- Nhà xe tự tiện tăng giá vé xe khi chưa được phép, thiếu chỗ để nên làm khó sinh viên bằng nhiều chiêu", gửi rồi nhưng “nếu không khóa, mất không chịu trách nhiệm”, thái độ làm việc không tốt, … là những phản ánh của sinh viên về thực trạng trông giữ xe cho SV hiện nay.
Bảng đề 500 đồng, thu 1.000 đồng
Bảng quy định giá vé gửi xe của ĐH Sư phạm HN "bất lực" vì nhân viên nhà xe cố tình làm sai.
Bạn Nguyễn Thu Hương, SV năm 3 Trường ĐHSP Hà Nội phản ánh: Nhà trường có thông báo cụ thể về mức phí trông giữ xe đạp, xe máy cho SV nhưng nhà xe không thực hiện đúng.
Cụ thể: giá trông xe đạp mỗi lần là 1.000 đồng, với xe máy là 2.000 đồng, cao gấp đôi so với giá quy định. Đó là chưa kể đến việc nếu đã gửi ở nhà xe Hiệu bộ, không lấy kịp, đêm họ chuyển xuống KTX thì những SV như Hương phải mất 10.000 đồng mỗi đêm.
Ngay tại bãi xe của nhà xe Hiệu bộ niêm yết bảng giá hiện hành: từ 5h30 đến 18h: 500đồng/xe đạp, 1.000 đồng/xe máy.
Tới trường ĐHSP Hà Nội, khi PV VietNamNet thắc mắc, anh nhân viên trông xe cũng nói: “Mới tăng giá rồi. Giờ làm gì còn ai thu 1.000 đồng/xe máy nữa?”.
Cách đó khoảng nửa tiếng, ông Ngô Văn Hoan, Trưởng phòng Quản trị của nhà trường khẳng định: “Chúng tôi vẫn đang áp dụng mức giá đúng với mức ghi trên bảng giá treo ở nhà xe”.
Thu vượt quy định, mỗi ngày chủ nhà xe "đút túi" không ít tiền của SV, vì lượng xe gửi hàng ngày rất đông (Ảnh chụp tại nhà xe Hiệu bộ - ĐH Sư Phạm HN) |
Theo ghi nhận, tại nhà xe ở hầu hết các trường, giá phổ biến đang áp dụng hiện nay là 2.000 đồng/xe máy và 1.000 đồng/xe đạp. Chỉ có lác đác vài trường nhà xe vẫn thu theo mức giá 500 đồng/xe đạp và 1.000 đồng/xe máy như trường ĐH Hà Nội, ĐH Luật, ĐH Thương mại,v,v,,.
Gần đây, một số trường đã đồng loạt tăng giá vé trông xe.
ĐH Công đoàn cũng tăng gấp đôi giá vé gửi xe từ tháng 9/2008. Kể từ khi tăng, tình trạng nhân viên nhà xe tự ý tăng xảy ra và kéo dài trước đó khiến SV khó chịu đã được chấm dứt.
"Bỗng dưng muốn … tức!"
Thái độ phục vụ của nhân viên nhà xe mới là điều các SV phàn nàn nhiều nhất.
“Khi anh nhân viên trông xe thu vé xe máy quá quy định đề ở biển thông báo, em nói sẽ báo cáo việc này với nhà trường. Anh ta thản nhiên bảo: “Lên mà báo cáo”. Các bạn em bị như vậy vài lần cũng đâm ra nản”, Hương, SV Sư phạm cho biết.
Không những vậy, có SV "bỗng dưng … muốn tức" khi hỏi mãi mà nhân viên không trả lời: “Em vào trường Bách khoa chơi, lúc lấy xe, hỏi 2 câu, thay vì nhận được câu trả lời, em nhận được câu quát: “Không nhìn giá vé à mà còn phải hỏi? Học ở đây mấy năm rồi?”. Bích, SV trường ĐH Sư phạm kể lại.
Gửi xe, lấy vé rồi vẫn phải khóa. Không khóa, mất không chịu trách nhiệm (?!). Phát hiện không khóa, phạt tiền ngay! |
Có một tình huống “hi hữu” xảy ra ở nhà xe đối diện Sân vận động Trường ĐH Công đoàn.
Đây là nơi gửi xe của những SV Luật, Y dược học cổ truyền vào học Giáo dục thể chất. Nếu SV không khóa xe lại, khi mất, nhân viên không chịu trách nhiệm (?!). Được nhắc nhở rồi mà vẫn quên khóa xe sẽ bị phạt: 5.000 đồng/xe đạp; 10.000 đồng/xe máy cho mỗi lần quên.
Với những SV lần đầu “mắc lỗi”, anh còn nhân nhượng. Nhưng đã quen mặt ai mà người đó vẫn quên thì anh phạt càng nặng vì lý do: “Biết “quy chế” rồi mà vẫn vi phạm”.
“Vì thế, ai đi học cũng phải mang theo khóa xe, nếu không thì ngày nào cũng bị phạt”, bạn Hoài, SV K31 Luật Dân sự cho biết. Lần đầu, Hoài bị phạt oan vì là "lính mới", chưa biết nội quy "bất thành văn" này.
Không phải nhân viên nhà xe nào cũng có cách xử sự hợp lý với khách |
Ông Phạm Quang Đạt, Trưởng phòng Hành chính nhà trường ngạc nhiên: “Quả tình, tôi chưa nghe thấy thông tin này"...
Tuy nhiên, ông Đạt thừa nhận trách nhiệm thuộc về nhà trường: “Nhà xe là của nhà trường, bất kể biểu hiện không tốt nào cũng đều phải sửa chữa”.
Ở phương diện ý thức, ông cho rằng cách làm này đã tạo được thói quen tốt trong bảo quản tài sản cá nhân của SV. Tuy nhiên, cách làm của người trông xe chưa được mềm dẻo.
Anh Lê Thanh Nghị, chủ nhà xe trường ĐH Thủy lợi cho biết đã phải đuổi việc mấy nhân viên trông xe vì thái đố bất lịch sự đối với SV.
Không “chỉnh” được nhà xe, nhà trường “đành” tăng giá
Tại trường ĐH Sư phạm, việc nhà xe tự ý nâng giá vé xe lên xảy ra đã lâu, đã bị phạt cảnh cáo 2 lần, mỗi lần 1 triệu đồng nhưng thực trạng này vẫn không chấm dứt triệt để.
“Muốn làm triệt để, phải có phối hợp của SV. Đây là phối hợp quan trọng nhất vì SV là người “chịu trận”, nhà trường phạt phải có bằng chứng cụ thể. Các bạn có thể báo cáo trực tiếp với chúng tôi, hoặc gọi cho số điện thoại nóng dán ngay ngoài cửa nhà xe", ông Ngô Văn Hoan, Trưởng phòng Quản trị ĐH Sư phạm Hà Nội nói.
Ông Hoan cho rằng không thiếu kênh thông tin để các bạn phản hồi nhưng chính bản thân SV chưa có ý thức tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Quản lý nhà xe không dễ? |
Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Hoan phân tích việc thu giá vé quá thấp so với mặt bằng chung hiện nay có cái lợi là bảo vệ được quyền lợi cho SV, nhưng cũng tạo ra kẽ hở để nhân viên trông xe “trục lợi”.
“Liệu có nên tăng giá vé gửi xe bằng mức nhà xe đang thu (không đúng quy định) hiện nay để nhà xe không có cơ hội lợi dụng tự ý tăng giá, gây thiệt hại cho SV?”, ông Hoan tập hợp một số ý kiến và đề xuất.
Cùng chung ý tưởng với ông Hoan, ông Phạm Quang Đạt (Trường ĐH Công đoàn) đã “nhanh chân” thực hiện trước và lý giải "số tiền thu thêm được từ việc tăng giá vé xe sẽ được tái đầu tư cho hoạt động của chính các em”.
“Trường ĐH Hà Nội, ĐH Luật, nhân viên nhà xe vẫn thực hiện nghiêm túc việc thu vé xe theo quy định của nhà trường (500 đồng/xe đạp, 1.000 đồng/xe máy). Vậy tại sao không tìm cách quản lý triệt để như các trường này, để SV không phải đóng mức giá cao hơn?”
“Nếu tăng giá vé xe như thế này, chúng tôi thấy tiện: nhà xe không làm sai được nữa, tiền không chảy vào túi của nhà xe mà chảy về ngân sách của nhà trường để tái phục vụ cho chính các SV, đằng nào SV cũng không thiệt. Hơn nữa, làm thế để đỡ phải mất công quản lý nhà xe”, ông Đạt phân trần.
-
Cẩm Quyên
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |