cần dùng để "round-ball" hoặc "talking stick", chuyền quanh phòng bố trí theo vòng tròn, để đảm bảo tất cả mọi sinh viên đều phải cho biết ý kiến. Và để nói được, họ buộc phải nghe và tham gia thảo luận nhiều hơn.

Ngoài ra, còn rất nhiều hình thức, công cụ thảo luận khác mà giảng viên lẫn sinh viên đều có thể tham khảo chỉ với bằng một vài từ khóa trên Google. Nhưng điều cốt lõi theo mình nghĩ, trước tiên, cần tạo cho sinh viên tâm lý: "không có ý kiến sai, không có câu trả lời sai, mỗi ý kiến có khác giáo viên cũng được nhìn nhận là một cách nhìn mới, một quan điểm cá nhân". Có được điều này, sinh viên sẽ tự tin hơn khi phát biểu. Bởi, mỗi người đều được sinh ra trong mỗi gia đình với lối sống khác nhau; trong một môi trường văn hóa khác nhau thì khó có thể cùng có một cái nhìn nhất quán về một sự việc, hiện tượng.

Ho ten: GV
Dia chi: ĐH Thương mại

Tôi xin chia sẻ với chị Lan về chuyện này. Đối với môn tiếng Anh của tôi cũng vậy. Lớp có 40 hay 50 SV thì học tiếng Anh kiểu gì, thảo luận theo kiểu các môn khác thì rất khó hiệu quả, học ngoại ngữ nên học theo lớp nhỏ, 20 hay 25 sv là tốt, đành rằng cơ sở vật chất trường còn hạn chế song với kiểu học và thảo luận như thế này, tôi thấy thiệt thòi cho sinh viên. Vì dù sao tôi cũng luôn nghĩ chất lượng học tập của sinh viên là số 1.

Ho ten: Trần Việt
Dia chi: Cầu Giấy

Tôi mới là SV năm thứ 2, công nhận cũng có những buổi tl buồn tẻ thật, nhưng đó là ở những môn khó thảo luận như là toán cao cấp hay là kinh tế lượng. Tuy nhiên, ở những môn mang tính thực tế cao như marketing căn bản, tài chính tiền tệ, quản trị thì rất sôi nổi. Cá nhân tôi thấy rằng thảo luận là phần hay nhất trong toàn bộ chương trình. Tôi vừa có 1 buổi thảo luận marketing rất thành công dưới sự hướng dẫn của thầy Ninh. Các buổi thảo luận có chất lượng thực sự, rất sáng tạo, có nhóm thì tự làm clip quảng cáo, còn nghiệp dư nhưng ý tưởng thì rất tuyệt, có nhóm thì đóng kịch. Riêng về nhóm tôi làm về Honda, cả slide của chúng tôi rất ít chữ, chỉ gồm nhiều hình ảnh và clip, chúng tôi dẫn dắt cả lớp đi qua từng chương trình quảng cáo, từng chiến dịch PR. Để làm được diều đó là nỗ lực của cả nhóm, rèn luyện rất nhiều khả năng giao tiếp và thích ứng. Vậy thì sao có thể nói là những buổi thảo luận buồn chán và không có chất lượng?

Ho ten: Bảo
Dia chi: Hà Nội

Các buổi thảo luận của chúng tôi bây giờ thậm chí còn phải bốc thăm xem nhóm nào được lên thuyết trình vì nhóm nào cũng muốn lên. Thảo luận giúp chúng tôi tự tin hơn khi trình bày các vấn đề và hiểu hơn về môn học của mình. Thảo luận vẫn còn là phương pháp mới và từ năm thứ nhất đến năm nay thì đã có những chuyển biến rất nhiều và sinh viên đã phần nào làm quen được với hình thức này. Vấn đề của buổi thảo luận là ở phía có một số sinh viên không quan tâm chú ý ,chứ không phải tất cả. Và vấn đề của nhà trường có lẽ không nên phân chia nhóm theo danh sách lớp. Các vấn đề thảo luận hiện nay nên thực tế hơn.

Ho ten: Nguyễn Tuân
Dia chi: 79 Cầu Giấy, Hà Nội

Về vấn đề học tín chỉ, tôi có một số nhận xét như sau: 1. Bài tập: Không phản ảnh nhiều trình độ của sinh viên, số bài tập được giao có dễ có khó. Sinh viên nào may mắn chọn được đề dễ hoặc đề có nhiều tài liệu thì điểm thường cao hơn. Cũng có tình trạng hai sinh viên cùng đề và làm có thể giống nhau nhưng điểm khác nhau vì hai thầy chấm! 2. Kiến thức: Không phải loại kiến thức nào sinh viên cũng tự nghiên cứu được, nhiều vấn đề cần thầy cô giảng dạy nhưng khi học tín chỉ số kiến thức được giảng trên lớp thấy hơn đi rất nhiều, khi thảo luận thì cũng không hỏi được hết những vấn đề cần hỏi. Cuối cùng là kiến thức thiếu hụt, đến lúc thi cuối kỳ sinh viên rất mệt mỏi vì bị tích tụ kiến thức để ôn. 3. Về điểm: Ở trường tôi, điểm bài tập chiếm 50% và không làm tròn, 50% điểm học kỳ: Một sinh viên có điểm bài tập 67777 sẽ kém sinh viên có điểm 7777 một phảy nếu điểm thi học kỳ của họ cùng được 6 Không biết tín chỉ như vậy có ích gì hơn đối với học theo biên chế và không biết sinh viên có hứng thú học hơn?

Ho ten: Nguyễn Đăng Mạnh
Dia chi: Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi là sinh viên năm đầu khoa I .Tôi thấy sinh viên được làm thảo luận ngay từ năm đầu tiên là rất tốt. Nó giúp sinh viên có kĩ năng thuyết trình, thu thập xử lí vấn đề và làm việc theo nhóm có hiệu quả.Ngoài ra, sinh viên sẽ thu được rát nhiều kinh nghiệm thuyết trình, xử lí vấn đề từ phía các thầy cô giáo. Xong phân nhóm trưởng theo chỉ định là không hợp lí. Như nhóm tôi, toàn bộ 5 môn thảo luận thì tôi làm cho cả nhóm. Chỉ định nhóm trưởng nhưng nhóm trưởng không có năng lực và cũng không biết làm gì. Tôi thấy nhóm trưởng và thư kí nên để tự nhóm chọn ra sẽ hợp lí hơn

Ho ten: the sun 295
Dia chi: Hai Duong

Cũng giống các bạn, mình cũng đã trải qua thời sinh viên, 4 năm gắn bó với trường đại học Thương mại và không ít lần đứng trên bục giảng trong giờ thảo luận. Nó thực sự đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Bạn cũng vậy, cứ mạnh dạn, bạn sẽ học được cách giải quyết vấn đề, cách để người khác tin vào những lập luận của mình và thấy được cả những gì mình thiếu sót. Nếu không bạn đã lãng phí thời gian đấy. Chúc các bạn thành công!

Ho ten: Nguyễn Thanh Nga
Dia chi: ĐH Thương mại

Sau khi đọc bài báo trên mình không đồng tình lắm, vì: Người viết có cái nhìn quá phiến diện về hiệu quả của các giờ thảo luận. Có lẽ trong Trường ĐH Thương mại có rất ít lớp học rơi vào tình trạng đó. Điển hình như lớp tôi trong giờ thảo luận khá sôi nổi, sau khi thảo luận chúng tôi có thêm nhiều kiến thức thực tế hơn. Chỉ có những sinh viên chủ động mới có thể làm được, vì vậy cần phải đánh giá khách quan hơn. Không nên "vơ đũa cả nắm" như thế. Tớ rất đồng ý với ý kiến của bạn Anh Hà. Đặc biệt, chúng ta mới đang trên đường quá độ nên còn gặp rất nhiều khó khăn, tại sao chúng ta là người đi tiên phong rồi lại không cùng nhau dẫn đầu đổi mới. Bạn và tôi hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để học thảo luận tốt hơn. Chung sức nhé.

Ho ten: Tô Thị Thuỳ
Dia chi: Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Tôi học 8 môn thì có 8 nhóm trưởng khác nhau,các thành viên trong nhóm của từng môn cũng khác nhau. Nhiều khi tôi không thể nhớ nổi là mình đang nằm ở nhóm nào trong môn học này, và thành viên của nhóm tôi gồm có ai. Dù là một nhóm nhưng chúng tôi chỉ bắt đầu làm việc cùng nhau vào những ngày cuối của môn học(thời gian làm bài thảo luận) và sang năm tới tôi lại có nhóm khác, thử hỏi nhớ hết tên còn khó làm sao chúng tôi biết được các thành viên trong nhóm mình ra sao?

Điểm mạnh là gì?Để làm việc cùng nhau, trong một thời gian ngắn ngủi, chúng tôi phải hoàn thành các bài thảo luận với rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong đó. Hơn nữa, làm việc theo nhóm lại là một phương thức học tập mới mà hầu hết các sinh viên đều là mới đầu áp dụng. Đồng ý là cần phải trách chính mình, nhưng cũng cần phải nhìn từ nhiều hướng, bài làm thảo luận của chúng tôi cũng có rất nhiều bài được đánh giá là tốt. Có điều, chúng tôi chưa có một phương pháp truyền đạt đến người nghe tốt khiến cho không khí buổi thảo luận trở nên ỉu, cả sinh viên và giáo viên đều rất cố gắng cùng làm việc thật hiệu quả (trong các môn học tôi đều nhận được số điện thoại và địa chỉ mail của giáo viên để có thể được giúp đỡ khi gặp vấn đề khó khăn về môn học).

12h30 tối, nhóm tôi vẫn đang cùng nhau họp nhóm một cách hào hứng qua yahoo,cả nhóm ai cũng mệt mà mai lại 6 tiết,hơn 1h sáng thôi thì đi ngủ mai lại tiếp tục họp. Nhóm trưởng hẹn mọi người sáng 6h ai cũng phải đến để tiếp tục tranh thủ họp. Đang ngủ, tôi mơ thấy mình hỏi nhóm trưởng"đã đến 6h chưa". Sự mô tả về buổi thảo luận trên không phải là hoàn toàn sai nhưng không phải tất cả chúng tôi đều là sinh viên "siêu ỳ".

Ho ten: Chip
Dia chi: K42i4

 Theo tôi, người viết bài báo này chỉ nhìn nhận sự việc theo nghĩa tiêu cực của nó. Bản thân tôi đang là sinh viên của trường ĐH Thương mại và thấy rằng phương pháp này đã mang lại cho tôi sự hứng thú khi học tập. Thông qua việc thảo luận nhóm, chúng tôi được bổ sung rất nhiều kiến thức thực tế. Bởi các bài thảo luận nhóm ngoài lý thuyết, chúng tôi còn phải tìm kiếm rất nhiều kiến thức thực tế bên ngoài để bài thảo luận được sinh động và hấp dẫn hơn. Điều này giúp cho sinh viên tích lũy đươch rất nhiều kiến thức thực tế. Hơn nữa, phương pháp  còn giúp chúng tôi rèn luyện khả năng thuyết trình trước đám đông và làm việc theo nhóm hiệu quả hơn.Phương pháp học này cần phải có bổ sung cần phải có những đề tài thảo luận sát hơn nữa, tạo hứng thú học cho sinh viên.

Ho ten: Trần Tuấn Anh
Dia chi: K41I3

Mình nghĩ đây là tình trạng chung của hầu hết các trường đại học hiện nay. Những mong muốn của nhà trường khi áp dụng mô hình này là rất tốt, giúp sinh viên hiểu bài tốt hơn khi tự nghiên cứu đề tài thảo luận. Kết thúc đợt thảo luận sinh viên được gặp gỡ trò chyện với các đại diện doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và có cái nhìn thực tế. Mô hình thảo luận này sẽ vô cùng hiệu quả nếu như mỗi sinh viên đầu tư nghiên cứu.

Ho ten: Nguyễn Văn Hưng
Dia chi: k41-I3

Hiện tại tôi là sinh viên năm cuối của đại học Thương mại. Hơn ai hết, tôi là người chuyển giao giữa 2 thế hệ học không có thảo luận và có. Tôi xin được mạn phép mời nhà báo Lan Hương đến lớp chúng tôi học 1 buổi thảo luận bất cứ môn nào cho bạn chọn. Bạn có thể thấy trường chúng tôi thảo luận như thế nào và chúng tôi vất vả, chăm chỉ như thế nào để có 1 bài thảo luận. Người Việt Nam yếu ở làm việc nhóm, nhưng với phương pháp học mới, chúng tôi làm việc nhóm và tự chủ rất nhiều. Bạn bè cũng hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều thông tin hơn. Đây là cách học rất hay, tuy nhiên không ai có thể nói tất cả các lớp, các môn học đều có sự sôi nổi như nhau.

Ho ten: ZORRO
Dia chi: Đại học Thương mại

Những điều mà bài viết này viết thật sự đáng suy nghĩ nhưng có một điều là nó là một cái nhìn quá phiến diện. Có thể chỉ vì một bài viết như thế này có thể làm hỏng hình ảnh của trường mà thầy và trò nhà trường đã bỏ bao công sức vun đắp bấy lâu nay. Thảo luận nhóm là một hình thức học mới mà rất hiệu quả để sinh viên có thể nhớ lâu hơn so với những bài lý thuyết đọc viết nhàm chán. Tuy còn nhiều hạn chế trong hình thức thảo luận nhưng đây là một cách học mới rất hay mà thầy trò trường ĐH Thương mại đang gây dựng.

Ho ten: Nguyễn Quang Đông
Dia chi: Từ Liêm- Hà Nội

Mình không học Thương mại, nhưng cũng thường xuyên ra vào trường này, có nhiều bạn học nên có thể hiểu 1 phần nào đó. Theo mình, không phải thiếu những buổi thảo luận có chất lượng, nhưng đó chỉ là thiểu số.Ví dụ như đứa bạn mình khi được giao đề tài, đến mình là sv công nghệ cũng thấy nó đưa ra chẳng để làm gì: tìm hiểu về giao thức mạng, khai thác ứng dụng. bạn mình cũng chỉ lên mạng search vài thông tin, rồi về biên tập lại. Chất lượng không hề có. Nên theo mình hình thức học tập này rất hay, nhưng hãy để nó được thực hiện từ năm thứ 2 trở đi. Như vậy sv mới có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn.

Ho ten: Phạm Văn Hiện
Dia chi: Đống Đa, Hà Nội

 Tôi vừa thi tốt nghiệp, trước khi thi tôi có tổ chưc thảo luận nhóm. Nhóm tôi gồm 04 nam, 01 nữ, sau khi nhận được hướng dẫn của Thầy giáo, chúng tôi chia nhau chuẩn bị nội dung và tìm tài liệu, thảo luận đã chứng tỏ rất hiệu quả, hiệu quả hơn có sự chuẩn bị, người tham gia thảo luận thực sự có nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức. Kết quả thật khích lệ, nhóm chúng tôi tự tin vào phòng thi, làm bài thi rất tốt, các thành viên trong nhóm đều hoàn thành bài làm và sớm hơn thời gian quy định. Việc thảo luận nhóm chỉ hiệu quả khi giáo viên tạo tiền đề, học viên phải có nhu cầu thực sự là động lực thúc đẩy, nếu người học chỉ mang tính chiếu lệ, thụ động thì không mang lại kết quả.

Ho ten: Trần Thế Dũng
Dia chi: K41-I3

 Về vấn đề thảo luận nhóm, mình nghĩ có rất nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên, nói đơn giản như việc sử dụng thành thạo các phần mềm soạn thảo văn bản, sử dụng email... cũng là một ích lợi, và còn nhiều lợi ích khác mà ai cũng có thể nhận ra là sinh viên có cơ hội được nói trước đám đông, SV sẽ mạnh dạn hơn, những lợi ích căn bản rất hữu ích cho SV khi ra trường mà việc thảo luận nhóm mang lại. Nếu không có thảo luận nhóm, mình nghĩ ít có SV nào khi ra trường sử dụng thành thạo email, một số phần mềm khác... Tuy nhiên, những hạn chế như các bạn nói, đề tài chưa sát thực tế...ở mức vĩ mô quá nhiều, mình rất đồng ý với ý kiến này, đồng thời mình nghĩ rằng không nên áp đặt một cách cứng nhắc việc thảo luận nhóm cho một số môn học, một số môn học không cần có thảo luận, như các môn: Kinh tế lượng và một số môn đặc thù là nhiều bài tập, thay vào đó thì nên chữa nhiều bài tập cho Sinh viên thì tốt hơn. Việc thu hút sinh viên thảo luận, mình thấy có một số thầy cô giáo áp dụng phương pháp: Sau khi nhóm trình bày xong, gọi bất kỳ một vài sinh viên của nhóm nào đó nhận xét và có thể đánh giá nhóm của thành viên đó vào điểm bài thảo luận luôn. Như vậy SV nào, nhóm nào cũng phải nhắc nhau trật tự mà theo dõi, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến cả nhóm.

Ho ten: Nguyễn Tuấn Anh
Dia chi: K41E2

Tôi là sinh viên năm cuối, khoa Thương mại quốc tế của ĐH Thương mại. Lớp tôi vừa hoàn thành xong các đề tài thảo luận của học kỳ, và đây là năm thứ 3 chúng tôi thảo luận. Tôi xin có 1 số ý kiến như sau : Từ phía nhà trường, các thầy cô đã có khá nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng các buổi thảo luận : Các nhóm có tinh thần và có chuẩn bị để phản biện các nhóm khác được cộng điểm, đánh giá điểm theo tỷ lệ (bình thường là 1/3 loại A, 1/3 loại B, 1/3 loại C) để tránh cào bằng điểm, khuyến khích sử dụng slide để thuyết trình, tập trung nhiều vào phần ứng dụng thực tiễn của đề tài thảo luận ...

Bản thân tôi thấy rằng chất lượng của các buổi thảo luận đã tăng lên đáng kể. Sinh viên chịu khó tìm tòi tài liệu, làm quen hơn với việc thuyết trình trước đám đông cũng như phản biện.

Tuy nhiên, đây là 1 hình thức học khá mới, nên theo tôi vẫn cần bổ sung nhiều. - Đề tài thảo luận thường thiếu tính hấp dẫn. Kiểu đề tài "Thực trạng-Giải pháp" ở mức vỹ mô vẫn quá nhiều, và theo tôi, dạng đề tài này nên hạn chế, vì thực trạng thì lên google tìm thấy rất nhiều, nhưng giải pháp thì chỉ nêu ra chung chung, thiếu tính thực tế. - Các đề tài thảo luận chưa khuyến khích sinh viên chủ động tìm hiểu, việc copy-paste từ trên mạng vẫn rất phổ biến. - Phần lý thuyết thường là phần gây nhàm chán, vì chỉ đọc lại những gì viết ra trong sách. Rất ít đề tài khiến sinh viên tìm hiểu kỹ về lý thuyết cũng như các để áp dụng. - Phương pháp thuyết trình chưa tốt : Tuy nhiều nhóm đã quen với việc sử dụng Power point để làm slide, nhưng hầu hết các bạn chỉ biết cầm giấy+đọc đều đều, điều này làm các nhóm khác rất khó nắm bắt nội dung, cũng như tạo cảm giác nhàm chán trong giờ thảo luận.

Ho ten: Vũ Anh Hà
Dia chi: 302C, ngõ 133,  Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Các điều được nói ở trên không phải là không chính xác nhưng nó cũng chỉ là một phần, còn phần còn lại thì sao? rất nhiều buổi thảo luận diễn ra thật sự rất tốt các vấn đề và các thành viên tham gia đều rất nhiệt tình và có chất lượng cao. Còn việc các bạn nêu tình trạng ở trên, thì đừng trách người khác các bạn hãy tự trách minh kém quá thôi. Một nhóm trên dưới 10 người theo cách phân chia của trường ĐHTM mà không đủ khả năng để quản lý.  Là một sinh viên của trường ĐH Thương mại,  mình thấy lớp mình các nhóm làm thảo luận rất hiệu quả mà khi thảo luận thầy cô vẫn còn phàn nàn về chưa bằng lớp này lớp kia, thế lớp các bạn ở phần nào trong trường xem lại mình đi. Mình đang học 41C.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,