- ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất thu học phí từ 300.000 đến 400.000 đồng/tháng, tùy theo từng khu vực tuyển sinh. Cụ thể, sinh viên ở khu vực 1: 300.000 đồng; khu vực 2 - nông thôn: 330.000 đồng; khu vực 2: 360.000 đồng; và khu vực 3 (thành phố trực thuộc trung ương): 400.000 đồng.
Đây là nội dung được đưa ra tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 22/12.
Quỹ dự trữ sắp tiến tới... số 0!
Tân sinh viên và phụ huynh đến trường làm thủ tục nhập học. Ảnh: Đ.T |
Trước đây, mỗi năm trường được Nhà nước cấp hơn 25 tỷ đồng. Nhưng từ khi được xem là đơn vị sự nghiệp tài chính có thu đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, khoản kinh phí được cấp đó chỉ còn 4 tỷ.
Số tiền này chỉ đủ để chi cho việc đào tạo lại, nghiên cứu khoa học và chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo tính toán, nếu số lượng sinh viên hàng năm là 20.000, thì trường thu được 36 tỷ đồng học phí. Nhưng một năm, chi phí bắt buộc phải có cho những hoạt động cơ bản lên đến 68 tỷ. Cụ thể, tiền lương 28 tỷ, chi giờ giảng 10 tỷ (giờ giảng vượt định mức), học bổng 5 tỷ, nhiệm vụ chuyên môn 13 tỷ… Đó là chưa kể các khoản chi quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.
Để có thể duy trì hoạt động, mỗi năm trường phải tạm thời sử dụng quỹ ổn định thu nhập (quỹ dự trữ) để bù vào khoản chênh lệch quá lớn đó. Ban lãnh đạo nhà trường cho biết, năm nay, trường phải bù thêm 15 tỷ để giữ thu nhập của cán bộ công nhân viên bằng với mức năm ngoái. Năm 2009, dự kiến sẽ phải bù 29 tỷ. Và nếu tình trạng này kéo dài thì trong vòng vài năm nữa, quỹ dự trữ của trường sẽ trở thành… con số 0!
Hiệu trưởng Phạm Văn Năng nêu thêm lý do, hiện nay đội ngũ giảng viên của trường còn rất mỏng. Nhưng nếu tuyển thêm thì “trường không có đủ tiền để trả lương”.
Do đó, để có thể bù đắp chi phí, trường đề nghị được thu học phí theo từng khu vực tuyển sinh theo các mức như sau: KV1: 300.000 đồng; KV2 – NT: 330.000 đồng; KV2: 360.000 đồng; và KV3: 400.000 đồng.
Đề nghị tăng học phí 15%/năm
Theo kế hoạch phát triển cơ sở vật chất của trường, dự kiến từ đây đến 2015 nhu cầu chi sẽ còn tăng thêm. Cụ thể, kế hoạch chuyển đổi cơ sở, xây dựng cơ sở mới… tốn khoảng 1.500 tỷ. Và kế hoạch chuyển đổi KTX và xây một cơ sở của trường ở quận 8 cũng cần 130 tỷ nữa.
Ông Việt cho biết, nguồn tài chính hiện nay của trường chủ yếu nhờ vào các khoản thu từ hệ đào tạo không chính quy. Hàng năm, trường có thêm khoảng 10.000 sinh viên không chính quy – gấp đôi số sinh viên hệ chính quy.
Trong khi đó, theo qui định hiện nay, chỉ tiêu hệ không chính quy không được vượt quá 75% chỉ tiêu hệ chính quy. Nhưng nếu làm đúng theo qui định này thì “nguồn thu từ học phí của hệ không chính quy sẽ giảm đáng kể”, ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của trường.
Trường ĐH Kinh tế kiến nghị với Bộ cho phép trường tự quyết định mức học phí theo tình hình lạm phát để đảm bảo hoạt động và đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Cụ thể, mức tăng học phí theo tỷ lệ bình quân là 15% một năm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận mức học phí như hiện nay là chưa hợp lý. Nhưng ông cho rằng, chưa có điều kiện để nới rộng khung học phí, nên các trường phải chờ đề án chung của Bộ về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu tăng học phí thì cũng phải tính đến phương án đảm bảo những SV khó khăn cũng có thể học được, tránh tình trạng đậu đại học mà không có tiền để đi học.
-
Đoan Trúc