221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1147396
Chứng nhân nơi giảng đường kể chuyện
1
Article
null
Chứng nhân nơi giảng đường kể chuyện
,

- Người môi giới tri thức là cách gọi thân thiện mà sinh viên (SV) dành cho cô Nguyễn Thị Thủy, Phó Phòng phục vụ bạn đọc Thượng Đình, Trung tâm Thông tin Thư viện ĐHQGHN.

Ai bảo sinh viên không ham đến thư viện?

Cô Nguyễn Thị Thủy.
25 năm gắn bó với nghiệp thủ thư, ấn tượng nhất của cô Thủy là những kỷ niệm với thư viện mùa thi.
 

Nhắc đến sự khác nhau giữa thế hệ SV xưa và nay, Cô Thủy nói: “thế hệ chúng tôi thì thư viện là quan trọng nhất trong quãng đời SV. Thư viện là kênh cung cấp thông tin duy nhất thời bấy giờ”. Bây giờ thì SV ẵm laptop kết nối wifi lên thư viện để tiếp cận nhiều kênh thông tin: mạng internet, sách báo… để làm bài tập, bổ sung kiến thức.

Sự khác biệt giữa hai thế hệ, theo cô Thủy, nằm ở chỗ: Thế hệ trước đây dành phần lớn thời gian lên thư viện để tự nghiền ngẫm, trau dồi kiến thức còn thế hệ bây giờ chỉ đến mùa thi mới đặt chân vào thư viện đọc theo kiểu chống đối. 

Vào mùa thi, mỗi ngày thư viện Mễ Trì đón khoảng 900 lượt SV tự học và mượn trả, sách. Trong kho của thư viện có 24.000 cuốn sách xếp trong 30 giá. Các cô thủ thư phải quản lý lượng SV khổng lồ suốt 3 ca trong ngày từ 7h30 đến 22h30.

Cách đây vài năm, thư viện trong tình trạng quá tải. Tầm 7h sáng, từ trong thư viện trông ra đã thấy lố nhố SV đứng tràn ra gần cổng Ký túc xá Mễ Trì. Số lượng SV đông, SV mượn, trả sách nhiều, cô thủ thư quay như chong chóng.

Rất nhiều hôm thủ thư không ai dám mở cửa thư viện. Khi mở cửa mà thủ thư không co chân chạy nhanh thì không thoát khỏi đám đông người. “Cô Vinh - một thủ thư của thư viện “bụng mang dạ chửa” vừa mở cửa đã bị xô ngã sấp người” – Cô Thủy nhớ lại.

Sau mỗi buổi sáng mở cửa, mỗi gốc cây ở quanh thư viện chỏng chơ những đôi dép đứt quai, tuột quai vô chủ. SV nào chen được vào thư viện thì chân tuột dép, cặp trên vai đứt dây, đầu tóc, quần áo te tua.

Khi Việt Nam đã cách xa thời bao cấp hàng chục năm, SV đến thư viện vẫn còn đặt gạch ngoài cửa để giữ chỗ. Sau khi chen được vào thư viện, có những SV cầm sách rải khắp bàn giữ chỗ cho 3-4 bạn khác. Ngoài việc tìm sách, quản lý chung, cô Thủy còn phải làm nhiệm vụ sắp xếp chỗ ngồi cho SV. Cô đi từng chỗ, điểm mặt, nếu SV nào không có thẻ thư viện, không có mặt phải nhường chỗ cho bạn SV khác học.

Sự cố nghiêm trọng nhất của thư viện mùa thi quá tải là một bạn SV bị móc chân vào cửa sắt, bị “làn sóng” người xô đẩy, giẫm đạp lên. Cuối cùng, SV đó phải vào viện vì bị dập bàng quang. Cô Thủy cũng nhiều lần đưa các bạn SV học ôn thi tại thư viện bị ngất lên trạm xá điều trị.

Cô Thủy nghĩ ra một cách: “Mở từng cửa một, khi nào có bạn SV chen lên là cô đóng cửa lại luôn”. Cô Thủy còn đề nghị Ban quản lý Ký túc Mễ Trì đến mùa thi mở cửa hai giảng đường cho các bạn SV tự học. SV lại có thể mượn sách về nhà đọc trong suốt thời gian thư viện mở cửa. Đội ngũ bảo vệ cũng phải kiêm thêm giữ trật tự. Vì vậy, 1-2 năm trở lại đây, mùa thi ở thư viện đỡ lộn xộn hơn trước.

 Thủ thư không là Ro-bốt!

Thư viện Mễ Trì vào mùa thi
Cô Thủy nguyên là SV K25 chuyên ngành Lịch sử Cổ Trung đại, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Cô Thủy công tác ở thư viện Mễ Trì được 25 năm, từ thời thư viện còn sơ sài với 2 phòng đọc báo, đọc sách và một kho chứa sách.
 

Một sáng kiến của cô Thủy làm thay đổi bộ mặt thư viện là việc chuyển kho đóng sang kho mở. SV có thể tự do vào kho chọn sách mình yêu thích. Sáng kiến này cũng đồng nghĩa với việc cô thủ thư phải làm việc gấp 5 gấp 10 lần. Sách xếp theo chủ đề nhưng nếu SV không để sách đúng quy định thì để tìm 1 quyển sách các cô thủ thư lục tung cả kho với 30 giá sách mới tìm thấy!

“Thủ thư không chỉ là rô – bốt chỉ làm công việc cất sách, lấy sách mà còn phải là “giảng viên” trong lĩnh vực tư vấn học liệu cho các em SV. Thủ thư phải giới thiệu cho SV sách cần, hướng dẫn cho SV tìm sách theo nội dung” – Cô Thủy tâm huyết. Có SV muốn mượn sách cứ “lúng túng như gà mắc tóc”. Sẵn vốn kiến thức về lịch sử, cô Thủy “sắn tay” tư vấn thêm cho SV những cuốn sách bổ ích nhất cho chuyên ngành của bạn SV đó.

Một bạn SV năm thứ 1 không thuộc nội quy nhưng cứ khăng khăng “cháu nắm rất rõ”. SV vào kho mở cầm ra 3-4 quyển sách. Cô Thủy hỏi “cháu có biết được mượn mấy cuốn, trong bao ngày không?” thì SV gãi đầu, gãi tai kêu “cháu không biết”. Được cô Thủy hướng dẫn tận tình, từ lần ấy, bạn SV này trở thành độc giả thân thiết của thư viện Mễ Trì. Mỗi lần lên thư viện học bài, gặp cô Thủy SV đó lại ríu rít “u, con”.

Cô Thủy nhớ nhất hình ảnh bạn Dũng khoa Toán – Tin cặm cụi lên thư viện học tập rất nghiêm túc. Thư viện chính là giảng đường thứ hai của cậu SV này. Dũng ở thư viện hầu hết 30/30 ngày trong tháng. Các SV “ruột” của thư viện đều được các cô thủ thư nhớ mặt, nhớ tên, và có lưu trong sổ “vàng” của thư viện. Cô Thủy chia sẻ: “SV ngoan như Dũng được các cô thủ thư dành cho sự ưu tiên đặc biệt. Tôi có thể linh động cho mượn sách nhiều hơn so quy định. Thậm chí, nếu sách SV yêu cầu sách mà thư viện không có, tôi có sách đó tôi cầm từ nhà đi cho em SV đó mượn”.

Câu chuyện “hài” nhất là sự hiểu lầm “ngộ nghĩnh” với một bạn SV K45 quê ở Yên Bái. Bạn SV này lơ ngơ bước vào thư viện mượn sách, cô Thủy hỏi: “cháu K bao nhiêu? (học khóa bao nhiêu - PV)”. Bạn SV lại trả lời: “Cháu cao 1m68, quê ở Yên Bái…”. Cô hỏi lại lần nữa, SV đó vẫn cứ lặp lại điệp khúc giới thiệu chiều cao, cân nặng… Cả cô, cả SV được phen cười lắc lư.

Trong 25 năm làm thủ thư, cũng có những kỷ niệm, mà mỗi lần nhớ lại, cô Thủy vẫn buồn. Cô Thủy tiếc nhất cho trường hợp N.T.H.L, nguyên SV K43 khoa Ngôn ngữ học. Cô Thủy nhắc đi nhắc lại với SV trước khi vào kho chọn sách: “Nếu các SV có yêu cầu in, sao chép các cô đều tạo điều kiện tối đa”. Nhưng H.L vào kho mở tự chọn sách, trong phiếu yêu cầu một đằng, nhưng H.L mang ra phòng đọc lại là quyển sách khác. Cô Thủy phát hiện là trên giá sách trong kho mở có quyển sách quý bị xé mất 10 tờ. H.L phải chịu kỷ luật nặng của nhà trường do cố tình vi phạm nội quy thư viện.

Nhiều người mưu chuộc lấy sự nhàn hạ là niềm vui sống. Còn điều mà cô Thủy mong muốn lại là phục vụ thêm nhiều SV đến học tập và nghiên cứu tại thư viện. Các cô thủ thư có thể vất vả, mệt, và căng thẳng hơn nhưng đó mới là niềm vui có ý nghĩa nhất của những người “môi giới” tri thức.

  • Lưu Vân

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;