- Trong chuẩn 9 có chỉ số "quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên như đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng". Điều này liên quan đến tính cách, sở thích của mỗi bé, có bé thích, có bé đặc biệt sợ. Làm sao có thể bắt 1 em bé 5 tuổi phải thích thú?
Phụ huynh Phạm Mỹ Lan (Hà Nội) góp ý với “dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến.
Làm đại trà: Không ổn!
Con gái tôi sinh năm 2003. Nghĩa là cháu thuộc đối tượng sẽ được đánh giá theo 29 chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra. Với cá nhân con gái tôi thì cũng không có gì là khó để đạt được các chuẩn nêu trên. Nhưng sau khi đọc tất cả các chỉ số, tôi thấy nếu áp dụng trên cả nước và với mọi đối tượng thì quả là không ổn.
Cu Tin 2 tuổi đang rất hứng thú cho con dê ăn tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: Bảo Anh.
Theo chuẩn hiện hành (ban hành từ năm 1990), cái khó nhất có lẽ là thể trạng của bé vì nhiều khi nó nằm ngoài sự mong muốn của gia đình dù đã được chăm sóc kỹ càng, dinh dưỡng đầy đủ (áp dụng với trẻ thành phố) thì ngay từ lúc sinh ra, cháu đã luôn ở trên cả kênh A (3,7kg), hiện giờ cháu đã cao 120cm, nặng 26kg và theo nhận xét của cháu thì “con mới chỉ mũm mĩm chứ chưa béo đâu”.
Tôi đã kiểm tra tất cả các chỉ số và cảm thấy cũng không có gì là quá tải vì cháu có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu.
Không những thế, ở nhà, cháu đã có thể giúp bố mẹ các việc đơn giản như dọn dẹp phòng, tự rửa cốc sau khi uống sữa, đi đổ rác khi có kẻng báo, dọn cơm, xới cơm, dọn bàn và gập bàn ghế sau khi ăn và đặc biệt, cháu đã tự vệ sinh, thay quần áo hàng ngày không cần có sự trợ giúp của bố mẹ từ khi lên 4.
Nhưng sau khi đọc tất cả các chỉ số thì tôi thấy nếu dự thảo này áp dụng trên cả nước và với mọi đối tượng thì quả là không ổn và ngay lập tức áp dụng thì quả là quá khó.
Giáo viên là người tiếp xúc với các con ở lớp thì chính họ sẽ là người đánh giá các con chính xác và dễ dàng nhất, nhất là khi có sự so sánh cụ thể với các cháu cùng lứa tuổi.
Theo tôi, giáo viên sẽ đánh giá chính xác hơn cả phụ huynh vì với mỗi phụ huynh, con họ mãi là một đứa bé vì thiếu sự so sánh với các trẻ khác.
Không lạ khi 1 trẻ 5 tuổi mà khi đi học hoặc khi đón về, bố mẹ, ông bà vẫn xách cặp, mặc áo khoác và đi giầy cho bé, chưa để bé tự làm. Ở nhà, gia đình cũng không để các bé tham gia vào các việc để bé có thể phát triển toàn diện như các chuẩn nêu trên.
Theo chuẩn 4, 5, 6 thì trẻ phái đáp ứng được các yêu cầu khá cụ thể như:
a) Biết một số hoạt động của bản thân trẻ trong sinh hoạt hàng ngày có lợi cho sức khỏe, sự lớn lên và phát triển của cơ thể (VD: đánh răng, tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục…); e) Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp. (chuẩn 4)
d) Biết chọn quần áo phù hợp với thời tiết e) Giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ. (chuẩn 5) b) Nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi…) ; (chuẩn 6) |
Chiếu theo các yêu cầu này thì nhiều vị phụ huynh sẽ… phát hoảng vì thấy con mình chắc chắn chưa đạt chuẩn (kể cả trẻ em ở thành phố) vì có lẽ các bé cũng chưa phải tự làm những điều ấy bao giờ hoặc cũng chưa được dạy kỹ càng, cụ thể.
Một em bé không bao giờ có thể giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ vì trẻ rất ưa hoạt động, lúc nào chẳng thấy mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc ướt đẫm vì mải nghịch. Có khó không nếu một bé trai 5 tuổi đã biết ý thức không tự ý sử dụng các đồ vật nguy hiểm?
Bắt trẻ phải thích động vật?
Lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội là khó đánh giá nhất.
Trong chuẩn 9, thể hiện và biểu hiện cảm xúc như mục d (Quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên như đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng); mục đ (Thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc) thì hoàn toàn liên quan đến tính cách, sở thích của mỗi bé, có bé thích con vật, có bé đặc biệt sợ.
Làm sao có thể bắt 1 em bé 5 tuổi thích thú với đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng, có là sự quá bắt buộc đối với 1 em bé không?
Để gia đình tham khảo hay nhà trường "chấm điểm"?
Theo tôi, dự thảo này chỉ nên đưa ra để gia đình tự đánh giá con em mình và dựa vào các tiêu chí đó để dạy bảo, hướng dẫn các con để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất chứ không nên để giáo viên đánh giá.
Vì, với căn bệnh thành tích ngày nay, giáo viên sẽ làm việc thiếu khách quan trong đánh giá vì chẳng cô giáo nào muốn trong lớp mình có nhiều em “không đạt chuẩn” - nó sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả lớp, cả trường.
Nếu bắt buộc áp dụng các chuẩn này cho trẻ 5 tuổi thì chắc chắn sẽ có hiện tượng “ngồi nhầm chỗ” xảy ra ở lứa tuổi mầm non. Hãy để trẻ phát triển tự nhiên (có định hướng, có tiêu chí), bước vào trường tiểu học, rồi trẻ cũng sẽ lớn, sẽ hoà nhịp dần dần với môi trường học tập khắt khe ở lứa tuổi lớn hơn. Một em bé rất nhút nhát, rất còi cọc bây giờ nhưng sau này, biết đâu đó lại là một thiên tài…
-
Phạm Mỹ Lan (Hà Nội)
Ý kiến đóng góp của quý vị cho dự thảo:
Đổi 1.000 VNĐ lấy 1.000 USD tại đây
Click - Rinh dế 2 sim 2 sóng |