- Nhiều người ở làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng việc 3 bố con anh Nguyễn Khắc Giang ở thôn 7 đi học là “khùng”. Bởi "người ta thì "gác nọ, gác kia", phụ tử nhà anh lại “rủ nhau” học chữ Hán.
Bố con cũng là "bạn học"
Mặc người ta nói
Người làng Nành vẫn kiêu hãnh về nghề thuốc với các vùng, miền khác. Nơi đây từng sinh ra chánh ngự y Nguyễn Tán (1817 - 1880) và phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt (1838 - 1903). Các thầy lang giỏi thì xóm nào cũng có. Giờ đây, nhà nào cũng có hàng trăm cuốn sách quý về nghề thuốc của các vị tiền bối để lại nhưng không ai biết đọc cả bởi toàn là chữ Hán cổ.
Trước tình hình đó, các cụ trong làng đau đáu một nỗi: Làm sao giữ được nghề thuốc đây? Suy đi tính lại, các cụ quyết định lập lớp dạy học chữ Hán cho người dân trong làng.
Lớp mở ra, người đi học đa phần là các thầy lang.
“Nhà tôi nghèo, nếp nhà từ thời các cụ để lại vẫn chưa sửa chữa lại được gì. Người ta thì gác nọ, gác kia (lên tầng - PV) mà bố con tôi lại đi học chữ Hán, không chú ý đến việc làm giàu cho gia đình nên bị gọi như vậy cũng đúng thôi” – anh Giang phân trần.
Mặc thiên hạ nói mình “gàn dở”, cứ đến thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, 3 bố con lại dắt nhau đến lớp học chữ Hán tại nhà văn hoá thôn.
Nếp nhà cổ có từ thời ông cụ để lại, theo như anh nói “tuổi ngôi nhà bằng với tuổi của tủ sách chữ Nho" hiện đang lưu giữ một tủ sách cổ gần 400 năm.
“Sách quý thật, tôi biết trong đó toàn là những bài thuốc quý từ thời ông cha để lại, mà giờ ngặt nỗi con cháu không ai đọc được”. Thế nên, cho các con đi học rồi cả mình nữa để biết đọc sách của cha ông, giữ gìn truyền thống gia đình”, anh Giang nói.
Anh Giang còn cho biết, vợ anh, chị Nguyễn Thị Hạnh, đang sắp xếp công việc để đi học cùng 3 bố con.
Hiện nhà làm 7 sào ruộng nhưng theo anh Giang, nhiều hôm phải bỏ việc đồng để đi học, bởi “bỏ một buổi học thì tiếc lắm. Ruộng có thể không làm nay thì làm mai nhưng việc học thì các thầy chỉ dạy có một buổi, sau đó lại chuyển sang bài khác”.
Ở làng, những khu nhà cao tầng hiện lên san sát, xe vào ra lấy hàng tấp nập. Cuốn vào cuộc mưu sinh, gia đình anh cũng bươn chải muôn đường, mong sao cuộc sống khấm khá hơn.
Sau những vật lộn với cuộc sống, vào các buổi cuối tuần, anh Giang lại cùng 2 con “lắc lư” theo những nét chữ “rồng bay phượng múa” của "ông đồ" làng.
Con học trước, cha theo sau
"Ruộng có thể không làm nay thì làm mai nhưng việc học thì các thầy chỉ dạy có một buổi".
Ngay khi các cụ trong làng mở lớp dạy chữ Hán miễn phí cho người dân, anh Giang đã tính tới chuyện cho các con đi học.
“Hiềm một nỗi, thằng Đoan khi ấy còn nhỏ quá, mãi tới năm 2005, khi cháu lên lớp 5, mình và vợ mới định hướng, động viên cháu đi học chữ Hán”, anh Giang phân trần.
Chả là đã có lần, anh đang ngồi nghỉ trong nhà thì thằng Đoan đang ngồi bàn học, chạy tới thủ thỉ: "Bố ơi! Nhà mình nhiều sách chữ Nho thế này, mà chẳng có ai biết đọc".
Nghe con nói như vậy, vui quá, anh đệm ngay vào: "Hay con đi học với các bác trong làng để mai này biết đọc sách của cha ông nhà ta để lại”.
Anh không thể ngờ cậu con trai nghịch ngợm lại chịu đi học chữ Hán. “Bởi tiếng Hán khó học hơn tiếng Anh, tiếng Pháp, lại thêm trong làng không có cháu nào cùng lứa tuổi nó đi học thứ chữ này cả”. Thành ra, cứ đến cuối tuần, anh lọ mọ dẫn con ra nhà văn hoá thôn học cùng các cụ.
Được một thời gian, cô con gái út Nguyễn Thị Thời (đang học lớp 4) thấy anh trai nói được ít chữ Hán, biết một số từ trên tivi cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học.
Anh nghĩ: Chẳng biết con người ta thế nào chứ 2 con như vậy, mình lại hy vọng chúng sẽ kế thừa được cái di sản của cha ông để lại. “Sắt mài mãi cũng thành kim” huống chi người chăm học, siêng năng!”, anh nghĩ giản dị.
Thường xuyên đưa các con đến lớp, đứng nghe thầy dạy, rồi không biết lúc nào, anh cũng mê luôn chữ Hán.
Cách dạy của các thầy trong làng là: học không biết chán; học một chữ biết nhiều chữ, học một chữ biết nhiều nghĩa. “Các cụ soạn giáo án thường vận vào các điển tích xưa, các câu thơ văn…cho nên người học cảm thấy dễ học, dễ nhớ lắm”, anh cho biết.
Đoan cười húp híp khoe: “Giờ cháu học được nhiều chữ, hiểu được nhiều điển tích, thơ văn xưa rồi chú ạ”.
Từ giữa năm 2007, 3 bố con anh Giang đã là “đồng môn”. Giờ đây, anh Giang đã học sang cuốn Tam Tự Kinh, còn thằng Đoan đã học sang Hán văn. Cuốn sách ba bố con đang đọc là cuốn "Hành trình đi sứ" của phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt.
Anh Giang giãi bày: “Tôi học chữ thánh hiền còn bởi một nhẽ, trong chữ có đạo. Đi học để tải đạo về vận dụng vào đời sống của mình”.
Bác lớp trưởng Nguyễn Thọ Trinh (64 tuổi) tâm sự: “Muộn nhưng còn hơn không. Việc 3 bố con chú Giang đi học là rất đáng học tập. Mình người lớn đi học sẽ truyền cho các cháu sự say mê học tập và cũng là để các cháu giữ gìn bản sắc của làng: Biết đọc gia phả, hoành phi, câu đối, dịch sách thuốc”.
-
Văn Chung - Duy Thành