- Trường ĐH Hùng Vương dự kiến sẽ thu học phí theo từng tiết học, cụ thể, mỗi tiết học là 8.500 đồng; cao hơn 1.000 đồng so với năm ngoái. Và nếu tính trung bình, mỗi học kỳ, sinh viên đóng học phí là 3,5 triệu. Năm 2008 - 2009, mức học phí này là 3 triệu đồng.
Hầu hết, các trường ngoài công lập đều dự kiến tăng học phí trong mùa tuyển sinh 2009. Nhìn chung, mức tăng thấp nhất là 1 triệu/năm so với năm học 2008 - 2009.
Thí sinh tìm hiểu thông tin học phí của Trường Kỹ thuật Công nghệ. Ảnh Đ.T |
Ths. Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: "Thu học phí theo tiết học là để dần chuyển qua hệ đào tạo tín chỉ. Nếu học theo tín chỉ, sinh viên sẽ đóng 125.000/một đơn vị học trình".
Hiện nay, ĐH Văn Hiến chưa đưa ra mức học phí cho năm học 2009 - 2010, nhưng theo dự kiến của trường, mức này sẽ cao hơn năm trước.
Năm học 2008 - 2009, mức học phí thấp nhất của trường là 2,4 triệu/học kỳ, thuộc về ngành Du lịch hệ TCCN.
Còn các ngành thuộc khối Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông có mức học phí là 2,8 triệu/học kỳ. Các ngành còn lại có mức học phí khoảng 2,6 triệu/học kỳ.
Ths. Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường giải thích: "Thời điểm này mà đưa ra mức học phí cho năm học 2009 - 2010 thì quá sớm. Thường vào tháng 7, các trường mới có mức học phí cho khoá tuyển sinh mới. Vì thế, năm nay trường dự kiến sẽ tăng học phí nhưng tăng bao nhiêu thì chưa xác định".
ĐH Hoa Sen cũng ấn định mức học phí cho hệ đại học là 19 triệu/năm và cao đẳng là 17 triệu. Bù lại, theo thông tin của trường, SV sẽ được học phòng máy lạnh, hệ thống máy chiếu, âm thanh... Lớp ít sinh viên, SV sẽ được sử dụng giáo trình gốc.
ĐH Văn Lang cũng sẽ tăng học phí đối với sinh viên khoá mới, nhưng mức tăng sẽ không đáng kể. Riêng sinh viên các khoá cũ, mức học phí vẫn giữ nguyên.
Cụ thể học phí năm 2008 – 2009 của ĐH Văn Lang: ngành Công nghệ thông tin của trường dẫn đầu với mức học phí là 16 triệu đồng/năm. Còn các ngành khác của trường có mức học phí từ 8 – 9 triệu đồng/năm, chẳng hạn như Kỹ thuật nhiệt lạnh: 8,2 triệu đồng, Kiến trúc: 9 triệu đồng, Kế toán: 8,8 triệu đồng.
Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường khẳng định: "Với những sinh viên cũ, suốt khoá học, trường sẽ không tăng học phí. Riêng khoá 2009, học phí dự kiến sẽ tăng nhưng không nhiều. Phương án không tăng học phí khoá này cũng đang được trường xem xét".
Năm học 2009 - 2010, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ sẽ giữ nguyên mức học phí so với năm học trước. Hiện nay, bậc đại học của trường có mức học phí dao động từ 4 - 4,3 triệu/học kỳ, tuỳ ngành nghề đào tạo. Còn bậc cao đẳng có học phí từ 3 - 3.9 triệu/năm.
Nếu tính theo hệ tín chỉ, các môn đại cương thuộc nhóm ngành Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn, Khoa học Mác-Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ "có giá" 240.000 đồng/tín chỉ. Các môn đại cương khác và các môn thuộc khối kiến thức cơ sở ngành có mức thu là 260.000 đồng/tín chỉ.
Các môn chuyên ngành nhóm các ngành Kinh tế - xã hội, Quản trị kinh doanh, Du lịch - nhà hàng - khách sạn, Kế toán - kiểm toán, ngoại ngữ là 280.000 đồng/tín chỉ.
Giá 300.000 đồng/tín chỉ dành cho các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ như Điện công nghiệp, Công nghệ tự động, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật môi trường, Xây dựng... Giá cao nhất thuộc về các môn chuyên ngành của nhóm ngành đặc thù như Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Công nghệ sinh học, Cơ tin kỹ thuật, Công nghệ thực phẩm...
Ở bậc cao đẳng, cũng có mức thu từ 220.000 - 280.000 đồng/tín chỉ tùy theo nhóm ngành, môn học. Theo ông Trần Hồng Hoàng, Phó phòng Đào tạo của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ: "Học phí của năm 2009 - 2010 sẽ không thay đổi so với mức thu của học kỳ II năm học 2008 - 2009. Và từ năm 2008, trường đã tiến hành thu học phí theo từng tín chỉ".
-
Đoan Trúc