221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1145398
Sinh viên tưng bừng chơi tết...
1
Article
null
Sinh viên tưng bừng chơi tết...
,

 - Không khí năm mới tràn về khắp nơi, từ sân trường đến kí túc xá, nhà trọ. Các hoạt động đón Tết của sinh viên các trường đang rầm rộ diễn ra. 

Sinh viên Tây cảm nhận Tết Việt

Charles Whalen Ruttherford, SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN.
Giới trẻ Việt Nam chơi Tết, ăn Tết lạ mà vui... Đấy là cảm nhận của các SV nước ngoài đang theo học ở khoa Việt Nam học và Tiếng Việt Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN. Cái "lạ mà vui" theo Charles Whalen Ruttherford (SV đến từ Mỹ) là: “Từng cặp đôi phóng xe máy đi chơi “như nước” trên đường phố”. Từ khi sang Việt Nam, Charles cũng phải hòa nhập phóng xe máy đi chơi để “tự do đi đây đi đó”.

Vương Chí, SV đến từ Trung Quốc, một nước đồng văn đồng chủng với chúng ta cũng chia sẻ "cảm giác lạ" như Charles Whalen Ruttherford : “Ngày Tết ở các thành phố Trung Quốc không có bóng dáng chiếc xe máy nào! Để tránh ô nhiễm, xe máy bị cấm vào nội thành. Nhưng bù lại, khắp các đường phố chúng tôi tràn ngập các hoạt động văn hóa truyền thống, ai cũng được vào chơi, chơi giỏi thì có phần thưởng”.

Kinga Kurowska, SV đến từ Ba Lan lại cảm nhận "cái sự lạ" của Tết sinh viên Việt Nam không chỉ ở chỗ sinh viên đèo người yêu chạy vùn vụt trên phố mà còn kinh ngạc vì các bạn trẻ Việt Nam tạo dáng đủ kiểu, chụp ảnh tanh tách ở cạnh cây thông và ông già Noel ở Tràng Tiền Plaza. Ở Ba Lan thì không bao giờ có cảnh như thế cả”.

Hầu như các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Việt Nam đều nói về "cái sự lạ" trong cách chơi Tết của Việt Nam và họ kết luận: Tết Việt rất nhân văn!

Charles Whalen Ruttherford mới cưới một cô sinh viên Việt Nam quê ở Hải Dương được 5 tháng, so sánh: Ở Mỹ, lúc giao thừa thì mọi người ôm hôn nhau, nói lời chúc mừng năm mới. Vì vậy, chàng trai “có ý” với cô gái nào thường dẫn đi chơi vào đêm giao thừa. Chẳng ai từ chối nụ hôn ngọt ngào vào thời điểm thiêng liêng này cả”. “Năm ngoái tôi đón Tết cùng người yêu (hiện tại là vợ) ở Việt Nam. Tôi cùng cả nhà cô ấy đi xem bắn pháo hoa. Nhưng “nhập gia tùy tục”, tôi không dám… vì bố vợ tương lai đứng ngay đằng sau” – Charles cười lớn.

Charles Whalen Ruttherford còn nói thêm về cái Tết âm lịch ở Việt Nam cũng lạ lùng không kém: Giới trẻ Mỹ ít về nhà gặp bố mẹ trong đêm giao thừa và tụ tập bạn bè đổ hết ra đường và chơi thâu đêm suốt sáng. Ở Việt Nam thì ngược lại, ngày Tết đường phố vắng hoe!

360 độ xuân của sinh viên Hà Nội

SV kéo nhau đến hội chợ 360 độ Xuân của ĐHKTQD

Sinh viên Trường Kinh tế Quốc dân (KTQD) mở chợ chơi xuân thì đã sao nào? Tự làm cổng chợ hoành tráng, trang trí lộng lẫy sắc xuân, tự chia ra các gian hàng bày bán các món theo mức giá rất chi là sinh viên:  Nem chua, thịt nướng: 2000 đồng/xiên; thạch dừa: 3.000 đồng/lọ; thuê áo Kimono để trình diễn trong 15 phút có giá 10.000 đồng. Chen vào các gian hàng ẩm thực sinh viên còn có những trò chơi đập niêu, hát Karaoke...

Kẻ bán dĩ nhiên là sinh viên Trường KTQD còn người  mua thì không chỉ có SV của Trường KTQD mà còn có rất nhiều SV các trường lân cận như Bách khoa, Xây dựng, thậm chí cả học sinh THPT nữa. Mỗi gian hàng là của 1 lớp, mang ấn tượng, cá tính riêng, được thoải mái sáng tạo trong trang trí, thiết kế. “Chưa lần nào Tết dương lịch lại được vui chơi đã đời thế này!”, SV tên Tú, đến từ khoa Du lịch thốt lên. 

Đi hội chợ xuân để ăn, chơi và nghe tuyên truyền về cách sử dụng bao cao su!

Thi Miss đón năm mới 

Khác với Trường KTQD, sinh viên  Trường ĐH Lao động Xã hội (LĐXH) lại tổ chức cuộc thi “Nữ sinh tài năng duyên dáng” với hàm ý: chọn cái đẹp thanh tân để đón mừng cái đẹp của trời đất lúc giao mùa. 

Đang vào mùa thi nhưng toàn bộ sân trường ĐH LĐXH chật kín cổ động viên. Các người đẹp diện những bộ trang phục gợi cảm giữa tiết trời lạnh giá. Sự cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên khiến không khí nóng dần lên, các thí sinh tự tin nở những nụ cười tươi nhất. 

Danh hiệu Miss là món quà năm mới rất ý nghĩa với Phạm Thị Lương

Chung cuộc, thí sinh Phạm Thị Lương đến từ khoa Công tác Xã hội đã dành danh hiệu Hoa khôi năm 2008. Danh hiệu Á khôi 1 thuộc về bạn Trần Thị Vân Trang đến từ khoa Bảo hiểm; Á khối 2 thuộc về Trần Thị Quỳnh Anh đến từ khoa Quản lý.  

Ngoài ra, các giải phụ như Miss Thể thao, Miss Hiểu biết, Miss Khéo léo, Miss được bình chọn nhiều nhất lần lượt được trao cho các thí sinh Phùng Thị Phong Lan, Trần Thị Quỳnh Anh, Lê Thị Kim Huyền, Lê Thị Hồng Đào. 

Phần thi tài năng, thí sinh Trần Thị Quỳnh Anh gây ấn tượng với những người có mặt đêm chung kết với màn múa quạt do chính bạn tự biên đạo và thể hiện, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Bên ngoài, các SV sục sôi hò reo cho ứng cử viên của lớp, khoa mình. Trên tầng các dãy nhà KTX, SV cũng đứng chật cứng để xem hoa khôi từ trên cao. 

Tết trong ký túc xá

Trang hoàng phòng ở trong KTX Mễ Trì.
Sáng 31/12, các SV trong KTX Mễ Trì (ĐHQGHN) tổ chức các hoạt động ngoài trời như kéo co, thi bóng chuyền nhân dịp Tết dương lịch, nhằm khơi dậy mạnh mẽ sức sống, niềm vui. 

Phần thi bóng chuyền (dành cho nam) giữa các SV ĐHKHXH&NV với SV Lào của trường ĐHKHTN diễn ra sôi nổi, cuốn hút và gay cấn. Các cổ động viên bên ngoài reo hò bằng 2 thứ tiếng. “Vui quá, ở KTX những dịp này các sân chơi thể thao luôn sôi động như vậy”, bạn Trịnh Văn Quang, SV ĐHKHTN vừa cổ vũ vừa hồ hởi chia sẻ.

Có 3 đội đến từ trường ĐHKHTN, ĐHKHXH&NV, SV Lào tham gia phần thi bóng chuyền, thi đấu vòng tròn tính điểm. Chung cuộc, đội SV Lào đoạt giải nhất, đội ĐHKHTN đoạt giải nhì và ĐHKHXH&NV đoạt giải ba. 

Trước đó, phần thi kéo co thu hút hàng trăm SV tham dự để cổ vũ cho các đội. Sân KTX Mễ Trì rộn vang tiếng trống, tiếng hò. Nhất là phần thi của các bạn nữ khiến cổ động viên bên ngoài cực kì phấn khích. 

Nữ sinh thi kéo co mừng năm mới

Chung cuộc, các nam SV đến từ ĐHKHTN dành giải nhì kéo co, giải nhất thuộc về nam sinh ĐHKHXH&NV. Đối với nữ thì kết quả ngược lại: Nữ ĐHKHXH&NV nhất, nữ ĐHKHTN về nhì.   

“Chuyện thắng thua không quan trọng, quan trọng là được xả hơi, vui chơi”, cổ động viên Lưu Thị Hoa hồ hởi. 

Buổi chiều cùng ngày, lãnh đạo Trường ĐHQGHN đã đến KTX thăm hỏi tình hình ăn ở của các em và gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến các bạn SV.

Đầu giờ chiều, các SV KTX Mễ Trì đua nhau ra chợ mua rau, thịt về để làm lẩu liên hoan. “Cả năm Ban quản lý KTX cho phép nấu ăn vào một dịp này chị ạ, các phòng đều phải làm cam kết đảm bảo an toàn, văn minh rồi mới được nấu nướng”, SV phòng 109 A1 cho biết. 

Xì xụp chuẩn bị liên hoan Tết dương lịch.

Mỗi SV đóng góp 30-50 ngàn để liên hoan, tuỳ số lượng “khách mời” bên ngoài. Không khí tấp nập, rôm rả bao trùm hầu hết các phòng ở trong KTX.  

Các phòng “cầu kì” đầu tư “trang điểm” cho phòng ở bằng mọi chất liệu: bỏng ngô, giấy nháp, bóng bay, ... và ở mọi nơi có thể: cánh cửa, giường ngủ, bàn học, trần nhà, ... Không khí vô địch của bóng đá Việt Nam vẫn còn rất đậm. Có phòng còn treo cả cờ đỏ sao vàng ngay ngoài cửa để mừng một năm mới thật "hên". 

Không thua kém các SV KTX, các SV ở trọ bên ngoài cũng đón Tết dương lịch bằng bữa ăn đầm ấm. "Vừa là dịp để gặp mặt nhau, vừa để mừng năm mới", SV Phùng Văn Quang, ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ. Quang và các bạn học cùng quê (Vĩnh Phúc) đã tụ tập với nhau từ chiều, rồi xì xụp nấu nướng. 

  • Cẩm Quyên- Thu Vân- Hữu Việt
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,