- Mục tiêu không rõ ràng sẽ dễ xài tiền lãng phí. Sẽ lấy cán bộ đâu về làm trường ĐH? Cần phải rút kinh nghiệm từ đề án thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết về chủ trương vay 400 triệu USD xây 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế, một trong nhiều giải pháp Bộ GD-ĐT xác định “đột phá” nâng chất lượng giáo dục ĐH trong nước đến năm 2020.
Mục tiêu không rõ, xài tiền dễ lãng phí
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Việc Bộ GD-ĐT xây dựng Chiến lược phát triển Giáo dục đến năm 2020 và trưng cầu ý kiến toàn dân vào lúc này là việc làm ý nghĩa, vì làm cho nhân dân hiểu những vấn đề lớn hơn của GD chứ không chỉ là một số bàn cãi chi tiết, vụn vặt lâu nay." (Ảnh TL) |
- Thưa ông, một trong những mục tiêu đang có nhiều tranh cãi trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục là "đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một số trường ĐH lọt top 200 của thế giới”. Quan điểm của GS?
- Theo ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài, đây là mục tiêu không tưởng, đặc biệt là đánh giá theo chuẩn của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.
Nên đặt vấn đề, trong giai đoạn hiện nay chúng ta có cần phải phấn đấu với chỉ tiêu có vài ĐH lọt vào top đầu của thế giới hay đặt mục tiêu hiện thực hơn là làm sao 70-80% sinh viên (SV) tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp.
- Để xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế, Chính phủ sẽ vay 400 triệu USD. Về vấn đề này, có 2 luồng ý kiến: nên xây mới hay đầu tư cho những trường ĐH lâu năm thì hiệu quả hơn?
- Cần phải rút kinh nghiệm từ đề án thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ có đầu tư 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với số tiền không nhỏ.
Nhưng đến nay, hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia rất thấp. Trang thiết bị cho những phòng thí nghiệm này đã trở nên lạc hậu. Bản thân những phòng thí nghiệm đó trong thời gian qua cũng không tự sản sinh ra cái gì để tự nuôi – nên cơ quan được giao phụ trách các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia lại kêu gọi Nhà nước tái đầu tư để duy trì hoạt động.
Như vậy, đó là bài toán "chạy đuổi suốt đời", không giải quyết được vấn đề gì vì nó không phải là sự phát triển tự nhiên.
Mục tiêu xây dựng 4 trường ĐH gọi là đẳng cấp quốc tế nằm trong top 200, top 100 hay top 500 có tiêu chuẩn không rõ ràng. Khi tiêu chuẩn không rõ thì tiền chi tiêu cũng dễ lãng phí.
Mục tiêu này còn không hiện thực ở chỗ chúng ta xây 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế trên số “0”, tức là làm 1 trường từ đầu. Trong khi, trường muốn vươn lên đứng vào những trường có tên tuổi trên thế giới phải là một trường có truyền thống. Chúng ta phải dựa vào và lấy những trường cụ thể để xây dựng lên thì mới thành ĐH đẳng cấp quốc tế. Chứ xây tất cả từ đầu với 100 triệu USD cho mỗi trường là không khả thi.
Phải có kế thừa
- Nhưng thưa ông chọn đường đi đầu tư xây mới sẽ thuận lợi hơn là thẩm định, đánh giá, chọn lựa một mô hình có truyền thống. Bởi nâng cấp từ mô hình sẵn có sẽ động chạm đến việc thay đổi hệ thống của cơ sở đó?
- Thực ra, phát triển giáo dục phải có tính kế thừa về đội ngũ cán bộ, thành quả nghiên cứu và kế thừa về truyền thống. Nếu kỳ vọng xây từ số 0 trở lên cho mới hoàn toàn theo đúng chuẩn quốc tế thì không thể có được.
Hơn nữa, những mô hình trường ĐH mới thì vẫn nằm trong xã hội Việt Nam, chịu hoàn toàn ảnh hưởng của Việt Nam. Do đó tất cả những ưu điểm và hạn chế của Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng.
Với số tiền 400 triệu USD, đầu tư đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, đầu tư cho những trường hiện tại sẽ hiệu quả hơn.
- Theo ý của ông là nên chọn mục tiêu nâng chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội chứ không phải là làm một vài nhân tố nổi trội?
- Vâng! Nếu mình đầu tư hết tiền bạc và công sức cho một vài trường lên, trong khi các trường khác vẫn ì ra thì liệu những trường đó có lên mãi được không hay bị tất cả sức ì của hệ thống kéo xuống?
Người đâu để xây trường?
- Nhưng thưa ông, mục tiêu đó được xác định có tính đột phá, thay cho việc đầu tư cho GD hiện đang bị dàn trải?
- Tôi không nghĩ thế. Khi đưa ra bàn, phải xem xét liệu có thể xây dựng 4 trường từ số 0 được không, hay đầu tư cho đào tạo cán bộ. Với 400 triệu USD, có thể đào tạo cán bộ cho rất nhiều trường. Đào tạo cả cán bộ quản lý và cán bộ khoa học. Khi trở về, họ sẽ là những hạt nhân đẩy trường lên.
- Trường ĐH muốn đạt đẳng cấp quốc tế thì những thành tựu khoa học và những kết quả phát minh là yếu tố quan trọng. Nếu xây dựng trường từ số 0, liệu trong vòng 10-15 năm có được những thành quả về nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới được thế giới ghi nhận để lọt vào top 100, 200 hay 500?
- Tôi băn khoăn sẽ lấy cán bộ đâu về làm trường ĐH. Có thể quy tụ những cán bộ giỏi của các trường rồi dần dần mời chuyên gia, Việt kiều từ nước ngoài về. Thực tế, giảng viên nước ngoài đang còn ngại, đặc biệt là các nhà khoa học. Họ còn rất nhiều việc nên không có thời gian.
Ở ta đã thành lập Cục Khảo thí kiểm định chất lượng GD thuộc Bộ GD-ĐT. Gần đây, Cục này mới cùng một số trường ĐH đặt vấn đề đánh giá trường ĐH. Ngay lập tức phải có đánh giá các trường ĐH khác là rất khó. Vì trong điều kiện Việt Nam, có nhiều thống kê số liệu chưa chính xác. Tôi nghĩ, phải tiến đến thành lập các tổ chức kiểm định độc lập với ngành GD thì mới đánh giá khách quan được.
- Cảm ơn ông!
- Tùng Linh (ghi)
*************************
Ho ten: Văn Minh
Dia chi: Melbourne
Việt Nam có thể đặt mục tiêu có trường ĐH lọt vào top 200, 100, hoặc 50. Có thể hy vọng chất lượng đột phá của trường ĐH đó làm đòn bẩy nâng cao toàn bộ chất lượng GDĐT một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, đó là một kế hoạch dài hơi bởi tại thời điểm này, chất lượng GD ĐT của VN còn rất thấp, thậm chí thấp ngay với cả yêu cầu còn thấp của nhân lực VN. Để đạt được mục tiêu cao như trên, chúng ta không có cách nào khác là tách nó ra thành nhiều bước nhỏ hơn, dễ hơn, và quyết tâm thực hiện thực nhanh thực tốt.
Theo suy nghĩ của tôi, các bước nhỏ hơn có thể là: 1) Cố gắng để đa số giảng viên ĐH sống được bằng đồng lương của mình và tận tâm nghiên cứu 2) Cố gắng để đa số SV đại học có thể tiếp cận được với sách vở kiến thức tiên tiến thuộc chuyên ngành của mình 3) Cố gắng để nội dung đào tạo của đa số các ngành phù hợp với nhu cầu thị trường lao động 4) Cố gắng cải tạo bộ máy tổ chức của trường ĐH theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiệu quả hơn, tách riêng nghiên cứu và quản lý hành chính.... Cho đến khi các nội dung cơ bản trên được thực hiện tốt, khi đó nghĩ đến thứ hạng cũng chưa muộn
Ho ten: Hoàng Sơn
Dia chi: 10923 Hyades Way, San Diego, CA 92126, US
Ở Mỹ, chi tiêu hàng năm của các trường đại học lớn là một khoản tiền rất lớn. Có thể hình dung như sau, năm 2009, do vấn đề suy thoái kinh tế, Đại học California ở San Diego bị cắt giảm 100 triệu chi tiêu. Chú ý rằng, 100 triệu đó chỉ là số tiền bị cắt giảm cho chi tiêu hàng năm. Vậy chúng ta chỉ có 100 triệu cho một trường, liệu có thể xây dựng được đại học đẳng cấp quốc tế không? Tôi cho rằng rất khó. Câu hỏi tại sao chi tiêu thường xuyên của các trường đại học lớn ở Mỹ lại lớn như vậy? Có một thực tế, lương Giáo sư ở Mỹ là rất cao. Thậm chí, lương của trợ giảng làm 25% thời gian đã gần 1000 USD. Dẫn đến một thực tế là nền giáo dục đại học Mỹ là chất lượng, nhưng cũng rất đắt đỏ. Chi phí mà một sinh viên bỏ ra cho 1 năm học đại học lên tới 40,000.
Ở Việt Nam, phần lớn sinh viên không đủ chi trả cho mức chi tiêu như thế. Theo tôi, chúng ta cần một nền giáo dục đại học rẻ tiền với chất lượng chấp nhận được. Với kinh phí rất hạn chế, vậy làm sao để có được một trường đại học tốt? Cố gắng trả lời câu hỏi này, tôi chỉ có thể đi đến một câu trả lời, phát huy nội lực của Việt Nam. Như trên đã nói, lương cho những giáo sư ở Mỹ rất cao, và chúng ta không thể chi trả mức lương như thế. Chúng ta cần phát triển đội ngũ giảng viên người Việt đi đôi với xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất. Có ý kiến cho rằng có thể mời giáo sư nước ngoài giảng dạy mà không cần đến phát triển đội ngũ giảng viên người Việt. Nhưng thực tế đây là ý tưởng hoang đường vì chi phí cho 1 GS giảng dạy 1 năm ở VN có thể lên tới 50,000 (Quỹ VEF đang có kế hoạch chi 55,000 cho 1 GS giảng dạy ở VN một năm).
Một nghịch lý là chúng ta dường xem đội ngũ giảng viên trong nước là bụt chùa nhà không thiêng, trong khi phần lớn họ có đủ năng lực để làm việc ở các trường đại học lớn trên thế giới, và thực sự, nhiều người trong số họ đang làm việc như thế. Như vậy, theo tôi thì vấn đề chính ở đây vẫn là việc phát triển con người là vấn đề quan trọng nhất.
Ho ten: Lê Ngọc Tường
Dia chi: Đại học Hà Nội
Lâu nay chúng ta dưa ra khá nhiều đề án nhằm chấn hưng giao dục nước nhà. Điều đáng buồn là những đề án có quá nhiều vấn đề không khả thi xét tình hình thực tế hiện nay. Trước hết là Đề án cải tiến công tác thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cái mà Bộ GD-ĐT nên làm và cần làm ngay là trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ trong việc tổ chức thi tuyển sinh thì Bộ lại ngày càng chứng tỏ mình muốn bao sân nhiều hơn, làm thay việc của BGH các trường nhiều hơn.
Minh chứng rõ nhất là Quy chế 62 gần đây nhất về hệ vừa học vừa làm: các trường phải báo cáo kế hoạch với Bộ hai tháng trước kỳ thi và đề thi lấy từ Cục KT-KĐCL. Chúng ta đang làm cái điều đi ngược lại xu thế. Chức năng của Bộ GD-ĐT là tăng cường thanh, kiểm tra. Trường nào làm không đúng thì phải xử phạt cho nghiêm.
Tiếp theo là cái gọi là "Trường đẳng cấp quốc tế". Mấy năm qua có nhiều hội thảo quốc tế và khu vực về chủ đề này, ví dụ như Hội thảo được tổ chức tại Kuala Lumpur, Mailaysia tháng 9 năm ngoái và các đại biểu đều thống nhất rằng "Hãy chớ copy mô hình các trường ở nước ngoài. Mỗi nước có đặc thù riêng và hãy xây dựng các trường đại học sao cho đủ điều kiện về con người, đó là đội ngũ giảng viên, các nhà KH, các nhà nghiên cứu, CSVC đáp ứng mọi nhu cầu dạy và học, năng lực HTQT, ...". Vậy chúng ta đặt vấn đề vay US$400 triệu để xây 4 trường đẳng cấp quốc tế trong bối cảnh hiện nay là không khả thi. Chúng ta hãy tỉnh táo, thận trọng khi tiến hành một việc gì đó để sau này lại ca bài ca "duy ý chí" thì buồn lắm.