221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1151111
HS có thể học mà không cần đến trường?
1
Article
null
HS có thể học mà không cần đến trường?
,

 - Chấp nhận thêm phương thức giáo dục HS không cần đến trường học. Nên quan niệm nền giáo dục đại học hiện nay là nền “GD sau trung học phổ thông. Mũi đột phá thứ hai là quản trị và tài chính.

GS Phạm Phụ đề xuất như vậy trong "câu chuyện dài hơi" về  chiến lược giáo dục đến 2020. Dưới đây là phần tiếp theo của cuộc trao đổi, với chủ đề "đổi mới tư duy ngay từ quan điểm chỉ đạo".

Phần 1: Thử làm vài thao tác tính toán về con số tiến sĩ 

HS có thể học mà không cần đến trường?

THÊM PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC "KHÔNG THEO NGHI THỨC"?

Còn về nội dung, theo GS, đâu là những vấn đề gay cấn nhất mà nếu chiến lược chưa có những giải pháp quyết liệt thì nền GD Việt Nam khó có thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình?

GS. Phạm Phụ: Thiết nghĩ, đây phải là kết quả của những nghiên cứu rất công phu.

 Vậy nội dung gì cần phải được bổ sung hoặc cần phải được làm rõ hơn trong chiến lược?

 Ý kiến của tôi ở đây có thể sẽ thuộc loại thiểu số.

Thứ nhất là sự không tương thích giữa sứ mệnh và nội dung chương trình của GD phổ thông. Phải chăng, sứ mệnh ở đây chủ yếu là GD để làm người, làm công dân tốt… với những kiến thức phổ thông chung nhất, nhưng chương trình lại quá hàn lâm, quá nặng nề?

Chính điều này, một mặt làm cho nền GD phổ thông kém hiệu quả, với đa số các em (gần 70% lao động đang là loại lao động phổ thông), quá thừa những cái quá khó và quá thiếu những điều quá bình dị như biết nói lời xin lỗi, biết sống khoan dung, biết sống có văn hóa, biết an tâm và có trách nhiệm với công việc đang làm v.v… Mặt khác, các em không thể “mang niềm vui học tập”, không thể thấy GD là hạnh phúc…

Còn thầy giáo, không thể đổi mới phương pháp dạy học, không thể đủ thì giờ để tạo dựng cho các em tư duy sáng tạo, “bày tỏ ý kiến của riêng mình”...

Thứ hai, trong “tái cấu trúc hệ thống GD quốc dân” như đã nêu ở giải pháp 3, cần bổ sung các nội dung sau:

Chấp nhận thêm phương thức GD tạm gọi là “không theo nghi thức” (informal), có thể không cần đến trường, đến lớp. Ở Mỹ có “trường học gia đình”. Thái Lan cũng đã đưa phương thức này vào hệ thống GD. Nhiều trí thức lớn của Việt Nam cũng đã đi lên bằng tự học.  

Hiện nay, có đến gần 90% học sinh TCCN là những em đã tốt nghiệp THPT 12 năm. Với các em này, nhiều mảng của chương trình GD phổ thông nói trên là lãng phí không cần thiết. Vả lại cho đến 2020, vẫn chỉ có 60% lao động được đào tạo, tối thiểu qua trình độ công nhân bậc 3, trong khi đó bài toán phân luồng hàng chục năm qua chưa giải quyết nổi. Vì vậy, phải chăng nghiên cứu để chuyển sang nền GD phổ thông 11 năm như ở một số nước và phân luồng từ đó? Các em học tiếp ở các ĐH truyền thống thì cần có thêm một vài năm học chuẩn bị để vào ĐH. 

Nên quan niệm nền GDĐH hiện nay là nền “GD sau trung học phổ thông như ở phần lớn các nước trên thế giới, cứ sau tú tài học thêm một năm vẫn gọi là SV ĐH. Và, tổ chức “phân tầng” nền GD ĐH, trong đó chỉ có khoảng 10% SV là học ở các ĐH định hướng nghiên cứu, còn lại là ĐH định hướng nghề nghiệp, trong đó có nhiều ĐH không là loại truyền thống (“Non – university sector”), “dạy là chủ yếu”. 

Khi đó, tất sẽ không có chuyện Bộ phải quy định cứng nhắc là, TG ở ĐH mỗi năm có 900 giờ giảng dạy và bao nhiêu giờ nghiên cứu khoa học… Đó là công việc của trường.

Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính và đầu tư cho đủ mức tối thiểu đối với nền GD. Năm 2006, với mức chi cho một đầu học sinh công lập từ Ngân sách Nhà nước khoảng 0,22% GDP/đầu người, hoàn toàn có thể bảo đảm cho lương giáo viên trên 30 triệu đồng/năm, bằng khoảng 2,6 lần GDP/đầu người.

Theo Ngân hàng thế giới năm 1990, đây cũng là con số bình quân của lương giáo viên tiểu học ở các nước Châu Á vào giữa thập niên 80, khi mà trình độ phát triển của họ cũng gần như Việt Nam hiên nay. Vấn đề ở đây là phải sử dụng có  hiệu quả nguồn lực tài chính.

Nhưng đối với GDĐH, đầu tư hiện nay còn chưa đủ mức tối thiểu cần thiết. “Chi phí đơn vị” (mức chi cho 1 SV trong 1 năm) hiện nay bình quân khoảng 500USD. Trong khi đó, suy luận theo cách ước tính của một số chuyên gia ở WB cũng như so sánh với các nước khác, “chi phí đơn vị” hợp lý phải là vào khoảng 120 – 150% GDP/đầu người, nghĩa là khoảng 1.200 – 1.500USD.

Năm 2004, WB cũng đã nhận xét: “Chi tiêu bình quân trên đầu SV công lập ở Việt Nam đạt từ 53% đến 57% GDP/đầu người, thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 nước trên thế giới có số liệu, khoảng 93% GDP/đầu người.

Do vậy, bài toán cung cấp tài chính cho GDĐH và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính cho GD nói chung là một trong những nội dung cần phải có những cải cách thực sự.

KHÔNG THỂ ĐẢM BẢO "CHẤT LƯỢNG GD TỐT NHẤT TRONG ĐIỀU KIỆN CHI PHÍ CÒN HẠN HẸP"

Các điểm trường còn quá thiếu thốn về các điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng nhà trường. Ảnh: Chí Thông
Có lẽ sẽ có nhiều ý kiến về các nội dung nói trên. Nhưng trước tiên, thiết nghĩ, đó sẽ là những ý kiến về mức “chi phí đơn vị” cho GDĐH mà GS vừa nêu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ 01/2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể đầu tư 100% vốn để mở các cơ sở GDĐH ở Việt Nam, GDĐH Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường phải biết cạnh tranh với nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ GDĐH, với cùng một mặt bằng giá, nếu tính theo sức mua của đồng tiền.

Vì vậy, sắp tới khó có thể có chuyện, anh chi 500USD, các nước khác lại chi đến 5.000, 10.000USD và hơn nữa, mà “sản phẩm” của anh lại có thể có chất lượng tương đương với chất lượng sản phẩm của họ. Trong khi đó, toàn cầu hóa cũng có nghĩa là có một thị trường lao động toàn cầu, lao động Việt Nam cũng phải có đủ sức cạnh tranh trong thị trường đó.

Nhưng GD cũng đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế trong nhiều năm qua, thưa GS!

Đúng vậy, những năm trước đây, Việt Nam đã có chỉ số xếp hạng về “GD cho mọi người” khá tốt, thứ hạng cao hơn 40 vào những năm trước 2004, đứng trên cả Malaysia. Chính thành quả này đã đóng góp rất lớn vào các thành quả về kinh tế trong gần 20 năm qua, giai đoạn mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn và lao động.

Nhưng nay, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn của chất lượng nguồn nhân lực, của công nghệ v.v…, của “yếu tố năng suất tổng hợp” nói chung, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong bài phát biểu đầu năm 2009, rõ ràng không thể chấp nhận được với một nền GDĐH như vậy.

Do đó, tôi không nghĩ, “quan điểm chỉ đạo” như: “GD phải đảm bảo chất lượng tốt nhất trong điều kiện chi phí còn hạn hẹp” lại có thể đảm bảo được những sứ mạng của GD Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào WTO. Nói đổi mới tư duy, phải đổi mới từ các quan điểm chỉ đạo là vì vậy.

 Chính GS còn nêu lên cả vấn đề công bằng xã hội (CBXH)  trong GD, vậy làm sao có thể có được con số “chi phí đơn vị” đến 1.200 USD nói trên trong bối cảnh thu nhập bình quân năm tính trên đầu người của Việt Nam còn rất thấp, đặc biệt là của lớp dân cư 20% nghèo nhất?

Tôi chưa thấy dữ liệu liên quan đến mất CBXH giữa giàu nghèo trong Chiến lược GD. Tuy nhiên, nói riêng trong GDĐH, có lẽ, tỷ lệ SV trong thanh niên ở độ tuổi của lớp 20% dân cư giàu nhất so với con số này của lớp 20% dân cư nghèo nhất đã chênh lệch nhau khá lớn, lớn hơn cả chênh lệch về thu nhập năm của 2 lớp dân cư này.

Do đó, bài toán bạn nêu ra đúng là một bài toán hết sức nan giải. Cũng chính vì vậy, tôi rất mong chờ “đề án đổi mới cơ chế tài chính”. Đáng tiếc cho đến giờ này, chỉ mới được biết chuyện tăng học phí (!).

Thiết nghĩ, giải cho được bài toán nan giải đó mới là nhiệm vụ cơ bản của Đề án. Và, phải chăng, cần nêu thêm một “quan điểm chỉ đạo” nữa, đại ý là: “Đảm bảo chỉ số CBXH trong GD tốt hơn là chỉ số CBXH về thu nhập”?

CẦN ĐỘT PHÁ VÀO QUẢN TRỊ VÀ TÀI CHÍNH

Thí sinh dự thi ĐH năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Như vậy là chúng ta còn quá nhiều bài toán nan giải. GS có cho rằng “các giải pháp mang tính đột phá” nêu lên trong Chiến lược có thể bước đầu đột phá được vào các bài toán nan giải đó?

Tôi cho rằng, chọn “quản lý GD” làm điểm đột phá thứ nhất là hợp lý. Tuy nhiên, phải có tính chuyên nghiệp trong việc thiết kế các chính sách cũng như cơ chế quản lý.

Xin lấy ví dụ, theo một nghiên cứu của UNDP ở Việt Nam năm 2007, trợ cấp GD từ chính sách an sinh xã hội chỉ có 15% chảy vào nhóm 20% dân cư nghèo nhất, nhưng lại có đến 35% chảy vào nhóm 20% dân cư giàu nhất.

Nghĩa là chính sách đã làm thêm mất CBXH. Nếu “đổi mới cơ chế tài chính” mà cũng đem lại kết quả kiểu như vậy thì e rằng, bài toán nan giải lại trở thành càng nan giải hơn. Vì, GD còn là vấn đề CBXH. 

Còn việc xây dựng đội ngũ trên 1 triệu nhà giáo ở mũi đột phá thứ hai, theo tôi đây là một việc hết sức quan trọng nhưng là một công việc dài hạn, cần phải có những nỗ lực bền bỉ hàng chục năm, khó mà tạo được sự đột phá.

Phải chăng, mũi đột phá thứ hai chính là bài toán cung cấp tài chính cho GD, và trước mắt là, sử dụng có hiệu quả và minh bạch về mặt tài chính?

Nghĩa là, theo GS, 2 mũi đột phá cho vài ba năm trước mắt là quản lý và tài chính?

Đúng hơn là quản trị và tài chính. Nhưng với riêng GD phổ thông, có lẽ cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, nội dung. Nhiều nước có rất nhiều kinh nghiệm về những mảng công việc này. Nhưng tốt hơn là, cần có một sự chuẩn bị bài bản hơn trong một vài năm để thực hiện cuộc cải cách GD cho giai đoạn 2011-2020. Vì, “cải cách vội vã là bóp chết cải cách”.

  • Hạ Anh (thực hiện) 

Bài 3: Cấu trúc lại nền giáo dục đại học

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;